Những hậu quả nào nếu Slovakia ngừng quan hệ với Việt Nam? (Thường Sơn)
VN hoàn toàn bế tắc trong việc giải quyết hậu quả vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhận bắt cóc cũng không được mà im lặng thì cũng không xong. Kết luận: Không thể có cái gọi là chế độ độc tài sáng suốt. Tất cả các chế độ độc tài đều hành động một cách hồ đồ, nông nổi và tùy hứng. Họ đã quen như vậy. Slovakia là một nước nhỏ nhưng lại nằm trong EU. Chữ ký của Slovakia trong các thỏa thuận chính trị, thương mại...đều có giá trị ngang với chữ ký của Đức. Nguyên tắc đồng thuận là sợi dây gắn kết 28 nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Chính
thể độc đảng ở Việt Nam đang phải đối mặt với một nguy cơ đặc thù chưa
từng có và không hề nhỏ trong lịch sử tồn tại có lẽ chẳng còn kéo dài
được nhiều năm nữa của nó : chẳng bao lâu nữa, quốc gia mà Hà Nội luôn
ve vuốt là ‘đối tác thân thiện’ - Slovakia - có thể sẽ thẳng tay chặt
đứt mối quan hệ giao hảo bấy lâu nay giữa hai nước.
"Quan
hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia
nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel nói với hãng
thông tấn nhà nước TASR hôm 19/10, trong một phản ứng trước lời kêu gọi
của đảng Tự do và Đoàn kết đối lập (SaS) đòi phải trục xuất đại sứ Việt
Nam (VOA).
Đây
là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Slovakia lên tiếng dứt khoát như thế, sau
khi những quan chức cấp cao của chính phủ này đã không ngớt cảnh báo
Việt Nam về một tương lai chẳng tốt đẹp gì nếu Việt Nam không làm rõ
được vụ Trịnh Xuân Thanh.
Có
thể xem 'đóng băng' hay ‘tạm ngừng quan hệ’ là cấp độ hạn chế ngoại
giao cao nhất, nhưng không chỉ liên quan đến phương diện ngoại giao mà
còn cả về kinh tế, văn hóa, quốc phòng và các chương trình, dự án đang
lên kế hoạch hoặc đang được triển khai giữa hai nước. Ngay trước mắt,
Slovakia có thể làm giống như Cộng hòa Czech cách đây vài tháng là tạm
ngừng cấp visa cho lao động Việt Nam. Mà Czech và Slovakia lại là hai
thị trường khá chủ yếu tiêu thụ số lao động dôi dư của Việt Nam.
Vì sao chỉ là một quan chức cấp nhỏ như Trịnh Xuân Thanh mà có thể khiến quan hệ Slovakia - Việt Nam bị đóng băng ?
Nhưng
lý do đơn giản hơn là Việt Nam đã có gần nửa năm và nhiều cơ hội để
giải thích cho ‘nước bạn’ biết rõ làm sao Trịnh Xuân Thanh đã ‘tự nguyện
về nước đầu thú’ chứ không phải bị bắt cóc ở Berlin, sau đó bị tống lên
xe hơi đưa sang Slovakia và rồi bị hai nhân viên an ninh Việt Nam ‘dìu’
trong trạng thái lảo đảo lên một chiếc máy bay mà đoàn ‘đàm phán’ của
Bộ trưởng công an Tô Lâm mà đã mượn chính phủ Slovakia thông qua vai trò
giúp đỡ tích cực và có lẽ không hoàn toàn trong sáng của bộ trưởng nội
vụ Slovakia khi đó là Robert Kaliňák.
Song
từ tháng Năm đến cuối tháng Bảy năm 2018, đại sứ Việt Nam tại Slovakia
là Dương Trọng Minh đã chỉ một mực "Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt
tại Slovakia" - lối thanh minh được quy chiếu bởi phát ngôn của Bộ Công
an Việt Nam về ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’. Chắc
chắn Dương Trọng Minh nói theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam,
nhưng điều lạ lùng là đã chỉ có ông Minh xuất hiện chứ không hề thấy các
quan chức cao cấp ngoại giao Việt Nam hiện hình.
Đến lúc đó, Slovakia bắt đầu mất dần kiên nhẫn.
Sau
khi báo chí Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra về thực chất Trịnh
Xuân Thanh đã bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava, đến tháng Chín năm
2018 Ngoại trưởng Slovakia Miroslav
Lajcak đã tuyên bố không bổ nhiệm đại diện ngoại giao của Slovakia tại
Hà Nội - hành động phản ứng cứng rắn đầu tiên và làm tiền đề cho hậu quả
‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ sẽ xảy ra chỉ một tháng sau đó.
Trước
đó, Lajcak đã có một bài viết trên báo Slovakia và đã dùng từ ngữ ‘giá
treo cổ’ để ám chỉ một biện pháp trừng phạt đối với những quan chức
Slovakia đã ‘giúp đỡ’ những kẻ bắt cóc đến từ Việt Nam, mà còn đối với
chính những kẻ bắt cóc.
Còn sau khi Ngoại
trưởng Miroslav Lajcak một lần nữa hối thúc Việt Nam phải trả lời vụ
Trịnh Xuân Thanh trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình
Minh tại New York vào cuối tháng Chín năm 2018, cho đến nay "Bộ
Ngoại giao Slovakia hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt
Nam sau cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao hai nước ở New York gần đây" -
theo lời phát ngôn viên Gandel của Slovakia.
Vì sao Phạm Bình Minh im lặng ?
Sẽ
không khó hiểu nếu người ta biết rằng ông Minh đã im lặng trước vụ
Trịnh Xuân Thanh ngay từ tháng Tám năm 2017 khi Bộ Ngoại giao Đức ra
tuyên bố phẫn nộ phản đối vụ bắt cóc, và đến tháng Mười năm 2017 thì
Phạm Bình Minh ‘tắt tiếng’ luôn cho đến nay.
Phạm Bình Minh (phải) và Nguyễn Phú Trọng
Tháng
Mười năm 2017 cũng là một thời điểm rất đặc biệt trong cuộc đời làm
chính trị mà trước đó chỉ biết lên chưa biết xuống của ông Minh : lần
đầu tiên ông ta, với tư cách bộ trưởng ngoại giao, nhưng lại được Tổng
bí thư Trọng phân công đọc một báo cáo chuyên đề về dân số tại Hội nghị
trung ương 6 - một hành động bị xem là ‘sỉ nhục cá nhân’ mà đã khiến dư
luận ồn ào và nghĩ rằng Phạm Bình Minh đã bị thất sủng trong mắt Nguyễn
Phú Trọng, thậm chí cái ghế bộ trưởng ngoại giao của ông ta không còn
mấy chắc chắn.
Có
lẽ đó là nguồn cơn sâu xa khiến Phạm Bình Minh, trong khi hoàn toàn
không muốn dính líu về trách nhiệm - dù chỉ là trách nhiệm gián tiếp hay
trách nhiệm phải đi làm những thủ tục vớ vẩn để cứu vãn tình hình - về
vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và Bộ Công an của Tô Lâm là địa chỉ bị cho
là đã tổ chức chiến dịch bắt cóc, càng không nhiệt tình chuyển đạt lời
yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia làm rõ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
cho Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam.
Nói
cách khác, Phạm Bình Minh có thể đã ‘lãn công’ trước Nguyễn Phú Trọng -
người mà sau Tô Lâm, giờ đây có thể là quan chức chính yếu, và duy
nhất, phải tìm mọi cách để giải tỏa các áp lực căng thẳng quốc tế về vụ
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí bị xem là phải chịu trách nhiệm toàn
bộ về vụ này và những hậu quả khó lường đã, đang và sẽ xảy ra.
Nhất
là khi ông Trọng đang ngấp nghé cái ghế chủ tịch nước - được thừa hưởng
từ cái chết chẳng mấy minh bạch của ông Trần Đại Quang.
Không
chỉ Phạm Bình Minh im lặng, mà cả Bộ Chính trị Việt Nam cũng ‘rứa’.
Điều không còn lạ lùng và khá khôi hài là thái độ nín lặng ấy đã kéo dài
suốt từ cuộc khủng hoảng Đức - Việt đến khủng hoảng Slovakia - Việt.
Giống như một trạng thái á khẩu chính trị mà rất có thể phản ánh tâm thế
bấn loạn của trong những nhân sự cao cấp nhất của đảng trước vụ này.
Nhiều cuộc họp có thể đã được tổ chức để bàn về phương án xử lý khủng
hoảng quốc tế, và chắc chắn không còn ai nêu ra quan điểm ‘chấp nhận trả
giá đối ngoại để ưu tiên giải quyết đối nội’ khi bắt và xử tù Trịnh
Xuân Thanh. Mà kết quả dễ hình dung nhất là sau nhiều cuộc họp căng
thẳng và nhiều phương án được nêu ra, người ra đã chẳng thể quyết định
được một phương án nào khả dĩ ra hồn. Mọi cặp mắt trong Bộ Chính trị đều
hướng vào Tổng bí thư Trọng và trông chờ sự quyết định cuối cùng của
ông ta. Nhưng nếu ông Trọng tỏ ra có một chút quyết đoán thì tại sao cho
đến nay khủng hoảng Đức - Việt vẫn còn nguyên ngòi nổ ?
Khủng hoảng Slovakia - Việt cũng thế.
Từ
ngữ ‘đóng băng’ mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel
dùng vào ngày 19/10 không còn là lời cảnh báo hay đe dọa, mà có lẽ đang
gần, hoặc rất gần với thực tế.
Những giả thiết về kịch bản chế tài ngoại giao của Slovakia đối với Việt Nam - như ‘hạ
cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là
Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại
Slovakia về nước - té ra là không xa sự thật. Nhưng nếu chính
thức tuyên bố ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’, Slovakia còn trừng phạt
nặng nề hơn cả thế.
Bài
học đáng giá đối với giới lãnh đạo Việt Nam là từ người Đức. Vào năm
2017, sau hai tháng điều tra của cảnh sát và cơ quan công tố mà cũng
chẳng nhận được bất kỳ câu trả lời thỏa đáng nào từ phía Việt Nam, Nhà
nước Đức đã phải tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược Đức -
Việt, được xem là một hình thức trừng phạt cao cấp. Sau đó, Đức còn hủy
bỏ luôn hiệp định với Việt Nam về miễn visa cho quan chức Việt đi công
tác ở Đức.
Không
phải là một quốc gia có vị thế kinh tế và chính trị hàng đầu châu Âu
như Đức, thậm chí dân số chỉ vỏn vẹn 4 - 5 triệu người và gái trị thương
mại song phương hàng năm với Việt Nam chỉ khoảng 4 tỷ USD, biện pháp
trừng phạt ‘tạm ngừng quan hệ với Việt Nam’ mà Slovakia ra tay có thể
không khiến những người vẫn mang danh chủ nghĩa cộng sản phải quá lo
lắng.
Tuy
nhiên, Slovakia lại là một thành viên của khối Liên minh châu Âu, trong
khi cuộc khủng hoảng mang tên Trịnh Xuân Thanh đã trở nên quốc tế hóa
rộng khắp không chỉ về an ninh mà còn về ngoại giao và chính trị. Về
thực chất, Việt Nam còn phải đối diện với một cuộc khủng hoảng với cả
Liên minh châu Âu, nếu chế độ được xem là cộng sản này không biết cách
xử lý êm thắm khủng hoảng, trongkhi thời gian đang là kẻ thù của những
kẻ không biết hối lỗi là gì.
Cũng
cần nói thêm là cho tới nay Việt Nam đã chỉ tìm cách ve vuốt người Đức
nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời xin lỗi hoặc ‘cam kết sẽ không tái
phạm’ nào. Đó là lý do khiến Đức vẫn hờm sẵn biện pháp trừng phạt ‘tạm
ngừng quan hệ với Việt Nam’. Và nếu Đức làm thế, cái mất của Việt Nam sẽ
không còn nhỏ bé như những lợi ích kinh tế mà Việt Nam mất đi từ mối
quan hệ với Slovakia. Mà đó sẽ là tai họa khủng khiếp đối với chế độ lấy
đu dây chính trị làm đầu và đang thủ sẵn một tá ‘đối tác chiến lược
toàn diện’ trong túi nhưng đã từ lâu rơi vào nỗi cô độc tuyệt đối trên
trường quốc tế.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 21/10/2018