Vì đâu không khí Hà Nội ngày càng độc hại? (BBC Tiếng Việt)

Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, để giải quyết cần có chính sách tổng thể, đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Nhưng để có điều này, trước hết phải có chính quyền trong sạch, hiệu quả, trách nhiệm. Chắc chắn đó không phải là chính quyền cộng sản.

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội
Linh Pham/Getty Images
Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội

Không khí Hà Nội tuần qua có thời điểm đã lọt vào vị trí đầu bảng về ô nhiễm trên thế giới theo xếp hạng của Air Visual và hiện vẫn đang trong tình trạng rất xấu.


Chính quyền Hà Nội mới đây đưa ra danh sách 12 nguồn chính gây ra tình trạng này, trong đó có khí xả thải từ ôtô, xe máy; xây dựng, phá dỡ các công trình; người dân đốt rơm rạ, rác.

Danh sách này được cho là quá rộng và chung chung, và một số chuyên gia môi trường nêu ý kiến, tập trung vào ba nguyên nhân chính và đề xuất giải pháp.

Nhiệt điện than

Ngành điện được cho là đóng góp lớn vào ô nhiễm không khí của Hà Nội
HOANG DINH NAM/Getty Images
Ngành điện được cho là đóng góp lớn vào ô nhiễm không khí của Hà Nội

Một nghiên cứu dựa trên các dữ liệu năm 2015 của các nhà khoa học Việt Nam chỉ ra rằng các nhà máy nhiệt điện than quanh Hà Nội có thể là một trong các nguồn chính cho sự ô nhiễm ngày càng tăng của thủ đô, theo Zing.vn.

Nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018, cho hay công suất lắp đặt nhiệt điện than đã tăng mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây, từ 13 GW lên 18,5 GW năm 2018.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5 microgram/m3 vào lượng PM2.5 trung bình năm 2011 và ước tính tăng lên 12 microgram/m3 vào năm 2030, theo ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm nghiên cứu.

Trong khi đó, giới hạn nồng động PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ là 10 microgram/m3.


Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam hiện cũng 'dễ dãi' nhất thế giới. Các nhà máy điện ở Việt Nam hiện được phát thải gấp 5-10 lần so với các nước đang thực hiện theo các tiêu chuẩn tốt, tờ Zing.vn cho hay.

Một nghiên cứu khác mang tên Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học Đại học Harvard cho hay "Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam".

Nghiên cứu này ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.

Xe máy

xe máy
Linh Pham/Getty Images

Phương tiện giao thông cũng được xác định là một trong các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nặng tại Hà Nội, trong đó xe máy là 'thủ phạm' đầu bảng.

Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM nói với Thanh Niên rằng các kết quả đo đạc, khảo sát của trung tâm cho thấy với số lượng ngày càng tăng, xe máy đang đóng góp 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi.

TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cũng có chung ý kiến này. Ông nói xe máy đang chiếm khoảng từ 55 - 60% tổng lượng phát thải tại Hà Nội.

Công trình xây dựng

Công trình xây dựng
HOANG DINH NAM/Getty Images

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, nói với tờ Lao động rằng chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội cao do nhiều hoạt động của con người, trong đó có việc chưa kiểm soát tốt nguồn thải của các công trình xây dựng, để bụi phát tán vào không khí.

Ông Tùng cho hay rằng nhiều công trình xây dựng không quây kín theo quy định, xe ra vào công trình cũng không được rửa, mang theo rất nhiều bụi đất bẩn ra ngoài môi trường khiến nhiều tuyến đường của thành phố luôn trong tình trạng bụi mù mịt.

Giải pháp nào?

Nghiên cứu sinh phòng Năng lượng Sạch và Phát triển Bền vững, Đại học Khoa học - Công nghệ Hà Nội, Trương An Hà, nói với Zing.vn rằng bài toán ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, cần giải quyết tổng thể từ các ngành, các địa phương chứ không chỉ riêng Hà Nội.

Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L, nơi vận hành hệ thống quan trắc không khí PAM Air, cũng chung ý kiến này.

Ông Dũng nói rằng cần phải có nghiên cứu tổng thể để xác định tỷ lệ ô nhiễm từ các nguồn phát thải, từ đó có giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược. Để làm việc này, theo ông Dũng, cần có nhiều hơn các điểm quan trắc, ví dụ phải nâng lên thành 300 điểm thay vì 100 điểm như hiện nay ở Hà Nội.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng thì đề xuất nhanh chóng có đề án kiểm soát khí thải xe máy.

Ông Hoàng Dương Tùng thì cho rằng các giải pháp như trồng cây xanh, nhiều tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế đốt than tổ ong nhưng chưa đủ. Thành phố cần quyết liệt hơn với các công trình xây dựng trong những ngày ô nhiễm.

Riêng với nhiệt điện than, Việt Nam vẫn cho rằng đây là một ngành quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng trong nước. Trong bố cảnh đó, ôngTrần Đình Sinh từ GreenID nói với Zing.vn rằng cần phải công bố các số liệu phát thải cho công chúng một cách minh bạch, đầy đủ và dễ hiểu.

Hà Nội lọt vào top ô nhiễm nhất thế giới

Trong tuần vừa qua, đặc biệt trong các ngày 12-13/12, Hà Nội đã có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng của Air Visual về nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, với màu nâu - mức vô cùng độc hại cho sức khỏe.

Đỉnh điểm là vào khoảng 06:15 sáng 13/12, nồng độ PM 2.5 tại Hà Nội là 361, vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu.

Cho tới ngày 17/12, chất lượng không khí của Hà Nội luôn dao động trong các màu tím và đỏ, nghĩa là vẫn ở mức rất xấu.