Đảng Xanh châu Âu chống phê chuẩn EVFTA do tình trạng nhân quyền tại Việt Nam (RFI Tiếng Việt)

Nỗ lực của thiểu số các nghị sĩ châu Âu và đảng Xanh đơn độc không thể dẫn đến kết quả hoãn thông qua EVFTA như mong đợi của giới đấu tranh dân chủ và đa số người Việt. Tuy nhiên, nó không phải vô ích vì ít nhiều EU và thế giới cũng đã quan tâm và cảnh báo những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chính quyền cộng sản Việt Nam vừa gây ra tại Đồng Tâm, cũng như nhiều trường hợp khác. Hi vọng khi hợp tác sâu và rộng với một định chế đặt giá trị dân chủ, nhân quyền lên cao nhất thế giới như EU, nhà cầm quyền cộng sản buộc phải chấp nhận và thực thi các giá trị tiến bộ của nhân loại mà trước đây họ cố tình bóp nghẹt chỉ để duy trì độc quyền cai trị đất nước.

22/01/2020 - 11:33
Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019.
Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters

Ngày 21/01/2020, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (Commission du Commerce International, INTA) của Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 5 vắng mặt và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA) với 26 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 6 vắng mặt.


Đây là bước tiến mới hướng đến việc hai hiệp định sẽ được thông qua tại hội nghị toàn thể của Nghị Viện Châu Âu, dự kiến trong khoảng từ ngày 10 đến 13/02 ở Strasbourg. Tuy nhiên, thành công có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nếu không xảy ra một số sự kiện gần đây liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam khiến bốn nghị sĩ thuộc đảng Xanh bỏ phiếu chống, trong đó có bà Saskia Bricmont, nghị sĩ người Bỉ đứng đầu đảng Xanh tại Ủy Ban Thương Mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu về hiệp định thương mại và đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.

Khi lợi ích thương mại mạnh hơn nhân quyền

Trên Twitter ngày 21/01, nữ nghị sĩ trẻ viết : “Không ngạc nhiên, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế đã bác yêu cầu của chúng tôi về việc hoãn phê chuẩn để tiếp tục thảo luận với Việt Nam và gửi thông điệp rằng chúng tôi không bán tháo nhân quyền”. Đối với nữ nghị sĩ trẻ người Bỉ, nếu Nghị Viện Châu Âu thông qua hiệp định này trong phiên họp toàn thể vào tháng Hai, thì “người ta còn hy vọng một cuộc vùng dậy dân chủ ở đâu nữa”.

Nghị sĩ người Bỉ lấy làm tiếc làtại đất nước tự do thương mại đầy quyền lực, nhân quyền được phục vụ cuối cùng”. Có hai sự kiện giải thích cho lá phiếu chống của đảng Xanh : Thứ nhất, “số lượng tù chính trị, trong đó có chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng, vẫn tăng đều (thêm 70% kể năm 2012, lúc bắt đầu thảo luận)” ; thứ hai là “người dân làng Đồng Tâm, cách Hà Nội 40 km, trở thành nạn nhân trấn áp vì phản đối việc trưng thu đất đai của họ”.

Về vụ Đồng Tâm, nữ nghị sĩ Saskia Bricmont từng đặt câu hỏi trên Twitter ngày 18/01 : “Liệu Nghị Viện Châu Âu sẽ nghiêm túc thông qua một thỏa thuận thương mại tự do và đầu tư vào tháng Hai tới với một đất nước khủng bố và đàn áp dân tộc mình theo cách này?”. Dưới dòng tin là bài báo “Tensions Mount in Aftermath of Attack on Dong Tam Village” (Căng thẳng gia tăng sau vụ tấn công vào làng Đồng Tâm) trên trang The Vietnamese.

Tại sao Phạm Chí Dũng bị bắt ?

Bài viết Yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân chính trị ở việt Nam, được nghĩ sĩ Saskia Bricmont đăng ngày 22/11/2019 trên website riêng, có lẽ cho biết một nguyên nhân khác của vụ bắt giam ông Phạm Chí Dũng.

Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã ký thư chung đề ngày 04/11 của các tổ chức phi chính phủ (trong đó có Human Right Watch, cũng như tổ chức Việt Tân, bị Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố) gửi đến các thành viên Nghị Viện Châu Âu để báo động họ về tình trạng nhân quyền xuống cấp ở Việt Nam và cảnh báo thái độ khoan hòa của phái đoàn của Ủy Ban Châu Âu tại Hà Nội. Theo bà, ông Phạm Chí Dũng đi tìm trợ giúp từ các đại biểu của người dân châu Âu, thế nhưng ông lại phải đối mặt với cánh cửa khép kín.

Vẫn nghị sĩ đảng Xanh cho biết, “chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đã yêu cầu phía Việt Nam có hành động đặc ân cho các tù nhân chính trị và bày tỏ quan ngại về trường hợp ông Phạm Chí Dũng, chính quyền Việt Nam trả lời là mọi chuyện đều ổn, nhưng không hề có ý định trả tự do cho bất kỳ ai nếu không phải là buộc họ đi tị nạn”.

Vừa “sốc” vì hay tin Phạm Chí Dũng bị bắt, bà Saskia Bricmont còn bị nghị sĩ Jan Zahradil (đảng Những người bảo thủ và cải cách châu Âu, ECR, của CH Séc), báo cáo viên về hồ sơ thương mại với Việt Nam, từ chối để bà tham dự buổi giải trình của một đại diện các tổ chức bảo vệ nhân quyền, được tổ chức vào đầu tháng 12/2019 với Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (OIT) và Phòng Thương Mại. Nghị sĩ CH Séc Jan Zahradil luôn bị đảng Xanh châu Âu coi là quá khoan dung đối với Việt Nam.

Nghị viên Séc thân Việt Nam làm báo cáo viên của Nghị Viện về EVFTA

Đến ngày 10/12/2019, ông Jan Zahradil phải từ chức báo cáo viên, nhường chỗ cho nghị sĩ Bỉ Geert Bourgeois. Theo điều tra của trang thông tin châu Âu EUObserver, được tờ La Libre (Bỉ) trích dẫn ngày 10/12, ông Jan Zahradil bị cho là có “xung đột lợi ích” vì ông là chủ tịch Hội đồng tư vấn của Liên hiệp Hội người Việt Nam ở châu Âu (FOVAE), trong khi “mục đích của hội này là quảng bá hình ảnh của nhà nước, do độc đảng lãnh đạo, ít tôn trọng những những quyền cơ bản”. Ngoài ra, ông Jan Zahradil còn chủ trì một nhóm không chính thức các nghị sĩ “bạn hữu của Việt Nam”, được thành lập năm 2015 tại Bruxelles. Những hoạt động này chỉ được phát hiện khi ông điền tờ khai lợi ích mà mỗi nghị sĩ châu Âu phải thực hiện trước mỗi nhiệm kỳ.
Vẫn theo trang La Libre, trong thư gửi chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc tế Bernd Lange, nghĩ sĩ người Séc phủ nhận “xung đột lợi ích”. Ông giải thích rằng chức chủ tịch hội FOVAE được đề xuất với ông vì “ông ủng hộ từ lâu” cộng đồng người Việt tại Cộng Hòa Séc, nhưng ông chưa từng tham dự bất kỳ buổi họp nào của hội vì không có thời gian. Ông Jan Zahradil cũng khẳng định hội FOVAE không có mối liên hệ chính thức với đảng Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định từ chức báo cáo viên của Nghị Viện Châu Âu về hai văn bản với Hà Nội để “tránh chính trị hóa cuộc thảo luận” và tránh “làm chệch tiến trình”, trong khi hai văn bản được dự kiến đưa ra bỏ phiếu tại Nghị Viện vào tháng Hai.

Đề nghị hoãn thông qua EVFTA để thay đổi Việt Nam

Các nghị sĩ đảng Xanh châu Âu không có ý định đàm phán lại từ đầu mà “chỉ yêu cầu hoãn quá trình phê chuẩn các hiệp định với Việt Nam chừng nào một số điều kiện chưa được đất nước, do độc đảng lãnh đạo theo cách độc tài áp bức, đáp ứng. Điều kiện quan trọng là cải cách luật hình sự và chấn chỉnh theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc”.

Nghị sĩ Bricmont tỏ ra nghi ngờ về việc “tình hình sẽ thay đổi kể từ khi hiệp định tự do thương mại và đầu tư có hiệu lực” theo suy nghĩ của những nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận với Việt Nam. Bà nhận xét : “Nếu nhìn vào 8 cuộc họp, rất ít thành công, về nhân quyền giữa hai bên, tôi thực sự nghi ngờ về độ tin cậy của kịch bản này”.

Claudio Francavilla, người phụ trách biện hộ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), cũng kêu gọi : Các nghị viên châu Âu : Đừng bỏ lỡ cơ hội thay đổi Việt Nam. Trong bài viết được đăng trên Human Rights Watch ngày 15/01, Claudio Francavilla nhắc lại hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ của Việt Nam, nhất là từ năm 2016 trở đi, đã khiến nhiều nghị sĩ châu Âu lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Thực vậy, tháng 09/2018, 32 nghị sĩ châu Âu gửi thư ngỏ kêu gọi phải có các cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam trước khi bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị Viện. Những quan ngại này được nêu lên vào tháng 10 trong một buổi điều trần với chính quyền Việt Nam ở Bruxelles, và được nhắc lại trong bản nghị quyết khẩn cấp Vietnam, notably the situation of political prisoners (Việt Nam, tình hình đáng chú ý về tù nhân chính trị), đề ngày 15/11.

Liên Hiệp Công Đoàn Châu Âu (ETUC) cũng tham gia kêu gọi hoãn phê chuẩn cho tới khi Việt Nam đạt được các mốc tiến bộ rõ ràng về nhân quyền, dù đã có những cải cách mới đây trong luật lao động.

Nghị sĩ châu Âu Saskia Bricmont cho rằng những cải cách liên quan đến luật lao động của Việt Nam và việc thông qua công ước của Tổ chức Lao Động Quốc tế là điểm duy nhất Hà Nội đáp ứng yêu cầu của Nghị Viện Châu Âu. Tuy nhiên, một cải cách sẽ trở thành vô hiệu nếu đất nước không cải tổ luật an ninh mạng và luật hình sự.

Trong phiên bỏ phiếu tại Ủy ban Thương Mại Quốc Tế ngày 21/01/2020, nghị sĩ Saskia Bricmont cho biết các đề xuất sửa đổi của đảng Xanh đã không được chấp nhận, trong đó có đề xuất nếu tình trạng nhân quyền suy yếu thì có thể dẫn đến trừng phạt, như đình chỉ thỏa thuận. Đảng Xanh chưa có ý định lùi bước và tiếp tục đưa ra những tu chính khác tại phiên họp toàn thể, cùng với hy vọng Nghị Viện Châu Âu chưa quên được kết quả, với đa số áp đảo, thông qua một bản báo cáo về tình hình nhân quyền và dân chủ trên thế giới ngày 15/01/2020.