Ấn Độ rút khỏi Hiệp định RCEP (Phiên An)

Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ( RCEP ) để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mĩ. Nhưng việc Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn nhất thế giới sau Trung Quốc xin rút lui đang phủ bóng đen lên toàn khối.

Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của Ấn Độ được thông báo tại Bangkok (Thái Lan) hôm thứ Hai (4/11).
VnExpress

Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của Ấn Độ được thông báo tại Bangkok (Thái Lan) hôm thứ Hai (4/11). 

Bà Vijay Thakur Singh, Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ, truyền đạt quyết định của Thủ tướng Narendra Modi và cho biết ông Modi rất quan tâm đến tác động của RCEP đối với cuộc sống và sinh kế của tất cả người Ấn Độ, đặc biệt là những bộ phận dễ bị tổn thương trong xã hội.

"Ấn Độ có những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi vẫn chưa được giải quyết", bà Singh nói rằng nước này đã tham gia các vòng thảo luận của RCEP rất thiện chí, đàm phán mạnh mẽ và rõ ràng về lợi ích của đất nước. "Chúng tôi đã quyết định đúng đắn vì lợi ích quốc gia", bà nói thêm.

Ông Modi quyết định không tham gia Hiệp định nhằm bảo vệ giới nhân viên phục vụ và nông dân, một quan chức nói với các phóng viên ở New Delhi hôm thứ Hai. Nước này đã cố gắng thúc đẩy 15 quốc gia khác giải quyết mối lo ngại về thâm hụt và mở cửa thị trường cho các dịch vụ và đầu tư của Ấn Độ, vị quan chức nói.

Một công nhân bước qua một tàu container phía xa tại Cảng Mundra, Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Một công nhân bước qua một tàu container phía xa tại Cảng Mundra, Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ rời khỏi thỏa thuận đã loại bỏ trở ngại lớn nhất đối với một Hiệp định có quy mô khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu. Trước thềm các cuộc họp ở Bangkok, nơi các nhà lãnh đạo châu Á hy vọng sẽ tuyên bố một bước đột phá, Ấn Độ đã đưa thêm những yêu cầu vào phút cuối, khiến các nước khác khó chịu. Việc này là do làn sóng phản đối Hiệp định ở Ấn Độ, với lo ngại nước này sẽ bị ngập trong hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo ông Amitendu Palit, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), Ấn Độ rút khỏi RCEP vì 2 lý do chủ yếu.

Thứ nhất, chính phủ ông Modi nhận ra rằng, nếu đồng ý gia nhập RCEP, họ có thể khiến lực lượng cử tri chính yếu là các ngành công nghiệp nhỏ và chủ cửa hàng cảm thấy bị bỏ rơi. Thứ hai, nhu cầu cốt lõi của nước này là sớm được cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường cho những ngành thế mạnh không được đáp ứng.

"Vì vậy, cuối cùng, vì bảo vệ lợi ích trong nước nên Ấn Độ từ chối gia nhập Hiệp định. Tuy nhiên, thỏa thuận RCEP vẫn chưa hoàn tất vì hiện tại chỉ mới kết thúc các đàm phán. Cánh cửa để Ấn Độ gia nhập chưa khép lại", ông nói.

Trung Quốc đã tìm cách đẩy nhanh thỏa thuận khi nước này phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. RCEP sẽ hợp nhất các nền kinh tế châu Á với Trung Quốc, trong khi chính quyền Trump thì kêu gọi các quốc gia châu Á tránh xa các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và công nghệ 5G.

Mỹ luôn tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của RCEP. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng Hiệp định này "không có nhiều thỏa thuận". "Nó không phải là một thỏa thuận thương mại tự do hay như TPP. Nó cũng không giống như các thỏa thuận riêng của chúng ta với Nhật Bản hay Hàn Quốc", ông Wilbur Ross bình luận với Bloomberg.

Trung Quốc nói rằng 15 quốc gia còn lại đã quyết định tiếp tục tiến tới và Ấn Độ được hoan nghênh tham gia RCEP bất cứ khi nào sẵn sàng.

"Sẽ không có vấn đề gì đối với 15 quốc gia để ký kết RCEP vào năm tới", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói với các phóng viên ở Bangkok. "Chúng tôi đang cởi mở, bất cứ khi nào Ấn Độ sẵn sàng, họ sẽ được chào đón gia nhập", ông tuyên bố.

Các nước RCEP cho biết trong một tuyên bố chung hôm qua rằng tất cả sẽ làm việc để giải quyết các vấn đề nổi cộm một cách thỏa đáng với nhau.

Phiên An (theo Bloomberg)



Nguồn: vnexpress