Virus corona: Khó dự đoán khi nào dịch lên đỉnh điểm (Thanh Phương)

Những diễn biến của dịch covid -19 là rất khó dự đoán, càng khó hơn khi nó xảy ra ở một nước cộng sản như Trung Quốc. Nơi mà các nhà khoa học, các bác sĩ không có tự do để công bố tình hình. Nơi mà công an có quyền bắt giam bác sĩ như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng vì ông phát hiện và thông báo nguy cơ dịch bệnh.

Cho đến nay, chưa ai dám tin vào các số liệu thống kê được Trung Cộng loan báo nên rất khó biết diễn tiến của dịch bệnh.

12/02/2020 - 11:51
Một nhân viên y tế đi kiểm dịch virus corona tại các làng hẻo lánh trong tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/02/2020.
Một nhân viên y tế đi kiểm dịch virus corona tại các làng hẻo lánh trong tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/02/2020. China Daily via REUTERS

Số ca lây nhiễm mới mỗi ngày tại Trung Quốc đang giảm dần trong ba ngày qua phải chăng là dấu hiệu cho thấy dịch viêm phổi do virus corona đang trong chiều hướng suy giảm? Hiện giờ chưa ai có thể trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn, cũng như không ai có thể tiên đoán được khi nào dịch bệnh này lên đến đỉnh điểm.

Bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), người phát hiện virus Corona gây dịch hô hấp cấp tính nặng SARS những năm 2002-2003, trước đây, từng dự đoán thời điểm dịch bệnh có thể đạt đỉnh là cuối tuần qua. Thực tế cho thấy là dự báo đó không còn chính xác. Dựa trên diễn tiến dịch bệnh trong những ngày gần đây, cũng như các biện pháp của chính phủ Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn đã phải điều chỉnh lại dự báo.

Trả lời hãng tin Reuters ngày 11/02/2020, vị bác sĩ kỳ cựu này cho rằng đỉnh dịch virus corona mới có thể rơi vào giữa hoặc cuối tháng 2, rồi chuyển sang giai đoạn ổn định trước khi suy yếu. Ông Chung Nam Sơn tỏ ý hy vọng là dịch bệnh sẽ chấm dứt vào tháng 4/2020. Nhưng ông cũng nói ngay, đó chỉ là một mô hình toán học, sẽ phải được điều chỉnh liên tục tùy theo diễn tiến tình hình.

Sở dĩ rất khó dự đoán được khi nào dịch virus corona lên đến đỉnh điểm là bởi vì, như thừa nhận của chính bác sĩ Chung Nam Sơn, cho tới nay các chuyên gia vẫn chưa hiểu vì sao dịch bệnh này lây lan nhanh như thế. Giới chuyên ngành hiện vẫn chưa nắm rõ cơ chế lây truyền.

Nhìn chung, các nhà khoa học còn chưa có nhiều thông tin về chủng virus corona mới, mà nay có tên chính thức là Covid-19. Theo nghiên cứu mới của các chuyên gia Trung Quốc, đứng đầu là bác sĩ Chung Nam Sơn, các khảo sát dữ liệu thu thập từ hơn 1.000 bệnh nhân Trung Quốc, cho thấy thời gian ủ bệnh của virus này có thể kéo dài đến 24 ngày, thay vì 14 ngày như những gì được công bố cho tới nay.

Rất nhiều bệnh nhân không có triệu chứng sốt cho dù đã bị nhiễm virus Covid-19, cho nên nếu chỉ dựa trên triệu chứng sốt để chẩn đoán, không ít ca nhiễm sẽ bị bỏ lỡ và như vậy nguy cơ lây lan ở cộng đồng càng gia tăng.