Bãi Tư Chính: Cả VN lẫn TQ đều 'không muốn leo thang xung đột' (BBC)

Đồng ý với ý kiến của các chuyên gia là cả TQ lẫn VN đều không muốn leo thang xung đột. Cả hai nước đều đang đau đầu với các vấn đề nội bộ trong nước lẫn đối ngoại nhất là TQ. Vậy tại sao TQ vẫn khiêu khích VN? Đây là nghịch lý trong các nước độc tài và bá quyền. TQ đang cố gắng vươn lên thành một đế quốc với một quân đội hùng hậu và cùng với đó là chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Các mâu thuẫn này khiến TQ vừa muốn chứng tỏ quyền lực của mình trong khu vực vừa muốn môi trường hòa bình để làm giàu và phát triển kinh tế. Theo ý kiến của chúng tôi thì cả TQ và VN sẽ tìm cách dàn xếp mọi chuyện trong "hòa bình" với sự nhân nhượng ít nhiều từ phía VN. Khả năng xung đột sẽ rất thấp.


Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng trong vụ đối đầu ở bãi Tư Chính, cả Việt Nam và Trung Quốc "đều không muốn leo thang thành xung đột", nhưng "rủi ro vẫn rất lớn".

Ngày 16/7, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative), trực thuộc CSIS ở Washington DC, công bố hai diễn biến chính trong vụ đối đầu tại bãi Tư Chính:

Một là hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, mà đã được hé lộ qua Twitter và Facebook mấy ngày vừa rồi.

Hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.

Trong khi đó, cả thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam và bài trả lời của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đăng trên các báo đều không nhắc tên "Trung Quốc" và "bãi Tư Chính".

"Chúng ta một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương tại các hội nghị quân sự quốc phòng tới đây", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh được tờ InfoNet dẫn lời.
Thận trọng trước rủi ro

Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, nói với BBC hôm 18/7:

"Tôi nghĩ mình phải hiểu ông Nguyễn Chí Vịnh hay bà Lê Thị Thu Hằng đều phát ngôn đại diện cho giới lãnh đạo Việt Nam, nên việc họ phát biểu thận trọng là điều đương nhiên."

"Điều này cũng từng diễn ra ở sự cố HD-981 vào năm 2014, phải gần hai tuần thì các cơ quan phát ngôn của Đảng và Nhà nước mới đưa ra ý kiến."

"Điều này thể hiện thái độ thận trọng trong cách tiếp cận, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cũng dường như tránh đề cập trực tiếp đến tranh chấp lần này."

"Việc tuyên bố mạnh mẽ có thể khiến các kênh đối thoại đang diễn ra khó khăn hơn, và có thể dẫn đến làn sóng phản đối Trung Quốc lớn và không thể kiểm soát như vào năm 2014 và phản đối dự luật Đặc khu vào năm ngoái."

"Khả năng vụ đối đầu lần này có dẫn đến căng thẳng như hồi năm 2014 hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào động thái của Trung Quốc, như cách họ xuống thang bằng cách rút giàn khoan HD-981."

"Điều này lại phụ thuộc vào mục đích của Bắc Kinh khi đưa tàu đến tuần tra và thăm dò ở khu vực này, thứ mà chúng ta chưa rõ."

"Đây có thể đơn thuần là động thái thể hiện quan điểm chủ quyền, trong bối cảnh các đảo nhân tạo đã được quân sự hóa và đi vào hoạt động, cũng như thăm dò phản ứng của Việt Nam, gây sức ép với Hà Nội về một số vấn đề nào đó, hoặc đánh lạc hướng dư luận trong nước trong bối cảnh thương chiến với Mỹ."

"Dù sao thì tôi tin cả hai nước đều không muốn leo thang thành xung đột, nhưng rủi ro vẫn là rất lớn."
'Để Đảng và Nhà nước lo'

Hôm 18/7, nhà báo tự do Sương Quỳnh bình luận với BBC:

"Theo tôi, tất cả những gì xảy ra ảnh hưởng đến chủ quyền đất nước thì đều phải công bố cho toàn dân biết."

"Tại sao Thượng tướng Phạm Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi phát biểu về về vấn đề Biển Đông trong lúc này lại không nhắc đến vụ gây hấn xảy ra tại bãi Tư Chính trong khi đó là điều gây bức xúc trong dân chúng."

"Giới chức luôn nói để Đảng và Nhà nước lo, nhưng xưa giờ toàn bưng bít thông tin, thí dụ mất đảo Gạc Ma hồi năm 1988 thì người dân hoàn toàn không biết, vậy để Đảng và Nhà nước lo thì như vậy sao?"

"Thậm chí việc người dân tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong các trận hải chiến với Trung Quốc hàng năm cũng bị chính quyền ngăn cản thì việc Bộ Ngoại giao nhẹ nhàng lên tiếng và tướng Vịnh không nhắc tới bãi Tư Chính khiến người dân phải nghi ngờ việc bảo vệ toàn vẹn biển đảo của Việt Nam."

Trước đó, trả lời BBC, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, nói:

"Việt Nam nên loại bỏ bất kỳ hạn chế nào đối với báo chí và truyền thông trong nước trong việc tường trình chính xác về những diễn biến đang xảy ra. Các phương tiện truyền thông nên được tự do liên hệ với giới chuyên gia trong và ngoài nước để hỏi quan điểm và ý kiến của họ về vấn đề nghiêm trọng này. Thật vậy, Việt Nam nên mời các cơ quan truyền thông nước ngoài lên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực để có thể chứng kiến tận mắt về những điều đang xảy ra từng ngày."

Một nhà quan sát khác, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói với BBC:

"Cách tiếp cận "không xác nhận cũng không bác bỏ" của Việt Nam là cách tiếp cận chính trong thời điểm hiện tại. Theo tôi, có mấy lý do sau:
  • Tránh đánh động dư luận, gây ra các vụ biểu tình bạo động lớn như vụ giàn khoan HD-981 năm 2014.
  • Nếu xảy ra bạo động thì cũng không có lợi. Thứ nhất cho kinh tế, và thứ hai cho ngoại giao, vì điều này sẽ gây sức ép lớn lên quá trình giải quyết tình hình trên thực địa.
"Chính phủ Việt Nam cho thấy họ ưu tiên ổn định đối nội. Kiểm soát thông tin là để thực hiện mục tiêu đó. Kiểm soát thông tin là một chuyện, các chính sách thực địa là một chuyện khác và không đánh đồng hai chuyện này với nhau được."