Hai cội nguồn của chế độ toàn trị Trung Quốc: Cơ hội nào cho dân chủ? (Francis Fukuyama)





"Cho dù tham vọng kiểm soát trở lại theo kiểu toàn trị, « tư tưởng Tập Cận Bình » cũng chỉ là một bản sao mờ nhạt của tư tưởng Mao, với cuốn Sách Đỏ nổi tiếng. Tập Cận Bình đã không đủ sức đưa ra một ý thức hệ mang tính nhất quán như Mao, đủ sức dấy lên niềm tin cuồng tín của hàng triệu người Trung Quốc. Nhưng ngược lại, chính quyền Tập Cận Bình lại có được các phương tiện công nghệ tinh vi, hùng hậu của kỷ nguyên công nghệ số, cho phép dễ dàng kiểm soát dân chúng, khác hẳn thời Mao hay Staline.  Cũng khác với thời Mao, chủ yếu dựa vào đàn áp, đe dọa, giờ đây chính quyền thời Tập dựa nhiều hơn vào việc chiêu dụ được một tầng lớp trung lưu, dễ bảo nhờ các món lợi vật chất…"

Chân dung ông Tập Cận Bình nổi bật lên hàng đầu, với đằng sau là các lãnh đạo Trung Quốc khác, trên một món đồ lưu niệm (từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào).

Chân dung ông Tập Cận Bình nổi bật lên hàng đầu, với đằng sau là các lãnh đạo Trung Quốc khác, trên một món đồ lưu niệm (từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào). REUTERS/Thomas Peter



Chế độ « cộng sản » Trung Quốc đang ngày càng trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với nhiều xã hội. Từ dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, dự án « Con đường tơ lụa mới », đến bành trướng quân sự trên biển... Nhưng với nhiều chuyên gia, đe dọa lớn nhất đến từ chế độ toàn trị Trung Quốc. Theo quan điểm này, chế độ toàn trị Trung Quốc là gốc rễ của vô số các hiểm họa đe dọa phần còn lại của thế giới, và đối với chính xã hội Trung Quốc. 




Nhận diện cho đúng chế độ toàn trị hiện nay tại Trung Quốc là cơ sở cho phép các nền dân chủ có được đối sách đúng. Tuy nhiên, nhận diện đúng không phải là điều dễ. Do tính chất khép kín của chế độ này, do những đặc thù của nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Khó nhận diện cũng có phần do thế đối đầu Mỹ - Trung hiện nay có xu hướng thổi bùng lên những mâu thuẫn mang tính quốc gia, vô hình chung đẩy lùi vấn đề mô hình xã hội - toàn trị, dân chủ hay độc tài - vào tuyến hai. Vấn đề chế độ chính trị có xu hướng được đơn giản hóa, để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trước mắt. Chỉ trích của nhiều chính trị gia các nước dân chủ tập trung vào tính chất « cộng sản » của chế độ chính trị hiện hành, mà coi nhẹ những gốc rễ của chế độ toàn trị trong chính truyền thống Trung Hoa nghìn năm. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia về Trung Quốc, về chính trị quốc tế, vẫn tiếp tục có các nghiên cứu. Học giả Mỹ Francis Fukuyama tháng 5/2020 vừa qua công bố bài phân tích : « What Kind of Regime Does China Have? » - tạm dịch : «Trung Quốc có chế độ kiểu gì? » (1), tìm cách giải mã các cội nguồn của chế độ toàn trị Trung Quốc, một số đặc điểm căn bản của mô hình chính trị Trung Quốc thời cộng sản, từ thời Mao, Đặng… cho đến Tập Cận Bình (2). Tác giả cũng đề xuất một triển vọng được coi là khả thi hơn cả cho sự trỗi dậy của dân chủ tại Trung Quốc. Sau đây, RFI tiếng Việt xin giới thiệu một số nét chính của bài phân tích. 
***

Chế độ toàn trị là gì ? 

Thuật ngữ « toàn trị » do hai nhà chính trị học Mỹ, Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski, chế tác ra vào những năm 1950, để chỉ các xã hội theo « mô hình Liên Xô » và « phát xít ». Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski phân biệt các chế độ « toàn trị » với các chế độ gọi là « độc đoán ». « Toàn trị » là các chế độ do một đảng duy nhất lãnh đạo, với một ý thức hệ bao trùm, sử dụng quyền lực công an trị để buộc mọi người dân trong xã hội phải trung thành tuyệt đối với ý thức hệ chính thống, với việc « kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh riêng tư nhất của các thành viên trong xã hội ». Các chế độ này hy vọng « cắt đứt toàn bộ các liên hệ xã hội trước đó, để buộc tất cả mọi người phụ thuộc trực tiếp vào chính quyền ». Đảng thực thi vai trò « tẩy não » dân chúng một cách triệt để, « đến mức họ không còn nhận ra những xiềng xích cột họ vào Đảng ». Một hình tượng tiêu biểu cho thành công của chế độ toàn trị Xô Viết là nhân vật người thiếu niên Pavel Morozov, được lãnh tụ Staline nhiệt liệt biểu dương, do đã có công tố cáo cha mẹ mình với công an mật. 

Đâu là các cội rễ của chế độ toàn trị tại Trung Quốc hiện nay ? 

Học giả Mỹ Francis Fukuyama nhấn mạnh : xã hội Trung Quốc là « một trong những xã hội có lịch sử liên tục dài nhất thế giới, và có rất nhiều sự tiếp nối xuyên qua các triều đại, cho đến chế độ hiện nay ». Trung Quốc là « nền văn minh đầu tiên trên thế giới tạo lập ra một bộ máy Nhà nước mang tính hiện đại », tức một bộ máy Nhà nước được coi như vận hành độc lập với các quan hệ cá nhân, dù là với hoàng đế, với gia tộc hoàng đế hay với các thân hữu của hoàng đế. Một bộ máy Nhà nước vận hành theo các quy tắc riêng, tập quyền cao độ. Bộ máy này ra đời vào dưới triều đại nhà Tần, triều đại đầu tiên thống nhất các vương quốc tại khu vực trung tâm lãnh thổ Trung Quốc hiện nay (vào năm 221, trước Công nguyên). Thời Tần Thủy Hoàng chỉ tồn tại chưa đầy 20 năm, nhưng để lại các hệ quả vô cùng lớn trong xã hội Trung Hoa suốt hơn 2.000 năm sau. Triều đại nhà Hán, kéo dài hơn 4 thế kỷ sau đó, đã kế thừa phương thức tổ chức Nhà nước tập quyền của Tần Thủy Hoàng, và bổ sung vào đó vai trò hàng đầu của Khổng giáo, của tầng lớp quan lại theo Nho giáo, được phó thác sứ mạng lãnh đạo một trong các đế chế lớn nhất thế giới thời đó. Một đặc điểm tiêu biểu khác của chế độ chính trị thời Tần, rồi đến thời Hán, là : trong các đế chế hùng mạnh này tại Trung Hoa chưa bao giờ có các định chế chính trị mang tính đối trọng, như Nhà nước pháp quyền, hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ (democratic accountability), mà chủ yếu dựa vào tầng lớp lãnh đạo điều hành đất nước, thông qua con đường « giáo dục ».

Bộ máy Nhà nước tập quyền và không có đối trọng, do một tầng lớp quan lại được tuyển chọn thông qua học vấn vận hành, đó là các đặc điểm tiêu biểu của nền chính trị Trung Hoa suốt 2.000 năm. Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực là thách thức mà chính quyền Trung Hoa liên tục gặp phải. Hoàng đế phải sử dụng tầng lớp quan lại để điều hành bộ máy Nhà nước, nhưng ai kiểm soát bộ máy này, khi bộ máy bị hư hỏng? Tầng lớp hoạn quan đã được sử dụng làm nhiệm vụ này. Đến đời nhà Minh, lại phải lập ra cả một bộ phận riêng để kiểm soát các hoạn quan, do sự lộng hành của nhóm này. Vấn đề tương tự cũng đặt ra hiện nay, khi đảng Cộng Sản kiểm soát chính quyền, Ban Tổ Chức của Đảng kiểm soát Đảng. Và dưới thời Tập Cận Bình, đến lượt Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương được giao nhiệm vụ kiểm soát Ban Tổ Chức… 

Tuy nhiên, nếu như có những điểm kế tục giữa phương thức cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay với các triều đại trước đây, thì cần phải nhấn mạnh là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kế tục truyền thống toàn trị thời Liên Xô của Staline, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử Trung Hoa trước đó. Phương thức toàn trị Xô Viết, với hệ thống tuyên huấn, dân vận, trại cải tạo, trại tập trung, mạng lưới những tay chân của chế độ có mặt khắp nơi theo dõi dân chúng…, rút cục đã phá sản. Tuy nhiên, « tham vọng toàn trị không chết, tham vọng kiểm soát hoàn toàn người dân, từ tinh thần đến thể xác, đã được truyền từ đảng Cộng Sản Liên Xô sang đảng Cộng Sản Trung Quốc ».

Mao Trạch Đông đã tái tạo mô hình toàn trị Liên Xô bằng các phương tiện tương tự, với đỉnh điểm là cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tuy nhiên, nỗ lực này rốt cục đã thất bại, buộc giới tinh hoa trong Đảng, chuyển hướng sang con đường hiện đại hoá theo kiểu tư bản. Theo Francis Fukuyama, lãnh đạo kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu giải thể Nhà nước toàn trị, để thay bằng « Nhà nước độc tài ». 

Chế độ chính trị Trung Quốc dưới các thời Mao, Đặng và Tập Cận Bình có những gì giống, gì khác? 

Theo Francis Fukuyama, giai đoạn 1978 đến 2012, tức là từ khi Đặng Tiểu Bình khởi động « hiện đại hoá », cho đến khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, là một giai đoạn mà người dân Trung Quốc được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân, kinh doanh, đi lại tự do, bày tỏ quan điểm tự do… khác hẳn trước. Đảng giảm nhẹ sự can thiệp vào kinh tế và bộ máy Nhà nước… Nhiệm kỳ lãnh đạo cao cấp được giới hạn. Với việc Tập Cận Bình lên cầm quyền, bộ máy chính trị Trung Quốc có xu thế làm sống lại mô hình toàn trị thời Mao. Chủ nghĩa Mác-Lê theo tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào Hiến Pháp, được giảng dạy trong trường học. Bộ máy công an có thêm nhiều quyền lực chưa từng có. Đảng xâm nhập trở lại mọi mặt của đời sống. Nhiều bài hát của Hồng vệ binh thời Cách Mạng Văn Hoá được phổ biến trở lại. Đàn áp ở quy mô lớn, với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại cải tạo…. 

Tuy nhiên, Francis Fukuyama cũng nhấn mạnh là, cho dù tham vọng kiểm soát trở lại theo kiểu toàn trị, « tư tưởng Tập Cận Bình » cũng chỉ là một bản sao mờ nhạt của tư tưởng Mao, với cuốn Sách Đỏ nổi tiếng. Tập Cận Bình đã không đủ sức đưa ra một ý thức hệ mang tính nhất quán như Mao, đủ sức dấy lên niềm tin cuồng tín của hàng triệu người Trung Quốc. Nhưng ngược lại, chính quyền Tập Cận Bình lại có được các phương tiện công nghệ tinh vi, hùng hậu của kỷ nguyên công nghệ số, cho phép dễ dàng kiểm soát dân chúng, khác hẳn thời Mao hay Staline.  Cũng khác với thời Mao, chủ yếu dựa vào đàn áp, đe dọa, giờ đây chính quyền thời Tập dựa nhiều hơn vào việc chiêu dụ được một tầng lớp trung lưu, dễ bảo nhờ các món lợi vật chất… 

So sánh để nhìn ra các điểm giống giữa Mao, Đặng và Tập, học giả Mỹ Francis Fukuyama vừa lưu ý đến tính nối tiếp của nhiều truyền thống toàn trị trong xã hội Trung Hoa với chế độ toàn trị cộng sản hiện nay, nhưng cũng vừa nhấn mạnh đến tính mâu thuẫn giữa các truyền thống Trung Hoa. Chế độ cai trị tàn bạo thời Tần, đặt cơ sở cho các chế độ toàn trị sau này, chỉ tồn tại được ít năm. Các triều đại Trung Hoa sau này trị nước một cách tinh vi hơn. 
Francis Fukuyama chia ra hai mạch cai trị trong truyền thống Trung Quốc, gọi là « toàn trị » và « độc đoán » (như định nghĩa của Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski). Về toàn trị, Mao Trạch Đông và Tần Thủy Hoàng là trên cùng một mạch. Về chế độ « độc đoán », theo tác giả, chính quyền Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân gần với các triều đại Trung Quốc sau này hơn nhiều. Nhìn chung, theo Francis Fukuyama, di sản Mác-Lê thời Xô Viết (theo kiểu Staline), được đảng Cộng Sản Trung Quốc vận dụng, nằm trong thế xung đột sâu sắc với nhiều truyền thống bắt rễ tại Trung Quốc, trong đó có Khổng giáo, vốn nhấn mạnh nhiều đến các quan hệ con người. 

Phải chăng nền chính trị do đảng Cộng Sản lãnh đạo tại Trung Quốc tất yếu sẽ dẫn đến một chế độ mà mọi quyền lực thâu tóm trong tay một lãnh đạo duy nhất, như Tập Cận Bình? 

Theo Francis Fukuyama, thì việc Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc, với xu thế ngả sang toàn trị « không phải là điều không thể tránh khỏi ». Vào thời điểm Tập Cận Bình chưa trở thành lãnh đạo, trong giới tinh hoa Trung Quốc đã có nhiều người hy vọng là chế độ  Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập sẽ vừa chống được nạn tham nhũng, vừa xác lập các cơ sở cho một xã hội Trung Quốc tự do hơn, trước khi họ hiểu ra.  

Dù sao, chế độ Tập Cận Bình chưa phải đã áp đặt được lý tưởng toàn trị lên toàn bộ xã hội. Xã hội Trung Quốc hiện nay khác xa Bắc Triều Tiên. Lịch sử Trung Quốc cho thấy hai nỗ lực xây dựng xã hội toàn trị một cách tàn bạo dưới thời Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông không kéo dài. Việc dân chúng tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng hiện nay xuất phát từ « tự nguyện » do lợi ích được thỏa mãn, hơn là « do bị đe dọa ». Khả năng các công nghệ số kiểm soát dân chúng đến đâu cũng còn là vấn đề để ngỏ. « Tư tưởng Tập Cận Bình » hay « chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa » cũng không hấp dẫn đến mức có nhiều người sẵn sàng chết cho lý tưởng, như thời Mao. 

Trung Quốc có cơ hội dân chủ hoá hay không? Nếu có, con đường nào khả thi hơn cả? 

Theo Francis Fukuyama, trước hết các nền dân chủ phương Tây phải nhận thức được là tại Trung Quốc, « có một chế độ toàn trị mới đang hình thành », giống như Liên Xô giữa thế kỷ XX, chứ không phải là « một chế độ tư bản theo phong cách độc đoán », như giai đoạn trước đó. Bởi tại Trung Quốc hiện nay, Nhà nước gần kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, kể cả với các doanh nghiệp được gọi là « tư nhân », như Tencent hay Alibaba. Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ và các nền dân chủ tự do cần phải dần dần rút các cơ sở kinh tế khỏi Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 cho thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào Trung Quốc. 
Riêng đối với Trung Quốc, trong tình hình hiện nay, khi bộ máy đàn áp của chế độ hiện hành là rất lớn, « rất ít có khả năng thay đổi sẽ diễn ra từ bên dưới, với một phong trào quần chúng rộng khắp ». Nếu như xảy ra, thay đổi chỉ có thể đến từ « bộ phận thượng tầng của ban lãnh đạo Đảng ». Cụ thể là những người bị ảnh hưởng do việc Tập lên nắm quyền. Cả một hệ thống vận hành từ hơn 30 năm, bị Tập Cận Bình thay thế, để về phần mình, trở thành lãnh đạo trọn đời. 

Chế độ đa đảng, theo Francisco Fukuyama, sẽ không đến sớm với Trung Quốc, như tại Hàn Quốc và Đài Loan trong những 1980, « con đường thay đổi tối ưu tại Trung Quốc hiện nay là thông qua hệ thống pháp lý, giống như nhiều nước châu Âu trong thế kỷ XIX và XX ». Chuyển từ một Nhà nước pháp trị (rule by law) sang Nhà nước pháp quyền (rule of law), một Nhà nước chịu sự kiểm soát của luật pháp. Cần thiết lập các quy định rõ ràng áp dụng cho người dân thường, cho đến các quan chức cấp thấp hơn, rồi với cả chính bản thân Đảng. Việc thực thi quyền lực cần phải được khống chế, kiểm soát thực sự về mặt Hiến Pháp. Tư pháp phải có quyền tự trị rộng rãi. Người dân phải được có thêm quyền tự do, ít nhất là cũng giống như so với thời trước Tập Cận Bình.

Về phía Hoa Kỳ, học giả Francisco Fukuyama lưu ý là, cần nhớ rằng đối thủ của Mỹ hiện nay không phải là Trung Quốc, mà là đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trên đường toàn trị hóa, hoàn toàn khác so với giai đoạn trước năm 2012. Và trước khi toan tính giúp Trung Quốc thay đổi, người Mỹ phải thay đổi chính nước Mỹ để xác lập trở lại vị trí của Hoa Kỳ, như « ngọn hải đăng của các giá trị dân chủ, tự do ». 

Ghi chú 
1 - Bài « What Kind of Regime Does China Have? » đăng tải trên tạp chí The American Interest, 18/05/2020. 
2 - Trái ngược với quan điểm của Francis Fukuyama về chế độ toàn trị Trung Quốc, về sự đối lập giữa « giai đoạn Đặng Tiểu Bình » (từ 1978 đến 2012) với « giai đoạn Tập Cận Bình », nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế thời kỳ Đặng Tiểu Bình, trong quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc tương tự với giai đoạn Kinh tế Mới, mà Lênin chủ trương, để tranh thủ kinh tế tư bản, và đây chỉ là một sự nhân nhượng mang tính sách lược, trước khi chế độ cộng sản chuyển sang giai đoạn toàn trị hoàn toàn. Trong tác phẩm mới đây, « Rouge vif » (2019), một chuyên gia về Trung Quốc người Pháp, Alice Ekman, đã chỉ ra « những ảo tưởng về một quá trình dân chủ hoá, nhờ tự do hoá kinh tế », theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt