Hãy cảnh giác! (Việt Hoàng)


Tóm lại trước những thông tin đa chiều và phong phú của mạng xã hội cũng như sự mờ ám của các tổ chức chính trị ‘ma’ thì mỗi người Việt Nam, nhất là những người có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng cần cảnh giác cao độ. Đừng để sự dối trá, lừa đảo dẫn dắt chúng ta và qua chúng ta dẫn dắt dư luận. Nên đặt niềm tin vào những tổ chức chính trị và các trang báo có uy tín đã được thời gian chứng thực. (Việt Hoàng)



Thế giới đang đứng trước nhiều vấn đề nghiêm trọng như khủng hoảng kinh tế (mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là mới bắt đầu), ô nhiễm, biến đổi khí hậu, di dân, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng đe dọa sự ổn vững của các quốc gia. Chưa bao giờ mà người dân, bao gồm cả ở những nước dân chủ lại giận dữ và bức xúc như vậy. Trong đó cuộc khủng hoảng về tư tưởng chính trị của các nước dân chủ mới là đáng lo nhất. Nền dân chủ trên thế giới đang phải xét lại một cách đau nhức. Chủ nghĩa dân túy đang nổi lên trên khắp thế giới và đe dọa phá bỏ trật tự cũ của thế giới, đã tồn tại suốt hơn 70 năm qua. 

Chúng tôi tin rằng với sự trưởng thành về trí tuệ của nhân loại thì một cuộc khủng hoảng toàn diện như hồi thập niên 1930 sẽ không xảy ra. Chiến tranh cũng vậy. Nhưng dù thế nào thì những thay đổi mang tính căn bản và sâu sắc chắn chắn sẽ phải xảy ra. Độc giả có thể xem lại bài viết “Nền dân chủ đang lạc lối?”. (1)

Chưa ai có thể hình dung ra là thế giới sẽ thay đổi như thế nào? Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn, công bằng và nhân văn hơn. Việt Nam chúng ta cũng vậy. Chắc không mấy ai, kể cả quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam tin rằng đảng của họ sẽ trường tồn. Nếu còn niềm tin đó thì một số đại biểu quốc hội Việt Nam đã không bỏ ra một đống tiền để mua quốc tịch nước ngoài hoặc ‘đi nhờ’ máy bay của bà chủ tịch quốc hội rồi trốn luôn ở Hàn Quốc. Không kể trường hợp đặc biệt là Vũ “Nhôm”, một cựu sĩ quan tình báo, đã chi tới 2,2 triệu USD để mua quốc tịch Mỹ cho cả nhà nhưng không thành.

Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào thì có lẽ chúng ta có thể hình dung được. Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực và mất hết uy tín sau hơn 70 cầm quyền cho nên sớm muộn họ cũng phải bị đào thải. Thay thế cho họ có thể là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập (hoặc một liên minh dân chủ) hoặc có thể là một nhóm mafia (nhóm lợi ích) sẽ lợi dụng cơ hội cướp lấy chính quyền và thành lập ra một nhà nước dân chủ giả hiệu như nước Nga của Putin. Trong trường hợp này Việt Nam tiếp tục bị cai trị bởi một nhà nước độc tài toàn trị dù tên gọi có thể khác và rất hoành tráng.

Về lý thì một chính phủ độc tài được dựng lên bởi các nhà tài phiệt sẽ nhanh chóng bị nhận diện và phản đối vì dân trí và sự hiểu biết của người dân Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên về tình thì quả thật chúng tôi có hơi lo lắng một chút về sự hời hợt của một bộ phận người Việt, nhất là sự hời hợt về chính trị. Ai cũng biết chính trị là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn và rất khó khăn để hiểu được chúng. Cần phải học hỏi và nghiên cứu về chính trị một cách nghiêm túc như bao lĩnh vực khác. Chỉ có những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp trong các tổ chức chính trị thực thụ mới có khả năng nhận diện được các vấn đề đặt ra cho đất nước và cách giải quyết chúng. Không phải ai cũng có thể hiểu đầy đủ về chính trị và làm được chính trị, dù ai cũng có thể nói và bàn luận về chính trị.

Một sự thực dù rất buồn nhưng lại rất hiển nhiên là suốt trong dòng lịch sử, người Việt Nam chưa từng sống dưới một chế độ dân chủ nên không ai hiểu và hình dung ra các hoạt động chính trị trong một nhà nước dân chủ là như thế nào. Một số người Việt Nam ra nước ngoài và sinh sống tại các nước dân chủ cũng tiếp nhận về dân chủ một cách rất hạn chế vì họ đang sống trong một chế độ dân chủ nên không có nhu cầu tìm hiểu cặn kẽ về dân chủ làm gì nữa. Tình yêu và quan tâm của họ dành cho quê hương Việt Nam cũng không nhiều vì tổ quốc, ngoài nơi “chôn nhau cắt rốn” ra chỉ là những kỷ niệm buồn đau. Một minh chứng là 44 năm qua người Việt Nam tại hải ngoại vẫn chưa có được một tổ chức chính trị dân chủ nào có tầm vóc.

Sự thật buồn nữa là không phải không có những tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn (như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) để người Việt Nam đặt niềm tin mà vì người Việt Nam không còn niềm tin và hy vọng vào tương lai, vào chính người Việt Nam và quê hương Việt Nam…Sự mất niềm tin đó bắt nguồn từ sự thất vọng đối với giới lãnh đạo chính trị tại Việt Nam từ trước tới nay và sau đó là do sự thiếu hiểu biết về chính trị. Không mấy ai đi tìm cho mình các câu trả lời như: Vì sao Việt Nam lại ra nông nỗi này? Việt Nam sẽ đi đâu về đâu? Tương lai nào đang chờ dân tộc Việt Nam ở phía trước?...Chính vì không biết, không còn hy vọng gì ở tương lai nên người Việt Nam phải tìm những giải pháp cá nhân bất chấp nguy hiểm. Vụ 39 người Việt Nam chết ngạt trong chiếc xe tải khi sang Anh “tìm đường cứu thân” là một ví dụ. Sự việc đau lòng này gây chấn động cho lương tri nhân loại nhưng với không ít người Việt Nam thì đó là chuyện “bình thường”, không ít người vẫn dứt khoát là “chết cũng đi”. Họ không còn gì để hy vọng và trông chờ ở tổ quốc và tương lai nơi quê nhà.

Ai phải chịu trách nhiệm cho những thảm kịch như vậy. Tất nhiên là “tổ quốc” và người đại diện cho tổ quốc là chính quyền đương nhiệm. Đảng cộng sản Việt Nam  đã lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” Việt Nam hơn 70 năm qua nên những thành công và thất bại đương nhiên cũng là của họ “toàn diện và tuyệt đối”. Bên cạnh đó còn có một phần trách nhiệm không nhỏ của giới trí thức Việt Nam. Nhưng trí thức Việt Nam  là ai? Việt Nam từ trước đến nay chỉ có tầng lớp “trí thức khoa bảng”, là những người mà vai trò của họ được mặc định trong hàng ngàn năm qua là làm tôi tớ, phục vụ vô điều kiện cho chính quyền dù chính quyền đó có tàn bạo hay tồi dở đến đâu đi nữa. Tất nhiên cũng có những trí thức chân chính mà sự “hiểu biết” và trái tim của họ vượt qua được chính mình để trăn trở và hòa cùng nhịp đập với người dân. Tuy nhiên họ chỉ là một thiểu số nhỏ và sự “hiểu biết” của họ cũng rất hạn chế, chỉ dừng lại ở mức chỉ trích và lên án chính quyền mà thôi. Việt Nam chưa từng có tầng lớp trí thức thật sự, là những người chịu trách nhiệm cho sự thăng trầm của đất nước, đó là tầng lớp “trí thức chính trị”.

Tầng lớp “trí thức chính trị” này là ai? Có thể định nghĩa giản dị đó là “những người hiểu rõ những vấn đề của đất nước và sẵn sàng kết hợp với những người khác để thay đổi xã hội hiện tại”. Họ là những người ưu tư với đất nước và mong muốn “làm ra lịch sử thay vì chịu đựng lịch sử”. Tầng lớp trí thức này đang được hình thành và sẽ sớm lớn mạnh để gánh vác trọng trách của lịch sử. Họ là một lớp người mới, chưa từng xuất hiện trước đây và đương nhiên đa số là các bạn trẻ. Làm sao để nhận diện ra họ? Có lẽ tiêu chí quan trọng nhất và dễ thấy nhất là họ sẵn sàng tham gia vào các tổ chức, nhất là các tổ chức chính trị. Những trí thức dù giỏi và nổi tiếng đến đâu mà không có ý định tham gia vào các tổ chức thì cũng không phải là “trí thức chính trị” và sự đóng góp của họ cho sự thay đổi, nếu có cũng rất hạn chế. Chỉ riêng việc họ “đứng một mình” cũng là biểu hiện của sự bất lực, mất niềm tin và khuyến khích cho các “giải pháp cá nhân” trừ những trường hợp đặc biệt và lý do khách quan mà người đó không thể tham gia vào các tổ chức chính trị. Ngay cả trong trường hợp đó thì họ nên thẳng thắn và dũng cảm nhìn nhận sự hạn chế của bản thân thay vì lấy đó làm “hãnh diện”. 

Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra một chuyện vô cùng nghiêm trọng đó là việc Trung Quốc mang tàu thăm dò địa chất HD-8 và nhiều tàu chiến xâm nhập trái phép vào sâu trong hải phận Việt Nam, có những lúc cách đảo Lý Sơn chỉ 30 hải lý. Tuy nhiên các cuộc biểu tình rầm rộ đã không xảy ra như hồi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 năm 2014. Không ai mặn mà chuyện biểu tình vì theo họ cứ để “đảng và nhà nước lo” và có lẽ nhiều người nhận ra sự hạn chế của các cuộc biểu tình mang tính “thời vụ” như vậy. Các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu và Luật an ninh mạng hồi tháng 6/2018 đã bị đàn áp thẳng tay. Hàng trăm người bị bắt bớ và kết án. Chủ mưu các cuộc biểu tình này có thể là một phe nhóm nào đó trong nội bộ đảng cộng sản. Khi đạt được mục đích thì họ quay sang đàn áp người dân. 

Sự trầm lắng của phong trào dân chủ Việt Nam thời gian qua là một dấu hiệu “đáng mừng” hơn là đáng lo, những người dấn thân tranh đấu đang trưởng thành và sự hiểu biết của họ cũng như kiến thức về đấu tranh chính trị của họ đang gia tăng rõ rệt. Rất nhiều người đã nhận ra rằng “đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải là giữa các cá nhân”. Tuy nhiên giữa nhận thức đó với việc tham gia vào một tổ chức chính trị lại là một khoảng cách khá lớn mà nhiều người không thể vượt qua. Thay đổi tư duy rất khó khăn, “văn hóa nhân sĩ” đã ăn sâu vào tâm hồn trí thức Việt Nam. Nhiều người không đủ tự tin và do cái tôi quá lớn khiến họ không thể tham gia vào các tổ chức. Ai cũng hiểu khi tham gia vào bất cứ tổ chức nào, dù là một tổ chức xã hội dân sự hay chính trị thì cũng phải hy sinh ít nhiều cái tôi của bản thân. Có thế mới có thể đồng hành cùng tổ chức. Ngay cả một người khi kết hôn cũng phải hy sinh ít nhiều tự do cá nhân để cuộc sống vợ chồng hòa thuận và có tiếng nói chung. 

Thiếu hiểu biết về kiến thức chính trị nhưng lại muốn nổi tiếng hoặc do các nhóm tài phiệt giật dây…mà trong thời gian tới, một số “nhân sĩ” có thể sẽ đứng ra thành lập các tổ chức chính trị mới dù không có bất cứ một sự chuẩn bị nào. Nên nhớ, muốn thành lập một tổ chức chính trị thì phải có hai điều kiện cơ bản đó là phải có một “tư tưởng chính trị’ và một “đội ngũ chính trị” thực sự. Ai có khả năng để viết ra một “tư tưởng chính trị” cho một tổ chức chính trị sẽ ra đời trong nay mai? Tất nhiên đó phải là một nhà tư tưởng chính trị. Hiện tại, trong nước chưa thấy ai có khả năng đó. Xây dựng một “đội ngũ chính trị” cũng muôn phần khó khăn. Việc hàng trăm tổ chức chính trị của người Việt, trong cũng như ngoài nước, ra đời và tàn lụi nhanh chóng là một minh chứng. Ngay cả những tổ chức chính trị lâu đời và có uy tín tại hải ngoại (và ngay cả đảng cộng sản Việt Nam) cũng đang tàn lụi theo thời gian do tư tưởng chính trị của họ đã lạc hậu với thời cuộc.

Người Việt Nam cần cảnh giác với những tổ chức chính trị không có “tư tưởng chính trị” và “đội ngũ chính trị” như tổ chức của “Tổng thống Đệ tam Cộng hòa” Đào Minh Quân ở Mỹ. Các tổ chức này được dựng lên chỉ bởi một người và chỉ để thỏa mãn cho sở thích cá nhân một người nhưng lại có thể gây họa cho những người khác vì sự thiếu hiểu biết. Không chỉ thế các tổ chức chính trị ‘ma’ này còn làm loãng sự chú ý của dư luận và làm mất niềm tin của người dân đối với những tổ chức chính trị đứng đắn. Một tổ chức chính trị muốn chứng tỏ được uy tín của mình phải có thâm niên hàng chục năm trời chứ không thể một sớm một chiều mà có được.

Với công nghệ thông tin cởi mở như hiện nay thì chỉ cần 1-2 người là có thể lập ra một hoặc nhiều tổ chức hay tờ báo ‘ma’ như vậy. Một dẫn chứng nữa là sự xuất hiện của các trang báo mạng có cái tên rất kêu là “nghiệp đoàn” như nghiệp đoàn báo chí, nghiệp đoàn sinh viên, nghiệp đoàn y tế, nghiệp đoàn giáo chức…thuộc “nghiệp đoàn Viêm Việt”. Theo một thân hữu của Tập Hợp cho biết thì mấy cái “nghiệp đoàn” này đều do một người có tên là Tôn Phi, quê Hà Tĩnh đang học đại học Nhân văn ở Sài Gòn lập ra nhằm lấy tiền của Việt kiều và đưa tin bậy bạ phục vụ mưu đồ cho một “nhóm lợi ích” nào đó. Trong một bài báo gần gây, tờ “nghiệp đoàn báo chí” đưa tin là tại Balan có 15.000 phụ nữ Việt Nam “làm gái” trong khi toàn bộ người Việt đang sống tại Balan chỉ khoảng 30-40.000 người. Thông tin bậy bạ này đã khiến một phụ nữ Việt Nam đang sống tại Balan là Mạc Việt Hồng đùng đùng nổi giận và đòi kiện tờ báo ra tòa. Chắc do quá giận nên Mạc Việt Hồng mới nói thế chứ làm sao kiện được một tờ báo ‘ma’?

Điều đáng buồn và đáng trách nhất là nhiều người Việt Nam không hề kiểm tra các thông tin trước khi chia sẻ. Chỉ cần thấy một tin tức nào đó phù hợp với mình là lập tức đón nhận và chia sẻ, trong đó có cả những người ít nhiều có uy tín trong cộng đồng mạng và có nhiều người theo dõi. Sự hời hợt và vô trách nhiệm như vậy rất tai hại, chúng không chỉ làm giảm uy tín của bản thân người chia sẻ mà còn làm ảnh hưởng đến phong trào dân chủ và “báo chí lề dân”. “Thuốc chữa” vô cùng đơn giản, không đi đâu mà vội, hãy chờ thông tin chính xác từ các trang báo chính thống của quốc tế hay của truyền thông đối lập có uy tín. Thời gian không còn nhiều, không nên mất thời gian cho những tờ báo hay tổ chức mới mà nhân sự của nó không rõ ràng và không có một dự án chính trị nào.

Tóm lại trước những thông tin đa chiều và phong phú của mạng xã hội cũng như sự mờ ám của các tổ chức chính trị ‘ma’ thì mỗi người Việt Nam, nhất là những người có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng cần cảnh giác cao độ. Đừng để sự dối trá, lừa đảo dẫn dắt chúng ta và qua chúng ta dẫn dắt dư luận. Nên đặt niềm tin vào những tổ chức chính trị và các trang báo có uy tín đã được thời gian chứng thực.

Việt Hoàng (11/11/2019)  

(1). https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/14950-n-n-dan-ch-dang-l-c-l-i