Vấn đề không phải ở tiểu xảo đưa tin(Chiến Thành)

Vấn đề đu dây không còn được đặt ra. Nhưng theo Mỹ như thế nào thì đúng là còn mờ mịt. Đảng cộng sản đang phải giải một bài toán gần như không có đáp án. Khe cửa hẹp duy nhất là nhanh chóng bắt tay với các tổ chức chính trị khác để dân chủ hoá đất nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập cẬn Bình phát biểu tại cuộc diễu binh nhân quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc diễu binh nhân quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019

Chương trình “giờ vàng” của VTV1 (Việt Nam) tối 1/10 tuần qua nhất định đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người xem. Tiếc rằng ở ta không có các thiết chế công khai để điều tra dư luận xã hội nên khó biết được bao nhiêu phần trăm khán/thính giả tối hôm đó đã theo dõi chương trình và phản ứng khen/chê của các vị “thượng đế” lắm lời nhiều ý ấy như thế nào. 
Tuy nhiên, việc để mẩu tin (do phóng viên TTXVN đưa từ Bắc Kinh) về cuộc duyệt binh và diễu hành từ quảng trường Thiên An Môn xuống gần phút chót của buổi thời sự rõ ràng là một sự cố ý không thể nào nhầm lẫn. Tổng thời lượng chương trình tin tối kéo dài 45 phút, thì quốc khánh “bạn vàng” được trình làng ở phút 41 – 43, tức là áp chót. Đặc biệt hơn, bản tin đã không đưa lại bất cứ hình ảnh nào về “cỗ máy chiến tranh” mà Trung Nam Hải đã cố tình trưng lên để doạ những ai yếu bóng vía trước “sức mạnh quật khởi” của Bắc Kinh.

Lờ tịt cả thông điệp của Tập


Nội dung diễn văn kéo dài hơn 7 phút của Tập Cận Bình trước khi “Hoàng đế đỏ” tuyên bố “buổi duyệt binh bắt đầu” cũng hầu như được/bị Hà Nội tảng lờ. Khoảnh khắc này khiến các khán thính giả có tuổi nhớ lại vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, bấy giờ các bình luận “rực lửa cách mạng” chống “bọn đế quốc xét lại” (Liên Xô) và “lũ đế quốc hiếu chiến” (Mỹ) gào thét mỗi trưa hè càng tăng thêm cái ngột ngạt bởi cả không khí chiến tranh lẫn cái nóng nhiệt đới vào thời dân Hà Nội chưa hề biết “máy điều hoà” là gì. 
Ấy vậy mà dân ta vẫn dỏng tai nghe đủ cả “cửu bình”! Giờ  thì khác hẳn, cả chục lần ông Tập tố cáo Nhật Bản xâm lược Trung Quốc (trong bài diễn văn được cho là quan trọng chỉ có hơn 7 phút), đối với dân Việt Nam, chỉ là “nước đổ lá khoai”! Không rõ do Ban Tuyên giao “thức thời” hay do ODA của Nhật đang chiếm đầu bảng, mà VTV1 đã lờ tịt những lời cáo buộc phóng đại ấy của ông Tập!
Tên lửa DF-5B của Trung Quốc tại lễ diễu binh hôm 1/10/2019
Tên lửa DF-5B của Trung Quốc tại lễ diễu binh hôm 1/10/2019 AFP

Cũng phải thôi! Hoa Đông (ESC) và Biển Đông (SCS), đặc biệt là các chiến dịch “múa gậy vườn hoang” của Bắc Kinh trên cả hai vùng biển ấy giờ đây khiến cho Tokyo và Hà Nội bỗng thành “hai anh em sinh đôi cùng một mẹ/ thương nhau từ thuở bé…” và nay cũng là “hai chiến luỹ/ cùng bảo vệ phương Đông/ cùng bảo vệ hoà bình” như trong thơ Tố Hữu ngày nào. Đúng là “miệng quan trôn trẻ”, điều Tố Hữu ca ngợi quan hệ Việt – Triều thuở ấy hoàn toàn đúng với Việt – Nhật hôm nay! 
Chính trị là gì nhỉ? Politics is prostitute. Nghe nói có một nguyên thủ nước nọ (chắc chắn không phải là ông Tập), khi nghe câu này, đã nhắc khéo trợ lý “Chúng ta không nên xúc phạm chị em “ngành”, họ có nhiều chỗ còn lương thiện hơn cả chúng ta đấy! Tuy nhiên, ngẫm nghĩ một cách thấu đáo, không khỏi xót xa cho thân phận một quốc gia như Việt Nam (Chạnh thương nàng Kiều như đời dân tộc!)
Mà thông điệp “anh hùng rơm” của Tập thì cũng đáng lờ thật. Ai lại ngày “đại hỷ” của quốc gia hơn 1tỷ 4 dân mà chẳng dám mời các nguyên thủ nước ngoài tới để hoàng đế ban phát ân điển. Đơn giản, vì họ Tập thừa biết, có mời cũng chẳng mấy ai đến, ngoài mấy kẻ độc tài và tham những tận bên Phi châu bay sang. Mà như thế thì “chuế” lắm cho nên chẳng mời ai cả là thượng sách. 
Để doạ Việt Nam và ASEAN thì đã có truyền thông. Tập có thể rung đùi đắc chí, mấy nước lân bang nhìn đống vũ khí các loại chắc cũng “ướt” ra quần!!! Tuy nhiên, một nước “chư hầu” có số má như Việt Nam mà vẫn dám dùng tiểu xảo để hạ uy thế của thiên triều, phát cái tin “đại hỷ” không bằng đưa cái “tin vịt” thường ngày thì cũng đáng giận thật! Nhưng chấp làm gì “đứa con hoang đàng” sắp đến thời điểm trở về với đất mẹ. Hãy đợi đấy! Nếu “An Nam đô hộ phủ” sập bẫy lần này tại khu vực Bãi Tư Chính, ta sẽ dạy cho chúng bài học thứ hai nặng hơn lần 17/2/1979 cũng chưa muộn.

Hà Nội phải dám “đi xa” hơn thế


Nhưng “khúc nhôi” trong bang giao Việt – Trung những ngày này không còn là tiểu xảo truyền thông xung quanh câu chuyện đưa đậm hay nhạt thông tin về ngày sinh nhật của mẫu quốc. Mặc dầu một bỉnh bút nổi tiếng trên mạng xã hội mới đây còn khen bộ máy hoạch định chính sách của Hà Nội vừa qua là “không đến nỗi nào” trong việc xử lý khủng hoảng ở Bãi Tư Chính cũng như triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam. 

Tuy nhiên, chỉ riêng mỗi một việc xử lý khủng hoảng Bãi Tư Chính thì xã hội Việt Nam hiện nay vẫn đang chia năm sẻ bảy trên nhiều phương diện. Nay là lúc Hà Nội phải “đi xa” hơn các âm mưu thâm hiểm và thường trực của Tàu thì mới có hy vọng hoá giải được các nguy cấp về an ninh và phát triển, cũng như thoát khỏi tình trạng “tứ cố vô thân” của quốc gia trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng hiện nay.

Hình minh họa. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở lễ diễu binh hôm 1/10/2019
Hình minh họa. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở lễ diễu binh hôm 1/10/2019AFP

Điều nghịch lý là sau hơn 30 năm đổi mới của một quốc gia với hơn 96 triệu dân mà ban lãnh đạo tối cao Việt Nam vẫn cứ như “gà mắc tóc” trong vấn đề xác định mô hình phát triển. Đặc biệt là tuần qua, các chuyên gia trong và ngoài nước vừa tung ra một loạt các bình luận liên quan đến mô hình “nhà nước kiến tạo” ở Việt Nam vào thời điểm trước Đại hội 13. 
Khi những người khởi xướng ra cái ý tưởng nghe chừng khá ngộ nghĩnh ấy vẫn chưa thống nhất được với nhau những đặc điểm then chốt tạo nên nội hàm của khái niệm thì mọi lời “mao tôn cương” chẳng khác gì “anh sẩm sờ voi”. Các nhà lý luận quốc nội vẫn hành động theo kiểu “mèo mù gặp cá rán”, rồi loanh quanh “vẽ rắn thêm chân”, làm cho vấn đề càng trở nên rối rắm. Trong khi thế giới đã bỏ qua vấn đề này từ cuối thế kỷ trước. Đáp án đang sờ sờ trước mắt, vấn đề là có dám nhận chân các giá trị phổ quát của nhân loại hay không!
Nếu Việt Nam vẫn “một mình một chợ”, tất cả rập khuôn theo Tàu, bất chấp mây mù vây quanh bang giao Việt – Trung, vẫn chăm bẵm giữ “đại cục” thì hậu hoạ sẽ không lường. Trong khi đó, dù quyết tâm nâng quan hệ với Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” nhưng vẫn coi “đế quốc Mỹ” là đối tượng tác chiến và vẫn tụng niệm “chính sách ba không” thì liệu dẫn tới đâu? 
Chuyến “qua Mỹ” của Tổng chủ tới đây (nếu diễn ra) có nên “cơm cháo” gì không? Tất cả vẫn còn là “tập hợp mờ”. Một tiếu lâm chính trị đang rộ lên trong những ngày này: “Tin vui, Tèo ơi! Tin gì vui? Bộ Ngoại giao đã trưởng thành, không dùng từ “nước lạ” để chỉ quân ăn cướp nữa. Gọi thẳng tên là Trung cẩu à? Không, gọi là “nước liên quan”. 
Đấy, nếu Hà Nội vẫn không xác định rõ bạn thù trong chính sách an ninh thì sẽ chẳng có “đối tác chiến lược” nào có thể giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cấp hiện nay. Đã đến lúc Hà Nội phải quyết “to be or not to be” đối với an ninh và phát triển của bản thân cũng như của khu vực và thế giới./.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: RFA