Côn đồ mạng “bẻ” luật & tự làm luật (RFA Tiếng Việt)
Chính quyền nào cũng có 2 chân. Chân thứ nhất là sự chính đáng, đây là chân quan trọng nhất. Chân thứ hai là bạo lực. Một khi mất đi chân thứ nhất thì chính quyền chỉ có thể dựa trên chân thứ hai, nhưng một mình chân này không đủ gánh vác chế độ chính trị nên nó sẽ ngày càng yếu đi. Trước đây hai chính quyền Trịnh, Nguyễn chia nhau cai trị hai miền nước ta đã mất đi sự chính đáng. Tiếp xúc với phương Tây lúc đó đã làm lung lay văn hóa Khổng giáo, người ta không còn tin vua là con trời nữa, thêm vào đó hai nhà Trịnh, Nguyễn đã gây nhiều đau thương trong những cuộc chiến nên càng mất lòng dân. Ngân khố của họ cạn dần, nội bộ càng lúc càng phân hóa và tham nhũng. Người dân không còn nể chính quyền nữa nên ai có sức khỏe thì đi ăn cướp. Vì chính quyền không còn đảm bảo được công lý nên xuất hiện những người như Nguyễn Hữu Cầu, cướp của người giàu chia cho người nghèo, tự xưng là kẻ bảo vệ dân (Bảo Dân Đại Tướng Quân). Hơn 2 thế kỷ sau, chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh tương tư. Toàn cầu hóa đã chuyên chở rất nhiều tư tưởng mới vào Việt Nam, làm lố bịch hóa chủ nghĩa cộng sản, khiến chính quyền mất tính chính đáng và phân hóa. Thêm vào đó những sai lầm liên tiếp của chính quyền vừa làm mất lòng dân, vừa làm cạn kiệt ngân sách. Và chúng ta đã thấy nhiều vụ "thay trời hành đạo". Nếu vẫn không có một lực lượng nào xứng đáng thế chỗ chính quyền, chúng ta sẽ thấy gì nữa? Hai nhà Trịnh, Nguyễn đã bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Dù thực tế Tây Sơn chỉ là quân cướp đã làm các thương nhân nước ngoài sợ hãi bỏ chạy và còn quay lại tương tàn lẫn nhau, nhiều người vẫn ca ngợi họ. Cũng như bây giờ nếu một nhóm xã hội đen tiêu diệt chế độ cộng sản thì nhiều nạn nhân của chế độ cộng sản sẽ rất hả dạ và ca ngợi chúng.
Ảnh minh họa. AFP
Qua sự việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rao trên mạng thưởng 20 triệu đồng cho ai “dạy dỗ” lại người cha bạo hành con, nhiều nhóm côn đồ đã lùng sục đến nhà người cha đó và đánh ông. Nhiều người cho rằng việc làm của Đàm Vĩnh Hưng và nhiều cư dân mạng khác vô hình chung xóa bỏ vai trò cơ quan bảo vệ pháp luật, đẩy xã hội vào trạng thái vô pháp và ủng hộ cho việc sử dụng bạo lực mọi lúc mọi nơi. Đó cũng là cách ủng hộ cho một loại hình “côn đồ mạng” phát triển và như vậy sẽ khiến tình hình an ninh xã hội thêm tồi tệ.
Côn đồ thay công an?
Cách đây vài hôm, trên trang facebook cá nhân được cho là của Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện dòng trạng thái "cần phải cách ly, loại trừ những kẻ vô lương tâm, độc ác, bạo hành trẻ em một cách máu lạnh như thế này ra khỏi xã hội, trước khi hắn bị pháp luật trừng trị" bằng cách kêu gọi "các hiệp sĩ, anh em giang hồ cho thằng này nếm mùi của những cái tát liên tục". Nam ca sĩ này còn treo giải thưởng 20 triệu uống café chơi cho ai tát vô mặt kẻ bạo hành trẻ em với điều kiện phải quay clip lại.
Nghệ sĩ Kim Chi từ Sài Gòn cho biết bà không theo dõi chi tiết vụ việc này nhưng đưa ý kiến chung về cách hành xử của giới nghệ sĩ nói chung:
“Nghệ sĩ mà đi kêu gọi bạo lực thì rõ ràng nghệ sĩ đó ác tâm quá rồi. Nghệ sĩ đó không xứng đáng là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người của công chúng thì nghệ sĩ phải đem lại chân-thiện-mỹ cho khán giả, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thì đó mới đúng là chức năng của nghệ sĩ.”
Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: "Cách hành xử theo kiểu bản năng của Đàm Vĩnh Hưng là không thể chấp nhận được, vì chúng ta có hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em, quyền con người. Việc ai xâm phạm thân thể người khác sẽ bị pháp luật xử lý, trừng trị, dù là cha mẹ xâm hại con cái. Điều đó đã ghi trong luật định…”
Đây không phải là lần đầu tiên có những lời kêu gọi bạo lực trên mạng xã hội mang danh bảo vệ công lý, nhưng thực chất là đứng trên luật pháp như vậy.
Trước đây đã có những cái tên nổi lên trên mạng xã hội được cho là một dạng côn đồ mạng bởi họ kêu gọi xử nhau qua mạng xã hội mà nhiều người còn nhớ như Khá Bảnh, Phúc XO, Phan Hùng…
Đầu tháng 5 năm 2019, chủ tài khoản facebook với tên Phan Hùng đăng tải video clip, trong đó Phan Hùng cùng một nhóm côn đồ xâm nhập gia cư và hành hung tàn bạo ba người phụ nữ. Lúc bấy giờ, một số người tự xưng là người của giới giang hồ từ Nam chí Bắc livestream nói rằng sẽ xử Phan Sơn Hùng. Một thanh niên ở Hải Phòng, từng trong băng nhóm giang hồ đã hoàn lương lên tiếng với RFA về sự việc này:
“Em nói riêng cá nhân em nhé, em nhìn nhận thằng Phan Hùng được công an dùng nó để hành xử một cách côn đồ với những người có tiếng nói… Các anh đăng lên Facebook nói tìm thằng Phan Hùng xử lý thì bọn em ủng hộ. Bởi vì bây giờ công an cũng dùng côn đồ trị thì chẳng còn luật pháp gì ở đất nước này nên để cho côn đồ trị nhau là chuẩn nhất.”
Chưa bao giờ những tay giang hồ, côn đồ lại dám đe dọa xử nhau qua mạng xã hội một cách công khai như bây giờ. Nhiều người cho rằng, điều này không xa lạ gì với người dân Việt Nam, bởi đã từ lâu công an đã mượn tay côn đồ để trị dân, và khi mạng xã hội phát triển thì ngoài lực lượng dư luận viên, AK 47 được nhà cầm quyền thừa nhận thì chuyện côn đồ mạng xuất hiện là hậu quả tất yếu.
Ông Đinh Quang Tuyến, một nhà đấu tranh trong nước từng nhận định với RFA rằng tất cả là do thể chế:
“Cộng sản muốn cai trị đất nước và dân tộc Việt Nam với luật pháp và hiến pháp bất công do họ tạo ra. Cộng sản Việt Nam không biết điều hành dẫn đến một đất nước không phải pháp quyền cũng chẳng phải pháp trị mà là vô pháp.”
Luật pháp dành cho ai
Quay trở lại vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một nghệ sĩ được cho là có tầm ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ trong xã hội lại cư xử một cách côn đồ như vậy liệu có vi phạm pháp luật hay không khi xúi giục hành xử bạo lực và treo giải thưởng?
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc này có vi phạm pháp luật nhưng mức độ tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Ông nói:
“Theo tôi thì chuyện kêu gọi mà phải có hậu quả, tức là kêu gọi mà có người hưởng ứng chuyện đó thì mới chịu trách nhiệm hình sự, còn chuyện kêu gọi bạo lực mà chưa xảy ra hậu quả thì chỉ có thể bị xử phạt về mặt hành chính thôi. Tức là có vi phạm pháp luật nhưng mức độ tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.”
Báo Pháp Luật dẫn lời Luật sư Bùi Quang Thu cho rằng Đàm Vĩnh Hưng là người có ảnh hưởng đến công chúng nên phát ngôn cần thận trọng, đúng luật pháp, chứ không thể thích nói gì thì nói với lời lẽ thách thức, ngạo mạn. Điều đó sẽ rất nguy hiểm khi nhiều người hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng hành xử theo lời kêu gọi của nam ca sĩ này.
Có lẽ việc chỉ bị phạt hành chính chứ không chịu trách nhiệm hình sự dẫn đến những vụ việc như Khá Bảnh, Phúc XO, Dũng Trọc... phát tán nhiều clip và hình ảnh mang tính “giang hồ” trên mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi của mình.
Khá Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993 ở Bắc Ninh. Thanh niên này được biết đến qua các clip có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube đạt hơn 2 triệu người đăng ký và có hơn 600.000 người theo dõi trang facebook cá nhân. Khá bị Công an Bắc Ninh tạm giam ngày 1-4 vì hành vi tổ chức đánh bạc, lô đề và hoạt động tín dụng đen.
Dũng Trọc tên thật là Nuyễn Văn Dũng ở Hà Nội. Đầu năm 2012, Dũng và đàn em nổ súng gây náo loạn một vũ trường ở Hà Nội và bị kết án hai năm tù. Ra tù và trở thành một hiện tượng mạng xã hội gây chú ý bằng những clip bắt người khác quỳ lạy mình và nhiều phát ngôn gây sốc.
Trước thực tế đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Còn với những facebookers không cổ xúy cho côn đồ, bạo lực mà chỉ lên tiếng cho những bất công trong xã hội cũng như những sai trái của chính quyền thì họ bị bắt, bị kết án tù ngày càng nhiều.
Chỉ trong tháng 9 năm 2019, ít nhất 5 trường hợp bị kết án tù vì đăng tải những thông tin và hình ảnh bị cho là xuyên tạc các lãnh đạo đảng và Nhà nước.
Gần nhất hai ông Bùi Mạnh Đồng và Đoàn Khánh Vinh Quang bị kết án tù với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Trước đó nữa là ông Nguyễn Hồng Nguyên với tài khoản facebook tên Bồ Công Anh; Trương Đình Khang có tài khoản facebook là Hồ Mai Chi; ông Nguyễn Văn Công Em…
Tất cả họ đều bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, hoặc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.
Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 40 người bị kết án tù với các cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí và khủng bố.
Nguồn: RFA Tiếng Việt