Brexit: Thủ tướng Anh 'sẽ từ chức vào ngày 7/6' (BBC)

Giọt nước mắt muộn màng và nghẹn ngào của bà Theresa May không giúp gì được cho nước Anh mà chỉ báo hiệu một tương lai xám xịt khi kế hoạch Brexit hoàn tất. Bà May đã cố gắng hết sức mình nhưng vẫn không thể cứu vãn nổi tình thế. Cuộc "li dị" giữa Anh và EU là không thể đảo ngược và Anh sẽ thiệt hại nặng nề trên mọi mặt từ kinh tế, chính trị đến toàn vẹn lãnh thổ. Không ai nghĩ rằng nước Anh, một cường quốc của EU, ngang hàng với Đức, Pháp giờ lại phải năn nỉ EU để hoãn ngày "li dị" từng tháng thê thảm đến như vậy. Bài học rút ra cho chúng ta đó là làm gì cũng phải có chuyên môn, chính trị là một công việc đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp và phải là công việc của giới chính trị chuyên nghiệp. Đám đông dân chúng không phải lúc nào cũng đúng. Việc đẩy những quyết định khó khăn trong việc lấy các quyết định chính trị quan trọng của giới chính trị gia Anh sang cho người dân đã phải trả một cái giá rất đắt.   


Bà Theresa May tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 7/6, mở đường cho cuộc tranh đua tìm thủ tướng mới của Anh.

Trong bài diễn văn cảm động tại Downing Street, bà nói bà "đã cố gắng theo cách tốt nhất" để tôn trọng thực thi kết quả kỳ trưng cầu dân ý 2016 về việc Anh rời EU.

Việc bà không thể hoàn tất được Brexit vẫn là vấn đề khiến bà "nuối tiếc nhất", bà nói thêm.

Tuy nhiên, việc có một tân thủ tướng vào lúc này "sẽ là vì lợi ích tốt nhất cho đất nước".

Bà May đã bị áp lực phải từ chức sau khi bị chính các dân biểu trong đảng Bảo thủ phản đối kế hoạch Brexit mới nhất của bà.

Kể từ tháng Giêng, Quốc hội đã ba lần bác bỏ thỏa thuận rút lui mà bà May đàm phán với EU. Các nỗ lực gần đây trong việc tìm kiếm một sự nhân nhượng chính thức với đảng Lao động cũng đã thất bại.

Bà May đã có kế hoạch công bố Dự luật Thỏa thuận Rút khỏi EU vào hôm thứ Sáu, là dự luật cần có để đưa thỏa thuận thành luật Anh, và gọi đó là "cơ hội cuối cùng" để thực hiện Brexit.

Tuy nhiên, các đề xuất của bà, trong đó có thỏa thuận về thuế quan chung và đề nghị trao cho các dân biểu quyền biểu quyết đối với việc tổ chức một kỳ trưng cầu dân ý mới, đã khiến nhiều thành viên Bảo thủ giận dữ.

Các thành viên đảng Lao động nói đó chỉ là bản "làm mới" so với các đề xuất cũ, và nói họ không ủng hộ.

Bà Andrea Leadsom, một thành viên cao cấp của đảng Bảo thủ, đã từ chức khỏi vị trí lãnh đạo trong Hạ viện vào tối hôm thứ Tư. Bà nói bà không còn tin là cách tiếp cận của chính phủ có thể "thực hiện được kết quả kỳ trưng cầu dân ý".

Hôm thứ Năm, bà May đã gặp Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid và Ngoại trưởng Jeremy Hunt tại Downing Street. Được biết hai vị bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về dự luật.

Các bộ trưởng trong chính phủ hiện hy vọng rằng chiến dịch tìm nhà lãnh đạo kế tiếp của đảng Bảo thủ sẽ kết thúc chậm nhất là vào cuối tháng Bảy.

Cuộc đua vào vị trí lãnh đạo nếu bắt đầu vào ngày 10/6 sẽ đồng nghĩa với việc diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Anh, và sau đợt bầu cử giữa kỳ tại Peterborough.

Hiện đã có hơn 12 dân biểu Bảo thủ nghiêm túc cân nhắc việc tham gia cuộc đua, phóng viên chuyên về chính trị của BBC, Laura Kuenssberg nói. Cựu ngoại trưởng Boris Johnson hiện được đánh giá là một gương mặt nặng ký.