Không có đối thoại Mỹ - Việt về quan hệ 'đồng minh quân sự' thời điểm này
Chừng nào mà chế độ cộng sản còn tồn tại thì quan hệ Việt-Mĩ dù ở mức độ nào thì cũng không có thực chất, thiếu bền vững vì không cùng chia sẻ những giá trị nền tảng. Không phải tự nhiên mà những liên minh khăng khít nhất, có thực chất nhất vẫn là liên minh của các nước dân chủ.
BBC News Tiếng Việt
Ông Jake Sullivan trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Giang hôm 26/11/2019
Hiện chưa thấy có bất kỳ một đối thoại nào giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về một 'quan hệ đồng minh quân sự', một chuyên gia về chiến lược và nguyên cố vấn về chính sách an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thời Barack Obama nói với BBC News Tiếng Việt.
Chia sẻ bên lề một trao đổi seminar tại BBC London hôm 26/11/2019 về đối đầu Mỹ - Trung thời gian qua và liệu đây có phải là một cuộc Chiến tranh lạnh lần thứ II hay không, ông Jake Sullivan, một trong những nhà đàm phán then chốt của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân Iran thời Obama, trả lời câu hỏi về quan hệ Mỹ - Việt:
"Tôi không nghĩ có bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào về một liên minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào thời điểm này, nhưng quan hệ đối tác sâu sắc hơn Mỹ - Việt, đặc biệt là về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả trong lĩnh vực kinh tế và khác thì điều đó nên tiến hành.
"Nhưng để nghĩ về nó theo cách chúng ta nghĩ về Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v., tôi không nghĩ rằng đó là điều nằm trong suy nghĩ của chính quyền Mỹ hiện tại hoặc trong cộng đồng chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ."
Đề cập đến vai trò của Mỹ ở khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông và có những đối đầu trước Việt Nam tại vùng biển đang 'nóng' lên thời gian gần đây, ông Sullivan nói:
"Mỹ muốn đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực.
"Việt Nam, Trung Quốc và các nước yêu sách khác ở Biển Đông đã có căng thẳng gia tăng theo thời gian, và một phần lớn lợi ích của chúng tôi là đảm bảo rằng những tranh chấp đó được giải quyết một cách hòa bình để một cuộc xung đột nào đó không xảy ra.
"Việt Nam và Mỹ đương nhiên chia sẻ những lợi ích chung như tự do hàng hải ở trên Biển Đông, an ninh hàng hải và giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp, do đó, duy trì những đối thoại lành mạnh giữa Mỹ và Việt Nam về các vấn đề trên là rất quan trọng.
"Đương nhiên điều này cũng được tích hợp vào những đối thoại rộng lớn hơn trong khu vực về tương lai của Biển Đông, để chắc chắn rằng có những sắp xếp về an ninh có thể được đảm bảo mãi mãi."
BBC News Tiếng Việt
Ông Jake Sullivan (phải) trao đổi tại buổi semina về quan hệ và đối đầu Mỹ - Trung diễn ra tại BBC World Service hôm 26/11/2019
Trên một khía cạnh khác, vị cố vấn này nói thêm rằng Mỹ không biết đến một thực tế là giữa nhà nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc có sự chia sẻ gần gũi về ý thức hệ, ông nói:
"Tôi không nghĩ rằng giới hoạch định chính sách của Mỹ không biết đến việc đó, hoặc không biết đến một số những vấn đề nội bộ đang thách thức ở Việt Nam, cũng như những khác biệt trong đó có khác biệt trong hệ thống chính trị, trong các giá trị, thế giới quan giữa Mỹ và Việt Nam.
"Nhưng những vấn đề đó không nên đứng ở giữa, cản trở việc xây dựng mối quan hệ, hợp tác ngày càng khăng khít giữa chúng ta (Mỹ - Việt)," ông nói với nhà báo Nguyễn Giang của BBC News Tiếng Việt.
'Một vấn đề bất khả thi'
Cũng hôm 26/11, từ New York, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một nhà quan sát và phân tích chính trị và bang giao quốc tế, nêu quan điểm về tính khả thi của việc đặt vấn đề về 'liên minh Việt - Mỹ' trong an ninh và quân sự vào thời điểm hiện nay:
Tiến sỹ Vũ Quang Việt: Quan hệ quân sự Việt - Mỹ và nhân quyền
"Thứ nhất là không khả thi vì bản thân Mỹ cũng không muốn liên minh với Việt Nam làm gì. Mỹ đặt lại nhiều vấn đề. Ngay cả với Nato, bây giờ Mỹ đòi hỏi các nước đó phải trả tiền cho quân đội Mỹ.
"Ngay cả với Hàn Quốc v.v..., Mỹ cũng đòi trả tiền. Như vậy Mỹ có chính sách như kiểu là bây giờ quý vị phải chi trả cho tôi và dĩ nhiên liên minh kiểu đó càng ngày càng giảm xuống so với xưa.
"Hồi xưa liên minh có nghĩa rằng là nếu bất cứ một nước nào ở trong liên minh mà bị tấn công thì Mỹ và các nước ở trong liên minh sẽ coi đó là tấn công chính nước mình.
"Và sẽ có hành động để bảo vệ mà không cần phải thông qua quốc hội hay gì khác trong những vấn đề như thế này. Đó là liên minh Nato và gọi là liên minh.
"Thế thì bây giờ Mỹ đang muốn rút quân khắp các nơi, thì làm sao đặt vấn đề liên minh với Việt Nam?
"Thành ra bản thân Mỹ cũng không muốn. Nếu Việt Nam bị tấn công, chẳng hạn bị Trung Quốc hay bất cứ ai khác tấn công, thì Mỹ đâu có lý do gì để nói rằng đó là tấn công vào Mỹ.
"Thì tôi nghĩ việc mà bảo là liên minh như vậy sẽ không có và dù Việt Nam muốn cũng không thể đó được, do đó luật của Việt Nam nói không liên minh với bất cứ nước nào thì cũng là đúng thôi. Bởi vì cái thực trạng nó như vậy.
"Nhưng mà dĩ nhiên tôi nói là nếu Việt Nam bị tấn công, Việt Nam nên sẵn sàng và nên nói rõ rằng là sẽ hợp tác, cái này hợp tác là khác với liên minh, hay là nhận sự sự giúp đỡ của tất cả các nước có cùng ý muốn bảo vệ hòa bình ở Biển Đông, thì Việt Nam sẵn sàng hợp tác," Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói với Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt.
Nguồn: BBC Tiếng Việt