Chống dịch Covid-19: Việt Nam có minh bạch trách nhiệm của lãnh đạo? (Trọng Thành)

Không thể trông chờ sự minh bạch cũng như trách nhiệm từ chính quyền độc tài cộng sản. Những phản ứng sốt sắng, đôi khi thái quá gần đây của các lãnh đạo cộng sản chẳng qua là do tình thế đã thay đổi, khi mà tiếng nói của người dân đã trở nên mạnh mẽ nhờ truyền thông internet.

11/03/2020 - 14:28
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Hà Nội đeo khẩu trang trong lớp học đề phòng lây nhiễm virus corona, ngày 31/01/2020.
Học sinh một trường trung học cơ sở ở Hà Nội đeo khẩu trang trong lớp học đề phòng lây nhiễm virus corona, ngày 31/01/2020. REUTERS/Kham

Ngày 08/03/2020, Hà Nội thông báo cuộc chiến chống Covid-19 chuyển sang ''giai đoạn 2'', sau vụ chuyến bay VN0054, mang hơn 10 du khách có virus vào Việt Nam, khiến hàng nghìn người bị đặt trong tình trạng cách ly. Chính quyền một lần nữa kêu gọi toàn dân cộng tác để chống dịch. Nhiều người đặt vấn đề, người dân sẽ chỉ tích cực tham gia, khi tin ở chính quyền. Mà, sẽ chỉ có niềm tin thực sự, khi có minh bạch. Chính quyền từ đầu mùa dịch đến nay minh bạch trách nhiệm của giới lãnh đạo ra sao?

Nhiều điểm tích cực

Nhìn chung, nhiều nhà quan sát ghi nhận trong cuộc đối phó với dịch Covid-19 lần này, chính quyền Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để minh bạch hơn thông tin với công chúng. Trước hết, về truyền thông chính thức và việc xây dựng niềm tin với người dân, trả lời RFI Tiếng Việt, nhà hoạt động xã hội, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho biết:

''Trong việc đối phó với nạn dịch, tức bệnh truyền nhiễm mạnh, trường hợp virus Vũ Hán chưa có vắc xin, trong lúc tốc độ lây lan rất lớn, thành ra lập tức xảy ra một cuộc khủng hoảng, mà WHO hôm 12/02 vừa rồi gọi là ‘Infodemic’, một cơn bão lũ về thông tin, tốt có xấu có. Trong điều kiện đó, việc đưa ra thông tin đúng đắn và kịp thời, tôi nhấn mạnh là kịp thời, làm định hướng cho dư luận xã hội. Và hơn nữa, đằng sau tất cả cái đó là tạo dựng niềm tin của dân chúng, đối với hành xử của chính quyền, là điều có tầm quan trọng, tôi cho là cốt tử. Chính quyền nhận thức như thế nào ?

Chính quyền Việt Nam, tôi thấy là trong lời lẽ và trong hành động, họ tương đối hiểu. Tôi nói ví dụ, như hiện nay, người ta sử dụng ngay lợi thế của Việt Nam, có số lượng người rất lớn dùng Internet, 64 triệu người. Tôi nói ví dụ, vài ba ngày tôi nhận được một tin nhắn của bộ Y Tế, nội dung tuyên truyền về cách thức phòng tránh virus Vũ Hán này như thế nào. Rõ ràng là người ta đã làm việc khá tốt. Đó là nhìn chung. Còn thực ra đi vào cụ thể, còn phải rút kinh nghiệm rất nhiều. Còn những sai sót, còn phải thay đổi nữa, cần phải cải tiến nữa''.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A - nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS), viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở Việt Nam (2007 – 2009) - là người theo dõi sát các chính sách của chính phủ Việt Nam, từ đầu mùa dịch đến nay. Trả lời RFI, TS Nguyễn Quang A nhìn nhận những điểm tích cực của truyền thông nhà nước, đang nỗ lực theo hướng minh bạch hơn:

''Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn một, mà có 16 người bị nhiễm, rồi được lành bệnh, tôi nghĩ rằng về phía chính phủ, đã làm khá tốt công việc của mình, cũng như về truyền thông. Khi nhìn lại, có thể thấy rằng có một số việc họ làm hơi quá đi. Nhưng cũng có thể dễ hiểu được, trong lúc mà bất trắc, không đầy đủ thông tin. Ví dụ như việc để cho các trường học đóng cửa, những biện pháp gọi là kiên quyết khác… đã có mang lại kết quả, và việc truyền thông của chính phủ cũng tương đối là tốt. Tuy nhiên, nếu mà minh bạch hơn nữa, như những ngày vừa rồi (tức can thiệp của chính quyền thủ đô sau vụ phát hiện trường hợp nhiễm virus thứ 17), thì cái sự hiểu của dân chúng sẽ tốt hơn''.

Trách nhiệm giới thừa hành: ''Sai sót'' hay khuyết tật hệ thống ?

Về vấn đề này, trả lời RFI, bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ y tế cộng đồng, nhận xét: ''Trước hết, tôi phải nói minh bạch là một lĩnh vực yếu của chính phủ trong nhiều năm. Riêng trong vụ dịch gần đây, có điểm tích cực hơn. Chúng tôi nhận thấy có sự tích cực chủ động hơn trong việc chia sẻ thông tin một cách cởi mở hơn cho báo chí. Thậm chí kể cả trong việc các chính sách đưa ra có nương theo trào lưu của dư luận. Đấy là cái hướng mà theo tôi là tương đối tốt trong đợt này. Tuy nhiên, đứng về phía minh bạch thông tin để xét về tiến trình ra chính sách, thì chúng tôi nhận thấy là các thông tin hiện nay vẫn đi nhiều theo hướng đưa thông tin làm sao giúp để thực hiện các quyết định''.

Việc chính quyền đang có xu hướng nỗ lực hơn trong việc minh bạch với công chúng, trong việc phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng khiến cho công chúng có thể dễ nhận ra nhiều khuyết tật của hệ thống. Trong các ''sai sót'' tiêu biểu của chính quyền về truyền thông, hay nói đúng hơn được thể hiện qua truyền thông, giáo sư Hoàng Dũng đã đơn cử hai ví dụ.

Một là việc trong vụ bệnh nhân số 17 ''tiếp xúc gần’’ với 18 nhân viên y tế bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), chủ tịch Hà Nội đã không hề nhắc đến vai trò giám sát của sở Y Tế trước đó. Ví dụ thứ hai là việc bộ trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp xúc với ''bệnh nhân số 17'' (trên chuyến bay VN0054), đã cách ly tại nhà, chứ không phải đi trung tâm theo quy định chung, cũng đã không được chính quyền Hà Nội giải thích kịp thời và thỏa đáng, tạo ấn tượng rõ ràng là đương sự thuộc nhóm đặc quyền đặc lợi. Việc ông Nguyễn Chí Dũng cách ly tại nhà, không theo quy định, bị phản đối dữ dội trên các mạng xã hội. Sau đó, chính quyền Hà Nội buộc phải giải thích trước công chúng.

Nhìn chung, giáo sư Hoàng Dũng ghi nhận: việc chính quyền địa phương thiếu minh bạch hay ''chậm'' giải trình trách nhiệm (ông Hoàng Dũng đặc biệt lưu ý: chậm giải trình cũng tạo nên cảm giác là thiếu minh bạch) đã là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của người dân.

Minh bạch trong việc ra chính sách: Lĩnh vực bị bỏ trống

Bên cạnh việc minh bạch về quá trình thực thi chính sách và minh bạch về giám sát thực thi chính sách, vấn đề xây dựng chính sách dường như ít được chú ý hơn nhiều. Trong một bộ phận công luận, vấn đề này dường như là lĩnh vực riêng của giới chính trị, giới chuyên gia. Tuy nhiên, đây lại chính là lĩnh vực mà sai một ly, đi một dặm. Minh bạch về việc hoạch định chính sách cũng chính là một phần quan trọng trong minh bạch về trách nhiệm của những người nắm quyền lãnh đạo cao nhất (trong một lĩnh vực, một hồ sơ như phòng - chống dịch Covid-19 này). Về vấn đề tính minh bạch trong việc xây dựng chiến lược, chính sách phòng chống dịch, bác sĩ Trần Tuấn nhận xét:

''Nói về minh bạch trong tiến trình ra chính sách, chúng ta biết chính sách cụ thể trong vụ phòng chống dịch nằm trong mảng chính sách công. Vấn đề này, chúng ta thấy rằng : tính minh bạch phải được thể hiện ngay trong giai đoạn đầu tiên, tức là sự khởi phát của tiến trình xây dựng chính sách, mà có sự tham gia của nhiều bên. Trong đó có chúng ta tạm gọi là ''bên chính phủ'', bên các tổ chức ngoài chính phủ, kể các các doanh nghiệp, các tổ chức lợi nhuận, hoặc phi lợi nhuận. Bởi vì chúng ta biết rằng chính sách công mà đưa ra phục vụ lợi ích công, chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên.

Tính minh bạch ở đây thể hiện ở chỗ, ngoài tài liệu (dự thảo) chính sách được đưa ra phân tích, và các ý kiến phát biểu của các bên, thì cũng cần phải có các bài phân tích, phản biện, tập trung vào nhằm cho chúng ta thấy được hết các góc cạnh của vấn đề, trước khi chính sách được ban ra. Bên cạnh đó, khi chính sách được ban ra, có các tài liệu để giải thích được những vấn đề có những ý kiến trái chiều với chính sách. Việc này quan trọng. Vì sao ? Để khi người ta đọc chính sách, người ta biết được có những trở ngại nào, phần nào chưa đạt được đồng thuận, phần nào mà chính phủ đang muốn đẩy mạnh theo một hướng nhất định?Và qua đó, người ta thấy được rằng chính sách đó có thực sự đặt lợi ích của người dân lên trên không?


Tôi lấy ví dụ một chính sách chẳng hạn vấn đề ''đeo khẩu trang ở nơi công cộng''. Bên y tế có ý kiến như thế nào, về phía người dân có ý kiến như thế nào? Và phải chăng có sự can thiệp của các doanh nghiệp? Và khi có những cái gọi là mâu thuẫn, thậm chí xung đột lợi ích, thì trong dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 này đâu là tiếng nói cuối cùng? Chúng tôi nhận thấy rằng, trong tiến trình ra chính sách vừa rồi, dường như tiếng nói của bên y tế, có lúc ẩn, có lúc hiện, có lúc thể hiện rất rõ ràng, nhưng có lúc không được thể hiện ra. Dường như đã có những lợi ích khác được đặt lên trên.

Làm sao cho tiến trình ra chính sách được minh bạch, được thể hiện cho người dân hiểu được các bên tham gia làm chính sách... đồng thời có hay không sự giám sát đánh giá, và phân tích, phản biện một cách độc lập của bên khoa học không vụ lợi, thực sự vì dân, tham gia vào tiến trình đó. Tiến trình vừa rồi, chúng tôi thấy rằng vẫn chưa đạt được mong đợi''.

''… Được mùa là bởi Thiên tài Đảng ta…'' và sự thiếu minh bạch trong sửa sai

Trường hợp chính sách ''toàn dân mang khẩu trang nơi công cộng'' là một trong các ví dụ tiêu biểu cho thấy một chính sách công, nếu không được hoạch định một cách minh bạch, và có cơ sở, có thể để lại những hệ quả tai hại như thế nào. Ngày 30/01, trong bối cảnh dịch bệnh virus corona đang trong giai đoạn khởi phát dữ dội, chính quyền Việt Nam đang tìm cách đưa ra một chính sách thích hợp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ''yêu cầu thảo luận các biện pháp mạnh hơn nữa để chống dịch viêm phổi Vũ Hán, như toàn dân có thể phải đeo khẩu trang''.

Tuy nhiên, thảo luận chưa kịp diễn ra, thì ngay ngày hôm sau, thủ tướng đã ra Chỉ thị 06CT-TTg, ''yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng'' (điều 4). Trong bối cảnh nỗi lo dịch Covid-19 phổ biến trong xã hội, cụm từ ''nơi công cộng'' với phạm vi quá rộng ắt hẳn đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng khẩu trang tràn lan, lãng phí, quá mức cần thiết, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm khẩu trang. Ngày 05/02, bộ Y Tế phải ra khuyến cáo, khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng khẩu trang đại trà như vậy là một phương tiện hiệu quả bảo vệ người không bị bệnh. Tuy nhiên, tại một số nơi, việc sử dụng khẩu trang thái quá như vậy vẫn diễn ra, một phần do nỗi lo lắng của người dân, phần khác, do Chỉ thị nói trên chưa được điều chỉnh lại.

Một ví dụ khác là việc tổ chức diễn tập quân sự rầm rộ ngày 04/03 để đối phó với phương án cao nhất gọi là 30 000 người nhiễm Covid-19 (do trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng bộ Quốc Phòng điều hành). Tuy nhiên, kịch bản gây ấn tượng mạnh này đã không hề được giải trình rõ với công chúng, về phương diện y tế. Trong truyền thông nhà nước, đã có sự mập mờ gây lầm lẫn giữa phương án ''30 000 người nhiễm bệnh Covid-19'' và ''30 000 giường cách ly'' mà chính quyền đang chuẩn bị trong hiện tại (một số người nghi ngờ có vai trò của một số nhóm ''lợi ích'' đằng sau các cuộc diễn tập quy mô quá mức cần thiết). Chính ông thủ tướng ngay ngày hôm sau, 05/04, đã phải gián tiếp điều chỉnh thông tin, nhấn mạnh là cuộc diễn tập toàn quân, chỉ liên quan đến phương án ''30.000 người cách ly'' (báo Hà Nội mới, ngày 05/03/2020).

Tính chất không minh bạch của việc ra quyết định hay tuyên truyền theo lối bóp méo nói trên, từ chính người lãnh đạo, một phần có thể bắt nguồn sâu xa từ một lối làm chính sách theo kiểu ban phát, kéo dài từ lâu nay, hiện vẫn còn để lại nhiều ảnh hưởng, bất chấp việc đất nước đã mở cửa hội nhập sâu rộng. Về vấn đề nguyên do của những kiểu sai lầm như trên của người lãnh đạo ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét:

''Đó là sơ suất của một số chính trị gia. Lẽ ra những chuyện như thế này, rất là phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thì các chính trị gia tỏ ra rất sốt sắng, rất là kiên quyết, đã lỡ lời đưa ra các biện pháp hoàn toàn là quá đáng. Thí dụ như ông thủ tướng kêu gọi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang chẳng hạn. Những chuyện như thế tôi nghĩ rằng rất là con người, mà tôi nghĩ cũng dễ xảy ra. Giá mà sau đấy ông ấy bảo là lúc ấy tôi chưa có đủ thông tin, thì hay hơn rất nhiều. Hoặc là có chuyện người ta tự hào một cách quá đáng, chúng ta rất là anh dũng, thế này thế kia, tự đề cao mình quá. Cái đó có ích để mà trấn an, để mà trấn an dư luận, trấn an giới đầu tư, thì cũng được, nhưng làm một cách quá trớn thì phản tác dụng. Có thể đấy là một kiểu truyền thông của Nhà nước mà dân chúng đã có một đúc kết hết sức là súc tích từ nhiều chục năm rồi: ''Mất mùa là tại Thiên tai, được mùa là bởi Thiên tài Đảng ta''. Tôi nghĩ kiểu tư duy như thế chắc chắn nó còn rơi rớt lại''.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng lưu ý : ''Sự phân trách nhiệm không thật rạch ròi, thì có thể dẫn đến tình trạng một người phụ trách một việc muốn có một sự công khai, nhưng một ông ở cấp cao hơn có thể có ý kiến khác đi một chút, thì có thể khiến người muốn minh bạch chẳng hạn phải chùn bước một chút. Tình hình phức tạp, chứ không đơn giản như ở các nước dân chủ.''

Mở cửa cho những quan điểm khác: Trắc nghiệm tính minh bạch

Trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 đã có mặt tại khoảng 100 quốc gia. Chính quyền Việt Nam tuyên bố ''giai đoạn 2'' chống dịch. Thành công hay thất bại hiện nay phụ thuộc nhiều vào sự tham gia chủ động của người dân. Việc chính quyền minh bạch trách nhiệm của người lãnh đạo sẽ tạo thêm niềm tin về phía người dân.

Theo nhiều chuyên gia, có rất nhiều việc cần làm để nâng cao tính minh bạch. Truyền thông chính xác, kịp thời, về dịch bệnh, về việc giám sát thực thi chính sách là điều rất quan trọng. Việc minh bạch quá trình ra chính sách là cốt yếu, là vấn đề gốc. Để việc minh bạch hóa mang lại hiệu quả, nhiều người khuyến cáo chính quyền cần mở rộng tiến trình xây dựng chính sách, phản biện chính sách cho các bên liên quan, các ý kiến khác biệt, ''những ý kiến ngược trong nội bộ'' (TS Nguyễn Quang A), ý kiến từ giới chuyên gia độc lập, giới ''khoa học bất vụ lợi'' (TS Trần Tuấn).


Biện pháp ''Khai báo sức khỏe toàn dân'' (không mang tính bắt buộc) được chính quyền đưa ra coi như cơ sở cho việc hoạch định chính sách chống Covid-19 ''giai đoạn 2'', hiện đang nhận được nhiều khen, chê, rất có thể chính là một cơ hội để chính quyền thu hút sự đóng góp từ mọi phía. Một trắc nghiệm cho nỗ lực minh bạch trách nhiệm của những người điều hành đất nước.