Nước đôi chắc chắn là hãm tài và không thể thành tài (Paul Nguyễn Hoàng Đức)

Rất thích cách trình bày và lý luận của ông Nguyễn Hoàng Đức. Chưa bàn đến việc đúng-sai, phải-trái ở đây mà chỉ riêng việc ông trình bày các vấn đề một cách thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề cũng là một điều đáng ghi nhận ở ông. Cách nói quanh co, nước đôi, nói cho vừa lòng mọi người...là đặc tính khôn lõi và thiếu đạo đức của không ít trí thức VN, nhất là khi họ "phê phán" chính quyền. Cách họ vừa viết vừa lách khiến người đọc không hiểu là họ đang khen hay chê khiến người đọc phân vân và không biết đường nào mà lần. Rất đồng ý với nhận định này của ông "Con người muốn hành động thì phải có tư tưởng! Đó là điều không thể cãi! Nhưng muốn có tư tưởng thì phải suy lý thuần khiết “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, nhưng nước đôi là thứ tư duy pha trộn thập cẩm thì làm sao thuần khiết. Không suy lý thuần khiết thì không thể thành tư tưởng. Mà không tư tưởng thì hành động cái gì?!"


Theo triết học và cuộc sống, không thể cãi được, mọi việc chỉ có ích khi mang chức năng riêng rẽ đặc thù của nó. Khi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật, thì có y tá bưng một khay dụng cụ đứng cạnh để trợ giúp. Khi mổ cần dao, khi lấy cần panh gắp, khi khâu vết thương cần kim và chỉ, khi cần ánh sáng nhiều hơn phải soi đèn nhỏ vào… không cái gì thay thế được cho cái khác. Triết gia Kant, ví sự hoàn hảo tương đối như sự lắp ráp các bộ phận rời rạc vào chiếc xe đạp: phải có bánh xe tròn để lăn, có ghi đông để lái, có xích – đĩa – và líp để đạp, có phanh để an toàn… Không có sự lắp ráp các bộ phận riêng rẽ, sẽ không thể có được chiếc xe hoàn hảo. Trong gia đình muốn nấu phải có nồi, muốn rán phải có chảo, muốn rửa rau phải có rổ… Tất cả những xã hội sống thiếu chức năng cụ thể như Á Đông đều là lạc hậu, chậm tiến.

Triết gia Aristote cho rằng: không có phân biệt sẽ không có trật tự! Không có trật tự là điên!

Ở đời nước sôi thì pha trà, nước lạnh thành đá lạnh, còn nước nhờ nhợ chỉ để rửa chân, rửa bát! Cá nước lợ, nửa ngọt nửa mặn chỉ là thứ tôm tém lấy rổ mà xúc! Loại thịt bầy nhầy bạc nhạc chỉ là thứ rẻ tiền. Đàn ông nước đôi chỉ là thứ bầy nhầy bạc nhạc, dở ông dở thằng, sao làm được vai đế vương “nhất ngôn cửu đỉnh” – một lời nói nặng tựa chín đỉnh? Người lãnh đạo bao giờ cũng cần mệnh lệnh rõ ràng. Còn kẻ dưới mới nước đôi để ù xọe?!

Kể từ triết gia Socrate nhân loại mới có được môn triết học mà triết gia Kant gọi ông là khúc quanh quyết liệt của lịch sử nhân loại. Ông là người xác định: muốn tư duy thì phải thuần khiết, cái cao là cao, cái thấp là thấp, không thể bàn về cái vừa cao – vừa thấp, vừa to – vừa bé … kiểu nước đôi. Môn hóa học chẳng hạn: không bao giờ có sắt, đồng, chì nguyên chất mà chúng đều chứa thành phần quặng hỗn hợp, nhưng khi bàn cũng như đưa vào bảng tuần hoàn chúng được xác định như là sắt, đồng, chì riêng rẽ và thuần khiết.

Những người nói nước đôi thường rất nhạt rất dài. Vì câu nói của họ không có tính mục đích cũng như chức năng, họ nói thông tin để khoe kiến thức, nhưng càng nói càng thiếu tự tin, càng thiếu tự tin thì càng nói dài… họ luôn cần nói trong điều kiện như thầy bắt trò phải nghe, nhưng khi đứng trước các con người hiểu biết thì họ như bị rụng mặt nạ, loay hoay một cách khốn khổ, và chỉ muốn mình được nói mãi, nói vô tận. Ở đời thể thao không có đối kháng làm sao hấp dẫn?! Nói chuyện không đối thoại thì làm gì có hàm lượng trí tuệ?! Vì là thứ thịt bạc nhạc nước đôi, cũng như nước lợ không thể pha trà họ nói nhạt và rất sợ phải đối thoại cũng như Hỏi và Đáp.

Tại sao châu Á dốt nát lạc hậu mấy ngàn năm? Chính là do đám nước đôi đông rinh rích lúc nào cũng nghĩ đến việc thủ thế an toàn này! Các triết gia xác định rằng: Con người muốn hành động thì phải có tư tưởng! Đó là điều không thể cãi! Nhưng muốn có tư tưởng thì phải suy lý thuần khiết “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, nhưng nước đôi là thứ tư duy pha trộn thập cẩm thì làm sao thuần khiết. Không suy lý thuần khiết thì không thể thành tư tưởng. Mà không tư tưởng thì hành động cái gì?! Cho nên châu Á chỉ có thể lao động giản đơn tay chân, còn lên đến nghệ thuật hay khoa học thường nhạt hoét, vì tư duy đâu có tính mục đích để mà cán đích hay trưởng thành. Ở châu Á tìm thấy một người trưởng thành cũng thiên khó vạn nan, chứ đừng nói quí ông hay người tài?!

Đây là những bằng chứng chắc chắn để thấy: Nói nước đôi chỉ là những kẻ hãm tài và hãm cả đức, luôn mang sẵn tâm can phản trắc thường trực?!

Mời các bạn phản biện để trưởng thành. Xin cám ơn!

Paul Đức 26/6/2019