Công an "like" bài viết chống Đảng, Nhà nước sẽ bị kỷ luật

ĐCSVN cần nhập người máy (rô-bốt) về để làm...công an. Là một con người (công an cũng là người) thì phải có cảm xúc, tư duy, nhu cầu lên tiếng và chia sẻ những điều hay lẽ phải trên đời. Việc ĐCSVN ra qui định như trên nhằm biến lực lượng công an thành những người máy khi không được chia sẻ, không được "thích" các bài viết trên mạng (nếu có nội dung chống đảng). Nhưng thế nào là chống đảng? Hầu hết các bài viết đúng sự thật, bênh vực lẽ phải, chống lại sự bất công đều bị qui chụp là "chống đảng". Như vậy nếu làm công an thì bạn phải chấp nhận mất quyền suy nghĩ và quyền làm người? Hơn nữa những qui định này rất mơ hồ và có thể giáng xuống đầu bạn bất cứ lúc nào khi cấp trên "không thích bạn" hoặc cần trù dập bạn. Các bạn trẻ nên suy nghĩ kỹ trước khi chọn lựa ngành công an. 

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân chia sẻ (share), thích (like) các trang mạng, bài viết có nội dung chống Đảng, Nhà nước (trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác hoặc để phản bác các thông tin thù địch, phản động đó) có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân trong thời gian 2 tháng.
Theo dự thảo này, cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

- Biết cha, mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con cùng sống trong gia đình tham gia đánh bạc, cho vay nặng lãi dưới mọi hình thức mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị có kết nối mạng Internet ở những nơi bị cấm đã bị nhắc nhở nhưng tái phạm;

- Đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video clip, bài viết, lời nói, bình luận trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các trang mạng xã hội; chia sẻ (share), thích (like) các trang mạng, bài viết có nội dung chống Đảng, Nhà nước (trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác hoặc để phản bác các thông tin thù địch, phản động đó); trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng Internet trong giờ làm việc đã được lãnh đạo đơn vị nhắc nhở quá 3 lần nhưng vẫn thực hiện; kinh doanh “tiền ảo” qua mạng Internet;

- Có các vết trổ (xăm) trên da; có hoạt động mê tín, dị đoan trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị,...

Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:

- Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trù dập người có ý kiến thuộc về thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình;

- Sử dụng các thiết bị của cá nhân, tập thể lén lút, bí mật ghi âm, ghi hình trong nội bộ (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ công tác);

- Lợi dụng tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm, dòng họ;

- Tạo vây cánh, bè phái, nhóm lợi ích, chia rẽ, lôi kéo, mất đoàn kết với đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị.
Theo Điều 4 dự thảo thông tư, quyết định kỷ luật phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm, phát hiện cán bộ, chiến sĩ có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét kết luận từng hành vi và xử lý các hành vi đó bằng một hình thức kỷ luật, trong một quyết định kỷ luật.

Trong cùng một vụ việc có nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong cùng một thời điểm phát hiện có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật tối thiểu phải nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật cao nhất của một trong các hành vi vi phạm (trừ trường hợp một trong các hành vi vi phạm đó sẽ bị kỷ luật bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân).

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị bắt do phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng hoặc cán bộ, chiến sĩ đã thừa nhận hành vi phạm tội và có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cán bộ, chiến sĩ đó đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân.

“Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật”- dự thảo thông tư nêu.
Thế Kha