Bộ Công an lùi thời hạn áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung (VOA Tiếng Việt)


Những quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để bảo vệ người dân và kiểm soát bộ máy công an đã được luật hóa từ năm 2016, nhưng tới giờ, bộ công an vẫn tiếp tục trì hoãn.

Bởi công an nhân dân Việt Nam đâu có nghiệp vụ hỏi cung, họ chỉ tra tấn và khủng bố nghi phạm. Hàng trăm người chết trong đồn công an mỗi năm là một bằng chứng.

Cơ quan An ninh Điều tra lấy lời khai ông Hà Văn Thành. Photo ANTV

Hôm 24/12, Bộ Công an cho biết Bộ này muốn lùi việc áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình trong hỏi cung thêm một thời gian nữa vì đây “là một chủ trương lớn, đòi hỏi nỗ lực của các bộ ngành,” thay vì áp dụng vào ngày 1/1/2020 như quy định.

Báo Tiền Phong trích lời Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết tại cuộc họp báo 24/12:

“Điều kiện thực tiễn vẫn cần có thêm thời gian chuẩn bị để triển khai đồng bộ. Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo cấp thẩm quyền lùi thời hạn áp dụng vì cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo, tổ chức tập huấn cán bộ và có những yêu cầu đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực lớn hơn.”

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết Bộ đã xây dựng đề án và được Thủ tướng phê duyệt đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ông Ngọc Anh cho biết Bộ Công an đã tổ chức thí điểm tại 5 tỉnh, thành là Bắc Giang, Công an TP. Hà Nội, Công an TP.HCM, cơ sở giam giữ của Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra với 45 buồng hỏi cung đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

“Bộ Công an hiện quản lý 69 trại tạm giam, trong đó có nhiều buồng hỏi cung đảm bảo chuẩn. Từ trước đến nay ngành Công an đã làm và đạt kết quả tốt,” truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Ngọc Anh cho biết thêm.

Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 2015, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, điều 183 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều khoản này có mục đích chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự.

Một nghị quyết của Quốc hội năm 2015 nêu: “Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ ngày 01/07/2016. Chậm nhất đến ngày 01/01/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.”

Tuy nhiên, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2019 nói rằng kể từ ngày 01/01/2020 sẽ thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Vào tháng 3/2018, các cơ quan bao gồm Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng ra hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện “ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể cả trong các cuộc hỏi cung, thẩm vấn. Luật sư Trần Thu Nam bình luận với VOA rằng đây là một bước tiến tích cực, song không loại trừ vẫn xảy ra việc “lách luật”.

Cũng tại cuộc họp báo, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an kêu gọi báo chí đấu tranh với các hoạt động dùng trang mạng xã hội để kích động chống phá Đảng và nhà nước trong giai đoạn trước, trong và sau đại hội Đảng 13. Ông kêu gọi báo chí “đồng hành cùng ngành công an phản bác lại những thông tin, quan điểm sai trái thù địch,” theo VietnamNet.