Kurdistan-Syria : Donald Trump bội phản, Phương Tây tự sát (Tú Anh)

Donald Trump đã đúng khi nhận định người Kurdistan không phải là thiên thần, họ là những chiến binh thông minh, quả cảm. Chỉ với 50,000 chiến binh, người Kurdistan đã đóng vai trò chủ chốt trong việc khuất phục đội quân IS - nỗi kinh hoàng của thế giới. Donald Trump sẽ vô cùng hối tiếc khi bỏ rơi một đồng minh tinh nhuệ, và bị cả thế giới lên án vì gián tiếp gây ra hàng trăm cái chết và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa.

media
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên đường sát biên giới Syria. Ảnh ngày 18/10/2019.
REUTERS/Stoyan Nenov

Thảm kịch Kurdistan-Syria, sự phản bội của Donald Trump, tính tóan « thâm độc » của Erdogan và Putin. Nước Pháp đối mặt với Hồi Giáo chính trị. Về châu Á, Hồng Kông nổi bật với bài phân tích « Ngõ cụt » của Trung Quốc. Đây là những chủ đề chính của các tuần báo Pháp.
Silence, on tue (Im miệng để chúng tôi giết ), tựa màu máu đỏ trên trang bìa của Courrier International mở đầu cho một loạt bài về Kurdistan-Syria và « những điều mà Bắc Kinh không hiểu về Hồng Kông » là hai hồ sơ lớn trên tạp chí mỗi tuần tổng hợp 1500 bài báo thế giới.

Giấc mơ của người Kurdistan-Syria được sống yên lành sau 5 năm chiến tranh bị tan biến. Quyết định rút quân bốc đồng của Donald Trump gieo rắc hỗn loạn, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, nhưng nghiêm trọng hơn cả là giúp cho Nga trở thành chủ nhân ông tại khu vực.

L’Orient-Le Jour của Liban xót xa cho số phận người Kurdistan-Syria phải bỏ làng ra đi trước đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ với tâm trạng vĩnh viễn mất quê hương. Một cô gái 17 tuổi, phân trần trong nước mắt : tôi không dám chống cự, tôi không phải là Che Guevara. Giải pháp duy nhất là chạy. Cũng theo tờ báo Liban này, Mỹ rút quân giúp cho Matxcơva trở thành chủ nhân ông và rồi đây chế độ Damas sẽ áp đặt các điều kiện trói tay cộng đồng Kurdistan.

Phê phán nghiêm khắc ,nhất vẫn là báo chí Mỹ. Los Angeles Times lên án « hành động bốc đồng « của Donald Trump gây ra những hệ quả tai hại trên diện địa mà còn đi ngược lại quyền lợi của nước Mỹ : Trong nhiều chính phủ, một câu hỏi thường được đặt ra là « ai tuyên bố nhân danh tổng thống ». Trong chính quyền Trump thì chỉ có Trump, đã vậy ông ta còn không ngần ngại tuyên bố trái ngược nhau. Trên trường quốc tế, tiếng nói của Nhà Trắng đã mất trọng lượng. Người dân Mỹ sẽ lãnh hậu quả.

NATO rạn nứt

Trong nhãn quan địa chiến lược, tuần báo Le Point nhận định dứt khóat : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ra tay để đặt Tây Phương vào chân tường. Cuộc tấn công của Ankara chứng tỏ Liên Minh NATO, nền tảng của các chế độ dân chủ bị nứt rạn. Phản bội người Kurdistan, Tây Phương tự sát.

Theo Le Point, bỏ người Kurdistan sau khi phó mặc Ai Cập cho « Huynh Đệ Hồi Giáo » cho thấy xu hướng của Mỹ rút bỏ Trung Đông và xem nhẹ lời cam kết với đồng minh. Hành động này của Mỹ đe dọa Israel, Đài Loan cũng như Châu Âu.

Thảm bại tại Syria chỉ là một loạt thất bại chính trị của Donald Trump : Chủ nhân Nhà Trắng không còn « quả đấm thép » nào để đấu với Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và Venezuela.

Nói cách khác, thái độ tiền hậu bất nhất, thiển cận nhưng thích khoe khoang, không rõ có phải do bệnh tâm thần hay không, Donald Trump đã giúp Tập Cận Bình và Vladimir Putin toại nguyện. Donald Trump không phải là nguyên nhân. Ông là sản phẩm của xu hướng nước Mỹ ích kỷ mị dân.

Nước Mỹ hào hùng của 1945 đã chết, Le Point kết luận.

« Việt Nam » của Erdogan

Bên cạnh tâm trạng bi quan này cũng có những lời xác quyết : Người Kurdistan- Syria sẽ không bao giờ bỏ cuộc, hãy làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trả giá đắt, miền đông bắc Syria sẽ là « Việt Nam » của Erdogan.

Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, nhật báo Israel Ha’Aretz, hy vọng người Kurdistan không buông súng, trái lại nên chiến đấu mới là thượng sách cho dù bị bỏ rơi. Với câu hỏi : liệu Erdogan sẽ sa lầy như Mỹ tại Việt Nam ?, tác giả tin rằng với kinh nghiệm trận mạc, FDS thừa khả năng sử dụng chiến thuật du kích để làm tiêu hao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cần đánh thật nhanh để áp đảo trong khi người Kurdistan không cần yếu tố thời gian, vừa đánh để tranh thủ sự ủng hộ của công luận quốc tế, vừa gây thiệt hại cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tạo làn sóng chống chiến tranh ngay tại nước Thổ.

Đồng quan điểm, tuần báo L’Obs dành cho nhà nhân chủng học mang hai dòng máu Mỹ-Pháp Scott Atran một bài phỏng vấn dài. Chuyên gia này rất tức giận Donald Trump và dự phóng cuộc chiến sẽ kéo dài và người Kurdistan sẽ không bao giờ đầu hàng. Ông cho biết đã từng chứng kiến tận mắt trên chiến trường « tinh thần quả cảm của từng người dân Kurdistan kể cả phụ nữ và người trên 80 tuổi ».

Trong cuộc chiến chống Daech, từ 2014 đến chiến thắng, FDS đã hy sinh 10.000 chiến binh trong khi đồng minh Hoa Kỳ có 17 binh sĩ tử trận.

Bỏ người Kurdistan là một quyết định « lãng phí » vì họ là sắc dân có nhãn quan khá tự do, có niềm tin vào một chế độ thượng tôn pháp luật. Sau Nhật Bản và Israel, ở phía đông Châu Âu, hệ thống chính trị Kurdistan là tương đối cởi mở nhất.

Scott Atran kết luận : Bỏ đồng minh Kurdistan là tự bỏ các giá trị cơ bản để đánh đổi những món lợi vật chất.