ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN (Nguyễn Thị Bích Ngà)
Đổ lỗi cho nạn nhân là khi một người có hành vi, thái độ, lời nói buộc nạn nhân của các thảm kịch hay vụ án phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy đến với họ. Khi đổ lỗi cho nạn nhân, người ta tin rằng những điều như thế sẽ không xảy đến với mình.
Trong trường hợp nào nạn nhân thường bị đổ lỗi nhất? Theo thống kê, những nạn nhân của các vụ hiếp dâm, bạo hành gia đình thường xuyên bị đổ lỗi nhất. Ở Việt Nam, thường thấy, bất kỳ nạn nhân của bất kỳ trường hợp nào cũng bị đổ lỗi.
1.Bạn chạy xe ngoài đường, bị một người chạy ẩu tông vào mình, về nhà, thấy bạn bị trầy xước và đau, người nhà sẽ bảo, “Trời ơi sao đi đứng không cẩn thận vậy?” Bạn cảm thấy thế nào?
2.Bạn bị đồng nghiệp, sếp trong cơ quan bất ngờ sàm sỡ, bóp mông bạn một cái, dù phản ứng ngay lập tức bằng một cú tát vào mặt nó hay không, sau đó bạn vẫn sẽ nghe những xì xầm, “Ai biểu mặc váy bó mông đưa ra chi cho nó bóp.” Bạn sẽ nghĩ thế nào?
3.Bạn thường xuyên nhận những lời lẽ cợt nhã vô duyên thô bỉ đòi hỏi tình dục từ những kẻ lạ và mới quen. Cho dù phản ứng thế nào, bạn cũng bị đánh giá, “Con đó lẳng lơ đĩ thỏa nên trai mới bu vào.” Bạn nghĩ thế nào?
4.Bạn thất bại trong công việc. Bạn nghĩ rằng đó là do sếp đì bạn, do môi trường xã hội biến động…nghĩa là bởi ngoại cảnh. Bạn vẫn bị phán xét, “Tại nó lười biếng. Tại nó không chú tâm. Tại nó dốt, dở.” Cảm giác của bạn ra sao?
5.Bạn bị bệnh gì đó nhẹ hay nặng bất kỳ, bạn nghĩ đó là điều không may. Người ta nói, “Quả báo.” “Đáng lý ra nó phải tập thể dục thường hơn.” “Ai biểu ăn uống chỗ đó chi cho bị ỉa chảy.” Bạn có thấy đó là điều phi lý và vô duyên?
6.Bạn bị chồng đánh đập thường xuyên, vợ sỉ nhục. Bạn vì những lý do của bản thân mà bạn nghĩ là nó đúng đắn như: vì con, vì thành kiến xã hội, vì bạn không biết cách phản kháng, vì bạn được dạy bảo phải giữ gìn gia đình cho con cái có mái ấm đủ cha đủ mẹ, vì bạn cũng cảm thấy có lỗi, vì những năm tháng tươi đẹp đã có, vì hi vọng bản thân có thể thay đổi được vợ, chồng mình, bạn sợ bị giết. Người ngoài bảo, “Ai biểu ngu cứ ở hoài cho nó đánh.” “Ai biểu trả treo? Chồng nó nóng tính thì nhịn đi.” “Thấy nó nóng sao không chạy đi chỗ khác?” Bạn cảm thấy họ có phải là những người có thể bảo vệ được bạn không hay bạn cảm thấy cả xã hội quay lưng lại với mình và càng bế tắc không lối thoát?
7.Bạn bị bắt cóc. Thằng bắt cóc dọa sẽ giết bạn, nó biết nhà bạn và sẽ giết em của bạn nếu bạn trốn. Bạn chấp nhận ở lại không trốn đi kể cả khi không bị trói vì bạn sợ nó có thể làm điều nó nói. Khi được giải thoát, người ta chất vấn, “Tại sao không trốn?” “Đêm hôm mà tự nhiên đi vô quãng đường vắng chi cho bị bắt cóc?” Bạn có cảm thấy những người nói ra những lời đó còn ác hơn cả thằng bắt cóc?
8.Bạn bị hiếp dâm. Người ta trước tiên sẽ quan tâm bạn mặc cái gì hôm đó và đổ lỗi vì bạn ăn mặc hở hang nên mới kích thích thằng kia. “Ăn mặc thế mà bảo sao không bị hiếp. Tao thấy còn nuốt nước bọt nữa là.” “Đó, ăn mặc sexy cho cố vô rồi bị hiếp.” Kể cả khi bạn không ăn mặc sexy, người ta cũng sẽ bảo, “Đường vắng tại sao không bảo ai đưa về. Con gái con đứa đi đêm hôm mà ỷ y quá.” “Nó đẹp quá mà nên mới bị hiếp chứ xấu như tôi ai hiếp làm gì.” Bạn có cảm giác mình bị hiếp lần nữa, đau đớn hơn bởi đây là cái hiếp nhân phẩm chứ không đơn thuần là thể xác.
…
Tôi có thể liệt kê ra hàng ngàn trường hợp nữa để bạn tự đặt mình vào một trong những vị trí đó để tự hỏi chính bản thân mình bạn nghĩ gì khi bị đổ lỗi.
Tại sao con người hay có khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân và sử dụng nó một cách thường xuyên đến vậy?
1.Lỗi quy kết cho bản chất.
Trong ví dụ 1 và 4, ta thấy những người đổ lỗi cho nạn nhân bỏ qua yếu tố ngoại cảnh, là yếu tố chính, để chỉ quy kết những hành vi của nạn nhân là do đặc tính, bản chất của nạn nhân gây ra sự cố. “Không cẩn thận, lười, dốt, dở..” đều là lỗi của nạn nhân hết.
Với người khác thì ta thường đổ lỗi cho bản chất của họ gây ra sự cố nhưng nếu bất kỳ ai trong chúng ta gặp sự cố tương tự ta đều nghĩ do ngoại cảnh, nếu ta có chút nào lỗi trong sự cố thì cũng chỉ là một ít, là ngẫu nhiên thôi. Ta có xu hướng bao dung, tha thứ cho mình nhưng lại rất khắt khe với người khác, kể cả kẻ đó là người thân ruột thịt mà ta vẫn hay nói ta yêu thương.
2. Thiên lệch nhận thức muộn.
Thế nào là thiên lệch nhận thức muộn? Là khi một việc xảy ra rồi, người ta mới ngồi nhìn lại, phân tích và đưa ra nhận định và cho rằng có thể tránh sự cố. Từ đó quy kết rằng đáng lý ra nạn nhân có thể tránh mà tại sao lại không tránh được. Trường hợp 5, 6 đưa ra trong bài là những ví dụ điển hình cho thiên lệch nhận thức muộn.
Trong thực tế, sự thật là hoàn toàn không có ai có thể dự đoán được những tình huống như vậy xảy ra với mình để mà tránh cả.
3.Cuộc sống không công bằng, nhưng ta muốn tin nó công bằng.
Con người tin rằng cuộc sống này có công bằng và bình đẳng. Khi việc xảy xảy ra với ai đó, người ta liền cho rằng nó phải thế nào thì mới gặp chuyện xấu và nạn nhân xứng đáng nhận điều xấu đó. Người ta buộc bản thân tin vào một điều hoang tưởng: có công bằng. Vì sao người ta lại tin như vậy? Vì nếu không tin như vậy thì tâm trí người ta phải nghĩ đến việc bản thân, người thân yêu, gia đình, bạn bè…ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một tai họa nào đó. Ta không muốn điều đó. Ta tin rằng nếu ta không làm điều này tránh điều kia phòng ngừa điều nọ thì tai nạn sẽ chừa ra, không bao giờ xảy đến với mình.
Thực tế là không ai có thể tránh. Cho dù làm gì, nghĩ gì thì những điều không hay vẫn luôn xảy ra kể cả với người thiện lương nhất mực.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng việc đổ lỗi cho nạn nhân để ngụy biện hòng bào chữa cho chính mình. Tôi là một người có bản tính bạo lực bộc phát. Khi tôi đánh một người vì hắn bóp còi to khi đèn đỏ, kẹt xe tôi sẽ đổ lỗi cho hắn vì hắn cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng để bào chữa cho hành vi bạo lực của mình. Tôi có đúng không? Không. Hắn là nạn nhân của hành vi bạo lực, tôi không thể lấy lỗi của hắn để bào chữa cho hành vi có lỗi của mình. Lỗi của hắn có thể chỉ bị phạt 100 ngàn đồng (nếu có luật định) nhưng lỗi của tôi thì có thể ngồi tù. Có những cách đơn giản hơn như nhắc nhở hắn nhẹ nhàng nhưng tôi không nhắc, tôi thích đánh hắn để thỏa mãn tính bạo lực trong tôi, đó là sự thật không thể chối cãi và vì vậy tôi không được phép ngụy biện đổ lỗi cho hắn để nghiễm nhiên tự cho rằng mình không có lỗi.
Những thằng đàn ông đánh vợ, những bà vợ chửi chồng thường xuyên dùng hình thức ngụy biện này nhất để bào chữa. Và những kẻ có xu hướng hành xử như vậy thì bênh vực nhau. “Phải rồi, địt mẹ, ai bảo cứ to mồm chửi chồng thì phải ăn tẩn thôi. Oan đéo gì mà kêu.” Hoặc, “Chồng con như thế bảo sao không ức chế không chửi mắng. Gặp phải tôi thì tôi cho ra đường từ lâu.”
Xin lỗi khi tôi lột bỏ cái niềm tin hoang tưởng của các bạn xuống, nhưng, sự thật là, kiểu gì rồi vẫn có lúc điều không may sẽ xảy đến với bạn và gia đình, bạn bè của bạn. Biết như vậy, hiểu như vậy, để khi thấy người ta gặp tai họa, sự cố thì ta nên bình tĩnh nhìn nhận bằng con mắt và trái tim thấu hiểu, đừng phán xét đổ lỗi bởi người bị phán xét đổ lỗi rất có thể là chính ta, vào phút kế tiếp.
Đổ lỗi cho nạn nhân là một hành vi tàn nhẫn, không kém, thậm chí có khi còn cay nghiệt hơn cả tai họa mà nạn nhân đã phải gánh chịu. Nó giống như bạn bốc muối xát vào vết thương của người ta vậy. Bạn có muốn ai xát muối vào vết thương của mình không? Bạn có thấy nó vô lý không?
Đổ lỗi cho nạn nhân không giúp gì cho nạn nhân cả mà nó gây thêm tổn thương gấp bội và làm cho người với người không thể có được tình yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu. Người nào cũng sợ hãi và rút vào trong mặt nạ của mình để trốn hằng ngày, nhất là khi bản thân gặp tai họa, sự cố. Xã hội vô cảm. Con người xa nhau. Gia đình không thể gắn kết. Các mối quan hệ trở nên hời hợt, giả tạo. Bạn muốn sống như vậy ư? Bạn muốn sống trong một gia đình, xã hội như vậy ư?
Xin hãy thay đổi và chậm lại một chút trước khi nói ra lời đổ lỗi cho nạn nhân bởi cho dù nạn nhân là ai, nạn nhân làm gì thì cũng không có ai đáng là thủ phạm của họ cả. Bạn đâu bao giờ nghĩ sẽ có ai đó đáng là thủ phạm của bạn, đúng không? Thế thì tại sao ta lại có thể nghĩ ai đó đáng là nạn nhân của một thủ phạm nào đó?
Làm ơn, xin hãy ngừng việc đó lại!