Dân miền Tây kẹt xe về Sài Gòn sau Tết 'vì không đủ cầu đường'? (BBC)
Chính quyền VN vay mượn tiền ODA để đầu tư cho cơ sở hạ tầng lên đến hàng chục tỉ USD nhưng rõ ràng là số tiền vay mượn này đã đầu tư không thật sự hiệu quả chưa kể bị tham nhũng rút ruột. Những công trình vô bổ như tượng đài, nhà hát cũng ngốn không ít tiền từ ngân sách trong khi đáng lẽ số tiền đó phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu vực miền Nam vốn là vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Chia kể việc phân bổ nguồn lực và đầu tư cho các tỉnh thành vẫn bất cập khiến người dân phải đổ xô về 2 thành phố lớn để mưu sinh.
Một cựu quan chức nói với BBC rằng
việc hàng vạn dân miền Tây bị kẹt xe hàng giờ trên đường về Sài Gòn sau
Tết cho thấy "không đủ cầu đường" và "người dân không đủ việc làm với
đồng ruộng".
Truyền thông Việt Nam mô tả, những ngả đường vào cửa
ngõ Sài Gòn kẹt cứng từ sáng đến khuya hôm 10/2 (mùng 6 Tết), hàng vạn
phương tiện từ các tỉnh miền Tây lên thành phố "phải nhích từng chút ở
cầu Bến Lức, Long An, từ sáng tới khuya".
Cùng
thời điểm, trên mạng xã hội, nhiều người cho hay hay họ "phải mất hơn 2
giờ cho đoạn đường chưa tới 35 km", "3 giờ đi được 30 km, đi bộ nhanh
hơn đi xe hơi là có thật"...
Những hình ảnh lan truyền trên
Facebook cho thấy từ hôm 8/2 (mùng 4 Tết), đường từ miền Tây lên Sài Gòn
đặc kín người, nhất là tại các cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Bến Lức...
trong lúc chiều đường ngược lại gần như vắng bóng xe.
'Không đủ cầu đường'
Hôm
13/2, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang
nói với BBC: "Tôi có thấy hình ảnh đoàn người miền Tây lũ lượt lên Sài
Gòn sau Tết và bị kẹt xe trong nhiều giờ."
"Chuyện này có thể thấy là do không đủ cầu đường."
"Tuy
không có con số cụ thể về lượng cầu đường miền Nam so với miền Bắc,
nhưng dựa vào việc dư luận than phiền chuyện cực nhọc khi lên lại thành
phố sau Tết, người ta thấy nguyên do này phù hợp với suy nghĩ của nhiều
người."
"Theo như tôi thấy, tại An Giang, đa phần người dân không có đủ việc làm với nghề nông hoặc nuôi cá."
"Trong khi đó, các khu công nghiệp tại địa phương cũng không thu hút tại lao động, kinh tế tư nhân thì nhỏ giọt."
"Do vậy, người ta phải tìm đường mưu sinh tại Sài Gòn, Bình Dương..."
"Tình hình cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền Tây từ mấy năm qua chưa có tiến triển gì đáng kể."
"Sau sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống hồi năm ngoái đến nay vẫn đang khắc phục, người ta cũng chưa rõ số phận cầu Châu Đốc thế nào."
"Tình
hình cầu đường ở miền Tây nếu không có giải pháp hữu hiệu thì đến Tết
năm sau, người ta sẽ lại thấy cảnh tượng hàng vạn người chôn chân trên
đường về Sài Gòn tiếp diễn."
'Mất cân đối'
Hôm 12/2, ông Hoàng Dũng, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Đại học Sư phạm bình luận với BBC:
"Tôi
thấy trong vụ hàng vạn dân miền Tây bị kẹt xe khi đổ về Sài Gòn sau
Tết, có người chia sẻ trên mạng xã hội rằng miền Bắc có 1.028 km đường
cao tốc, gấp 11 lần miền Nam, với chỉ 95 km. Đó là một thực tế."
"Đây là sự mất cân đối, và đằng sau đó là sự bất bình đẳng, cũng ngầm chứa sự nguy hiểm về chính trị."
"Theo
thống kê do Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đưa ra, trong số 10 tỉnh thành có
đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia, thì đóng góp của sáu tỉnh miền
Nam cao gấp 1,8 lần so với bốn tỉnh miền Bắc, để đầu tư một cách mất cân
đối như thế, không phải là một việc làm khôn ngoan về kinh tế đã đành,
mà còn là một hành động về khách quan có một hàm ý chính trị xấu."
"Năm
ngoái, Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng vì đã để cho một độc giả
bình luận về tình trạng bất bình đẳng trong đầu tư về giao thông. Bình
luận đó bị quy kết là gây chia rẽ vùng miền. Nhưng vấn đề là phải nhanh
chóng chấm dứt sự kiện bất bình đẳng đó, chứ không phải bịt miệng dân."
'Mê cung'
Nhà báo Hoàng Linh, báo Tuổi Trẻ, nói với BBC hôm 12/2:
"Quốc
lộ 1 nối TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn
trong thế độc đạo. Chỉ hơn 150km, có người phải mất hơn 12 giờ trong
cảnh nhúc nhích."
"Còn nếu muốn tránh thế độc đạo quốc lộ 1 thì
chạy các tuyến từ Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên qua cầu Cao Lãnh về Sài
Gòn cũng tắc ở phà Vàm Cống. Cây cầu được chủ đầu tư hứa hẹ thông xe
nhiều lần nhưng đến Tết này vẫn chưa xong."
"Tuyến ven Biển Đông
từ Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng qua Trà Vinh hay Vĩnh Long về Bến Tre để
lên Sài Gòn đều bị tắc ở phà Đình Khao hay cầu Rạch Miễu. Đúng là một mê
cung dẫn người ta tới chỗ tắc đường."
"Nhưng bên cạnh chuyện đường cao tốc còn là những vấn đề căn bản hơn tại một vùng miền mà quá nửa dân cư là nông dân."
"Theo
như tôi biết, chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn
40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn là một chỉ
dấu đáng lo ngại về một đợt ly nông và di cư lao động lớn trong thế bị
động."
"Dường như người nông dân ở miền Tây chủ yếu sống nhờ canh
tác, nuôi trồng mà thiếu hẳn các ngành công nghiệp phụ trợ. Bất cứ một
diễn biến bất lợi nào về thị trường như sụt giảm giá lúa gạo, hải sản,
thủy sản, thịt gia cầm, gia súc…đều làm nông dân xính vính."
Theo
báo VnExpress, hạ tầng giao thông miền Tây "còn nhiều điểm nghẽn chưa
được tháo gỡ, trong đó, nút thắt lớn nhất là cao tốc Trung Lương-Cần
Thơ."
Toàn tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ được dự kiến hoàn
thành cuối năm 2025 "nếu không có trở ngại về vốn và giải phóng mặt
bằng."
Tuyến cao tốc này được chia làm hai đoạn: Đoạn đầu, dự án
cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khoảng 9.000 tỷ đồng, dài trên 51 km, nằm
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, được ghi nhận trong tình trạng "thi công
chậm chạp" dù thời gian hoàn thành gút lại cho dự án là cuối năm 2020.
Đoạn
sau, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có mức đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng, theo
hình thức BOT, dài 23,6 km đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, được ghi
nhận "khởi công trong năm 2019".