15 người biểu tình ở Bình Thuận bị tổng cộng 52 năm tù (BBC)

Biểu tình ôn hòa thì không sao nhưng đập phá và bạo động là vi phạm pháp luật. Vấn đề ở đây là chính quyền cầm tìm hiểu nguyên nhân sâu sa của sự việc và tìm những kẻ đứng đằng sau kích động bạo lực thay vì kết án quá nặng những người nông dân hiền lành, ít học và bị lợi dụng.


15 người tham gia biểu tình ở Bình Thuận hồi tháng Sáu lãnh mức án tổng cộng hơn 52 năm tù trong phiên xử hôm 26/9. 

Cả 15 người đều bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng. Vụ việc xảy ra vào ngày 11/6 tại khu vực cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong và xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, theo VOV.

Phiên tòa được xét xử lưu động tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp huyện Bắc Bình. 

Người chịu án tù nặng nhất là 4 năm 6 tháng. Người nhẹ nhất là 2 năm tù, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Cơ quan chức năng sẽ tách riêng tội danh chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản nhà nước ở Phan Rí thành vụ án riêng để tiếp tục điều tra, theo Thanh Niên.

"Án quá nặng"

"Con tôi bị án tù 4 năm. Gia đình tôi thấy đây là án quá nặng, cả nhà đang rất buồn," mẹ của một thanh niên bị đưa ra xét xử hôm 26/9 nói với BBC qua điện thoại từ Phan Rí.

"Con tôi có tham gia ném 1, 2 cục đá ở quốc lộ," bà thừa nhận. "Có người đưa cờ cho cháu, trên đó ghi chữ gì đó là 'Không cho Tàu thuê đất 99 năm', nhưng nó chỉ cầm chứ không phất cũng không làm gì cả."

"Nó cũng không tham gia phá hoại tài sản chỗ phòng cháy chữa cháy."

"Cả nhà tôi kinh tế khó khăn. Chồng đi biển, mắc bệnh đau bao tử. Có mỗi nó ở nhà giúp thêm thì nay bị đi tù," bà nói.

Người mẹ cũng tỏ ý lo sợ, và cho biết gia đình không mong muốn, hay có nguyện vọng gì vì tòa đã ra án rồi. 

Ông Hồ Trung Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho hay trên tờ Thanh Niên rằng 15 người này hầu hết có trình độ học vấn thấp, một số người không biết chữ. Có ba bị cáo mới 18 tuổi.

Được biết, phiên tòa này không có luật sư. 

Hành vi phạm tội của những người này được Hội đồng xét xử đánh giá là rất nghiêm trọng, "phải xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe ngăn ngừa tội phạm chung", theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Các bị cáo được cho là đã thành thật khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. 

Trước đó, 10 người khác ở Phan Rí cũng đã tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ thời điểm 10/6 (ở huyện Tuy Phong) và đêm 11/6 (tại trung tâm thành phố Phan Thiết).

'Tấn công 6 giờ, thiệt hại 12 tỷ'

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong trong khoảng thời gian từ 9:00 đến 13:30 hôm 11/6 có nhiều người 'tụ tập gây rối' ở Quốc lộ 1 thuộc xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. 

Lực lượng khoảng 300 cảnh sát cơ động (CSCĐ) và công an Hàm Thuận Bắc sau đó được triển khai, dùng loa yêu cầu đám đông giải tán.

Tuy nhiên một số người "không chấp hành và có hành vi dùng gậy, gạch, đá, bom xăng tự chế tấn công vào lực lượng CSCĐ", theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Số người này sau đó ngày càng đông lên, "tiếp tục dùng gạch đá, gậy gộc, bom xăng tấn công buộc CSCĐ phải lập hàng rào lá chắn ngang với QL1. Tuy nhiên nhiều người quá khích áp sát tấn công làm nhiều lá chắn bị vỡ."

Sau đó lực lượng CSCĐ phải chạy vào trụ sở Đội Cản sát Phòng cháy chữa cháy thì những người 'quá khích' này tiếp tục tràn vào tấn công, dùng bom tự chế đốt xe chuyên dụng tại đây, đập phá trụ sở, làm hư hỏng tại sản và làm bị thương 19 CSCĐ.
Thiệt hại ước tính gần 12 tỷ đồng.

'Các gia đình quá sợ hãi'

"Chúng tôi có một quỹ để giúp đỡ những người đấu tranh dân chủ và những tù nhân lương tâm, nhưng tôi không thể giúp được gia đình của những người ở Phan Rí bị xét xử hôm nay. Họ quá sợ, bà Thúy Hạnh, một người bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với BBC hôm 26/9.

"Hầu hết các gia đình này đều rất nghèo. Có người đứt bữa vài ngay là chuyện thường. Có người không biết chữ. Nhìn chung họ là những người dân miền biển chân chất, thật thà."

"Họ không có tiền thuê luật sư. Nhưng khi chúng tôi muốn giúp đỡ thì các gia đình đều quá sợ hãi, từ chối không nhận. Có người nói công an đã đến tận nhà nói là nếu nhận giúp đỡ từ đâu đó thì sẽ bỏ tù cả nhà."

"Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua chúng tôi muốn giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn mà chật vật như vậy," bà Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, bà được biết là trong số 15 người bị xét xử hôm nay tại Bình Thuận, có một số thanh niên đã có những hành vi quá khích. 

Nhưng bà Hạnh cho rằng theo bà, một phần nguyên nhân cũng là do họ bị kích động.

"Hơn nữa, hiện nay Luật Đặc khu đã được hoãn thông qua. Tôi cho rằng nếu không có những cuộc biểu tình như vậy thì liệu có đạt được kết quả đó hay không? Việc quá khích, đập phá rõ ràng là sai. Nhưng chúng tôi vẫn muốn giúp đỡ những gia đình này vì tôi cho rằng họ cũng là nạn nhân. Nếu thiếu họ, liệu chính quyền có tạm dừng thông qua luật này?" bà Hạnh nói.

Chuyện gì xảy ra ở Phan Rí?

Theo như lời kể của ba nhân chứng tại Phan Rí kể cho BBC hôm 12/6, cuộc biểu tình đã nổ ra trong hai ngày 10-11/6.

"Một nhóm bà con cầm băng rôn, biểu ngữ 'Phản đối đặc khu' đến khu vực Cầu Nam, thuộc tuyến đường QL1, trong đầu nghĩ ôn hoà thôi, nhưng muốn chặn đường để được chính quyền chú ý,'' một nhân chứng giấu tên kể lại cho vụ việc sáng Chủ nhật 10/6.

Tuy nhiên sang Thứ Hai, tình hình trở nên căng thẳng khi có sự xuất hiện của hàng chục cảnh sát cơ động ở khu vực cầu Nam, sau đó một người dân "bị thương" khi tiến về phía CSCĐ.

Vụ việc gây bức xúc cho người dân, khiến căng thẳng nổ ra vào giữa trưa 11/6. Người dân ném đá về phía CSCĐ, sau đó dồn về trụ sở PCCC, nơi hàng chục cảnh sát phải tháo bỏ giáp, và nhiều xe chữa cháy, xe cảnh sát bị thiêu rụi.

Một nhân chứng nhấn mạnh với BBC rằng ''những người ném đá là những thanh niên rất lạ mặt, hoặc đeo khẩu trang, nhưng lại hiếu chiến, kích động, khiến cho mọi việc đi quá đà."

"Và chính người dân là người khuyên can họ đừng đốt trụ sở PCCC, những "lực lượng thanh niên này tràn vào tự làm theo ý họ."

"Bà con không hề có ý định chống lại chính quyền, chỉ muốn chính quyền lắng nghe nguyện vọng."