Hồng Kông : Từ « Cảng nữ » thành « đả nữ » (Thuỵ My)
Những cô gái trẻ Hong Kong đã ý thức được : thiếu dân chủ sẽ không có tương lai.
Còn các bạn trẻ Việt Nam thì sao ?
Nữ sinh viên có biệt danh là "Chris Wong", từ một cô gái sống nội tâm trở thành chiến binh xung kích trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 03/12/2019. Anthony WALLACE / AFP
Chris Wong, nữ sinh viên 19 tuổi, là một trong số hàng ngàn cô gái Hồng Kông tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và không ngần ngại đương đầu với cảnh sát. Cô giải thích với AFP : « Đó là cuộc chiến đấu của tất cả mọi người, dù là nam hay nữ ».
Sinh ra trong một gia đình công nhân không quan tâm đến chính trị, Chris Wong dần dần đã sáng mắt ra cùng với cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Hồng Kông từ sáu tháng qua.
Trường hợp của cô chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ, trong những cuộc biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày kể từ tháng Sáu, kể cả trên tuyến đầu mỗi khi nổ ra các cuộc đụng độ với cảnh sát. Phụ nữ chiếm trên 25% trong số 5.900 người bị bắt từ tháng 6/2019, và có tỉ lệ tương tự trong tổng số người nhập viện, khoảng 28%.
Trong những vụ đối đầu với cảnh sát xảy ra thường xuyên lúc gần đây, các cô thiếu nữ hiện diện khá nhiều trong số lực lượng xung kích chuyên tác chiến ở tiền phương. Mặc trang phục toàn màu đen giống như các đồng đội nam, các cô cũng tung bom xăng và ném gạch đá vào cảnh sát, và bị đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Chris Wong tự mô tả là một người sống nội tâm. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, cô chẳng bao giờ dám qua đường khi đèn đỏ, hay phát biểu trước lớp. Tuy tham gia phong trào dân chủ rất sớm, nhưng cô tránh đi hàng đầu trong những cuộc biểu tình, mà chỉ giúp thực hiện các tờ rơi hay tổ chức những cuộc tập họp.
Thiếu dân chủ, thế hệ chúng tôi không thấy tương lai
Đến tháng Tám cô trở nên cứng rắn hơn, khi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình, và cảnh sát gia tăng đàn áp. Một hôm, giữa hơi cay mịt mù, cô bất lực nhìn thấy một người bị bắt một cách thô bạo. Chris nhớ lại : « Lúc đó tôi cảm thấy mình thật vô dụng, không thể cứu được ai cả. Thế là tôi bắt đầu tập luyện ».
Giữa tháng 11, tại đại học Bách Khoa (PolyU), cô nằm trong số hàng trăm người biểu tình kiên cường nhất, tham gia trận đối đầu dữ dội và kéo dài với cảnh sát. Động cơ duy nhất : cô tin rằng Bắc Kinh đang siết dần các quyền tự do mà người Hồng Kông đang có được. « Thành phố đang trong tình trạng tệ hại, không có tương lai nào cho thế hệ chúng tôi nếu không chiến đấu ».
Các diễn đàn trên mạng được phong trào dân chủ sử dụng tràn ngập các cuộc thảo luận liên quan đến sự tham gia của phụ nữ. Nhiều người ủng hộ, cho rằng việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của « gong nui » (« Cảng nữ », tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.
Tuy vậy một số lời bình trên các diễn đàn tỏ ra phân biệt giới tính. Và trên các bích chương, tờ rơi của người biểu tình, chịu ảnh hưởng của manga, các cô gái thường có khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt to tròn, cần được sự che chở của các nam thanh niên đấu tranh. Hoặc được diễn đạt bằng hình ảnh các nữ chiến binh sexy.
« Phái yếu » đôi khi là ưu thế
Cô sinh viên Chris Wong khẳng định trong những cuộc biểu tình, cô khám phá rằng không có giới hạn nào cả. « Tôi chưa bao giờ có cảm giác là con gái không nên làm điều này hay điều nọ, và tôi chẳng quan tâm trong xã hội người ta nói gì ».
Quan niệm « phái yếu » thậm chí có thể trở thành ưu thế. Cô nói : « Điều này giúp tôi có thể dễ dàng thay đổi vai trò, chẳng hạn từ xung kích tiến công thành một người qua đường bình thường, nhưng thực chất là nhằm trinh sát những nơi cảnh sát đặt rào cản ».
Susan Choi, giảng viên trường đại học Trung Văn ở Hồng Kông, đã nghiên cứu sự tham gia của nữ giới trong các cuộc biểu tình. Bà nói với AFP : « Tính chất không lãnh tụ và phi tập trung của phong trào giúp cho phụ nữ - và nói chung là tất cả mọi người - đóng một vai trò tùy theo quyết tâm và khả năng của mình ».
Tuy vậy bà không nghĩ rằng các cuộc biểu tình có thể tạo ra được phong trào nữ quyền trong xã hội Hồng Kông vốn bảo thủ. Bà tỏ ý tiếc: « Nhiều người tham gia có khuynh hướng coi sự bất bình đẳng trong các cuộc biểu tình là chuyện bình thường ».
Chris Wong cho biết, cô cũng như nhiều thiếu nữ đi biểu tình khác đều lo sợ bị tấn công tình dục. Trong một vụ được lan truyền rộng rãi trên internet, một thiếu nữ khẳng định đã bị buộc phá thai sau khi bị các cảnh sát hãm hiếp tập thể trong đồn hồi tháng Chín. Cảnh sát nói rằng đang điều tra vụ này.
Hiệp hội đấu tranh chống bạo lực tình dục với nữ giới tuyên bố, đã tập hợp đầy đủ bằng chứng về các trường hợp quấy rối tình dục, tấn công và hãm hiếp trong các đợt biểu tình.
Nguồn: RFI Tiếng Việt