Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng COC (BBC Tiếng Việt)

Tàu cộng luôn miệng nói sẵn sàng hợp tác để xây dựng bộ quy tắc ứng xử biển Đông ( COC ), nhưng lại đưa ra những điều kiện vô lý như không được lấy công ước quốc tế về luật biển 1982 ( UNCLOS ) làm quy chiếu pháp lý. Vậy thì dựa vào cái gì để giải quyết tranh chấp ? Luật rừng chăng ?

Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra trong dịp Thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan.
AEAN2019
Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra trong dịp Thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan.

Bắc Kinh hôm 3/11 nói trong cuộc gặp giữa nước này với 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng, họ đã sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), theo hãng tin Reuters.



Các nước ASEAN lâu nay vẫn gặp bế tắc trong các cuộc đàm phán để xây dựng COC.

Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là đang xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai tàu chiến và tấn công các tàu cá của các nước khác trên vùng biển này.

Hôm 3/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, đây là một dấu mốc quan trọng khi các nước thành viên ASEAN đọc bản dự thảo lần đầu và là cơ hội để thảo luận về các điều khoản trong dự thảo.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, các nhà ngoại giao Việt Nam muốn đề cập đến trong tuyên bố của ASEAN về các hành vi xâm lấn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông.

Các bản dự thảo trước đó đã đề cập đến các "sự cố nghiêm trọng" gần đây, nhưng điều này lại không có trong bản dự thảo cuối cùng.

Điều này, theo AP, có lẽ cho thấy sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trung Quốc và các đồng minh của nước này trong ASEAN phản đối bất kỳ nỗ lực nào trong việc sử dụng các cuộc họp thường niên của khối để chỉ trích Trung Quốc.

Tuy nhiên, dường như đã có một sự thỏa hiệp, khi các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết, họ đã "lưu ý đến những quan ngại liên quan đến việc cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực, làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực."

Trung Quốc hoan nghênh đàm phán COC

Ông Lý Khắc Cường hoan nghênh tiến trình đàm phán để tiến tới COC, ngõ hầu ngăn chặn các cuộc đối đầu vũ trang ở một trong những khu vực đang nóng bởi các tranh chấp.

"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN xây dựng trên dự thảo hiện có và đây là cơ sở để thúc đẩy cho tiến trình mới, với bản dự thảo lần này" - ông Lý Khắc Cường nói.

Ông Cường cũng nói thêm rằng, Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông.

Ông L‎ý Khắc Cường nói tiến trình đàm phán COC là một bước ngoặt quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.
ASIAN2019
Ông Lý Khắc Cường nói tiến trình đàm phán COC là một bước ngoặt quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.

Trước đây, Trung Quốc bị cáo buộc đã trì hoãn việc bắt đầu tiến trình đàm phán trong nhiều năm, trong khi vẫn tiến hành các hoạt động như xây dựng đảo nhân tạo nhằm thiết lập các tiền đồn quân sự ở biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc đồng ý bắt đầu đàm phán. Cả Trung Quốc lẫn ASEAN đều tuyên bố rằng, vòng đầu tiên trong ba vòng đàm phán đã kết thúc vào tháng Bảy.

Ông Lý Khắc Cường gọi tiến trình này là một bước ngoặt quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.

Ông nói rằng, Trung Quốc cam kết tiến hành các cuộc đàm phán với các thành viên ASEAN.

Nhưng các cuộc đàm phán này vẫn rất căng thẳng và không rõ, liệu Trung Quốc có sẵn sàng để ký một văn bản mà nhiều chính phủ, trong đó có cả Hoa Kỳ, hy vọng sẽ có đủ sức ràng buộc về mặt pháp lý và đủ mạnh để kiềm chế các hành động khiêu khích tại một trong những tuyến hải hành quan trọng nhất đối với thương mại toàn cầu.

Hai nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với hãng tin AP, với điều kiện giấu tên rằng, trong một cuộc họp căng thẳng gần đây tại Việt Nam, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt câu hỏi rằng, các cuộc đàm phán có thể tiến triển như thế nào khi mà các đội tàu đánh cá Trung Quốc được bảo vệ bởi lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc vẫn tràn vào vùng biển tranh chấp.

Theo AP, một trong các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng, các thành viên ASEAN không nên cho phép một quốc gia khác giành quyền điều khiển tiến trình COC.

"Năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục quấy rối các hoạt động của Malaysia, Philippines và Việt Nam; điều này cho thấy, họ chưa sẵn sàng thỏa hiệp, dưới bất kỳ cách thức mang tính thực chất nào. Vì vậy, dường như các cuộc đàm phán này luôn dẫn đến trục trặc," ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết.


Hồi tháng 8/2019, trước việc Trung Quốc tỏ ra khá lạc quan trước các kết quả đàm phán COC, PGS Jeffrey Ordaniel thuộc Đại học Quốc tế Tokyo cũng đánh giá: ASEAN cần cảnh giác với bất kỳ tuyên bố tích cực nào về tiến trình đàm phán COC của Trung Quốc.

"Dường như Trung Quốc lại tỏ thái độ lạc quan trước các kết quả không đáng kể. Nếu Trung Quốc hài lòng với tiến triển của COC thì nhiều khả năng văn bản này vẫn chưa đủ tính ràng buộc và chặt chẽ, còn mơ hồ và chưa theo sát Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)" - ông Ordaniel cho biết.

Ông nhấn mạnh ASEAN cần phải tập trung vào cách hành xử trên thực địa của Trung Quốc.

"Nếu di cư là điều không thể tránh khỏi, tốt hơn là hãy tổ chức nó"

Các cuộc họp tại Thượng đỉnh ASEAN 35 hôm 3/11 ở Thái Lan đã chạm đến nhiều thách thức khác, gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia châu Á chấm dứt sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than, vì khu vực này dễ bị tổn thương trước các thảm họa thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao.

Ông Guterres cũng thúc giục Myanmar làm nhiều hơn để giúp tái định cư hàng trăm ngàn thành viên của nhóm thiểu số Rohingya Hồi giáo lánh nạn khỏi tình trạng bạo lực ở vùng Tây Bắc nước này.

Khi được các phóng viên hỏi về cái chết gần đây của 39 người lao động di cư Việt Nam trong một chiếc container vận chuyển vào Anh, ông Guterres kêu gọi cần làm nhiều hơn để chống lại nạn buôn người.

"Di cư là chuyện không thể tránh khỏi," ông nói. "Và nếu việc di cư là điều không thể tránh khỏi thì tốt hơn hết là tổ chức nó."