Những dấu hỏi từ vụ bắt Son - Tuấn (Phạm Chí Dũng)
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác: vụ bắt Son - Tuấn xảy ra khi Nguyễn
Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông
Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm
chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất
nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh
Tuấn? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở
Việt Nam khi Trọng vắng mặt? (Phạm Chí Dũng)
Có những điểm giống nhau ‘chết người’ giữa vụ cựu bộ trưởng Thông
tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn ‘nhập kho’ vào tháng 2 năm 2019 với vụ
hình ảnh cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải ngậm ngùi tra tay
vào còng hơn một năm trước đó: cả hai đều còn giữ cương vị ủy viên trung
ương khi bị khởi tố và bắt giam; và cả hai đều có ‘độ trễ’ từ lần mất
chức gần nhất đến lúc bị bắt là 7 tháng.
Sau khi bị cách lột chức vụ ủy viên bộ chính trị vào tháng 5 năm
2017, Đinh La Thăng được Bộ Chính trị ‘phân công’ về làm phó trưởng ban
kinh tế trung ương như một thủ thuật ‘nhốt quyền lực vào lồng’, sau đó
đến tháng 12 năm 2017 thì bị bắt; còn Tương Minh Tuấn sau khi bị cách
chức bộ trưởng thông tin và truyền thông vào tháng 7 năm 2018, 7 tháng
sau cũng bị bắt nốt.
Tại sao Tuấn ‘thoát’ tại Hội nghị trung ương 9?
Vụ hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương
Minh Tuấn bị tống giam vào ngày 23/2 - hai tuần sau tết nguyên đán năm
2019 có thể xem là tương đương với sự kiện hai tướng Phan Văn Vĩnh - cựu
Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân và Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục
phòng chống tội phạm công nghệ cao - cả hai đều thuộc Bộ Công an - bị
khởi tố và bắt giam sau tết nguyên đán năm 2018 vì bảo kê cho đường dây
đánh bạc công nghệ cao.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’
khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư
luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15%
trong số 7000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Thiếu tướng
Nguyễn Thanh Hóa được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia
phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong khi đó, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về
‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng
‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê
Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Dường như ý chỉ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng là khá rõ ràng: cứ để
cho ‘hai ông’ Son và Tuấn ăn tết nguyên đán Kỷ Hợi với gia đình lần
cuối rồi mới bắt, theo đúng một tư tưởng mới nhen nhóm của ông Trọng:
‘chống tham nhũng phải nhân văn’.
Nhưng một dấu hỏi lớn vẫn chằn chặn là tại sao tại Hội nghị trung
ương 9 vào tháng 12 năm 2018, ‘Tổng chủ’ lại không cách chức ủy viên
trung ương của Trương Minh Tuấn mà chỉ làm động tác này đối với Nguyễn
Bắc Son và một ‘chuột cống’ khác là Tất Thành Cang - khi đó giữ chức Phó
bí thư thường trực thành ủy TP.HCM và có nhiều dấu hiệu dính đậm tham
nhũng trong hai vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm và Nhà Bè?
Trọng thực hành ‘công bằng và đối ứng’ hay sự biến khác?
Từ giữa năm 2018 và đặc biệt sau vụ Trương Minh Tuấn bị mất chức bí
thư ban cán sự đảng bộ thông tin và truyền thông cho đến thời điểm diễn
ra Hội nghị trung ương 9, đã ồn ào tin tức về khả năng Tuấn sẽ bị bắt.
Tuy nhiên sau đó bầu không khí hăm hở này lắng dần theo thời gian, chỉ
còn loáng thoáng một ít tin tức ngoài lề về việc Son và Tuấn bị giám
sát, câu lưu và hàng ngày phải ‘phục vụ ‘ cơ quan điều tra. Cũng có tin
cho rằng cả Son và Tuấn đều ‘thoát’, hoặc Son bị bắt nhưng Tuấn vẫn được
cho ‘hạ cánh an toàn’.
Trong năm 2018, Trương Minh Tuấn đã thoát hiểm đến hai lần. Đặc biệt
lần thoát hiểm thứ hai của Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ
Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối
với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone
và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT vào ngày
10/7/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong
danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có
Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên
dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận
trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi
cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ
mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài
vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương
kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Khi đó, cũng có nhiều dư luận cho rằng tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú
Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh
La Thăng.
Vậy phải chăng từ sau Hội nghị trung ương 9 đến nay đã xảy ra những
động thái đủ lớn trong nội bộ mà đã khiến Trương Minh Tuấn cuối cùng đã
không thể ‘thoát’?
Cho tới giờ thì đã rõ: dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào
ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền
‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận
của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng
mà vẫn rất bấp bênh.
Một yếu tố tâm lý quan trọng cần xét đến là sự thay đổi bất thường
trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị những
cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình
cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó
thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương
Minh Tuấn để công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’, vô hình
trung sẽ khiến ‘uy tín của tổng bí thư bị ảnh hưởng’, chưa kể ước mơ tái
hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm
về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của Nguyễn Phú Trọng trong tương lai có
thể bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Vụ hai cựu bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc
biệt là Trương Minh Tuấn bị tống giam vào cuối tháng 2 năm 2019 chỉ xảy
ra ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un tại Hà
Nội.
Nếu quả thật Nguyễn Phú Trọng muốn xử Son và Tuấn như một liệu pháp
công bằng giữa ‘củi nhà’ với ‘củi rừng’, sẽ có một điểm tương ứng giữa
ông ta với Donald Trump: vào đầu năm 2017 và chỉ vài tháng sau khi nhậm
chức tổng thống nước Mỹ, Trump đã liệt kê Việt Nam vào danh sách 16 quốc
gia ‘gây hại’ cho Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước
đầu bảng khiến Mỹ phải nhập siêu nặng nề. Không bao lâu sau đó, Trump đã
đề ra nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ đối với hàng hóa Việt Nam,
nghĩa là bắt buộc Việt Nam phải giảm giá trị xuất siêu hàng năm vào Mỹ
và phải nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng cũng đang thực hành nguyên tắc ‘công bằng
và đối ứng’, có qua có lại đầy đủ giữa ‘phe ta’ và phe đối phương’?
Nếu đúng thế, vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ - Nguyễn
Bắc Son và Trương Minh Tuấn - đang phát đi thông điệp rằng ‘Minh quân’
sẽ có thể không nương tay với ‘củi rừng’ - chẳng hạn như nhóm lợi ích Lê
Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… và có thể còn ‘máu lửa’ hơn
nữa trong năm 2019 này.
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác: vụ bắt Son - Tuấn xảy ra khi Nguyễn
Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông
Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm
chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất
nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh
Tuấn? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở
Việt Nam khi Trọng vắng mặt?
VOA