Việt Nam: Đợt dịch Covid-19 thứ hai dữ dội hơn đợt đầu tiên

Về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 ra cộng đồng tại Việt Nam. Phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh.
Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp ngày 30/07/2020.
Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp ngày 30/07/2020. REUTERS - KHAM
Thanh Phương
Sau hơn ba tháng không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, và sau một thời gian dài được cả thế giới khen ngợi về thành tích phòng chống dịch Covid-19 giỏi đến mức không có một ca tử vong nào (theo thông báo chính thức), Việt Nam nay phải đối phó với một làn sóng dịch thứ hai, đến bất ngờ và dữ hội hơn lần trước, với tâm chấn là thành phố du lịch Đà Nẵng.
Tính đến sáng hôm nay, 03/08/2020, tại Việt Nam đã có đến 6 người chết vì dịch Covid -19, tuổi từ 53 đến 86, tất cả trước đó đều đã có những bệnh mãn tính và đều có liên quan đến Đà Nẵng. Điều đáng nói là số tử vong có vẻ đang tăng nhanh, vì chỉ riêng trong ngày Chủ nhật đã có 3 người chết vì Covid-19. Số tử vong rất có thể sẽ còn tăng nữa vì hiện có 13 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cũng tính đến sáng hôm nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 621 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 242 bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Như vậy là sau hơn ba tháng không phát hiện ca nào (ngoài những ca ngoại nhập), dịch Covid-19 lại xuất hiện trong cộng đồng, chính thức là kể từ ngày 25/07 ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay, đã có hơn 174 ca nhiễm mới được ghi nhận, trong đó có 120 ca ở Đà Nẵng, phần còn lại là ở các tỉnh thành khác: Quảng Nam với 35 ca, Sài Gòn 8 ca, và Quãng Ngãi và Đắc Lắk mỗi nơi 3 ca, Hà Nội 2 ca, Thái Bình, Hà Nam và Đồng Nai mỗi nơi 1 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 từ Đà Nẵng đang lan rộng như vậy, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ xét nghiệm toàn bộ 1,1 triệu dân của thành phố này. Vấn đề là kể từ ngày 01/07 đã có hơn 800.000 người đến Đà Nẵng và sau đó trở về nơi ở của họ tại các tỉnh thành khác. Ngoài ra còn có khoảng 41.000 người đã từng đến chữa bệnh tại các bệnh viện của Đà Nẵng, nơi tập trung phần lớn các ca nhiễm mới. Thân nhân của người bệnh cũng bị lây nhiễm. Chẳng hạn như ca mới nhất được thông báo hôm nay là một phụ nữ 60 tuổi, cư dân tỉnh Quảng Ngãi, đến chăm sóc người thân ở Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 18 đến 22. Đến ngày 31/07 bà bắt đầu bị ho và sốt cao, rồi được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona.
Mặt khác, chính quyền Việt Nam hôm qua thừa nhận là rất khó truy ra nguồn gốc của đợt dịch lần này, vì tại Đà Nẵng có nhiều nguồn virus và có rất nhiều người bị lây nhiễm trong cộng đồng. Còn theo lời quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thành Long, virus corona gây ra đợt dịch lần này là “một chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.” Ông Long cho biết chỉ số lây nhiễm của virus mới này là khoảng 5-6, tức là một người có thể lây cho 5-6 người, trong khi chỉ số lây nhiễm của virus trong đợt dịch trước chỉ khoảng 1,8-2,2.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 30/07/2020, vào lúc mà Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, đã nhấn mạnh đến nguy cơ lây nhiễm từ những người nhập cảnh trái phép và nguy cơ từ các bệnh viện.
RFI: Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, với tư cách một người làm trong ngành y tế, bác sĩ có ngạc nhiên về sự bùng phát của đợt dịch lần này?
BS Trương Hữu Khanh: Dịch xảy ra như thế này thì mình có thể tiên đoán được, tại vì những nước chung quanh vẫn còn, thì khả năng ca ngoại lại xâm nhập là có thể xảy ra. Vấn đề là mình biết lúc nào nó tới. Về nguyên tắc, một nước đã khống chế được nội tại, nhưng không kiểm soát được nguồn ngoại lai xâm nhập, thì mình sẽ bị. Ở Việt Nam, chỉ có sân bay, đường hàng không là kiểm soát được tốt, chứ còn đường bộ, đường sông thì mình không thể kiểm soát được. Theo tôi, nếu mình không kiểm soát được nhập cư, thì mình sẽ bị như thế này.
RFI: Dịch đã bùng phát đầu tiên ở Đà Nẵng và đã có nhiều người bị nhiễm từ Đà Nẵng đến một số thành phố khác, vậy theo bác sĩ làm cách nào để ngăn dịch lây lan thêm nữa?
BS Trương Hữu Khanh: Việc quan trọng nhất là mình phát hiện và sàng lọc những người ở các tỉnh khác, nếu phát hiện ra một ca thì mình sẽ vẽ đường đi của họ, xem họ đã đi đến những nơi nào, mình phải đuổi theo trước con virus, có nghĩa là họ đã đi đến đó thì có khả năng là con virus tồn tại ở khu vực đó. Muốn kiểm soát dịch này thì mình phải chặn trước con virus. Mình phải khoanh vùng và tầm soát những người đến khu vực đó, thông báo cho họ phải tiếp xúc với cơ quan y tế và tự cách ly mình. Việt Nam đang làm như vậy.
RFI: Thưa bác sĩ, Việt Nam có đã rút những kinh nghiệm từ đợt dịch trước hay không, tức là áp dụng những biện pháp đã được thực hiện trước đây?
BS Trương Hữu Khanh: Chắc chắc là phải áp dụng quyết liệt hơn là đối với những trường hợp trước đây, bởi vì thời gian mà mình phát hiện ca đầu tiên thì tương đối là trễ: có bệnh nhân nặng có nghĩa là ngoài cộng đồng đã có rồi. Thường thường cộng đồng phải có bệnh nhẹ trước, rồi mới có bệnh nặng. Thứ hai là phát hiện rồi mình mới thấy ổ dịch là nằm ở các bệnh viện, có nghĩa là những nơi giao lưu rất nhiều. Đó lại là những bệnh viện lớn, giao lưu từ các tỉnh rất là nhiều. Đây lại là một tỉnh thành du lịch, giao lưu rất là nhiều. Cho nên có khả năng là mình phải làm quyết liệt hơn và thời gian để khống chế dịch có thể sẽ dài hơn.
RFI : Thưa bác sĩ, những thành phố khác mà có nguy cơ là có những người đến từ Đà Nẵng thì phải thi hành những biện pháp nào để ngăn chận dịch Covid-19 bùng phát mạnh?
BS Trương Hữu Khanh: Thứ nhất là phải khai báo y tế. Tất cả những người từ thành phố Đà Nẵng về, tính theo khoảng thời gian mà họ mang mầm bệnh từ nơi đó, về đều phải khai báo y tế. Từ khai báo y tế đó, người ta mới hướng dẫn cho họ những phương pháp phòng ngừa tại chổ, khi phát hiện thì phải làm như thế nào. Hiện Việt Nam cũng đang dần dần lấy mẫu tất cả những nhóm người đó, để xem trong người họ có mang virus hay không. Nếu không mang virus thì kêu gọi họ tự cách ly. Còn nếu họ có mang virus thì phải cách ly tập trung.
Đó là biện pháp khoanh vùng. Còn riêng trong tỉnh mà mình đã phát hiện ca bệnh thì phải dò đường đi của ca bệnh đó, đuổi theo ca bệnh đó và khoanh vùng tiếp tục, để giám sát xem những người ở vùng đó có mang virus hay không, thì mới có thể khống chế được.
RFI: Vẫn theo nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tiến hành xét nghiệm đại trà. Việt Nam có đủ phương tiện để tiến hành xét nghiệm hàng loạt đó?
BS Trương Hữu Khanh: Việt Nam có đủ phương tiện, bởi vì năng lực xét nghiệm của Việt Nam hiện nay được mở ra khá là nhiều rồi. Năng lực phát hiện ban đầu, cũng bằng phương pháp PCR, để phát hiện ca âm tính, thì đủ. Còn nếu là ca dương tính thì mình phải check lại một lần nữa. Cái này Việt Nam cũng đủ năng lực. Về sinh phẩm, Việt Nam cũng tự sản xuất được và cũng nhập khẩu được, bởi vì hiện nay nguồn sinh phẩm để chẩn đoán không phải là khó kiếm như lúc ban đầu.
Thứ hai là trong suốt thời gian vừa rồi, Việt Nam đã tập huấn cho những cơ sở xét nghiệm khác nhau để nâng năng lực của họ lên, tăng số nơi xét nghiệm lên.
Cái Việt Nam hiện nay khởi động nhiều hơn, đó là khối điều trị. Lúc trước ca bệnh nặng không nhiều, chỉ là bệnh nhẹ thôi. Bây giờ có những ca bệnh nặng nên phải khởi động một số nơi điều trị bệnh nặng, để chia sẻ cho các vùng chưa có kinh nghiệm. Lúc trước chỉ tập trung các ca bệnh nặng ở hai nơi là bệnh viện Chợ Rẫy, Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh và Nhiệt Đới Trung Ương. Bây giờ người ta đang mở ra những nơi khác như Bệnh viện Trung ương Huế, rồi dần dần sẽ mở ra thêm để đủ năng lực điều trị bệnh nặng, trải đều ra.
RFI: Thưa bác sĩ, với tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, chắc là Việt Nam sẽ phải tiếp tục đóng cửa biên giới, tức là khoan đón nhận trở lại du khách nước ngoài, đề phòng những ca ngoại nhập?
BS Trương Hữu Khanh: Khi đã có những ca du nhập mà không kiểm soát được và ở các nước khác đang có đợt dịch mới, chắc chắn là Việt Nam chưa thể mở cửa du lịch thoải mái, có thể chỉ mở cửa chọn lọc cho một số chuyên gia vào làm việc. Những người này phải tuân thủ cách ly 14 ngày, rồi xét nghiệm lại.
RFI: Nếu đợt dịch kỳ này quá lớn so với kỳ trước, bệnh viện của bác sĩ đang chuẩn bị như thế nào để tiếp nhận bệnh nhân?
BS Trương Hữu Khanh: Bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 1 tuần nay đã khởi động rồi và đã tiếp nhận bệnh nhân rồi, nhưng đó là những ca mà mình nghi ngờ thôi. Những nhân viên bệnh viện đi từ Đà Nẵng về hoặc đã đến những bệnh viện có ca bệnh thì cũng đã được xét nghiệm và cách ly theo dõi. May mắn là những người đó đều được xét nghiệm âm tính.
Đối với bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu phát hiện các ca dương tính thì chúng tôi chia thành hai nhóm. Nếu là người lớn thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhiệt Đới hoặc bệnh viện dã chiến, còn trẻ nhỏ thì mình chuyển sang Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố, vì bệnh viện Nhi Đồng 1 đang trong giai đoạn xây dựng.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt