Châu Âu như "dã tràng xe cát" trong cuộc đọ sức Mỹ-Iran (Thanh Hà)

Khối Liên Âu từ lâu đã lệ thuộc vào NATO trong các vấn đề đối ngoại liên quan đến an ninh. Từ khi Trump lên làm tổng thống Mĩ, định chế quân sự quốc tế hùng mạnh nhất thế giới này gần như tê liệt, kéo theo sự bất lực của Liên Âu với một loạt hồ sơ nóng thời gian qua. 

Đã đến lúc khối Liên Âu cần một quân lực riêng độc lập với Mĩ để hậu thuẫn cho chính sách đối ngoại. Nếu điều này xảy ra thì NATO coi như bị xóa bỏ, Liên Âu sẽ trở thành một thế lực mới. Với trọng lượng kinh tế toàn khối tương đương với Mĩ, nó sẽ chính thức chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Mĩ kể từ sau thế chiến thứ hai.

09/01/2020 - 15:11
Hình minh họa: Trụ sở Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles. Ảnh chụp ngày 03/12/2019.
Hình minh họa: Trụ sở Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles. Ảnh chụp ngày 03/12/2019. Aris Oikonomou / AFP

Vụ tư lệnh Iran, tướng Soleimani bị Hoa Kỳ hạ sát trên lãnh thổ Irak là dấu hiệu mới cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đang mất dần ảnh hưởng trên nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng. Về ngoại giao, Liên Âu thất bại trong việc thuyết phục cả Washington lẫn Teheran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Tại Syria, Nga và Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm vai trò hàng đầu. Trên mặt trận chống khủng bố châu Âu lo sợ liên minh chống Daech tan vỡ.

Hoa Kỳ hạ viên tướng hàng đầu của Iran trong một chiến dịch oanh kích, Teheran đáp trả qua việc bắn tên lửa vào nhiều căn cứ quân sự Mỹ tại Irak. Đôi bên cùng đe dọa "trả đũa đích đáng" nếu đối phương ra tay. Sau nhiều ngày, Anh, Pháp và Đức, ba đồng minh châu Âu thân thiết nhất của Mỹ mới thận trọng lên tiếng.

Ngoại trưởng 28 thành viên Liên Hiệp dự trù họp lại vào ngày 10/01/2020, tức đúng một tuần sau cái chết của tướng Soleimani "để phối hợp hành động trước nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran". Phản ứng chậm chạp này cho thấy châu Âu lúng túng, nếu không muốn nói là bất lực, trong cuộc đọ sức Mỹ-Iran.

Hai tháng trước khi chính quyền Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, với 5 thành viên Hội Đồng Bảo An và Đức, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron hoài công sang Washington can khuyên Mỹ. Sau đó Anh, Đức và Pháp nỗ lực cứu vãn thỏa thuận đó, nhưng vô hiệu quả.

Mùa hè vừa qua, các vụ phá hoại tàu dầu trên eo biển Ormuz đã làm tình hình khu vực thêm căng thẳng, Liên Âu cũng chỉ biết kêu gọi các bên "kìm chế" hay như Luân Đôn thì đã ra lệnh cho Hải Quân hộ tống các tàu dầu mang cờ Anh.

Tại thượng đỉnh khối G7 ở Biarritz miền tây nam nước Pháp hồi tháng 8/2019 cũng như bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vài tuần lễ sau đó, Pháp đã nỗ lực thúc đẩy Mỹ và Iran trực tiếp đối thoại, nhưng cũng không thành công. Emmanuel Macron không làm Donald Trump thay đổi ý kiến trên hồ sơ hạt nhân Iran. Châu Âu không tìm ra được ngõ thoát cho Iran để giảm nhẹ tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ ban hành.

Trong vụ hạ sát tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran, tướng Qassem Soleimani, rõ ràng là Washington đã không tham khảo hay ít ra là thông báo với các đối tác châu Âu trước khi hành động. Chuyên gia Pháp về Iran, Clément Therme, thuộc trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po cho rằng, Washington xem Paris nói riêng, châu Âu nói chung là những "đối tác thứ yếu của Mỹ". Tệ hơn nữa, Pháp chỉ là một "diễn viên phụ".

Hồ sơ hạt nhân Iran hay quyết định triệt hạ tướng Soleimani trên lãnh thổ Irak không phải là những dấu hiệu duy nhất cho thấy ảnh hưởng ngoại giao của Liên Âu đang bị thu hẹp. Trong cuộc khủng hoảng Syria, cả Liên Hiệp Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp tái thiết Syria. Thế nhưng việc Nga can thiệp quân sự hồi tháng 09/2015 đã làm thay đổi tương quan lực lượng, với kết quả rõ ràng, là hiện nay, vai trò của châu Âu bị lu mờ.

Gần đây, Liên Hiệp Châu Âu đã hoàn toàn bất lực trước việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan tại Syria, trong khi chính lực lượng Kurdistan này đã trả giá đắt trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi Giáo Daech. Giờ đây, ba "bố già" bảo lãnh cho tiến trình vãn hồi hòa bình tại Syria là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Tình hình cũng thê thảm tương tự tại Libya. Tiến trình vãn hồi hòa bình cho nước này đang tan thành mây khói, Pháp và châu Âu đã nhường sân cho các thế lực khác, từ Ai Cập đến lính đánh thuê của Nga, từ Qatar cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Do chính sách ngoại giao và chiến lược của châu Âu bị "chia năm sẻ bảy", mọi nỗ lực của khối này chỉ như "dã tràng xe cát". Thực tế thật phũ phàng : Liên Hiệp Châu Âu ngày càng ít có thể trông cậy vào nước Mỹ của Donald Trump, trong khi mà từ Nga đến Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trên bàn cờ quốc tế.