Tuyệt vọng của người Kitô giáo ở Trung Đông, hố sâu chia cách về tôn giáo ngày càng lớn (Thanh Hà)

Thế giới Hồi giáo đang cần một cuộc cách mạng về tư tưởng, để học cách sống khoan dung với những đức tin khác. Người Hồi giáo cần hiểu rằng, họ sẽ không thể hội nhập vào thế giới văn minh khi vẫn nhìn những người không cùng niềm tin tôn giáo như kẻ thù.
Đáng buồn là các nước phương Tây đã không bảo vệ được cộng đồng Kito giáo anh em ở khu vực Trung Đông, nơi phát tích ra tôn giáo này.

25/12/2019 - 13:58
Giáo dân dự lễ Giáng Sinh tại Nhà Thờ Thánh Giu Se, Cairo, Ai Cập, ngày 24/12/2019
Giáo dân dự lễ Giáng Sinh tại Nhà Thờ Thánh Giu Se, Cairo, Ai Cập, ngày 24/12/2019 REUTERS/Amr Abdallah Dalsh

Tại Trung Đông, cộng đồng Thiên Chúa Giáo từ Irak đến Syria, từ Cisjordanie đến Ai Cập ngày càng mai một. Ngay tại chiếc nôi của Kitô giáo, những tín đồ của Chúa Giêsu bị truy bức. Các vụ khủng bố tấn công nhắm vào các nhà thờ tại các quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi thường xuyên nổ ra trước sự im lặng của phương Tây cũng như của thế giới Hồi Giáo.

Chuyến tông du của đức giáo hoàng Phanxicô hồi tháng 2/2019 trên một vùng lãnh thổ của Hồi Giáo liệu có hy vọng đảo được ngược thế cờ ? Trong một thế kỷ cộng đồng Kitô giáo trong khu vực này đang từ 20 % dân số rơi xuống còn chưa đầy 3 %. Tại Irak hay Cisjordanie, tại thánh địa Bethlehem cũng như trong vùng được mệnh danh là "thung lũng của Thiên Chúa Giáo tại Syria" giáo dân lần lượt phải bỏ xứ ra đi. Trong chưa đầy hai thập niên, cộng đồng theo đạo Thiên Chúa tại Irak đang từ một triệu rưỡi nay chỉ còn chưa đầy 300.000. Từ ở Liban đến các vùng lãnh thổ của người Palestine, đâu đâu các tín đồ của chúa Kitô cũng sống trong sợ hãi.

Tổ chức tự nhận là một Nhà Nước Hồi Giáo từng tàn sát người theo đạo Thiên Chúa tại Syria hay Irak. Các nhà thờ của cộng đồng người Copte ở Ai Cập từng là mục tiêu tấn công đẫm máu.

Năm 2003 khi Hoa Kỳ can thiệp vào Irak, triệt hạ Saddam Hussein, một số người Thiên Chúa Giáo tại đây từng hy vọng được sống trong một nền dân chủ. Từ đó tới nay, chính trị tại quốc gia Trung Đông này triền miên đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Gọng kềm nhắm vào cộng đồng Thiên Chúa Giáo từ ở thành phố Bassora trù phú cho tới vùng đồng bằng Ninive ở miền bắc Irak. Năm 2016, một nhà bình luận trên báo Le Figaro của Pháp thậm chí đã cay đắng cho rằng "tại đồng bằng Ninive này, chính sách thanh lọc tôn giáo đã thành công ngoài mong đợi". Tác giả, Adrien Jaulmes, không ngần ngại quy trách nhiệm cho cả các chính quyền tại các nước Hồi Giáo. Ông viết : "Daech khi ra tay sát hại các tín đồ của Chúa Giêsu thực ra chỉ là một bước kế tiếp trên con đường đã được "nhiều tác nhân khác" đã vạch ra. Mục tiêu của những người này là xua đuổi khỏi những vùng đất mà chính đạo Thiên Chúa đã ra đời".

Ở vào đầu thế kỷ 20, với sự đồng lõa của người Kurdistan, đế chế Ottoman đã tiến hành một cuộc diệt chủng nhắm vào người Armenia. Gần với thời đại của chúng ta hơn, cuộc nội chiến Liban kéo dài trong vòng 15 năm ở vào thập niên 1980 không hơn không kém là một xung đột mang màu sắc tôn giáo. Dù vậy tới nay, Liban là một ngoại lệ. Đây là nơi duy nhất tại Trung Đông quyền lực hiện còn trong tay một người theo đạo Thiên Chúa và chính quyền nước này coi thế cân bằng trong guồng máy lãnh đạo giữa các tôn giáo là một ưu tiên. Nhưng ngay tại nơi này đây cũng chỉ là một thế "cân bằng rất dễ vỡ".

Trong mắt nhà sử học Jean-Pierre Valogne, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột tôn giáo, "lịch sử oai hùng của Kito giáo tại Trung Đông đã quá nhiều lần bị gột tẩy, và bóp méo để rồi những người Thiên Chúa Giáo bị xua đuổi khỏi mảnh đất họ từng sinh ra. May mắn lắm thì cộng đồng tôn giáo này mới được chấp nhận như những người con ghẻ, nếu không muốn nói là họ thường bị coi là những người xa lạ". Một cây bút khác của tờ Le Figaro, Renaud Girard tiếc là mỗi lẫn, ở bất cứ nơi nào trên thế giới cộng đồng Hồi Giáo bị đàn áp, bị cướp đi quyền được sống, thì các nước phương Tây có truyền thống Thiên Chúa Giáo luôn bước lên tuyến đầu. Nhưng không thấy quốc gia Hồi Giáo nào lên tiếng trước các vụ thảm sát nhắm vào người Kitô giáo tại Trung Đông.

Phương Tây khi thì lên tiếng bảo vệ cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương lúc thì đòi Miến Điện trả lời về tội diệt chủng người Rohingya. Xa hơn nữa thì Anh, Pháp và Mỹ từng can thiệp quân sự khi chính quyền Serbia theo đạo Thiên Chúa sát hại 7.000 người Hồi giáo, đốt phá các đền thờ ở Sebrenica năm 1995.