Virus corona: Không mạnh bằng SARS, nhưng dễ lây hơn (Thanh Phương)
Dễ lây lan, thời gian ủ bệnh kéo dài, Trung Quốc lại là nước có dân số lớn, số người di chuyển trong kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán tăng cao đột biến nên nguy cơ bùng phát dịch trên toàn Trung Quốc và lan ra thế giới là rất lớn.
27/01/2020 - 14:19
Ảnh được tải từ mạng xã hội ngày 25/01/2020 chụp nhân viên ở bệnh viện Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc. THE CENTRAL HOSPITAL OF WUHAN VIA WEIBO /via REUTERS
Virus corona mới xuất hiện tại Trung Quốc, không mạnh bằng virus bệnh SARS , nhưng lây lan dễ hơn, theo lời các quan chức cao cấp của ngành y tế Trung Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm 26/01/2020.
Giống như virus SARS, virus bí ẩn gây bệnh viêm phổi cấp tính cũng thuộc chủng corona, có thể lây từ người sang người và cũng khiến người bệnh bị khó thở. Dịch SARS vào những năm 2002-2003 đã khiến tổng cộng 774 người thiệt mạng trên toàn thế giới (trong đó có 349 người ở Hoa lục và 299 người ở Hồng Kông). Nhưng theo lời một quan chức Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Trung Quốc, virus corona mới không mạnh bằng virus SARS, tức là tỷ lệ tử vong do virus xuất phát từ Vũ Hán thấp hơn nhiều so với virus SARS (10%).
Một chuyên gia về các bệnh lây nhiễm tại đại học Vũ Hán cho rằng không nên xem thường, nhưng cũng không nên quá hoảng loạn : các triệu chứng của đa số các bệnh nhân bị nhiễm virus corona mới là những triệu chứng nhẹ và có thể được chữa khỏi dễ dàng. Mặt khác, phần lớn bệnh nhân tử vong là những người trước đó đã bị những chứng bệnh như tiểu đường, sơ gan, huyết áp cao hoặc các bệnh động mạch vành, và đó là những người trên 65 tuổi.
Nhưng theo lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, khả năng lây nhiễm của virus corona mới lại cao hơn virus SARS. Thời gian ủ bệnh của virus mới có thể lên tới 14 ngày và người bệnh có thể lây sang người khác ngay cả khi chưa biểu hiện các triệu chứng : sốt cao, khó thở… Nói cách khác, virus có thể đã có trong cơ thể một người không bị sốt. Mà ngay cả những người bị sốt nếu họ uống thuốc hạ sốt trên máy bay thì khi đến sân bay cũng không thể bị phát hiện.
Thành ra, nhiều chuyên gia cho rằng sử dụng các máy đo thân nhiệt của hành khách tại các sân bay không hẳn là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chận dịch bệnh, mà biện pháp này thật ra chỉ nhằm trấn an người dân mà thôi. Khác với những nước khác, Pháp chưa sử dụng máy đo thân nhiệt ở sân bay đối với các hành khách đến từ Trung Quốc.
Hiện giờ, chưa có thuốc trị virus corona mới, mà các bác sĩ chỉ có thể chữa trị các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp tính. Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, chúng ta phòng ngừa lây nhiễm bằng những động tác giữ vệ sinh cơ bản nhất, nhất là rửa tay thường xuyên.
Nguồn: RFI Tiếng Việt