Chất men bóng đá-bài học cho lãnh đạo Việt Nam trong những đô thị thiếu tính người (Vũ Ngọc Mai)
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất biết lợi dụng tình yêu bóng đá cho mục đích chính trị, nhưng mục đích của họ rất khác với mong muốn của tác giả bài viết.
Chính quyền Việt Nam thường lấy hình ảnh hàng vạn người dân phấn khích ăn mừng chiến thắng của đội bóng Việt Nam như là bằng chứng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của người dân dưới sự lãnh đạo của họ.
Sự thực là ngoài lý do yêu bóng đá, người dân chúng ta có rất ít lý do để tự hào về đất nước nên khi có chút thành tích của đội bóng, dù chỉ là thành tích ở cấp khu vực, họ cũng trở nên phấn khích bởi con người nói chung thường thích những gì mình thiếu, và khao khát những gì mình không có.
Hình minh họa. Người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở SeaGames năm 2019. Hình do tác giả cung cấp
Ngay bây giờ tại Thái Lan, đội U23 bóng đá Việt Nam đang thi đấu trên sân Buriram, trong vòng chung kêt U23 châu Á. Hôm nay cũng là 16 tháng chạp ở Việt Nam. Tết nguyên đán đã vào tận cổng. Nên trong cái tất bật cuống cuồng của dân Việt những ngày giáp tết, trận bóng đá này giống như một ly rượu mạnh rót thêm trên bàn tiệc thịnh soạn. Người ta cuống quýt chạy về nhà hoặc réo nhau tấp vào các quán bia, quán cà phê hò hét theo dõi trận bóng. Các nẻo đường Sài Gòn đã náo nhiệt còn náo nhiệt gấp mười lần ngày thường.
Cách đây đúng một tháng, vào ngày 11/12/2019, sau khi tuyển U22 Việt Nam thắng Indonesia trong chung kết SeaGames, giành huy chương vàng lần thứ hai sau 60 năm, tôi cũng rời công ty, ra đường để về nhà. Nhưng tôi cố ý chọn một lộ trình vòng vèo và dài hơn thường khi, qua những tuyến đường trung tâm để ngắm nghía không khí ăn mừng của dân Sài Gòn.
Và tôi đã thấy gì:
-Những dòng người chạy xe dừng sát vào dải phân cách, bên kia một dòng người chạy ngược chiều thật chậm, hai bên chìa tay ra hết cỡ đập vào nhau phấn khích.
-Tất cả mọi người đều cười với nhau. Chưa bao giờ trên đường phố những người xa lạ có thể bắt chuyện với nhau dễ dàng và tự nhiên như thế.
Người dân Việt Nam xem bóng đá ở ngoài quán Hình do tác giả cung cấp
-Một anh xe ôm đang ngồi nhậu cùng bạn bè trên lề đường ngắm không khí bão bóng đá, hỏi tôi có muốn qua đường không, anh ấy đưa qua.
-Một cô gái dắt chiếc xe máy đi trên lề. Anh lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 đang đậu xe gần đó hỏi cô ấy xe bị gì, có cần anh ấy xem giùm hoặc đẩy phụ đến chỗ sửa không.
-Một anh chàng phi xe máy đến, quẳng vội nó ra một góc lề đường, rồi vụt ra giữa ngã tư đang dày đặc dòng người đỏ chói từ bốn hướng, phất cao lá cờ nhảy múa.
-Một chị gái áo quần lam lũ mua hết quả pháo hoa nọ đến quả pháo hoa kia nhảy múa giữa dòng người. Trông chị có lẽ là người phụ quán giải khát ở ngã tư Cách mạng tháng 8-Nguyễn Thị Minh Khai. Giá một quả pháo hoa không đắt nhưng cũng không rẻ, và ngày thường chị ấy chắc sẽ phải tính toán giật một quả pháo hoa cho vui hay dành số tiền đó cho một bữa ăn.
-Một chiếc xe bán tải cỡ lớn chở hàng bị kẹt đến nửa tiếng giữa ngã tư. Năm bảy chàng trai cầm cờ và thổi kèn tiến đến, nhảy lên thùng xe, trèo lên nóc, nhảy nhót, vẫy cờ, thổi kèn và hô vang “Việt Nam vô địch”. Anh lái xe chỉ mải miết cầm điện thoại quay phim. Anh phụ xe cởi trần ngồi chồm một nửa ra cửa ngắm dòng người, khuôn mặt bình thản mặc cho chiếc xe kẹt cứng giữa đường đến 30 phút.
Tôi thấy một chàng trai cột chiếc băng đỏ trên đầu, hăng say gõ chiếc khay inox úp ngược làm trống bên ngã tư. Khi chiếc que trúc đập gõ nhiều quá tướp ra như mành mành, một chàng thanh niên khác ở đâu không biết chạy ra dúi vô tay anh chàng kia chiếc vá inox để thay thế. Xong đứng bên cạnh thổi kèn toe toe.
Người dân Việt Nam cổ vũ bóng đá Hình do tác giả cung cấp
Tôi thấy những anh cảnh sát giao thông mỉm cười đứng nhìn dòng người dày đặc, khuôn mặt không căng thẳng hay mỏi mệt như thường thấy. Tôi thấy những cô gái đi một mình tiến đến đứng gần các anh cảnh sát đó cùng ngắm đường phố cuồng nhiệt, có lẽ để được yên tâm hơn. Cảnh này, bình thường khó thấy vì cảnh sát Việt Nam hay bị ghét và coi thường.
Tôi thấy những người xa lạ cùng nhau nhảy múa giữa đường.
Tôi ngắm những nụ cười hết cỡ, những cái đập tay, những tiếng reo hò chung quanh.
Và tôi hiểu ra, không phải niềm phấn khích vì một trận bóng đá thắng cuộc khiến đông đảo người dân Việt Nam tưng bừng đến thế. Chúng ta cần lắm không khí thân thiết, vui tươi, phấn khích, bình đẳng này. Nó mới chính là cái những người sống ở thành thị khao khát quá, thiếu thốn quá từ lâu, và dường như chỉ trong những trận bóng đá Việt Nam thắng lợi họ mới có một dịp để tự do bung tỏa.
Vì, bạn ơi, thành thị Việt Nam từ rất lâu nay quá thiếu tính người. Người người bịt kín khẩu trang đi trên phố không ai nhìn ai. Vào thang máy chung một tòa nhà cũng chỉ nín lặng đứng cạnh nhau, không một nụ cười hay tiếng chào. Dù Sài Gòn vẫn được tiếng là thân thiện dễ gần, nhưng vẫn chỉ trong những nhóm nhỏ hoặc khi những khi bạn cần giúp đỡ, còn nói chung vẫn xa cách, lạnh lẽo, dè chừng. Hàng xóm ở cạnh chục năm không biết tên nhau, và nhà nào nhà nấy rào thép gai chi chít.
Đó là do từ quá lâu nay chúng ta buộc phải sống trong những môi trường cạn kiệt niềm tin. Người lớn dặn con “đừng tin ai ngoài người thân”. Đồng nghiệp bốn năm năm chỉ biết tên và vị trí công việc. Bạn bè thân thiết quanh quẩn ở những người chơi với nhau từ thuở mặc quần thủng đít… Chúng ta vô cùng thiếu những kết nối xã hội. Xã hội Việt Nam thì chưa được thiết kế và cấu trúc một cách căn cơ để phát triển những sân chơi nhằm thiết lập mối quan hệ cộng đồng. Chúng ta thiếu thiên nhiên, thiếu những bãi cỏ, rừng cây, bờ sông… để những người xa lạ nhìn thấy và trò chuyện cùng nhau. Thiếu những hoạt động cộng đồng vô vị lợi trên quy mô lớn và thường xuyên. Vô cùng thiếu không gian xã hội để chúng ta không cảm thấy cô đơn.
Một người bán hàng trên phố cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam Hình do tác giả cung cấp
Giữa môi trường có quá nhiều lo sợ và cảnh giác bủa vây, khát khao kết nối và được tin ở người khác càng mãnh liệt. Chỉ là sống quen trong đó, chúng ta phải cố bồi đắp những bức tường để tự bảo vệ bản thân nhưng nhất thời không ý thức ra điều đó.
Do vậy, những dịp hiếm hoi như thế này là để người dân bù đắp cảm xúc, tìm một khoảnh khắc giao hòa và vui sướng chung, tìm chút cân bằng cho đời sống.
Chỉ trong những đêm bóng đá-không phải vô cớ bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua- người người mới tự quẳng bỏ hết dè chừng và nghi ngại, dám sát lại với nhau trong cùng một chia sẻ vô tư.
Đó là một giá trị khác của những thành tích thi đấu thể thao đỉnh cao mà có lẽ các ngôi sao bóng đá cũng không biết đến.
Những dịp này cũng là cơ hội vàng cho các nhà chính trị và quản lý của Việt Nam quan sát và định hướng cấu trúc xã hội.
Khoảng hơn 20 năm trước, cũng trong một dịp bóng đá Việt Nam chiến thắng như hôm nay, chúng tôi- những thanh niên mới hơn 20 tuổi, cũng như mọi thanh niên hôm nay, hẹn hò rộn ràng từ sớm, xem bóng thì ít mà kiếm cớ tụ lại với nhau thì nhiều, cùng la hét, rồi cầm cờ, nhặt vội cái nồi, lao ra đường chen lấn vào đám đông, gõ ầm ĩ và reo hò khản giọng như hôm nay, như tất cả những dịp tương tự. Một niềm vui chung không cần lý giải, một niềm tự hào không cần nói rõ căn nguyên.
Nhưng cũng từ hơn 20 năm trước cho đến tận giờ, ở Việt Nam vẫn không có hoạt động nào của tổ chức xã hội nào có thể lôi kéo người dân tham gia tưng bừng đến vậy. Không có những dịp nào người dân tự nguyện phất cao cờ tổ quốc và hăng say hô vang hai tiếng Việt Nam đến vậy. Tràn trề và cảm động biết bao!
Hôm nay lại là một trận bóng nữa. Những nhà lãnh đạo Việt Nam hãy nhân những dịp này để quan sát và nghiền ngẫm thật kỹ. Hãy biết ơn người dân. Trong một xã hội mà sự thờ ơ, vị kỷ, cá nhân đã trở thành những chân lý sống an toàn, thì chất men rừng rực kia nếu được cấy vào một môi trường thực sự đặt quyền lợi nhân dân lên hàng đầu như những gì chính phủ Việt Nam vẫn kêu gọi nhiều năm nay, sẽ giúp kết nối người dân, khơi dậy những động lực tiềm tàng giúp mang lại những đổi thay sâu sắc hơn mà chúng ta mong ước.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nguồn: RFA Tiếng Việt