Ý kiến trái chiều quanh việc miễn phí toàn bộ chi phí cách ly tập trung (Cao Nguyên)

Nếu sử dụng ngân sách để tài trợ cho chường trình chống dịch thì người dân ủng hộ thôi, chỉ sợ các quan lợi dụng dịch bệnh khai không lên để bòn rút của công.

Và các quan cũng nhớ cho là đây là tiền thuế của dân chứ không phải của đảng, nên đảng đừng tỏ thái độ kiểu ban ơn hay mị dân về tính ưu việt của chế độ ta.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 20/2/2020: Những người từ Trung Quốc về nước trong một khu cách ly ở tỉnh Lạng Sơn
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 20/2/2020: Những người từ Trung Quốc về nước trong một khu cách ly ở tỉnh Lạng Sơn. Reuters

Hiện nay, cả nước Việt Nam đang có hàng chục ngàn người vừa từ nước ngoài trở về và phải cách ly tập trung. Hầu như tất cả đều được xét ngiệm, chẩn đoán và miễn phí hoàn toàn tất cả các chi phí trong vòng 14 ngày.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cho biết thành phố có chính sách mỗi người dân cách ly được hỗ trợ ăn uống 90.000 đồng/ngày thay vì 80.000 đồng/ngày theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, chi phí cho việc cách ly tập trung mà ngân sách nhà nước đang phải gánh là rất lớn. Vào chiều ngày 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý việc huy động các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú làm cơ sở cách ly có thu phí tự nguyện.

Tuy nhiên, có rất ít nơi đủ điều kiện làm các cơ sở cách ly có thu phí, nên chỉ ưu tiên người nước ngoài như chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, lao động tay nghề cao đăng ký vào các nơi này.

Ý kiến trái chiều

Dư luận cũng có rất nhiều ý kiến đa chiều về việc nên hay không nên miễn phí hoàn toàn đối với những người cách ly tập trung hoặc cách ly theo dõi tại nhà.

Bác sỹ Võ Xuân Sơn ở Sài Gòn nêu quan điểm trên facebook cá nhân rằng, với tình hình lượng người từ nước ngoài trở về ngày càng đông như hiện nay thì “khi nào thì nguồn lực tài chính của chúng ta cạn kiệt”.

Theo ông, “Những người hiện nay đang được cách ly tập trung và được nhà nước chi trả mọi chi phí cho cách ly tập trung hầu hết đều là những người nước ngoài, còn người Việt nam thì đa phần cũng là du học sinh và người có thu nhập khá…

Như vậy, hiện nay, hầu hết những người được miễn phí, cả trong cách ly và trong điều trị, nếu không phải người nước ngoài, thì hầu hết đều thuộc diện “có điều kiện”.

Ông đánh giá rằng chuyện ngân sách cạn kiệt chỉ là vấn đề thời gian. Sau đó, nếu những người là lái xe, giúp việc nhà, hoặc người làm công… bị lây nhiễm. Và nếu ngân sách cạn kiệt, thì hoặc là họ sẽ không có tiền để trang trải chi phí, hoặc là họ sẽ không được hưởng sự điều trị tốt.

Hình minh hoạ. Người dân đứng trong khu vực phong toả ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 20/2/2020 AFP

Cho nên, vị bác sỹ này đề nghị Chính phủ cần xem xét lại ngay vấn đề chi phí. Trước mắt, tất cả người nước ngoài đều phải trả phí. Riêng đối với vấn đề cách ly tập trung, một mặt thu hẹp đối tượng được miễn phí, mặt khác, cần mở rộng ngay các khu cách ly tập trung theo yêu cầu.

Quan điểm của bác sỹ Phan Đình Hiệp, từ Úc cho rằng việc thu phí hay không liên quan đến điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia:

“Cái đó tùy vào chính sách mỗi quốc gia mình không can thiệp vào được. Cách ly bắt buộc mà lại bắt người ta đóng tiền thì đó là điều mà người ta sẽ không đồng ý. Bởi vì mình đi qua nước nào, mình đâu có dự kiến là cách ly và bị đóng tiền đâu. Rồi đồng tiền mình bỏ ra có tương xứng với sự phục vụ hay không.”

Bà Trần Thị Ái Liên, Thạc sỹ ngành Chính sách công tại Mỹ cho rằng ý kiến trên của bác sỹ Võ Xuân Sơn cũng có lý. Tuy nhiên, theo bà thì chuyện cách ly tập trung có mục đích là tránh lây lan cho cộng đồng bên ngoài, nhưng lại tăng nguy cơ cho chính những người bị cách ly tập trung mà chưa nhiễm bệnh. Do đó, những người này hoàn toàn không có lợi ích gì, nên tại sao họ phải tự chi trả:

“Mình thấy lập luận đó có lý. Nhưng cũng có điều vô lý ở chỗ là những người bị cách ly, nói chính xác là họ bị “ở tù” hai tuần, chứ đâu phải là họ đi nghỉ mát 2 tuần đâu mà phải tự trả tiền.

Thứ hai nữa là khi cách ly những người đó là người ta bảo vệ cộng đồng ở ngoài, chứ đâu phải là bảo vệ những người trong đó. Họ trở thành nạn nhân. Như vậy, bảo vệ cộng đồng thì Chính phủ phải trả tiền chứ tại sao lại bắt họ trả tiền.

Rồi nếu khi ngân sách cạn kiệt rồi thì tới phiên những những người công nhân ngoài kia bị bệnh thì ai trả tiền cho họ? Chuyện đó Nhà nước phải cân bằng ngân sách, chứ Nhà nước đâu thể nào đổ thừa cho người dân được.”

Ông Quốc Khanh, đang kinh doanh tại Hà Nội nói với RFA rằng không phải ai đi làm từ nước ngoài về cũng giàu có. Tuy vậy, nếu muốn giảm gánh nặng ngân sách thì nên có hai hình thức cách ly có thu phí và không thu phí để lựa chọn:

“Tôi nghĩ có thể ra hai phương án để lựa chọn. Những nơi cách ly tập trung không thu phí như ký túc xá sinh viên, có chế độ ăn uống miễn phí và một lựa chọn khác là cũng ở cách ly nhưng ở một cái khách sạn nào đó do nhà nước chỉ định. Ở nơi đó thì điều kiện sẽ thoải mái hơn, khẩu phần ăn uống cũng tốt hơn, nhưng mà có thu phí. Như vậy có thể sẽ giảm bớt được nguồn ngân sách cho việc này, để dùng đủ ngân sách cho những hoạt động khác.”

Mặt lợi và hại của chính sách cách ly tập trung

Từ ngày 21/3, Bộ Giao thông- Vận tải ra công văn yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải đến các điểm cách ly tập trung 14 ngày thay vì chỉ cách ly bắt buộc với người về từ vùng dịch.

Ngày 23/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Tư pháp trình UBND TP đề xuất quy trình cưỡng chế, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành yêu cầu cách ly bắt buộc.

Đánh giá mặt lợi hại của chính sách cách ly tập trung, bác sỹ Phan Đình Hiệp cho rằng nó thể  hiện Chính phủ Việt Nam đang làm rất mạnh tay để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Vì đa số các trường hợp đầu tiên khai báo thường là ở các nước khác về, điển hình như là Mỹ, hoặc Anh, đón người từ các nước khác về là một rủi ro cho đất nước:

“Mỗi quốc gia người ta làm chính sách cách ly khác nhau. Ở Việt Nam là làm cách ly tập trung. Tức là tất cả mọi người xuống sân bay từ nước ngoài về thì đều phải vào cách ly tập trung hết. Cái ưu điểm của nó là sẽ giảm được nguy cơ, sàng lọc ngay từ tuyến đầu trước khi để cho người đó về với cộng đồng, hoặc đi ra ngoài công chúng.

Bệnh này nó quái lạ là có nhiều người có triệu chứng rất nhẹ, kể cả không có triệu chứng, nhưng mà sau đó mới phát hiện bệnh. Cho nên giữ lại 14 ngày để giảm nguy cơ và bắt được bệnh sớm hơn.”

Nhưng ngược lại, nó tốn kém vì chính phủ tài trợ hết mà. Đồng thời, tùy mỗi người ở những quốc gia tự do thì người ta về sẽ cảm thấy như là bị mất quyền tự do. Vì người ta cảm thấy rằng tôi khỏe tôi mạnh tại sao lại nhốt tôi 14 ngày.

Chưa kể việc ăn uống, vệ sinh thì mỗi người đều có một tiêu chuẩn nhất định khác nhau. Ví dụ, có người xuất phát từ nghèo khó, người ta có thể chịu đựng được, họ dễ làm quen. Nhưng có những người họ rất là sạch sẽ, ở cao cấp thì ăn tập trung như vậy không phù hợp với người ta. Đó là những điểm hay và điểm dở, làm sao để giải quyết được hết những vấn đề đó thì mỗi quốc gia có một bài toán khác nhau.”

Tuy nhiên, bác sỹ Hiệp cho rằng có nhiều rủi ro trong việc cách ly tập trung quá nhiều người có khả năng nhiễm bệnh cao trong các trung tâm cách ly tập trung. Đặc biệt là khi họ vi phạm quy định cách ly:

“Nếu như chúng ta cách ly mà điều kiện cách ly không tốt hoặc vi phạm quy định thì có thể là điều rủi ro. Giả sử có 10 người có nguy cơ lây nhiễm, mà chúng ta bỏ vào cùng một phòng, mà họ ngồi đánh bài bạc với nhau hay ngồi lại tán gẫu, thì đó có thể là một nguy cơ nữa. Hi vọng là những nhà hoạch định chính sách sẽ cẩn thận để tránh trường hợp này.”

Ông Khánh thì hoàn toàn đồng ý chuyện cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày đối với tất cả mọi người. Ông cho rằng đây là cách tốt nhất để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

“Tôi thấy chính phủ hỗ trợ được như vậy thì rất là tốt. Tại vì những người nước ngoài về có thể họ sẽ có những nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người trong nước. Nếu mà được cách ly 14 ngày như vậy thì rất tốt để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.”

Bà Ái Liên cho biết ở Nhật, nơi bà đang sống, Chính phủ không yêu cầu cách ly tập trung mà sẽ hướng dẫn cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh thực hiện tự cách ly tại nhà. Như vậy an toàn cho người dân mà cũng giảm tải bệnh viện.