Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Việt Nam không nên là "tù nhân" của năng lượng than (Dân Trí)

THDCĐN đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than từ rất lâu rằng: "Thời đại của than đá đã chấm dứt", mới nhất đây là bài viết "Không chỉ ngu mà còn quá ngu" của ông Nguyễn Gia Kiểng năm 2017. Nhà nước Việt Nam bỏ ngoài tai vì rằng Trung Quốc đã "cho không" các nhà máy nhiệt điện than vì họ nhận ra tác hại của các nhà máy này đối với môi trường. Hậu quả bây giờ là các nhà máy nhiệt than Việt Nam phải mua lại than của TQ với giá cao, gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường bằng khí thải và xỉ than thì đem ra biển đổ. Tóm lại Đảng cộng sản không hề có viễn kiến hay ưu tư gì về tương lai của đất nước cũng như giống nòi Việt Nam. 


 

 Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt nam 2019 bàn về chủ đề Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố An ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững diễn ra sáng nay (17/1) tại Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: Việt Nam không cần thiết phải là "tù nhân", lệ thuộc vào năng lượng than. 

Ông John Kerry, người đang là Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie nhấn mạnh: Tôi luôn ấn tượng với nguồn năng lượng của người dân Việt Nam, đa số dân trẻ hướng tới tương lai và có mối quan hệ tốt hơn với thế giới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ ngài John Kerry tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019.

Ông Kerry cho rằng, hiện thách thức của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhu cầu đều giống nhau đó là năng lượng. "Lựa chọn của chúng ta về năng lượng là phải chú ý đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang diễn ra rồi. Nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện nay vẫn tăng và tăng cao nhất ở Đông Nam Á với mức 5% so với thế giới", ông Kerry nói.

Theo Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie: "Châu Á Thái Bình Dương đang tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới, chúng ta đang đối diện với hệ quả là tác động phát thải hiệu ứng nhà kính, kể cả áp dụng công nghệ mới thì nhiệt điện than vẫn là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất".

Ông Kerry cho rằng: Chúng ta có nhiều lựa chọn khác ngoài than, tôi không muốn nói lý tưởng mà là thực tế. Yếu tố phát thải lớn nhất đối với CO2 là than và chúng tác động làm gia tăng hiện tượng nước biển dâng cao. Cùng với đó là sự ấm lên của nước biển, hệ sinh thái thay đổi, các tầng san hô sẽ chết nhanh hơn và sự sụt giảm 50% các loài cá.

Ngài Kerry cảnh báo, cuối thế kỷ này các vấn đề tiêu cực của tự nhiên sẽ diễn ra nhanh hơn, nó không còn là mơ hồ nữa, ngay cả với Mỹ. Biến đổi khí hậu đang hiện hữu, diễn ra nhanh hơn và chúng ta đã có những người tị nạn ở thế giới do biến đổi khí hậu rồi.

"Tôi có thông điệp rõ ràng gửi đến những người bạn Việt Nam là Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội và lợi thế, chúng ta không cần đầu tư vào than nữa", cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.

"Chúng ta thấy có sự bùng nổ bệnh tật liên quan đến hô hấp, 2017, có 5 nguyên nhân tăng nguy cơ tử vong là phổi và tim. Hai nguyên nhân đó là vấn đề ô nhiễm", ông Kerry nêu ví dụ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Hãy sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay, bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì họ không tính giá thành hoặc chi phí ngoại biên hoặc các nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như bệnh ung thư, phổi. Nếu tính các lợi thế này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Việt Nam có lợi thế về năng lượng sạch như thủy điện, mặt trời, sức gió..."

Việt Nam có năng lực rất lớn về mặt trời, khí và gió.. rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên, kết hợp nguồn năng lượng này như nào là vấn đề. Chúng ta sẽ phải tính làm sao để năng lượng mặt trời mất đi, sẽ bù đắp bằng năng lượng gió như nào, vì thế chúng ta cần dự trữ pin lớn hơn.

"Tại sao Việt Nam không áp dụng cơ chế hỗ trợ giá từ điện sạch, gọi vốn. Tại sao không thúc đẩy đầu tư hệ thống truyền tải với sự tham gia của tư nhân? Tại sao không thúc đẩy vào đầu tư pin trữ lớn và sử dụng số hóa truyền tải điện. Tại sao chúng ta không sử dụng điện mặt trời trên mái... khi đây là cơ hội đầu tư giá rẻ mà ai cũng có thể là khách hàng, đối tác của điện lực", Ông Kerry nói.

Tôi đã ở Ấn Độ và bàn với họ về điện mặt trời trên mái, ở đất nước này họ cần thiết phải xây hệ thống điện mặt trời quy mô lớn và mới mà chỉ đào tạo cho người dân xây dựng và vận hành điện mặt trời trên mái, sử dụng và bán cho nhà nước.

Ông Kerry khẳng định: Chúng ta không cần thiết phải là "tù nhân", phụ thuộc vào năng lượng than; phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng, chúng ta cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững, giảm phát thải CO2 càng nhiều càng tốt.



Ông Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Biến đổi khí hậu tại Việt Nam làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng.Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, dẫn đến những tác động tiêu cực trong phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. 


Thực tế trong những năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây thay đổi lượng mưa tạo ra những trận lũ quét, bão hoặc nạn hạn hán bất thường đã làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các ngành điện, than và dầu khí; gây thiệt hại đến một số cơ sở hạ tầng,làm gia tăng chi phí trong đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị trong tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ năng lượng. 


Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để từ đó chủ động phòng chống và đưa ra các giải pháp củng cố An ninh năng lượng quốc gia là việc làm hết sức phức tạp, khó khăn. 
Mạnh Quân - Nguyễn Tuyền