Những cuộc chiến thương mại do Trump khởi xướng sẽ xoay vần ra sao ?

Ngày 20/01/2021, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, khép lại bốn năm cầm quyền « bất ổn » của Donald Trump bằng vụ xâm chiếm gây hỗn loạn ở trụ sở Quốc Hội lưỡng viện ở Đồi Capitol, sự kiện chưa từng xẩy ra trong lịch sử nước Mỹ. Một bộ máy chính quyền mới được thành lập. Nhưng câu hỏi đặt ra : Những cuộc thương chiến do Donald Trump khởi xướng rồi sẽ ra sao ? 

Cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đrinh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019.
Cựu tổng thống Mỹ, Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đrinh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019. AFP - BRENDAN SMIALOWSKI

« Chiến tranh thương mại », đây có thể được xem như là một « dấu ấn riêng » của thời trị vì Donald Trump. Bốn năm cầm quyền, cùng với đại dịch Covid-19, Donald Trump đã làm thay đổi nhiều nền thương mại quốc tế. Bởi vì, chỉ trong vòng có bốn năm, cựu chủ nhân Nhà Trắng, tiến hành song song hai cuộc chiến, một đối với « kẻ thù » Trung Quốc và một dành cho « đồng minh » châu Âu.

Hai cuộc chiến và hai sắc thái

 Với Trung Quốc, đó là một cuộc « chiến tranh du kích » theo như đánh giá của ông Emmanuel Lincot, nhà Trung Quốc học, Viện Công giáo Paris trên đài RFI. Các biện pháp áp thuế trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh đến hơn một nửa, thậm chí 2/3 lượng hàng nhập khẩu đến từ hai nước.

Đôi bên không chỉ đối đầu trên bình diện kinh tế, mà cả trong lĩnh vực địa chính trị, tập trung chủ yếu vào các hồ sơ như Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông… và thậm chí cả trên mặt trận hệ tư tưởng.

Ngược lại, với châu Âu, theo bà Cecilia Bellora, kinh tế gia tại Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin Quốc tế (CEPII), cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Liên Âu giống như một « trận đấu ping-pong ». Đôi bên dọa dẫm áp thuế lẫn nhau trong khuôn khổ vụ kiện đối phương hỗ trợ tài chính cho các hãng lắp ráp máy bay của mình là Boeing và Airbus, trước Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO. 

Nay Donald Trump đã hết nhiệm kỳ, một chính quyền mới được thiết lập. Tân tổng thống Joe Biden cam kết hàn gắn quan hệ với các đồng minh. Vậy tại sao Liên Hiệp Châu Âu lại ra sức ký kết một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc ngày 30/12/2020, vài tuần trước khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ?

Theo quan điểm của Emmanuel Lincot, tuy mới chỉ là « thỏa thuận về nguyên tắc » vì còn phải đợi ít nhất 2 năm nữa để Nghị Viện Châu Âu bật đèn xanh, nhưng văn bản này cũng chính là một cách để Bắc Kinh tìm cách thiết lập một liên minh, chí ít là nhằm làm đối trọng với những biện pháp bảo hộ do Donald Trump đề ra. Những chính sách mà Trung Quốc cho rằng vẫn sẽ được tân chính quyền Biden tiếp tục áp dụng.

« Trung Quốc kể từ giờ là kẻ thù, cả trên bình diện kinh tế lẫn chiến lược. Do Bắc Kinh buộc phải chuẩn bị mọi thứ, tìm kiếm một đối tác với châu Âu, trong trường hợp này là thỏa thuận về đầu tư (…) Bởi vì cũng nên biết rằng cho đến lúc này, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ hay Nhật Bản. Thế nên, Liên Hiệp Châu Âu là cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc. »

Donald Trump : Nỗi ám ảnh của châu Âu

Về phía châu Âu, tuy không đến mức gọi là « đọ sức », nhưng quan hệ Âu – Mỹ dưới thời Donald Trump cũng đã bị rạn nứt nghiêm trọng. Donald Trump nặng lời với các đồng minh, xem họ là những đối thủ cạnh tranh, còn « tồi tệ » hơn cả Nga và Trung Quốc.

Tuy ông Trump thất cử, một bộ máy chính quyền mới có vẻ hòa giải hơn nhưng châu Âu vẫn luôn tự hỏi liệu mọi việc đã thật sự chấm dứt ? Hay là điều đó lại sẽ bắt đầu ? Mối lo vẫn còn âm ỉ là nếu không có Trump thì sẽ có một « chủ nghĩa Trump » khác, còn triệt để hơn trong tư tưởng America First, khó đoán khó lường.

Thế nên, dẫu biết rằng thỏa thuận đầu tư đạt được với Trung Quốc còn nhiều vấn đề gây tranh cãi như khả năng được thâm nhập thị trường Trung Quốc đến đâu, hồ sơ nhân quyền, lao động cưỡng bức…, rằng văn bản này là một thắng lợi ngoại giao cho Trung Quốc, nhưng với Bruxelles đây cũng là cách khối 27 nước thành viên thể hiện một lập trường chung dè chừng một nước Mỹ khó lường. Bà Cecilia Bellora giải thích :

« Ở đây Liên Hiệp Châu Âu muốn đưa ra một lập trường: Đúng là chúng ta sẽ thiết lập quan hệ với Mỹ, nhưng đồng thời cũng muốn nói rằng Hoa Kỳ đã là một đối tác nhưng không còn hoàn toàn đáng tin cậy. Nghĩa là những năm tháng Trump đã để lại nhiều vết hằn, giờ không thể trở về như trước. Thế nên mới có ý tưởng, được Pháp xúc tiến nhiều, đó là tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu. Chúng ta sẵn sàng thảo luận với chính quyền Mỹ, nhưng chúng ta làm theo luật của chúng ta. »

Quan điểm này không được chuyên gia Nicolas Tenzer, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu cho hoạt động chính trị (CERAP) trên đài RFI tán đồng. Theo ông, quan hệ Âu – Mỹ đã có từ lâu và được hình thành dựa trên nền tảng các giá trị dân chủ và nhân quyền. Việc nỗ lực ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc là một tín hiệu xấu.

Bất chấp những điều bất định, giữa châu Âu và Mỹ có một mối liên minh cốt lõi. Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn cần đến NATO bởi vì khái niệm tự chủ chiến lược trên bình diện an ninh phòng thủ còn quá mơ hồ. Thế nên, Liên Âu lẽ ra nên đợi chính quyền Biden được thiết lập, rồi cùng nhau tìm kiếm một lập trường chung trên bình diện chiến lược quân sự.

Theo quan sát của ông Emmanuel Lincot, sự việc cũng cho thấy rõ sự lệ thuộc của một số nước thành viên Liên Âu vào thị trường Trung Quốc, dù rằng trên thực tế, trao đổi mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ chiếm một tỷ trọng khá lớn trong thương mại toàn cầu. 

« Nhìn đi nhìn lại, một số nước thành viên của Liên Âu như Đức chẳng hạn, cũng rất cần đến thị trường Trung Quốc cho ngành lắp ráp xe ô tô. Điều này cho thấy rõ kinh tế Đức lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, đối với Pháp thì ít hơn. Chính vì thế mà ông Macron tỏ ra do dự khi đặt bút ký thỏa thuận. Nếu tôi không nhầm, Pháp và một phần lớn các nước thành viên Liên Âu sẽ đi theo hướng hòa giải, tái lập trục Washington-Bruxelles, bởi vì chúng ta đừng quên rằng trao đổi mậu dịch giữa đôi bờ Đại Tây Dương chiếm đến 1/3 thương mại toàn cầu. »

Trung Quốc : Một đối tác khó tin tưởng

Câu hỏi đặt ra : Vì sao Trung Quốc vội vã ký thỏa thuận lúc này sau hơn 7 năm đàm phán ? Khi ký kết thỏa thuận đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Bắc Kinh tìm kiếm điều gì ? Chuyên gia Emmanuel Lincot đưa ra một số phân tích :

« Có hai vấn đề mà tôi cho là mang tính cốt lõi. Thứ nhất là vấn đề chủ quyền quốc gia mà người ta đang tán tụng bất kể đó là Mỹ hay là châu Âu. Bởi vì, chính quyền Trump và chính quyền Biden sẽ cũng làm như vậy, nói đến việc tách rời nền kinh tế (với Trung Quốc) sau khi Nhật Bản có những tuyên bố mạnh mẽ. Nghĩa là kể từ giờ, người ta nói đến chuyện đưa về nước những cơ sở công nghiệp nhậy cảm. Ông Emmanuel Macron cũng đi theo hướng này. Đây thật sự là một tin xấu cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ rất muốn có những hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao.

Khía cạnh thứ hai, mà tôi cho là quan trọng, và về điểm này Trung Quốc vẫn không thay đổi, đó chính là thiếu sự tin tưởng. Làm thế nào người ta có được sự tin tưởng vào những phát biểu của Trung Quốc, nay thế này mai thế khác. Chúng ta thấy rõ điều này trong mọi lãnh vực, chẳng hạn như con số nạn nhân Covid-19. Làm thế nào chúng ta có thể tin vào một chế độ bỏ tù, làm biến mất những con chim đầu đàn công nghiệp quan trọng nhất hay những doanh nhân như Mã Vân chẳng hạn. Đây thật sự là điều đáng quan ngại. »

Một điều chắc chắn là bốn năm thương chiến Mỹ - Trung và Âu – Mỹ, đã làm thay đổi rất nhiều nền thương mại thế giới. Một làn sóng co cụm được hình thành không chỉ riêng gì nước Mỹ, theo như nhìn nhận của nhà kinh tế học Cecilia Bellora.

« Đúng vậy, vì nhiều lý do. Một phần là từ phía Trung Quốc. Chúng ta biết là từ nhiều năm nay, Trung Quốc đề ra kế hoạch Made in China 2025, đây chính là chiến lược tái tập trung vào thị trường nội địa.

Tiếp đến, còn có một bầu không khí thương mại quốc tế đã bị thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, chúng ta đang chuyển từ giai đoạn có những quy định và một hệ thống nhằm duy trì sự ổn định, nay sang thời kỳ tất cả hoàn toàn bị đảo lộn. »

Xu hướng co cụm, tái di dời nhà xưởng còn được thúc đẩy nhanh hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) lan rộng khắp toàn cầu. Sự việc đã làm lộ rõ sự lệ thuộc của các nước phương Tây vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ hàng tiêu dùng cho đến cả các trang thiết bị, dụng cụ y tế.

Tuy vẫn là công xưởng của thế giới, nhưng theo quan sát của chuyên gia Emmanuel Lincot, dịch Covid đã thật sự gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở bên ngoài, như dự án Một vành đai một con đường (One Belt, One Road) chẳng hạn.

« Điều quan trọng là trong phiên họp toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương gần đây nhất, Trung Quốc không một lần đề cập đến kế hoạch Made in China 2025. Điều đó có nghĩa là kỳ hạn 2025 này không được tuân thủ, đơn giản chỉ vì Trung Quốc không có phương tiện đầu tư cho kế hoạch này, cũng như cho dự án nổi tiếng Một vành đại một con đường, do Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Chỉ dấu tốt nhất cho phép thấy rõ là Trung Quốc phải tái tập trung vào các hoạt động trong nước và những vùng phụ cận gần nhất, và Bắc Kinh hầu như không còn cung cấp các thông tin về dự án Con Đường Tơ lụa Mới nữa. »

Phải chăng điều này giải thích một phần vì sao Bắc Kinh vội vã ký thỏa thuận Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) được đúc kết hồi trung tuần tháng 11/2020 với ASEAN, Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Hàn Quốc ?

Nguồn tin RFI Tiếng Việt