Cuộc đọ sức giữa Twitter và Trump tiếp diễn (Thanh Phương)

Mạng xã hội cũng như báo chí, được xem là quyền lực thứ tư để đảm bảo nền dân chủ và thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân. Nó không thể chỉ hoạt động dựa trên quy luật thị trường và lợi nhuận, xem người tham gia là những người tiêu thụ (consumer) thuần túy. Người dân tạo ra thị trường nên có quyền đọc, nghe, nhìn thông tin chính trị, xã hội đa chiều, trung thực và khách quan. Những thuyết âm mưu, những thông tin sai sự thật, những kích động hay phát biểu gây chia rẽ phải bị chế tài nghiêm khắc...mặc dù khả năng gây ảnh hưởng của người đó lớn như thế nào.








Xung đột giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với mạng xã hội Twitter bùng nổ kể từ khi Twitter dán nhãn « Cần kiểm chứng » lên hai tin nhắn của ông Trump.
Xung đột giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với mạng xã hội Twitter bùng nổ kể từ khi Twitter dán nhãn « Cần kiểm chứng » lên hai tin nhắn của ông Trump. AFP/Archivos
Song song với phong trào biểu tình chống bạo lực cảnh sát và kỳ thị sắc tộc sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd, một cuộc chiến đã bùng lên giữa tổng thống Donald Trump với Twitter, mạng xã hội mà ông vẫn rất ưa dùng. 


Cho tới nay, tổng thống Trump vẫn sử dụng mạng Twitter gần như mỗi ngày, kể cả khi ông cần thông báo những quyết định quan trọng. Với 81,7 triệu người đăng ký, tài khoản @realDonaldTrump là một trong 10 tài khoản được theo dõi nhiều nhất trên mạng Twitter. Nhưng xung đột giữa tổng thống Mỹ với mạng xã hội này đã bùng nổ kể từ khi Twitter dán nhãn « Cần kiểm chứng » lên hai tin nhắn của ông Trump cho rằng bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận phiếu.

Chỉ vài ngày sau, tổng thống Trump đã có phản ứng ngay, ký một sắc lệnh nhắm vào các công ty mạng xã hội. Cho tới nay, các công ty này được bảo vệ trong khuôn khổ Đạo luật Truyền thông, với điều khoản quy định là các mạng xã hội không thể bị kiện vì phần lớn nội dung do người sử dụng đăng tải. Với sắc lệnh mới, tổng thống Trump muốn hạn chế sự bảo vệ đó và hạn chế quyền của các công ty mạng xã hội trong việc kiểm soát các nội dung.

Nhưng Twitter vẫn không nao núng trước đòn phản công của tổng thống Trump. Vào lúc đang có đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát tại nhiều thành phố ở Mỹ, ông Trump lại viết trên Twitter : « Khi cướp phá bắt đầu, tiếng súng cũng nổ theo ». Đối với Twitter, câu này của tổng thống Mỹ mang tính « ca ngợi bạo lực », cho nên họ đã che đi, để không ai có thể đọc được.

Chưa hết, theo nhật báo Anh The Guardian hôm nay, Twitter cũng vừa gỡ bỏ một đoạn video tưởng niệm George Floyd đăng trên tài khoản tranh cử của tổng thống Trump. Lý do mà Twitter đưa ra là có người kiện vi phạm bản quyền, nhưng nhóm tranh cử của tổng thống Mỹ xem đây là một hành động kiểm duyệt và hô hào những người ủng hộ ông Trump hãy quảng bá rộng rãi video này trên mạng YouTube.

Cuộc chiến giữa lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới với một trong những mạng xã hội phổ biến nhất có vẻ như đang tiếp tục leo thang. Hôm qua, một lãnh đạo cao cấp của Twitter đã không loại trừ khả năng mạng xã hội này sẽ đình chỉ tài khoản cá nhân của tổng thống Trump, nếu nguyên thủ quốc gia Mỹ tiếp tục đăng những phát biểu kích động bạo lực, vi phạm các quy định của Twitter.

Trong cuộc điều trần qua video với Quốc Hội Anh Quốc hôm qua, ông Nick Pickles, cho biết các tin nhắn của tổng thống Trump trên mạng xã hội này được xem xét giống như của các tài khoản khác. Ông Pickles tuyên bố : « Nếu một người sử dụng trên Twitter tiếp tục vi phạm các quy định của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về mọi giải pháp mà chúng tôi có thể thi hành ». Hai lần các nghị sĩ Anh hỏi điều này phải chăng có nghĩa là tài khoản của tổng thống Mỹ có thể bị đình chỉ nếu ông tiếp tục vi phạm các quy định, mỗi lần ông Pickles đều trả lời : « Mỗi tài khoản Twitter đều phải tuân thủ các quy định của Twitter ».
Không chỉ có Twitter, mà Snapchat, mạng xã hội rất được giới trẻ thế hệ Z ưa chuộng, hôm thứ Tư 03/06/2020 cũng thông báo kể từ nay sẽ không « quảng cáo » cho các phát biểu của tổng thống Trump trên mạng này, để giảm nhẹ tác động của những lời lẽ « kích động bạo lực sắc tộc ».

Nhưng trong khi đó, mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook lại quyết định không kiểm duyệt các phát biểu của tổng thống Trump, khiến nhiều nhân viên của tập đoàn này bất bình và đã tỏ thái độ bằng cách biểu tình trên mạng.  

Trong cuộc chiến chống lại các mạng xã hội, tổng thống Trump không phải muốn làm gì thì làm. Sắc lệnh của tổng thống Trump nhắm vào các công ty mạng xã hội bị xem là trái với Tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ, cho nên hiệp hội Center for Democracy & Technology ngày 02/06 thông báo đã đệ đơn kiện chống lại sắc lệnh này.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt