Quí 1 và những kỷ lục buồn của các đại gia mùa Covid

Cuộc khủng hoảng kép giá dầu lửa và đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lên bối cảnh kinh tế Việt Nam nặng nề hơn từ quý 2. Ngành hàng không, dầu khí, bán lẻ...vốn được xem là những con bò sữa đóng góp vào ngân sách cho chính quyền CSVN thì nay lại trực tiếp bị sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu. Bên cạnh đó, thế giới đang trong đỉnh dịch ở quý 2 nên tình hình xuất - nhập khẩu vì thế cũng đi theo chiều hướng xấu hơn. Chính quyền CSVN đã phần nào kiểm soát việc lây nhiễm trong cộng đồng, con số nạn nhân tử vong vì Covid-19 tốt thì những ảnh hưởng sâu rộng lên bề mặt kinh tế sẽ làm lộ ra những yếu kém của họ trên mọi phương diện và trong mọi địa hạt.


(TBKTSG Online) - Thông thường quí 1 là giai đoạn tài chính mà các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khởi sắc nhất vì đi qua mùa kinh doanh Tết. Tuy nhiên mùa báo cáo quí 1 năm nay đã ghi nhận những kỷ lục buồn của nhiều doanh nghiệp lớn dưới sức ép của Covid-19 và nhiều lý do khách quan khác.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp
Những "ông lớn" trong ngành sản xuất hay dịch vụ như bia rượu, hàng không, bán lẻ… mọi năm sẽ có mức độ tăng trưởng lợi nhuận lớn trong quí 1 khi doanh thu mùa Tết Nguyên đán sẽ được ghi nhận. Tuy nhiên năm nay không những kết quả kinh doanh lập kỷ lục giảm sâu mà nhiều doanh nghiệp còn trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để đảm bảo khả năng hoạt động liên tục. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử niêm yết ghi nhận mức lỗ quí như Thiên Long hay Tập đoàn Lộc Trời...

Doanh nghiệp ngành bia tạo đáy khi “dính đòn” liên hoàn

Nghị định 100 về cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông được ban hàng ngay trước Tết Nguyên đán đã khiến kế hoạch kinh doanh ngành bia bị tổn thương. Do đó kết quả kinh doanh mùa Tết cũng hết sức ảm đạm, không hỗ trợ được nhiều cho tình hình chung của doanh nghiệp lớn trong quí 1 như mọi năm. Tiếp sau đó, Covid-19 xuất hiện như một cú bồi tiếp theo khiến khiến cho doanh thu sụt giảm nghiêm trọng và các kỷ lục buồn về kết quả kinh doanh chính thức được xác lập.
Dính dòn liên hoàn trong quí 1 khiến Habeco ghi nhận mức lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết. Ảnh minh họa: Habeco
Tình hình này được thể hiện rõ nét nhất là sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng của 2 ông lớn nội địa trong quí 1 là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) giảm 50% và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giảm 47%.
Trong đó, Habeco tệ hơn khi báo cáo kết quả quí 1 với khoản lỗ kỷ lục gần 100 tỉ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần của Habeco ("ông lớn" sở hữu các thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch) chỉ đạt 770 tỉ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 55%, về mức 148 tỉ đồng.

Kết quả của 3 tháng đầu năm Habeco báo lỗ sau thuế hơn 98 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 64 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco công bố mức lỗ quí gần 100 tỉ đồng kể từ khi niêm yết. Ảnh hưởng từ việc thua lỗ cộng với việc tăng hàng tồn kho khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ 2019, chỉ tiêu này của Habeco chỉ âm 430 tỉ đồng).

Theo đó, lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Habeco giảm từ mức 1.300 tỉ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 430 tỉ đồng vào cuối tháng 3.

Trong khi đó, Sabeco dù chưa đến mức lỗ như Habeco nhưng lợi nhuận quí 1 của doanh nghiệp này cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong quí này Sabeco cũng lập kỷ lục buồn khi giá giá cổ phiếu rơi về vùng thấp nhất lịch sử kể từ khi niêm yết. Trong giai đoạn cuối tháng 3, khi dịch Covid-19 được đẩy lên cao trào thì cổ phiếu Sabeco liên tục lao dốc. So với hồi đầu năm, cổ phiếu Sabeco đã sụt giảm gần 50% giá trị.

Thời điểm đó với mức đáy 115.000 đồng/cổ phiếu vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi 3 tỉ đô la sau chưa đầy 3 tháng. Kéo theo đó, giá trị thị trường của gần 54% cổ phần mà ThaiBev đang sở hữu tại Sabeco chỉ còn chưa đến 2 tỉ đô la so với mức 5 tỉ đô la bỏ ra thâu tóm 2 năm trước đó.

Theo Euromonitor, kênh nhà hàng chiếm khoảng 70% về tổng sản lượng tiêu thụ và 76% về giá trị của ngành bia. Vì vậy, với giai đoạn giãn cách xã hội vừa rồi ngành bia có lẽ đã có một lỗ hổng kinh doanh khiến các doanh nghiệp lớn trong ngành thiết lập những kỷ lục buồn trong hoạt động kinh doanh. 

Hàng không “sã cánh”

Ngành hàng không Việt Nam đang sống trong những ngày u ám nhất trong vòng nhiều năm qua, khi nhu cầu đi lại sụt giảm, ngừng bay một thời gian dài do tác động của dịch Covid-19. Cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh năm 2020 không mấy khả quan.
Vietnam Airline lỗ quí 1 nhiều hơn số lãi cả năm ngoái. Ảnh minh họa: Lê Anh
Kết quả gần nhất là báo cáo tài chính quí 1 của Vietnam Airlines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 2.700 tỉ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỉ của cả năm 2019. Với mức lỗ lớn, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines âm 3.800 tỉ đồng khi doanh nghiệp phải tăng chi tiền mặt cho các khoản phải trả. Quí 1-2019, chỉ tiêu này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp là 3.000 tỉ đồng.

Dù đã bổ sung dòng tiền tài chính từ đi vay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp vẫn âm 500 tỉ đồng. Ngay cả báo cáo tài chính của năm 2019 công bố cách đây chưa lâu, hãng hàng không quốc gia vẫn dành sự tập trung để báo cáo những tác động do dịch bệnh gây nên. Lần đầu tiên doanh nghiệp trong tình trạng phải cắt giảm hàng nghìn nhân viên, bán máy bay và khả năng hoạt động liên tục phục thuộc vào các gói hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Vietnam Airlines muốn được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng để duy trì hoạt động

Trong khi đó, hãng bay tư nhân Vietjet Air cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 với doanh thu và lỗ sau thuế hợp nhất lần lượt là 7.222 tỉ đồng và 989 tỉ đồng, tiền mặt duy trì ở mức 2.452 tỉ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên, công ty có một quí hoạt động lỗ kể từ khi niêm yết.

Lợi nhuận dầu khí “bay hơi” theo giá dầu

Thực tế, đà giảm giá vẫn luôn đeo bám dầu thô từ cuối năm 2019, cộng thêm tác động của dịch Covid-19, khiến nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới ngày càng suy yếu, đặc biệt là ở tâm khởi phát dịch Trung Quốc, khi quốc gia này cắt giảm khoảng 20-25% nhu cầu.
Rồi tình hình trở nên rối ren khi đầu tháng 3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã không đạt thỏa thuận cắt giảm sản xuất. Theo đó 2 bên tuyên bố gia tăng sản lượng sản xuất, chính thức bước vào trận chiến về giá khiến giá dầu thậm chí xuống mức âm trong trung tuần tháng 4 vừa qua.
Ngành dầu khí đang gặp phải khủng hoảng kép từ dịch bệnh và cuộc chiên giá dầu khiến nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ trong quí 1. Ảnh minh họa: PVN
Các doanh nghiệp dầu khí trong nước dường như “việt vị” khi đã đặt kế hoạch kinh doanh đi cùng với mức giá từ 60 đô la/thùng trở lên. Hoạt động khai thác dầu khí xuống thấp cho thấy thiệt hại về kinh tế rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng trong quí 1.

Các doanh nghiệp lọc dầu bị ảnh hưởng mạnh nhất trong chuỗi giá trị ngành dầu khí bởi chi phí đầu tư nhà máy lọc dầu lớn, giá thành sản phẩm cao, hiện giá dầu khai thác của Việt Nam cao hơn nhiều giá dầu thế giới, nên càng khai thác càng lỗ.

Việt Nam có hai doanh nghiệp lọc dầu lớn, trong đó Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa lên sàn chứng khoán, thông tin còn hạn chế, còn Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang được giao dịch trên UPCoM, cũng đã hé lộ những khó khăn.

Với BSR quí 1 năm nay, doanh nghiệp báo cáo lỗ kỷ lục 2.347 tỉ đồng và đang đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, giá dầu giảm sâu và tiếp tục giao dịch ở mức thấp, trong khi tồn kho tính tới cuối tháng 3 là 9.127 tỉ đồng, chiếm 19,2% tổng tài sản.

Doanh nghiệp hiện áp dụng phương pháp tính tồn kho là bình quân gia quyền, nên với xu hướng giá giảm, tồn kho chính là gánh gặng thu hẹp biên lợi nhuận, vì để đưa sản phẩm cuối cùng ra, doanh nghiệp phải qua quá trình sản xuất, điều này tạo ra bất lợi lớn.
Thách thức thứ hai đến từ các chi phí cố định cấu thành sản phẩm. Doanh nghiệp có tổng tài sản cố định 23.861 tỉ đồng, chiếm 50% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là máy móc thiết bị lọc dầu với nguyên giá ban đầu là 39.224 tỉ đồng, mới khấu hao 20.010 tỉ đồng, còn lại 19.213,8 tỉ đồng, điều này gây nên chi phí duy trì, bảo dưỡng nhà máy và chi phí khấu hao lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tổng nợ vay 8.407 tỉ đồng, chiếm 17,7% tổng tài sản. Có thể thấy, chi phí cố định đang là gánh nặng đối với BSR. Trong bối cảnh này, kết quả kinh doanh quí 2 của BSR được dự báo sẽ xấu hơn quí 1, nếu giá dầu không tăng trở lại.
Nhóm doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh các sản phẩm từ dầu mỏ như khí gas, xăng dầu thông qua kênh phân phối tới tay người tiêu dùng bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), PV OIL... cũng bị ảnh hưởng nhưng theo một cách khác.

PV OIL và PLX có hoạt động kinh doanh chính là bán lẻ xăng dầu, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá dầu, nhưng trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho.

Với ông trùm Petrolimex (PLX), là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong báo cáo quí 1, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho khiến PLX ước lỗ 572 tỉ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Cùng cảnh ngộ, PV OIL (OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỉ đồng quí đầu năm; trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỉ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỉ đồng. OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%.

Tuy nhiên, với hoạt động kinh doanh chủ yếu nằm ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị ngành dầu khí, biến động giá dầu ngắn hạn ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của PLX và PV OIL. Tuy nhiên, khi giá dầu giao dịch ổn định trở lại, cả hai doanh nghiệp này đều có thể dễ dàng chuyển giao biến động giá tới tay người tiêu dùng cuối cùng.


Quí 2 mới thực sự ngấm đòn Covid-19
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quí 2 còn thấp hơn nữa khi các nền kinh tế lớn, đồng thời là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mới thực sự ngấm đòn Covid-19.
Ở nội địa, vẫn có nhiều nhiều doanh nghiệp đưa ra kết quả kinh doanh quí 1 năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng, có thể đây là dư địa tăng trưởng được chuyển tiếp từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, quí 2 mới thực sự là đỉnh điểm của khủng hoảng, bởi một tháng đầu tiên (tháng 4) gần như tê liệt vì cách ly xã hội. Vì vậy doanh nghiệp cần đưa ra các kịch bản có thể diễn ra và nên tập trung vào kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.
Kịch bản giảm doanh thu xấu nhất đã được doanh nghiệp dự tính thì cần xem xét dòng tiền để duy trì hoạt động bao lâu? Nếu doanh nghiệp đã có quá trình tích lũy thì đây giai đoạn quy mô hoạt động phải được cân đong, đo đếm thật kỹ. Đồng thời cũng là giai đoạn định hình rõ nét về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), những sản phẩm sau cải tiến đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ là cơ sở để rút ngắn quá trình phục hồi.
Nguồn tin: Thời Báo KTSG