Hạ tầng “đuối”, hãng bay xếp hàng ra đời: tình thế nan giải (RFA Tiếng Việt)

Nhu cầu vận tải hàng không của Việt Nam phát triển mạnh, các công ty hàng không tư nhân nở rộ, đây đáng lẽ là điều đáng mừng. Khổ nỗi, hạ tầng ngành hàng không vẫn do các công ty quốc doanh nắm, mà quốc doanh thì cái gì cũng trì trệ, dẫn tới tình trạng sân bay quá tải, xuống cấp. Nó không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các lĩnh vực như du lịch, đầu tư nước ngoài.v.v... mà còn khiến cơ hội phát triển của các doanh nghiệp hàng không bị đình trệ.

Chế độ cộng sản biết cả, nhưng họ không muốn giải tư các công ty quốc doanh đang quản lý hạ tầng hàng không ngáng đường phát triển của đất nước vì để " định hướng xã hội chủ nghĩa ".

Một máy bay Việt Nam Airlines (phải) bên cạnh chiếc máy bay của hãng Jetstar Pacific tại sân bay Nội Bài.
Một máy bay Việt Nam Airlines (phải) bên cạnh chiếc máy bay của hãng Jetstar Pacific tại sân bay Nội Bài. AFP


Phớt lờ cảnh báo

Trước đây, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từng đưa ra lời cảnh báo, đường băng hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn bay, thậm chí phải dừng khai thác bất cứ thời điểm nào… nhưng cho đến nay đường băng đó vẫn chưa được sửa chữa.

Một số đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng xảy ra hư hỏng tương tự và đã đến lúc phải đại tu toàn bộ phần móng vì chất lượng đang xuống cấp nặng nề, tuy nhiên, theo ghi nhận của báo chí trong nước, việc kiến nghị sửa chữa các đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất được đưa ra cách đây 2 năm (từ 2017) nhưng đến nay vẫn bất động.

Hạ tầng tại các sân bay lớn đang trong tình trạng chưa được nâng cấp như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đối với an toàn hàng không, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi mà số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế sẽ tăng khai thác gấp đôi thậm chí gấp ba để đáp ứng như cầu đi lại của người dân.

Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 7/11, ông Nguyễn Ngọc Sáu, Phó giám đốc cảng vụ, Cụm cảng hàng không miền Nam, nhận định về hiện trạng này:

“Các sân bay mà xây trước đây, ví dụ như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, thì nứt là chuyện bình thường thôi, do công nghệ. Cái này thì phải nghiên cứu trực tiếp với các sân bay để tìm lý do tại sao như thế. Nếu công nghệ polymer hay công nghệ bình thường thì hiển nhiên nó phải nứt thôi. Thật ra thì hạ tầng sân bay Việt Nam hiện nay phần nhiều thuộc bên nhà nước quản lý, nên tính ‘mềm dẻo’ không được tốt, và hạ tầng thì cũng không phải hoàn thiện. Hiện tại ở Việt Nam thì có sân bay Vân Đồn, là sân bay tư nhân đầu tiên, hạ tầng của nó khá là tốt, và quản lý theo kiểu tư nhân thì độ ‘mềm dẻo’ của nó tốt hơn.”

Theo ông Nguyễn Ngọc Sáu, cơ sở hạ tầng sân bay giữa các miền của Việt Nam, nhìn chung là giống nhau, đều là công nghệ cũ trước đây, xây dựng đều khá kém, không có nhiều khác biệt lắm.

Trong khi nhiều câu hỏi liên quan đến hạ tầng sân bay được các chuyên gia nêu lên nhưng chưa có lời giải, thì thời gian gần đây, nhiều hãng hàng không mới lại được các bộ ngành chính phủ phê duyệt thành lập, và cuộc chạy đua xin cấp phép bay, tìm sân bay căn cứ, điểm đỗ ngày càng gay cấn.

Mới nhất là Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty Thiên Minh, vừa được Cục Hàng không Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng.

Đây là doanh nghiệp thứ 3 trong thời gian ngắn, nhận được sự ủng hộ lập hãng hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, sau Vinpearl Air và Vietravel Airlines.

Một máy bay của hãng Bamboo Airways tại sân bay Nội Bài. AFP

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 7/11/2019, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Nếu như một nền kinh tế mà có nhiều hãng máy bay hoạt động thương mại, có nhiều đường bay, đáp ứng được nhu cầu của hành khách, thì cái đó tốt cho nền kinh tế thôi. Nếu thiếu thì không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, sẽ hạn chế chuyện làm ăn của người dân.”

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sáu, việc đăng ký mở các hãng bay bây giờ rất tự do, bây giờ là open sky, các hãng cứ đủ điều kiện thì mở thôi. Ông nói tiếp:

“Còn cơ sở hạ tầng có đáp ứng hay không, các sân bay có đủ hay không thì còn tùy, cái đó gọi là slot, cái slot thì phụ thuộc vào điều kiện bay, nước nào cũng thế, chứ không phải riêng mình, chứ không thể muốn bay bao nhiêu là bay, điều này là hết sức bình thường thôi. Tôi nghĩ, về trình độ thì phải được đào tạo đầy đủ thì mới đảm bảo khai thác bay được. Còn về cơ sở hạ tầng thì theo tiêu chuẩn ICAO thì phải đảm bảo an ninh, an toàn. Còn về con người, các hãng khi đánh giá thì phải đảm bảo, đó là điều bắt buộc.”

Quan “nhắm mắt” đồng ý –Dân lãnh đủ

Vào ngày 8/10/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn ký văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội khẳng định, dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong khi trước đó, hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đã được Cục hàng không Việt Nam và Bộ GTVT đồng ý phê duyệt. Tuy nhiên, khi trình lên Chính phủ, đơn vị này lại chưa được cấp phép bay với lý do Tân Sơn Nhất quá tải, bởi vì Vietstar Airlines chọn Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ”.

Giải thích về sự khác biệt này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, vì Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chọn sân bay Nội Bài làm căn cứ  và “sân bay Nội Bài còn dư điểm đỗ”.

Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết nhận định:

“Cơ quan chức năng phải có trù tính chuyện duy tu bảo dưỡng để đảm bảo hoạt động bình thường, đó là nhiệm vụ của sân bay. Ngoài ra chính phủ phải căn cứ vào lợi ích của các hãng máy bay, căn cứ vào khả năng của chính phủ, khả năng của sân bay, để chính phủ quyết định cho hãng nào bay, nhưng phải quyết định sao cho công bằng giữa các hãng với nhau.”

Với lý do là sân bay quá tải, trong khi có quá nhiều hãng hàng không mới được thành lập, mở nhiều đường bay mới, nhiều địa phương ở Việt Nam cũng ồ ạt xin phép xây sân bay như sân bay Vân Đồn vừa thành lập, hay dự án sân bay Sapa.v.v. khiến xảy ra tình trạng, có sân bay thì quá tải, trong khi có sân bay lại vắng khách.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Trung Khang của RFA trước đây, cho rằng:

“Việc xây dựng sân bay thì phải có luận chứng, cũng như một công trình xây dựng bình thường, phải khảo sát, sự cần thiết, hiệu quả như thế nào? Ảnh hưởng của nó như thế nào đối với đời sống? Khi mình làm thì bao giờ người ta cũng đặt ra những câu hỏi như thế. Vấn đề là mình chứng minh được nó hiệu quả, nó có cần thiết, và nếu không làm cái đó thì nó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội thế nào? Chứ còn ông cứ đề xướng ra mà ông không chứng minh được thì chắc là chả ai duyệt, chả ai người ta công nhận.”

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Nguyên Khoát, thường lãnh đạo các tỉnh hay thích có sân bay, vì giao thông là mạch máu, mà mạch máu lưu thông tốt thì kinh tế ở đấy có thể phát triển. Nhưng theo ông Khoát, vì lãnh đạo các tỉnh làm theo nhiệm kỳ, không phải làm suốt đời, không phải lo suốt đời, và chỉ thích có sân bay để phục vụ nhiệm kỳ của mình tốt, thì họ có lợi. Còn sau này tính toán ra không hiệu quả thì họ đã về hưu rồi, là tâm lý nhiệm kỳ. Nhưng vấn đề ai trả nợ công trình ấy, ai theo dõi từ đầu chí cuối, tính toán hiệu quả công trình ấy? thì lại là nhân dân.(!?)