Đã phát hiện những tác nhân đưa Venezuela đến vực thẳm, còn Việt Nam? (Nhiều tác giả)

Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng bên bờ hỗn loạn hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ "xã hội chủ nghĩa", bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. (RFI)
 
Trung Quốc đưa Venezuela đến bờ vực hỗn loạn như thế nào
Trọng Thành, RFI, 30/01/2019
Tình hình tại Venezuela cuối tháng 1/2019 này đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ, giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là chủ tịch Quốc Hội tự phong làm tổng thống, được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài ?
Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng bên bờ hỗn loạn hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ "xã hội chủ nghĩa", bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. Sau đây là phần tổng hợp thông tin từ báo chí, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.
***
Quan hệ của Trung Quốc với "chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela" khởi đầu ra sao ?
Dầu mỏ là duyên nợ của Venezuela với Trung Quốc. Trang mạng SupChina, có trụ sở tại New York, tháng 1/2019 này, có loạt bài "The Venezuela-China relationship, explained" đáng chú ý.
Năm 1996, Venezuela thu được hơn một tỉ đô la nhờ bán dầu cho các nước Châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là cho Nhật Bản. Dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu được bán sang Nhật từ năm 1988. Ngay trước khi ông Hugo Chavez đắc cử tổng thống năm 1998, tập đoàn dẩu mỏ Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được chính quyền lúc đó cho phép khai thác dầu ở Venezuela. Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Chavez đã tố cáo chính sách bán tài nguyên cho "các thế lực đế quốc".
Sau khi lên nắm quyền, chế độ Chavez tìm thấy ở Trung Quốc đồng minh ý thức hệ hiếm có. Tổng thống Chavez đã không thay đổi các hợp đồng đã ký của Trung Quốc với chính quyền tiền nhiệm, và thậm chí còn mở rộng hơn.
Tháng 4/2001, ông Giang Trạch Dân - lãnh đạo Trung Quốc thời đó - đã đích thân tới Venezuela, ký kết nhiều hợp đồng, mở đầu cho quan hệ gắn bó kéo dài đã hơn 17 năm trời. Năm 2004 là một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước. Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế. Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.
Venezuela được Bắc Kinh coi là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ đô la vào quốc gia này, hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Vào thời điểm này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khai thác khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…
Năm 2005 cũng là năm mà tổng thống Venezuela Chavez quyết định đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, để xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, thành lập Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela. Thương mại song phương tăng cường, với tổng giá trị vượt quá 4 tỉ đô la. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Caracas ngày càng mật thiết. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm đó, Venezuela trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại Châu Mỹ Latinh, với khoảng 5 tỉ đô la.
Phải chăng mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, còn các đầu tư cho phát triển khác chỉ là để mỵ dân ?
Thực tế cho thấy, tình trạng tài chính và kinh tế của Venezuela ngày càng tồi tệ cùng lúc với ảnh hưởng tài chính và kinh tế của Trung Quốc tại nước này càng gia tăng. Nhìn chung, Trung Quốc không bao giờ công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng. Tình trạng mù mờ này là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng bùng phát.
Theo một số nhà quan sát, tín dụng của Trung Quốc cho Venezuela, với 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại Châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, và tình hình cũng tương tự tại Venezuela.
Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela là dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Châu Mỹ Latinh, trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện. Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela. Cho đến gần đây, nhiều người dân vẫn tin tưởng sẽ có một ngày nào đó công ty Trung Quốc trở lại.
Tình hình tương tự với dự án phát triển các ngành công nghiệp của Venezuela. Một ví dụ tiêu biểu là công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, ra đời năm 2010, với 35% vốn do tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc đầu tư. Tuy nhiên, các dự án mà Hoa Vi hứa hẹn đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, trong lúc sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này. Nếu như năm 1998, trước khi ông Chavez lên nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, thì 14 năm sau, tỉ lệ này lên đến 34,9%.
Bắc Kinh cũng có một số dự án trọng điểm thành công mang tính biểu tượng với Venezuela, như phóng vệ tinh, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Năm 2017, Caracas phóng thành công vệ tinh quan sát thứ ba lên quỹ đạo. Đây có thể là một hành động của chế độ Bắc Kinh nhằm quyền rũ chính quyền Venezuela. Tháng 9/2018, Bắc Kinh ký kết với Caracas 28 hợp đồng "hợp tác" thuộc nhiều lĩnh vực, dựa trên nguyên tắc "bình đẳng", "tôn trọng lẫn nhau", "hai bên cùng có lợi".
Đầu năm nay, bất chấp Venezuela – quốc gia đối tác hàng đầu của Bắc Kinh tại Châu lục – đang chìm sâu trong khủng hoảng, bên bờ hỗn loạn, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Chilê tiếp tục có một bài phát biểu hùng hồn quảng bá cho dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, coi các nước Nam Mỹ là "thành phần tự nhiên" và các đối tác không thể thiếu của dự án quốc tế khổng lồ mà Trung Quốc khởi xướng và chủ trì.
Sau khi lãnh đạo Chavez qua đời năm 2013, phải chăng Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để hoàn nợ ?
Trong bài viết mang tựa đề "Venezuela and China : a perfert storm (1), nhà nghiên cứu Matt Ferchen, chuyên về "mô hình phát triển Trung Quốc", quan hệ Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh nhận xét : Ngay cả sau khi đã biết Venezuela lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối ra, Bắc Kinh cũng không thừa nhận thất bại, từ chối tham gia vào các nỗ lực tại khu vực, nhằm giúp Venezuela tìm được lối thoát. Trung Quốc tin là các quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, cùng với sự dồi dào tín dụng của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách lấy bán dầu và quặng mỏ làm trụ cột của nền kinh tế, bất chấp mọi biến động thị trường và chính trị.
Các hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên, đã được khởi sự dưới thời tổng thống Chavez, được tăng cường trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, trong bối cảnh mô hình "chủ nghĩa xã hội" Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn.
Sau khi tổng thống Chavez qua đời, và trong bối cảnh các khu vực dầu mỏ dễ khai thác bắt đầu cạn kiệt, cùng lúc với giá dầu sụt giảm mạnh, tổng thống Maduro đã bí mật đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm, như vàng, coltan, boxit, kim cương, titan, nikel... tại vùng "Vòng cung mỏ Orinoco", với tổng diện tích 112.000 km² (tương đương 12% diện tích Venezuela hay một phần ba lãnh thổ Việt Nam) (2). Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai thác quặng coltan, rất cần cho điện thoại di động. Năm 2016 cũng là năm mà Vòng cung mỏ Orinoco chính thức được coi là một "đặc khu kinh tế", mở rộng cho các tập đoàn Trung Quốc và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Đây là nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống, của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời ở đây, bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động khai khoáng (3).
Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỉ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Nhà nước (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.
Nhiều người vốn trung thành với di sản của Bolivar - nhà cách mạng Venezuela nổi tiếng thế kỷ 19, mà tổng thống Chavez được coi là người kết tục - đã coi giai đoạn 2014 đến nay là thời kỳ mà chính quyền Venezuela đã hoàn toàn xa rời với một số tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của cố tổng thống để chuyển hướng sang một mô hình kinh tế "tân tự do", lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, Mỹ, Nga hay một số tập đoàn đa quốc gia (4).
Tương lai quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc sẽ ra sao ?
Sự thất bại của chế độ Chavez tại Venezuela có thể coi là là một thất bại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chế độ "xã hội chủ nghĩa" hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn không buông Venezuela. Một mặt để bảo vệ số tiền bạc đã đầu tư, mặt khác tiếp tục có cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, được đánh giá là còn hết sức dồi dào, trong lúc khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương lại hết sức hạn chế.
Vẫn theo chùm bài phân tích về quan hệ Trung Quốc – Venezuela trên trang mạng SupChina, thì cho dù chế độ mang danh hiệu "xã hội chủ nghĩa" của ông Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một khi đã đứng chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Về phần mình, giáo sư Isabelle Rousseau, một chuyên gia về chính trị tại Châu Mỹ Latinh (Đại học Colegio de Mexico) (5), cho biết Bắc Kinh cũng đang đàm phán bí mật với Nga và Mỹ về khủng hoảng Venezuela.
Theo một số nhà nghiên cứu, "thất bại" tại Venezuela không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình quan hệ mua chuộc giới chóp bu để thao túng, trong trường hợp có thay đổi chính trị, giống như với nhiều chế độ độc tài khác, tại Cam Bốt hay Zimbabwe.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 30/801/2019
Ghi chú :
1. "Venezuela and China : a perfect storm", Dialogo Chino, ngày 24/01/2019. (Venezuela và Trung Quốc : Một sự nhiễu loạn hoàn hảo")
2. "De la responsabilité de la Chine dans la crise vénézuélienne" của Emiliano Teran Mantovani, trang barril.info, ngày 21/10/2018.
3. Vòng cung mỏ Orinoco trong đó có một bộ phận thuộc rừng rậm nhiệt đới Amazon, vốn là khu vực được Hiến pháp Bolivia bảo vệ nghiêm ngặt, về đa dạng sinh học, cũng như do là quê cha đất tổ của nhiều sắc tộc bản địa như người Pemon, Warao, Hoti, Pumé, Sanema... Xem bài "Venezuela. L'échec du processus bolivarien (II)" của nhà xã hội học Edgardo Lander, trang alencontre.org, ngày 1/9/2018.
4. Như trên.
5. "Venezuela : Les Etats-Unis veulent asphyxier le gouvernement de Maduro", RFI, ngày 29/01/2019.
*******************

Từ Venezuela đến Việt Nam : Sự chuẩn bị nào cho dân chủ ?

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 30/01/2019
Những ngày gần đây, tin tức về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo dõi tình hình quốc gia Nam Mỹ này, một bộ phận người Việt Nam không khỏi háo hức và hi vọng vào sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ tại đất nước mình trong tương lai không xa.
tacnhan2
Từ trái qua phải : Ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ngài Nicolás Maduro - Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar
Hi vọng ấy có lẽ xuất phát từ một điều giản đơn rằng chế độ độc tài nào rồi cũng sụp đổ. Có lẽ điều giản đơn này đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời điểm sụp đổ của một chế độ độc tài, và điều quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi đó.
Trong giới bất đồng chính kiến Việt Nam tồn tại đồn đoán về thời điểm sụp đổ của chế độ độc tài. Quãng những năm 2006 – 2008, đồn đoán ấy là về năm 2014. Gần đây hơn, đồn đoán ấy là về tương lai gần, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Dường như hi vọng và đồn đoán ấy đều xuất phát từ… ước muốn, một ước muốn thiếu thực tế và thừa mơ mộng. 
Năm 2014 đã qua đi và chế độ chính trị Việt Nam vẫn vậy. Tương lai gần, chẳng hạn 10 năm nữa (nếu 10 năm nữa chưa đủ gần thì 5 năm nữa) sắp đến và người ta sẽ sớm có câu trả lời. Song điều quan trọng hơn nữa, như trên đã nêu, là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ.
Nhìn Venezuela, có thể thấy quốc gia này có sẵn một số tiền đề cho dân chủ. Đó là sự tồn tại (hợp pháp) của nhiều đảng phái khác nhau. Đó là các cơ chế bầu cử, bao gồm phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn nguyên thủ quốc gia, mà ở đây là tổng thống. Đó là thói quen thực hành các quyền con người, quyền công dân, mà điển hình là quyền biểu tình qua cuộc xuống đường với quy mô hàng trăm ngàn người để ủng hộ Juan Guaido như tổng thống lâm thời, v.v. 
Những tiền đề đó là những tiền đề mà Việt Nam chưa có, và nếu không được chuẩn bị một cách thỏa đáng, sự chuyển đối chế độ chính trị tại Việt Nam trong tương lai có khả năng cao sẽ dẫn đến một chế độ độc tài khác hoặc một chế độ dân chủ nửa vời mà thôi.
Để có được những tiền đề đó, những người đấu tranh cho dân chủ cần xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh để có thể đòi hỏi chính quyền thực hiện các cải cách chính trị. Hẳn nhiên, lực lượng này phải được dẫn dắt bởi một bộ phận có đủ tài năng lẫn phẩm chất cần thiết và được hậu thuẫn bởi một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ chừng 30%). Cùng với đó, họ cần bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ cho một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ cũng chừng 30%). 
Xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh là rất khó, nhất là khi những người đấu tranh cho dân chủ hầu như không có một chiến lược hay một con đường rõ ràng nào cho chính họ cũng như cho dân chúng đi theo. Họ thiếu một hệ thống tư tưởng hay triết lý để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của mình. Họ cũng thiếu sự quan tâm cần thiết tới việc phát triển bản thân và hội nhóm để trở nên đủ tâm lẫn tầm cho mục tiêu dân chủ mà họ theo đuổi.
Khó hơn cả việc trên là bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức về dân chủ cho dân chúng. Dân chủ không đơn thuần là một thể chế mà còn là một giá trị. Theo nghĩa thứ hai, dân chủ đòi hỏi người dân cần có một số phẩm chất thiết yếu để làm chủ quốc gia, như chấp nhận sự đa dạng và khác biệt, tôn trọng quyền của thiểu số, có trật tự và kỷ luật, quan tâm tới cộng đồng, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, v.v. Đây là những phẩm chất mà người Việt Nam rất thiếu.
Nếu yếu tố thứ nhất – lực lượng đối lập đủ mạnh – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt thể chế, thì yếu tố thứ hai – nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt giá trị, và chỉ khi có cả hai yếu tố, thì một nền dân chủ mới thực sự bền vững.
Chừng nào hai yếu tố trên đây chưa xuất hiện, khó có thể hi vọng vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần. Và vì vậy, thay vì hi vọng thiếu thực tế vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần, cần chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ trong tương lai có thể rất xa, và tương lai đó sẽ càng bớt xa khi sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 30/01/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
**************

Maduro rất tệ, Việt Nam còn tệ hơn

Võ Thị Hảo, RFA, 29/01/2019
Cuộc chính biến của Venezuela với tâm điểm bùng nổ vào ngày 23/01/2019 đã đem lại cảm hứng và niềm hy vọng lớn cho cuộc đấu tranh của những công dân nhằm thoát khỏi ách cai trị của nhóm cầm quyền mượn danh "theo con đường xã hội chủ nghĩa".
tacnhan3
Trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, mô hình "chủ nghĩa xã hội" ở Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn.
Thủ đô Caracas - biển người biểu tình xuống đường phản đối sự điều hành kém cỏi, sự gian lận trong bầu cử và lạm dụng quyền lực, triệt hạ các đảng đối lập của chính phủ dưới quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Thật hào hùng, thật đáng vinh danh biển người công dân tự trọng, biết tự vệ, vai kề vai bên cộng đồng để đứng lên phản đối, dám "đuổi" những kẻ công bộc mà họ đã nộp thuế và thuê với giá quá đắt để điều hành đất nước nhưng đã biển lận, bất tài vô dụng hại dân hại nước.
Những cơn lũ ống thác người cuồn cuộn trên đường Caracas đã và sẽ mãi còn là nguồn cảm hứng kiêu hùng cho hàng tỉ người trên thế giới. Rất nhiều người Việt Nam cũng đang hồi hộp theo dõi, mừng thay cho dân Venezuela dù biết rằng tình hình vẫn còn diễn biến và phe dân chủ còn phải trải nhiều gian nan mới đến chung cuộc ngoạn mục.
Xuất hiện "Mặt trời dân chủ" :
Venezuela, cũng như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều tiên, lấy cớ theo "con đường xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Marx – Lenin" để dựng nên thể chế chính trị chỉ phục vụ cho đảng cầm quyền. Đó là thủ đoạn gian ngoan nhất mà nhóm cầm quyền dùng làm công cụ. Đây là cách mỵ dân, bao che cho việc tước đoạt quyền lợi của cộng đồng nhằm phục vụ cho quyền lợi riêng và để kéo dài tham vọng cai trị vĩnh viễn của nhà cầm quyền. Bằng sự tàn bạo không nao núng ngay cả trước mạng sống của hàng triệu người, Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Việt Nam đã áp đặt được ách nô lệ lên người dân, nhưng với người Venezuela, đâu dễ để nô lệ hóa họ.
Một niềm hy vọng lớn, rực rỡ, – ít ra là cho đến thời điểm này- đã mọc lên trong tối tăm của những ngày mà cỗ xe thể chế chính trị phản tự nhiên, phản dân chủ tại Venezuela đang lăn đến bờ vực thẳm tự hoại.
Niềm hy vọng đó mang tên Juan Guaido – trẻ trai sung sức ở độ tuổi 35, lãnh đạo phe đối lập và Quốc hội hợp pháp mới được bầu lên từ ngày 5/1/2019 nhưng đã bị Tổng thống Nicolas Maduro vô hiệu hóa. Bị chính quyền Maduro cầm rời khỏi nơi cư trú, đóng băng tài sản và bị đe dọa tù tội, nhưng đã hiên ngang tuyên bố với gương mặt sáng ngời : "Tôi không tránh né các mối đe dọa hay tấn công vào thời điểm này. Chúng tôi vẫn ở đây và tiếp tục công việc của mình" (1).
Đại diện cho nhóm các nhà lãnh đạo trẻ cùng thành lập một đảng đối lập năm 2009, J. Guaido từng nhiều năm tham gia đấu tranh cho tự do ngôn luận, thậm chí tuyệt thực để đòi quyền tồn tại của các đảng đối lập và bầu cử tự do. Đến nay, khi quả bom phẫn nộ của nhân tâm đã phát nổ, theo mức độ lạm phát 1.300.000%, với sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người dân và phe đối lập, chàng trai này đã hiên ngang tuyên bố là Tổng thống hợp pháp của Venezuela, đưa ra bằng chứng việc tái cử của Maduro là bất hợp pháp vì đã gian lận trong bầu cử, cùng những người biểu tình gây áp lực buộc ông này từ chức.
Vị Tổng thống mới này được sự công nhận nhanh chóng và hỗ trợ tích cực của một số cường quốc dân chủ, đặc biệt là Mỹ, bởi con đường đi của ông là hợp thời đại. Sự việc còn diễn biến cam go. Các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ kỳ vẫn chống lưng cho Maduro. Guaido vẫn chưa nắm chắc phần thắng, nhất là khi Maduro đang có toàn bộ nhân lực, kinh tài và quân đội trong tay, tha hồ dùng chính sách khủng bố để đàn áp lại.
Sự xuất hiện của Guaido không phải là ngẫu nhiên, cũng không xuất phát từ tham vọng giành quyền cai trị cho cá nhân. Chính sai lầm và sự đồi bại của thể chế chính trị theo mô hình xã hội chủ nghĩa đã nẩy sinh mầm độc tự hoại, buộc những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho dân chủ xuất hiện. Điều đó như một phản xạ tự nhiên nhằm bảo vệ sự sống, khu trú và vô hiệu hóa mầm ung thư kia nhằm cứu lấy sự tồn tại chính đáng của các công dân Venezuela. Đây cũng chính là mô tip logig tự hoại và phản xạ tự bảo vệ của người dân khiến Liên xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ.
Tự do : Chính quyền Nguyễn Phú Trọng kém chính quyền Maduro 12 bậc
Việt Nam cùng là đồng chí của Venezuela nên có rất nhiều điểm tương đồng trong bộ máy chính trị và những sai lầm trong cách điều hành đất nước, mặc dù Việt Nam còn may mắn chưa bị sa vào nạn lạm phát và nạn đói như Venezuela.
tacnhan2
"Con đường xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Marx – Lenin" là thủ đoạn gian ngoan nhất mà nhóm cầm quyền dùng làm công cụ.
Đương nhiên không ai có thể khẳng định rằng, cứ theo đà này, với trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam cũng đã khai thác cạn kiệt, với những khoản nợ nước ngoài đã vượt ngưỡng nguy hiểm và nạn tham nhũng cùng sự lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đang tự hoại chính mình và không dẫn đến thảm họa đói kém đối với người dân như Venezuela.
Cùng theo con đường xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx- Lenin, nhưng xét về xếp hạng tước đoạt tự do và nhân quyền của người dân thì Việt Nam bạo tàn hơn Venezuela tới 12 bậc.
Việt Nam bằng mọi cách khủng bố, đàn áp các nhà phản biện xã hội, người bất đồng chính kiến, tuyệt đối không cho phép một đảng nào tồn tại ngoài đảng cộng sản. Chỉ có đảng cộng sản độc tài toàn trị, mỗi cuộc bầu cử đều bị giới quan sát nhận định là không đáng tin cậy hoặc đều bị điều khiển định hướng theo nhà cầm quyền.
Trong khi đó, ở Venezuela, đảng cầm quyền của ông Maduro mang tên đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất – đảng của "giai cấp công nhân và nhân dân lao động", theo học thuyết "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" và chủ nghĩa Marx- Lenin... cùng vài thứ luận lý hổ lốn lạc hậu khác, dưới sự điều hành của tổng thống Nicolas Maduro,dù ngày càng tận dụng các cơ hội để chuyên quyền độc đoán nhưng vẫn chấp nhận có nhiều đảng đối lập cùng tồn tại, có phần quyền lực trong lập pháp và hành pháp.
So sánh hai đảng cầm quyền Việt Nam và Venezuela, Việt Nam vẫn nhiều phần nhục nhã hơn Venezuela nếu xét về mức độ độc tài và đàn áp nhân quyền và tự do ngôn luận. Xếp hạng tự do báo chí của Việt Nam năm 2018 tụt hạng, ở thứ 175/180, trong khi Venezuela còn khá hơn Việt Nam 12 bậc, xếp thứ 143/180 theo đánh giá của Tổ chức phóng viên không biên giới.
Mặt khác, ông Maduro chỉ là người điều hành đất nước kém cỏi, theo khuynh hướng lạm dụng và mới đặt chân sang đầu con đường độc tài, nhưng nhóm cầm quyền mà ông điều hành chưa đến mức bị nhân dân kết tội bán nước hại dân để đổi lấy quyền lực như nhà cầm quyền Việt Nam.
Đương nhiên dù chậm, nhưng rồi sẽ đến ngày Việt Nam xuất hiện những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người, liên tục, rộng khắp, buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trả lại quyền đương nhiên cho dân.
Bao giờ những "mặt trời con" dân chủ trẻ trung như Juan Guaido của Việt Nam xuất hiện ? Họ đã nhiều lần xuất hiện nhưng đã bị triệt hạ bởi sự đàn áp tàn nhẫn của nhà cầm quyền Việt Nam để đảm bảo mọi mầm mống dân chủ và tự do đều bị "bóp chết từ thời trứng nước".
Vì sao sự khủng bố ở Việt Nam lớn hơn, lâu dài hơn, đã gần cả trăm năm mà dân Việt Nam - ngay cả nhiều người Việt Nam sống ở hải ngoại, tại những cường quốc dân chủ - lại cam chịu nô lệ hoặc để mặc hoặc ủng hộ sự nô lệ hóa, rời rã "lạc mất linh hồn" hơn dân Venezuela và nhiều dân xứ khác ? Sự sống còn của dân nước Việt buộc chúng ta trả lời và có giải pháp cho nhiều câu hỏi nhức nhối đã từng làm nhiều người nản lòng thoái chí.
Võ Thị Hảo
Nguồn : RFA, 29/01/2019 (vothihao's blog)