London tắc nghẹt vì tuần hành rầm rộ chống Brexit (Vietnamnet)
Phong trào dân túy đang trỗi dậy trên toàn thế giới mà Brexit ở Anh là một cú sốc lớn và sau đó tiếp nối với việc Trump trở thành tổng thống 45 của Mỹ. Lý do khiến phong trào dân túy trỗi dậy là do sự thiếu trách nhiệm, thiếu can đảm và thiếu viễn kiến của giới chính trị gia truyền thống ở các nước dân chủ. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng bởi sự phát triển vượt bậc của khoa học trong khi tư tưởng chính trị lại không theo kịp. Người dân hoang mang, lo lắng và tức giận nên họ trừng phạt bằng cách bỏ phiếu cho các chính trị gia dân túy với những giải pháp mị dân. Không thể có những giải pháp nhanh và dễ cho những vấn đề nan giải, phải có can đảm và viễn kiến mới tìm được giải pháp đúng và tốt nhất.
Thủ đô London, Anh tắc nghẹt khi hơn nửa triệu
người chống Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) ùn ùn kéo về khu vực
trung tâm tuần hành, đòi chính phủ phải tổ chức trưng cầu dân ý lần
hai.
Tờ Daily Mail
dẫn lời các nhà tổ chức "Cuộc tuần hành Bỏ phiếu của người dân" cho
hay, ban đầu họ chỉ kỳ vọng khoảng 100.000 người tham gia sự kiện ngày
20/10. Tuy nhiên, rốt cuộc đã có tới 670.000 người, bao gồm cả các chính
trị gia và những người nổi tiếng tại xứ sở sương mù, tham gia cuộc tuần
hành rầm rộ từ Đại lộ Park Lane tới Quảng trường Quốc hội ở trung tâm
London.
Nếu con số thống kê trên là chính xác, đây là cuộc tuần hành lớn nhất
ở Anh kể từ năm 2003, khi ước tính có tới 1 triệu người đổ ra các đường
phố thủ đô để biểu tình chống chiến tranh Iraq.
Theo Daily Mail,
khoảng 150 xe buýt đã chở hàng ngàn người từ khắp nước Anh đến London
vào chiều thứ Bảy, trong khi hàng ngàn người khác mặc quần áo màu xanh
hoàng gia có trang trí các ngôi sao vàng, tụ tập sẵn tại đây. Họ giơ cao
các khẩu hiệu đề "Cho Brexit vào thùng rác ngay lập tức" hay "Tôi muốn
lên tiếng về Brexit".
Thị trưởng London Sadiq Khan phát biểu trước đám đông người tuần hành. Ảnh: Daily Mail |
Thị
trưởng London Sadiq Khan tuyên bố, sự kiện là một cuộc tuần hành vì
tương lai của những người Anh trẻ tuổi, bao gồm cả các đối tượng còn quá
nhỏ, chưa đủ tuổi để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm
2016. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cách đây 2 năm, với 52% số phiếu ủng
hộ, đã dẫn tới quyết định Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU).
Những người tuần hành mang theo các biểu ngữ phản đối Brexit và đòi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về việc này. Ảnh: Rex Features |
Ảnh: Shutterstock |
Thị
trưởng Khan, chính trị gia thuộc Công đảng đối lập ở Anh, ủng hộ những
lời kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, để công chúng Anh có
thể bày tỏ ý kiến về việc họ có chấp nhận thỏa thuận Brexit của Thủ
tướng Theresa May hay chọn ở lại EU.
Trong khi đó, Thủ tướng May thuộc đảng Bảo thủ đã nhiều lần bác bỏ khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về Brexit lần thứ hai.
Theo
kế hoạch đã định, nước Anh sẽ chính thức chia tay EU vào ngày 29/3/2019
tới. Chỉ còn 5 tháng nữa là tới thời hạn này nhưng các cuộc đàm phán
giữa London và Brussels vẫn bế tắc với vô số bất đồng giữa hai bên.
Tuấn Anh