Mạng truyền thông QAnon, ‘‘đồng minh’’ trong bóng tối của Trump
Bầu cử 2020 cho thấy một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Tổng thống mãn nhiệm liên tục lên án bầu cử gian lận quy mô lớn, tước đoạt chiến thắng của ông, dù không hề có bằng chứng. Rất nhiều người ủng hộ Trump coi đối thủ chính trị của ông là kẻ thù không đội trời chung. Cho dù chuyển giao quyền lực diễn ra, đối đầu dự báo sẽ kéo dài trong căng thẳng. Vì sao nước Mỹ bị phân hóa đến thế ?
Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều chuyên gia, nhà quan sát khẳng định vai trò quan trọng của đủ loại « thuyết âm mưu », nở rộ trong những năm vừa qua. Mạng truyền thông không chính thức QAnon được coi là một thế lực trong bóng tối hùng mạnh, nơi phát xuất của nhiều « thuyết âm mưu », có ảnh hưởng lớn đến cách suy nghĩ của người Mỹ, đặc biệt là các cử tri đảng Cộng Hòa nói chung, giới ủng hộ ông Donald Trump nói riêng. QAnon hoạt động ra sao ? Vì sao mạng lưới truyền thông này là có nhiều ảnh hưởng như vậy ? Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Xã hội của RFI tuần này.
« Cuộc nội chiến » thầm lặng chống lại một « nhà nước ngầm »
QAnon xuất hiện vào mùa thu 2017, ít tháng sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống. « Q » là tên gọi rút gọn của « Q Clearance Patriot », biệt danh của một tài khoản trên một diễn đàn mạng nhiều tai tiếng mang tên « 4chan ». « Anon » là tên viết tắt của từ « vô danh » trong tiếng Anh. Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được danh tính của cá nhân hay nhóm đứng đằng sau biệt danh « Q ». Chủ nhân của tài khoản mang tên « Q » khẳng định tiếp cận được với các tài liệu mật cho thấy có một âm mưu ngầm chống lại tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Theo « Q », lãnh đạo nhóm chống tổng thống hiện nay là một tổ chức tội phạm, bao gồm cựu tổng thống Obama, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, tỉ phú George Soros, gia đình Rothschild, nhiều ngôi sao điện ảnh Holywood, và nhiều quan chức cao cấp Mỹ. Thế lực này cũng bị cáo buộc tham gia buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục, và được coi là đã bí mật điều khiển nước Mỹ từ nhiều thập niên nay, cùng với nhiều thế lực nước ngoài. Theo « Q », chỉ có Donald Trump và các cộng sự của ông mới là người có thể chống lại « nhà nước ngầm » này, cứu nước Mỹ, trả lại quyền lực cho nhân dân (Les Echos ngày 21/08/2020).
Gần đây, các thành viên của QAnon khi xuất hiện trước công chúng thường mang theo biểu tượng chữ Q, mang màu đỏ, hoặc màu cờ Mỹ, với khẩu hiệu « Một người trong chúng ta đi đâu, tất cả cùng đi » (Where We Go One We Go All – viết tắt là « WWG1WGA »).
Một người ủng hộ phong trào, ông Jordan Sather, cho biết trên Youtube, « QAnon, tóm lại, là một cuộc nội chiến bí mật, do một số người ly khai khỏi hệ thống tình báo tiến hành. Các thông điệp của ‘‘Q’’ giúp chúng ta thức tỉnh, để nhận ra sự thật ». Nhà nghiên cứu Travis View, chuyên gia về phong trào QAnon, xác nhận : « ‘‘Q’’ tự nhận là một quan chức cao cấp trong ngành tình báo quân sự, thân cận với ông Donald Trump ». Một niềm tin chủ yếu của những người theo QAnon đó là những thế lực có « âm mưu đen tối » sẽ sớm bị bắt giữ hàng loạt, và « trận cuồng phong này » (the Storm) sẽ đưa tất cả đến nơi « bình an và hạnh phúc ». Erin Cruz, một người ủng hộ QAnon, ứng cử viên Cộng Hòa vào Nghị Viện California cuối năm 2019, khẳng định đầy vẻ tin tưởng : « Các thuyết âm mưu có vẻ điên rồ, cho đến khi chúng được chứng minh là đúng ».
Phẫn nộ : « Bão chồng lên bão »
Phong trào QAnon thoạt tiên chỉ nằm bên lề xã hội Mỹ, bởi các thuyết âm mưu những người chủ xướng đưa ra bị coi quá cực đoan. Tuy nhiên, QAnon nhanh chóng thu hút được nhiều « tín đồ », với việc tung ra tin giả đủ loại, đặc biệt gần đây trong bối cảnh xã hội Mỹ lâm vào khủng hoảng với đại dịch Covid-19, hay phong trào Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng quan trọng), chống bạo lực và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát. Chẳng hạn như một điều tra của New York Times cho biết nhiều thành viên phong trào này đã xâm nhập vào mạng lưới bảo vệ trẻ em #SaveTheChildren, để tung ra một bản đồ bịa đặt về các địa điểm buôn trẻ em.
Chuyên gia về truyền thông và hiện tượng tin giả, bà Whitney Phillips, đưa ra một ẩn dụ đầy hình ảnh để nói về sức mạnh và tốc độ phát triển của QAnon. Nhà nghiên cứu Đại học Syracus, New York, so sánh QAnon với hiện tượng thời tiết được đặt tên là « hiệu ứng Fujiwhara », một cơn cuồng phong trở nên mạnh hơn gấp bội, nhờ một cơn cuồng phong khác tiếp sức. QAnon không chỉ là một « trận bão » truyền thông, phong trào này còn mang năng lượng của nhiều « trận bão » dồn dập ập đến trong những năm gần đây.
Chuyên gia về các thuyết âm mưu Mike Rothschild, tác giả cuốn « The World's Worst Conspiracies » (cũng là tác giả một cuốn sách về QAnon, sẽ ấn hành năm tới 2021) nhận xét : với đại dịch Covid, mọi thứ nhập làm một. Nếu bạn đến một nhóm chống vac-xin, bạn sẽ gặp những người chống khẩu trang, nếu bạn đến một nhóm chống khẩu trang, sẽ gặp người chống Bill Gates, đệ tử cuồng nhiệt của QAnon… Rốt cục bạn sẽ tin vào tất cả những điều này.
Theo chuyên gia về thuyết âm mưu Travis View, « điều mà QAnon mang lại cho người tin theo là khả năng hiểu được những gì diễn ra mà không cần đến các phương tiện truyền thông. Chỉ cần đi theo ‘‘Q’’, người được coi là có quan hệ với giới tình báo cao cấp, người có thể nói cho bạn biết những gì diễn ra thực sự trong hậu trường. Mong muốn có được các thông tin bí hiểm này là đặc điểm chung của tất cả những người tin theo ''Q'' » (Le Monde, 14/10/2020).
Mạng xã hội: Nơi phù thủy luyện âm binh
Trong thông điệp đầu tiên năm 2017, « Q » khẳng định cựu ngoại trưởng Hillary Clinton sắp bị bắt giam. Tuy nhiên, tiên đoán này đã không xảy ra. Kể từ đó « Q » từ bỏ giọng điệu khẳng định, để chuyển sang kêu gọi những người tham gia đóng góp « phần nhỏ của mình », tùy theo sáng kiến riêng, miễn là phù hợp với chủ trương chung của phong trào. Các thông điệp của phong trào liên tục đổi mới, thích ứng với phương thức liên hệ hết sức uyển chuyển, trên các mạng xã hội, nơi mà mỗi cá nhân toàn quyền đưa ra các giải thích riêng của mình.
Theo chuyên gia Mike Rothschild, khi những người chủ trương mạng « QAnon » thấy một số các bài viết hay thông điệp thu hút nhiều chú ý, họ sẽ đưa lên Youtube, và chính từ đây, các nội dung đó sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Một điều tra nội bộ của Facebook, mà kênh truyền hình NBC tiếp cận được hồi đầu tháng 8, mang lại một hình dung sơ bộ về quy mô của phong trào. Facebook xác định được hàng nghìn nhóm, trang mạng với hơn 3 triệu thành viên và người đăng ký, có liên quan đến trào lưu QAnon. Kể từ tháng 3 đến tháng 8, số lượng trang và nhóm QAnon trên Facebook tăng gấp 6,5 lần (FranceInfo). Cũng tháng 8/2020, theo điều tra của New York Times, những nhóm QAnon nổi tiếng nhất trên Facebook tập hợp đến 200.000 người tham gia.
Chia rẽ, ngờ vực, thù hận : Nỗi lo nước Mỹ bị xé làm hai
« Thuyết âm mưu » và tin giả song hành như hình với bóng. Để hiểu được vì sao mạng truyền thông trong bóng tối QAnon lại có được sức hấp dẫn như vậy trong xã hội Mỹ, bên cạnh những bối cảnh thuận lợi như đại dịch Covid - gây nhiều lo lắng trong xã hội, một nguyên nhân khác có thể thấy trong chính chủ trương của tổng thống Hoa Kỳ, chống lại truyền thông chủ lưu, chống lại cách xử lý thông tin nghiêm túc của nhiều phương tiện truyền thông chuyên nghiệp, gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà báo Phạm Trần, nhà quan sát chính trị Mỹ từ nhiều thập niên nay, nhận xét :
« Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống của nước Mỹ, một tổng thống đương quyền thất cử lại nói rằng mình thua là do gian lận. Đối với người dân Mỹ, phải coi đó là một lời tuyên bố, một xác quyết xâm phạm đến tính ngay thẳng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Cho đến giờ này, bốn năm cầm quyền của ông Donald Trump đã tạo ra một không khí nghi ngờ, chia rẽ, phân hóa trong xã hội Mỹ, và trong chính quyền Mỹ, không có tin tưởng ở nhau. Đấy là một hậu quả tôi cho rằng là nghiêm trọng.
Ông Trump tạo ra sự nghi ngờ đối với nền dân chủ Hoa Kỳ, và tạo ra ấn tượng là bầu cử ở Mỹ có gian lận, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Báo chí hỏi ông ấy, tại sao lại không đưa ra bằng chứng ? Thì ông ấy lại tố cáo những người phóng viên đã đặt câu hỏi ấy là đã đưa ra tin giả, ‘‘fake news’’. Ông Trump đã thành công trong việc tạo ra làn sóng (chống lại cái gọi là) ‘‘fake news’’.
Những gì không thuận tay ông ấy, những gì ông ấy không thấy có lợi cho ông ấy, thì ông ấy gọi là ‘‘fake news’’, hay không có lợi cho đảng Cộng Hòa thì ông ấy cho là fake news. Và những gì mà đối thủ của ông ấy nói, những người chống ông ấy, tuyên bố thì đều bị coi là fake news, thì ông ấy lại gán ghép cho họ là đưa ra những ‘‘fake news’’, để che đậy âm mưu của mình. Hiện tượng gọi là ‘‘fake news’’ đó, cách tuyên truyền của ông Donald Trump đã trở thành một hiện tượng trong xã hội Mỹ, sẽ tiếp tục tồn tại, sẽ phát triển mạnh hơn, mặc dù ông Donald Trump sẽ rời Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/01/2021 ».
Với khoảng 80 triệu người đăng ký theo dõi trên Twitter, ông Donald Trump, với quyền lực của một tổng thống Mỹ, là một trong những người có ảnh hưởng ghê gớm nhất đến công luận toàn cầu. Việc tổng thống Trump thường phổ biến quan điểm gây chia rẽ công chúng, những người theo ông và những người chống ông, quyết liệt chống lại các phương tiện truyền thông không ủng hộ ông, quy tất cả vào một nhóm « kẻ thù của nhân dân » (ngôn từ thường được các chế độ toàn trị sử dụng để triệt hạ hoàn toàn các đối thủ), ắt hẳn đã tạo đất tốt cho sự nở rộ của đủ loại thuyết âm mưu, tin giả, trong đó có các thuyết âm mưu mà QAnon phổ biến.
Trump – QAnon : Quan hệ nước đôi
Về mặt nguyên tắc, ông Donald Trump được coi là người không bao giờ nói trực tiếp về QAnon. Tùy viên báo chí của Nhà Trắng năm 2018 tuyên bố tổng thống Trump « tố cáo và lên án và mọi hành động bạo lực nhắm vào một cá nhân ». Trong một cuộc họp báo vào tháng 8/2020, ông Trump đã tránh trả lời phóng viên, khi được đặt câu hỏi về QAnon. Câu hỏi được nhà báo đặt ra sau khi tổng thống Trump gửi thông điệp trên mạng Twitter khen ngợi ứng cử viên vào Hạ Viện, bà Marjorie Taylor Greene, một đệ tử của phong trào QAnon (theo AP, ngày 14/08/2020). Trong một đoạn video đưa lên mạng năm 2017, bà Greene ca ngợi ông Trump là cơ hội giúp cho nước Mỹ « chống lại băng nhóm của những kẻ ấu dâm, tôn thờ quỷ Satan » – một nội dung chủ yếu trong thuyết âm mưu của QAnon. Người vừa đắc cử hạ nghị sĩ cũng là người chủ trương chống phá thai, ủng hộ mang súng, coi người da trắng là nhóm xã hội « bị ngược đãi nhất » tại Mỹ (bà Greene là một trong hai ứng cử viên ủng hộ QAnon đắc cử Hạ Viện lần này) (France Culture, ngày 04/11/2020).
Trên thực tế, tổng thống Donald Trump có quan hệ gần gũi với nhiều thành viên QAnon. Ví dụ như Michael William Lebron (biệt danh « Lionel »), một người dẫn chương trình phát thanh, hoạt động tích cực trên mạng, với gần 150.000 người theo dõi trên Twitter và 250.000 người trên kênh Youtube cá nhân. Michael William Lebron nổi tiếng là một trong những người tuyên truyền nhiệt tình cho các luận thuyết « âm mưu » của QAnon. Hay cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Michael Flynn, cũng là người nhắc lại các khẩu hiệu của QAnon trên trang Twitter.
Nhà nghiên cứu Joseph Uscinski, Đại học Miami, chuyên gia về các nhóm chính trị bên lề, ghi nhận QAnon là nhóm được coi là « cực đoan nhất » trong giới cử tri ủng hộ Donal Trump. Thái độ gần gũi của ông Trump với nhóm này đặt chính đông đảo giới chính trị gia Cộng Hòa vào thế khó xử. Đa số không dám phản đối, bởi ông Trump được cử tri ủng hộ đông đảo, nhưng việc lờ đi chuyện này có thể gây khó cho đảng Cộng Hòa, khi QAnon đã nằm trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI), như một « nguy cơ đối với an ninh quốc gia » (France 24, 22/07/2020).
Mối đe dọa thường trực đối với nền dân chủ
Ảnh hưởng QAnon có nguy cơ dẫn đến các hành động cực đoan nguy hiểm trong kỳ bầu cử Mỹ. Đây có thể là lý do khiến tập đoàn Facebook đầu tháng 10 vừa qua đã quyết định loại trừ tất cả những gì liên quan đến QAnon ra khỏi mạng xã hội này, sau một thời gian dài dung dưỡng mạng truyền thông trong bóng tối. Youtube cũng đưa ra một số biện pháp. Tuy nhiên, QAnon chắc chắn không chết, bởi sự phát triển của phong trào này giờ đây không còn phụ thuộc vào Facebook.
Quan hệ giữa tổng thống mãn nhiệm Mỹ với QAnon, mạng truyền thông đầy thế lực, chủ trương các thuyết âm mưu mờ ám, là vấn đề đang tiếp tục được giới chuyên gia làm sáng tỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, thái độ nước đôi của tổng thống Mỹ, chủ trương phủ nhận triệt để vai trò của truyền thông chủ lưu, tất cả những gì đi ngược lại quan điểm của cá nhân ông Trump đều bị gán nhãn « fake news », đã tạo ra một không khí xã hội rất thuận lợi cho đủ loại thuyết âm mưu phát triển. Đây cũng chính là nguồn gốc sản sinh vô số tin giả, gây rối nhiễu công luận.
Nhà chính trị học Pháp Rudy Reichstadt, phụ trách trang mạng Conspiracy Watch (thành lập từ năm 2007, chuyên nghiên cứu các phong trào cực đoan), nhấn mạnh « sự nở rộ của thuyết âm mưu biến các tranh luận trong một xã hội dân chủ thành cuộc đối thoại giữa những người điếc », « việc hủy bỏ mọi khả năng về ‘‘một thế giới chung’’ mà mọi người có thể chia sẻ, việc hủy hoại niềm tin vào một hiện thực mang tính sự kiện, mà xung quanh đó, có thể diễn ra đối thoại giữa các quan điểm trái ngược » là mối đe dọa thường trực đối với các nền dân chủ (Le Monde, 25/11/2020).
Nguồn tin RFI Tiếng Việt