Dịch COVID-19: Nhiều người vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ (Cao Nguyên)

Tham nhũng là điều tự nhiên nằm trong chiều sâu của chính quyền độc tài toàn trị. Chính quyền CSVN vô địch về tham nhũng vì bộ máy của nó không đặt trên một lý tưởng nào cả. Hậu quả là càng phải gia tăng lợi ích nhóm,bộ máy công quyền ngày một phình to ra để gia tăng kiểm soát, khống chế và tùy tiện áp dụng luật lên người dân. Ví dụ là gói hỗ trợ những người nghèo vì đại dịch Covid-19. Nhiều người có thể phẫn nộ, đặt câu hỏi tại sao có những người có thể tham nhũng trong cả những trường hợp này? Nhưng trong một thể chế không có tính chính đáng, lăng kính đạo đức bị bỏ qua, nội bộ đảng đều không phục nhau vì "nó cũng chẳng hơn gì mình" thì không có điều gì là không thể xảy ra cả.


Hình minh hoạ. Người dân nhận gạo từ máy phát gạo 24/7 trong mùa dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh hôm 11/4/2020
Hình minh hoạ. Người dân nhận gạo từ máy phát gạo 24/7 trong mùa dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh hôm 11/4/2020





Hôm 22/6, mạng báo Văn Hóa dẫn lời ông Nguyễn Hồng Quang, phó Trưởng Ban Chính Sách Kinh tế- Xã Hội và Thi đua - Khen thưởng thuộc Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng do các điều kiện quá chặt chẽ, có những tỉnh chưa thực hiện việc chi tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Thống kê từ truyền thông trong nước cho thấy tính tới thời điểm này, Chính phủ đã giải ngân cho khoảng 16 triệu người, với tổng kinh phí chi khoảng 17.500 tỉ đồng trong số tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Nghị quyết số 42 về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Chính phủ ban hàng ngày 10/4/2020. Theo đó, có 6 nhóm đối tượng chính được hưởng mức hỗ trợ này bao gồm người có công, hộ nghèo, lao động tự do, lao động có hợp đồng bị mất việc do dịch bệnh, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.

Hình minh hoạ. Người dân xếp hàng trước Nhà thờ Saint Joseph ở Hà Nội để nhận gạo từ thiện hôm 27/4/2020
Hình minh hoạ. Người dân xếp hàng trước Nhà thờ Saint Joseph ở Hà Nội để nhận gạo từ thiện hôm 27/4/2020 Reuters
Tuỳ vào mức độ ảnh hưởng và tình hình dịch bệnh mà từng nhóm đối tượng kể trên sẽ được nhận mức hỗ trợ theo quy định. Thời hạn tối đa được hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thực hiện nghị quyết, vẫn còn nhiều trường hợp mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn nói rằng họ vẫn chưa được tiền từ gói hỗ trợ này.

Thêm vào đó, báo chí nhà nước cũng đưa tin, phản ánh ở nhiều tình thành, địa phương xảy ra tình trạng quan chức lấp liếm, tham nhũng và ăn chặn tiền hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo.

Quá rắc rối về thủ tục, xác minh

Ngọc Minh, nhân viên của một resort tại Phú Quốc cho hay cô bị mất việc từ đầu tháng 3 do tình hình dịch bệnh buộc tất cả nhà hàng, khách sạn phải ngừng hoạt động.

Minh nói với RFA rằng do quá rắc rối, phiền phức về thủ tục, xác minh nên hiện cô vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Nếu muốn nhận tiền hỗ trợ mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh, người lao động buộc phải nộp đầy đủ hồ sơ tới uỷ ban xã ở địa phương, chờ xác minh rồi mới nhận được 1 triệu 8 trăm nghìn/tháng dành cho lao động có hợp đồng.

Vào giữa tháng 4, do không có việc làm, Minh rời Phú Quốc vào Sài Gòn cho đến nay. Bây giờ cô không biết phải nộp hồ sơ ở địa phương nào để được nhận tiền hỗ trợ. Nếu quay trở lại Phú Quốc, hoặc về nơi có hộ khẩu thường trú là tỉnh Dak Nông thì chi phí đi lại, làm hồ sơ… dự tính sẽ cao hơn con số 1 triệu 8 mà Minh có thể sẽ nhận được.

Hình minh hoạ. Tấm biển cảnh báo dịch COVID-19 bên ngoài một khách sạn bị khoá ở Hà Nội hôm 20/4/2020
Hình minh hoạ. Tấm biển cảnh báo dịch COVID-19 bên ngoài một khách sạn bị khoá ở Hà Nội hôm 20/4/2020 Reuters
Theo quy định, người có hợp đồng lao động mất việc do dịch bệnh sẽ phải điền một lá đơn đề nghị hỗ trợ, kèm theo các loại giấy tờ như: hợp đồng lao động, quyết định tạm ngưng hoặc thôi việc, bản sao sổ bảo hiểm… Sau đó nộp cho Uỷ ban xã chờ xác minh, phê duyệt.
Đối với trường hợp lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động mất việc mùa dịch, họ phải gởi đơn đề nghị đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã sau ngày 15 hằng tháng.

UBND cấp xã lên danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp và phải niêm yết công khai với cộng đồng dân cư rồi gởi danh sách đó lên UBND cấp huyện.
UBND cấp huyện có 2 ngày để duyệt và chi trả cho người lao động trong 3 ngày sau đó. Mỗi người sẽ nhận được 1 triệu đồng/tháng, không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.

Trên thực tế, các lao động tự do hầu hết là những người ít hoặc không có điều kiện theo dõi các thông tin, thủ tục để đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Ông Quang, một người bán vé số ở Sài Gòn nói rằng từ đầu mùa dịch, ông chỉ nhận được 750.000 đồng từ tiền công ty sổ số hỗ trợ người bán vé số dạo. Còn chuyện người lao động tự do sẽ được nhận 1 triệu đồng mỗi tháng thì ông hoàn toàn không biết. Dù đã vài lần đến Uỷ ban địa phương, nhưng không ai thông báo cho ông Quang về thông tin và cách thức để nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ:

“Không có ai nói gì cả, chỉ có cho một lần 750.000. Đó là công ty vé số chuyển về cho địa phương, chỗ mình tạm trú chứ còn nói ông nhà nước thì chưa thấy gì hết.”

Ông Thắng, chủ một khách sạn ở Hà Tĩnh cho hay khách sạn của ông đã hoạt động trở lại sau khoảng 2 tháng đóng cửa do dịch. Ông cũng không biết nhân viên của mình đã được nhận tiền hỗ trợ hay chưa. Tuy nhiên, không có bất cứ cán bộ xã nào yêu cầu ông Thắng kê khai danh sách nhân viên để được Chính phủ hỗ trợ cả:

“Họ phải nghỉ việc từ tháng 3 khi khách sạn đóng cửa. Tôi chưa hỏi họ có lấy được tiền hỗ trợ hay chưa, nhưng phía Chính quyền địa phương họ không thông qua bên chủ và người thuê lao động.”

Quan chức ăn chặn, tham nhũng, không minh bạch

Thời gian qua, báo chí nhà nước đưa tin nhiều vụ việc quan chức ăn chặn, nham nhũng hoặc chậm chi trả cho người dân.

Điển hình, tại Thanh Hoá, người nhà của nhiều quan chức lãnh đạo cấp xã, huyện đã tự ý đưa tên vợ con mình vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để được nhận tiền. Trong khi đó, nhiều người dân có gia cảnh khó khăn thật sự thì “vô tình bị bỏ quên”, không có trong danh sách được hỗ trợ của Chính phủ.

Ngày 11/6, Tuổi Trẻ đưa tin, ở xã Ba Nang, Quảng Trị, mỗi người nghèo nhận được 750.000 đồng đều phải “tự nguyện” trích lại 50.000 đồng cho cán bộ “uống nước”.

Chủ tịch UBND xã Ba Nang sau đó lý giải rằng việc thu 50.000 đồng mỗi khẩu hộ nghèo là để chia sẻ bớt cho những hộ cận nghèo. Đồng thời cho biết ông sẽ yêu cầu cán bộ xã tuyệt đối không nhũng nhiễu của dân một đồng nào.

Đài Á châu Tự do gọi điện đến các văn phòng làm việc của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà, theo số điện thoại được đăng trên trang web chính thức của Chính phủ, để hỏi về tình hình giải ngân gói 62.000 tỷ cho người dân, nhưng không ai bắt máy dù đang trong giờ hành chính.

Phóng viên RFA tiếp tục gọi đến văn phòng làm việc của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Dak Lak là ông Trần Phú Hùng thì ông Hùng nói đang họp, muốn phỏng vấn phải có giấy giới thiệu của Hội nhà báo và đến tận văn phòng làm việc thì mới trả lời được:

“Tôi đang họp trong chỗ ban giám đốc. Tôi không thể nói chuyện này qua điện thoại được. Nếu chị có gọi lại thì tôi cũng không biết được. Nếu có giấy giới thiệu thì cứ về đây làm việc với chúng tôi, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin. Phải có giấy giới thiệu của Hội nhà báo, thẻ phóng viên rồi đến các cơ quan làm việc theo Luật báo chí.”

Ông Trọng Hùng, một người dân ở Hà Nội cho rằng vấn đề minh bạch giải ngân ngân sách nhà nước ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn rất tệ. Nguyên do không chỉ đến từ Chính quyền cố tình mập mờ, mà còn do tính thụ động của người dân:

“Ta chỉ có thể quan sát các hiện tượng khi người dân chia sẻ trên facebook hoặc báo chí thôi chứ thực sự không có đủ số liệu thống kê và thiếu minh bạch. 

Người dân cần phải xác định được vị trí của mình trong mối quan hệ với nhà nước, rằng mình là chủ nhân của xã hội, đóng thuế để nuôi nhà nước và mình có quyền giám sát.
Đằng này, người dân thì cứ nghĩ rằng làm nhà nước ban cho cái gì thì nhận cái đó, được thì cảm ơn còn không được thì cũng ngậm ngùi chấp nhận, thế thì xã hội sẽ không bao giờ có sự minh bạch. Sự minh bạch phỉ đến từ sự chủ động giám sát của người dân.”

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận hôm 13/6 phát biểu về các vấn nạn nhũng nhiễu trong chuyện giải ngân gói 62.000 tỷ rằng “một bộ phận cán bộ cố tình làm trái, tìm cách hưởng lợi thay vì triển khai các hướng dẫn cụ thể. Họ đã nghĩ ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng…. Lâu nay cứ mỗi khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho người dân do bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở lại coi đó là cơ hội để trục lợi.”

Nguồn tin: RFA Tiếng Việt