Chính quyền trì hoãn chấp nhận luật sư do người dân Đồng Tâm chọn! (RFA Tiếng Việt)

Những động thái của chính quyền cộng sản Việt Nam càng cho dư luận thấy, họ không có một chút chính nghĩa nào như những gì mà bộ máy tuyên truyền rêu rao về vụ Đồng Tâm.

Ngược lại, càng ngày người dân càng nhận rõ một tội ác mà lực lượng công an gây ra đang bị chính quyền che đậy.

Chính quyền Hà Nội vào sáng sớm ngày 9/1/2020, đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền.
Chính quyền Hà Nội vào sáng sớm ngày 9/1/2020, đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. File photo

Chính quyền Hà Nội vào sáng sớm ngày 9/1/2020, đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.

Bộ Công an sau đó cho truyền thông trong nước biết, đã có 22 người bị bắt giữ ở Đồng Tâm với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”… Tuy nhiên, theo người dân Đông Tâm, chính quyền hiện vẫn giam giữ 27 người.

Thân  nhân của những người bị bắt giữ tìm luật sư để bào chữa cho những người bị bắt. Tuy vậy một số luật sư được mời thông báo họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng liên quan.

Trường hợp mới nhất là Công ty luật Công Chính nhận lời mời và cử luật sư tham gia bào chữa cho ba bị can đã bị bắt giữ trong vụ án xảy ra ở Làng Hoành, xã Đồng Tâm. Nhưng đã quá thời hạn theo pháp luật mà luật sư chưa được cấp Thông báo bào chữa để tham gia vào vụ án.

Trả lời RFA hôm 11/3, Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công Chính, nói:

“Liên quan việc luật sư tham gia bào chữa cho các bị can trong vụ việc ở Đồng Tâm, thì vào ngày 26/2, tôi có nhận được đơn yêu cầu luật sư của 3 trường hợp người dân bị bắt trong vụ việc xảy ra ở làng Hoành. Sau đó 1 ngày, tôi lập tức gởi các thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia bào chữa, tới cơ quan cảnh sát điều tra cơ quan thành phố Hà Nội. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được các thủ tục hồ sơ của luật sư gởi, thì cơ quan điều tra phải cấp thông báo bào chữa. Nhưng sau nhiều ngày chúng tôi vẫn không nhận được thông báo bào chữa. Thực tế đến hôm nay là đã mười mấy ngày chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo bào chữa của cơ quan điều tra.”

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết, Công ty luật Công Chính đã phản ánh sự việc tới Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị hỗ trợ các luật sư trong quá trình giải quyết vụ án này. Liên đoàn luật sư đã lắng nghe hồi đáp và có văn bản ý kiến gửi tới các cơ quan tư pháp. Ông nói tiếp:

“Vì chúng tôi hành nghề cũng đã gặp nhiều các trường hợp, các cơ quan tố tụng cản trở gây khó dễ cho luật sư trong việc tham gia các vụ án. Chúng tôi đề nghị Liên đoàn Luật sư có ý kiến với cơ quan điều tra  tôn trọng quyền bào chữa của luật sư, khẩn trương gởi thông báo bào chữa, để luật sư có tư cách tham gia vào vụ án.”

Tuy nhiên sau khi Liên đoàn luật sư Việt Nam gởi văn bản ý kiến gửi tới các cơ quan tư pháp, thì cho đến ngày 11/3, cơ quan chức năng vẫn không gởi bất cứ thông báo gì đến Văn phòng Công ty luật Công Chính hay cá nhân Luật sư Ngô Ngọc Trai.

Đối với trường hợp luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho 5 người ở Đồng Tâm, ông cũng cho biết qua tin nhắn thực tế liên quan trường hợp của các thân chủ:

“Tôi nhận bào chữa cho 5 người dân Đồng Tâm, tất cả đều là người nhà cụ Lê Đình Kình. Trong số đó, tôi mới chỉ nhận được 3 giấy thông báo luật sư bào chữa cho 3 trường hợp, 2 người còn lại thì chưa thấy thông tin gì. Việc này là do phía họ, không phải tự phía mình. Cho nên, mình không thể biết rõ nguyên nhân.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, có thể đúng với sự suy đoán của nhiều người, rằng việc chậm trễ này nhằm gây khó dễ cho các luật sư bào chữa, hoặc nhằm chỉ định luật sư đối với một số trường hợp.

Sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối. File photo

Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN, một trong số ít luật sư được cơ quan an ninh cảnh sát điều tra chấp thuận sớm cho biết  nhiều người Đồng Tâm bị bắt có mời luật sư, và các luật sư có đăng ký thủ tục luật sư, nhưng không phải luật sư nào cũng được cấp quyền bào chữa như ông. Luật sư Ngô Anh Tuấn là người bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm đang bị bắt giữ. Luật sư Tuấn cho biết tiếp:

“Sắp tới chúng tôi phải kiến nghị việc họ không cấp thủ tục luật sư cho các luật sư khác trong vụ Đồng Tâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe thông tin, họ yêu cầu Liên đoàn luật sư hoặc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cử nhiều luật sư chỉ định, trong khi luật sư gia đình mời thì lại không được. Điều này là trái quy định của luật, vì vậy chúng tôi sẽ có những văn bản kiến nghị tiếp với bên cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội.”

Từ hôm 9/1/2020 đến nay, gia đình của những người dân Đồng Tâm bị bắt giữ, không nhận được bất cứ thông tin nào từ người thân của mình. Vì quá lo lắng cho thân nhân bị bắt giữ không tung tích, vào những ngày cuối tháng 2, người dân Đồng Tâm phải tự tìm đến trại giam để gởi đồ thăm nuôi mặc dù cũng không chắc người thân mình có thể nhận.

Một người dân Đồng Tâm, có thân nhân đang bị bắt giam, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA hôm 11/3:

“Nói chung, không có sự công bằng, công khai. Theo tôi biết, luật sư thì mời ngay từ khi gia đình tôi bị bắt, trong vòng 2, 3 ngày thì gia đình tôi đã gởi thư mời luật sư, nhưng luôn luôn bị chính quyền từ chối, bên điều tra chưa cho vào để gặp. Nhưng mà họ lại cho gặp luật sư chỉ định của bên họ. Nhưng luật sư chỉ định người ta cũng không biết gì về vụ việc người nhà tôi bị bắt… thì người ta cũng chả làm gì được…”

Bà cho biết luật sư chỉ định thì bà không tin tưởng. Nếu chính quyền công khai minh bạch thì phải cho luật sư bào chữa là của gia đình bà mời.

Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, cách hành xử của các cơ quan tư pháp trong vụ Đồng Tâm cho thấy, cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đang có hiệu lực, cũng như thực trạng luật sư bào chữa ở Việt Nam tham gia các vụ án hình sự, vẫn còn thường xuyên bị gây khó khăn trong việc hành nghề.

Hôm 23/2/2020, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế một lần nữa đã lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam cho công an tấn công vào làng Đồng Tâm, đồng thời yêu cầu quốc tế điều tra về hành động mà họ gọi là tội ác này.

Tuyên bố nêu rõ, với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, cực lực lên án việc tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, phải bị trừng trị đích đáng.

Bản tuyên bố cũng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản,phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Những cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập ký tên trong tuyên bố cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các nước lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước.