Tổng thư ký LHQ Guterres lo ngại làn sóng biểu tình khắp thế giới (RFI Tiếng Việt)

Thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt đòi hỏi giới trí thức chính trị phải đầu tư nhiều hơn cho tư tưởng, để những đòi hỏi chính đáng của quần chúng không bị chủ nghĩa dân túy lợi dụng cho những mục tiêu bất lương. Các cuộc biểu tình rầm rộ ở khắp nơi trên thế giới trong những năm gần đây vì những lý do sau : 

 Thứ nhất : làn sóng dân chủ đang càn quét qua các chế độ độc tài và vẫn còn tiếp diễn.

 Thứ hai : các vấn đề về triết lý chính trị trong một thời gian dài kề từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ bị bỏ quên khiến chính trị xuống cấp. Quần chúng mất niềm tin vào giới tinh hoa chính trị.

 Thứ ba : cuộc cách mạng 4.0 diễn ra nhanh chóng đặt ra nhiều vấn đề mới nhưng tư tưởng chưa kịp cập nhật để có cải tiến phù hợp.

media
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại New York, Mỹ, ngày 18/09/2019. REUTERS/Carlo Allegri

Từ Nam Mỹ đến Bắc Phi, từ Trung Đông đến Đông Á, làn sóng biểu tình đòi dân chủ, cải cách phúc lợi xã hội... đang lan tỏa nhiều nơi trên thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo lắng hôm 25/10/2019 từ New York và gửi thông điệp đến lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên RFI Carrie Nooten tường thuật từ New York :
« Nếu như ông Antonio Guterres công nhận rằng tất cả các phong trào nhân dân đang khuấy động ở nhiều nước tại mỗi châu lục, là chuyện chưa từng có, ông cũng nhận thấy những phong trào này có chung những yếu tố cơ bản.

Ông phát biểu : « Rõ ràng là giữa người dân và giới cầm quyền có sự suy giảm lòng tin, cũng như những mối đe dọa đang đè nặng lên khế ước xã hội. Thế giới cũng phải đấu tranh với những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và những công nghệ mới khiến bất bình đẳng gia tăng trong các xã hội. Trước hết, tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo hãy lắng nghe những vấn đề thực sự của người dân ».

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng thúc giục các nhà lãnh đạo thi hành những chính sách đồng cảm và tương ái để hướng đến công bằng xã hội hơn.

Cuối cùng, ông cho biết vô cùng quan ngại về tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình, thậm chí có người tử vong. Ông nêu lại ví dụ của Gandhi và Martin Luther King để kêu gọi người biểu tình kiềm chế, còn đối với lực lượng giữ an ninh, ông cũng mong muốn họ tôn trọng nguyên tắc không gây bạo lực ».