Chúng ta đang sống trong thời đại nào? (Viết từ Sài Gòn)
Chúng ta đang sống trong thời khắc giao thời, giữa cái văn minh tiến bộ với cái nếp cũ hủ lậu. Cái cũ lại có sức mạnh bạo lực vì được chính quyền hậu thuẫn nên những điều kinh khủng nhất, kỳ dị nhất vẫn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Rồi điều đó sẽ kết thúc nếu đa số người dân VN mạnh dạn ủng hộ cái mới và sự tiến bộ. (TL)
Câu
hỏi này rất cũ, nhưng nó lại đặc biệt mới sau khi tôi đọc lá thư của
một nữ sinh viên gửi cho ông thầy tên Hạ trên facebook (thiết nghĩ không
cần nhắc thêm về nội dung lá thư này), hay bản tin của Lý Đợi trên
facebook về việc nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa
triển lãm "bí ẩn cơ thể người". Và
hơn nữa, sau khi tôi đọc đoạn tin về nhóm nhạc đường phố đang biểu diễn
tại Đà Nẵng "thành phố đáng sống", bên cạnh chân cầu Tình Yêu và cầu
Rồng thì bị một nhóm cán bộ và dân quân, công an phường đến tịch thu dàn
âm thanh, đạo cụ mang về phường, phạt hành chính và nhắc nhỡ tuyên
truyền… đừng xin tiền !
Chuyện
nghe cứ như phim ảnh hay một thứ gì đó thuộc về thế giới tưởng tượng
hay thế giới hồi tưởng của người văn minh nhớ về một quá khứ đen tối của
quốc gia, dân tộc. Nhưng không phải, đây là câu chuyện mới, rất mới, nó
vừa xảy ra !
Bởi
với con người có đủ hoặc chí ít có được một phần văn minh, tiến bộ và
nhân bản trong tâm hồn, trí tuệ, sẽ chẳng có ai hành xử cổ hủ và chẳng
khác nào "dùi đục chấm mắm cái" như vậy. Trong khi đó, kẻ hành xử vừa
nói là những viên chức, quan chức nhà nước Việt Nam trong thế kỉ 21 này !
Như
trường hợp ông thầy giáo Hạ cũng không kém phần đáng sợ bởi ông ta là
một trí thức, một người có ăn học tới nơi tới chốn, một người có hiểu
biết pháp luật (bởi đây là môn bắt buộc của một sinh viên hệ trung cấp,
cao đẳng, cử nhân và môn có chuyên sâu của nghiên cứu sinh hệ trên cử
nhân theo qui định của ngành giáo dục Việt Nam từ trước tới nay) nhưng
lại cố tình lờ đi trước bất công và vô pháp, lại tuyên bố "thầy không
biết luật !"…
Tiến
sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã
hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cố tình lờ đi trước bất công và vô
pháp, lại tuyên bố "thầy không biết luật !"
Điều
này khiến cho người chứng kiến phải bật ra câu hỏi tưởng như đã cũ
"Chúng ta đang sống trong thời đại nào đây ?!". Và câu trả lời, đương
nhiên là đã có sẵn, một sự đương nhiên "chúng ta đang sống trong thời
đại Hồ Chí Minh, thời đại cộng sản xã hội chủ nghĩa". Không có câu trả
lời nào khác !
Vấn
đề làm người ta thắc mắc và lấy làm lạ là hiện nay đã bước vào thế kỉ
21, loài người đã có những bước tiến khá xa từ khoa học cho đến triết lý
sống cũng như các chuẩn mực đạo đức, dân quyền… Việt Nam không phải là
quốc gia đóng cửa kín bưng trước thế giới, Việt Nam kêu gọi đầu tư nước
ngoài, mở rộng các quan hệ quốc tế và tham gia Liên Hiệp Quốc, thậm chí
ký kết các điều khoản về nhân quyền, tự do của Liên Hiệp Quốc như mọi
quốc gia tiến bộ khác. Vậy tại sao Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố
lớn lại có cách hành xử cứ như mới từ trong bụi chui ra như vậy ?
Đà
Nẵng, một thành phố mà người ta vẫn hay kháo với nhau rằng đây là thành
phố "đáng sống nhất Việt Nam" bởi cơ sở hạ tầng tốt, cung cách hành xử
của hệ thống quan chức địa phương có văn hóa, môi trường thân thiện…
Nhưng nghe ra chuyện này đã thuộc về quá khứ. Ngay trong lúc các trào
lưu nghệ thuật đường phố xuất hiện ở Hà Nội, Huế như một tín hiệu về sự
giao thoa văn hóa, sự tiến bộ và hiện đại của đất nước thì tại Đà Nẵng,
việc một nhóm sinh viên mang nhạc cụ ra đường phố đứng biểu diễn và để
chiếc hộp đàn để nhận tiền thưởng của khán giả (một chuyện hết sức
thường tình và tạo hình ảnh đẹp) lại bị một cán bộ phường đến quát tháo,
tịch thu nhạc cụ, lập biên bản, phạt tiền…
Điều
này cho thấy gần như mọi yếu tố cát cứ, lộng quyền đã phát triển đến
đỉnh của nó. Có nghĩa là cái điều mà tối kị nhất trong một cơ thể quốc
gia là "trên bảo dưới không nghe" dường như đang diễn ra đầy rẫy tại
Việt Nam. Một tay cán bộ xã, phường, thậm chí cán bộ thôn, ấp tự xem
mình là một ông vua khu vực. Và những kẻ lính lác bên dưới tự xem họ là
những khanh tướng, được quyền, được phép ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi
cổ nhân dân.
Dường
như mọi lý thuyết như "cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân" hoặc
cán bộ là "của dân, do dân và vì dân", "cán bộ được đào tạo để phục vụ
nhân dân"… đều là những câu cửa miệng được nói không ngớt bởi chính
những kẻ phản bội lại nhân dân.
Tính
phản bội nhân dân của họ phát triển thông qua những món lợi ích từ lợi
ích nhóm cho đến lợi ích cá nhân, vinh thân phì gia. Và đến khi mọi lợi
ích vật chất đã đủ, người ta chuyển sang những lợi ích tinh thần. Mà bất
kỳ thứ ích kỉ nào được đính kèm với thế giới tinh thần đều cho ra những
kiểu tinh thần bệnh hoạn và kỳ dị, nếu không muốn nói là kinh dị.
Bằng
chứng, một ông thầy giáo, giảng viên đại học, hiệu phó một ngôi trường
đại học thuộc dạng hàng đầu Việt Nam sẵn sàng nói không biết ngượng
miệng trước sinh viên của mình rằng "thầy không biết luật !". Một câu
trả lời mà bất kì nhà giáo nào (kể cả giáo viên mầm non) nói ra đều cảm
thấy đó là nỗi nhục. Bởi pháp luật là thứ không riêng gì trí thức phải
hiểu biết, mà nó là thứ qui định, là loại khế ước xã hội bắt buộc mọi
người đều phải biết, phải nắm những thông tin cơ bản của nó để hành xử,
để sống.
Ở
đây, câu "thầy không biết luật" như một thứ bệnh hoạn tinh thần. Cụ thể
là căn bệnh lợi ích tinh thần. Bởi để có được cái quyền lợi từ đảng
phái, quyền lợi tiến thân trong hệ thống và quyền ăn trên ngồi trốc,
người ta sẵn sàng đạp lên mọi giá trị đạo đức. Và đôi khi, mỗi cái chết
của giá trị đạo đức lại tạo ra tiếng cười đắc thắng ngấm ngầm trong phép
thắng lợi tinh thần bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn đến mức một ông thầy giáo
có thể đứng nhìn một đám đàn ông (không cần biết họ là gì) nhục mạ một
cô nữ sinh bằng những từ ngữ không còn gì bỉ ổi và sỉ nhục hơn và không
có bất kì một phản ứng nào ngoài việc đồng tình với đám đàn ông kia!
Và
câu chuyện cấm văn hóa, từ việc cấm triển lãm "bí ẩn cơ thể người" ở
Sài Gòn cho đến cấm các bạn trẻ chơi nhạc đường phố ở Đà Nẵng cũng là
một phép thắng lợi tinh thần bệnh hoạn khác. Đó là một loại bệnh sợ phát
triển của tinh thần. Người ta sẵn sàng để hàng trăm, hàng ngàn đám đông
nhậu nhẹt ngồi tràn lan ra lề đường, thậm chí che trại lấn cả lòng
đường để hát hò, nhảy nhót, karaoke tưng bừng. Trong đó, không ngoại trừ
những bài ca ngợi đảng, ca ngợi bác Hồ và những bài theo kiểu "không
còn yêu thì anh cứ đi, trên đường đi nói câu biệt ly yeah !" hay ""nếu
em thấy không còn cảm giác, thì vui lòng đi tìm người khác yeah !".
Những thứ đó hoàn toàn không bị cấm, thậm chí được ngầm cổ xúy, và không
ít trường hợp, những đám đông nhảy nhót đó có đầy các gương mặt cán bộ
phường, xã, thậm chí huyện, quận…
Nhưng
người ta lại không chấp nhận những cuộc chơi nghiêm túc hàm chứa học
thuật. Bởi đâu đó trong sâu thẳm của phép thắng lợi tinh thần còn hàm
chứa cả nỗi sợ hãi. Sợ nhân dân nổi dậy, sợ những đám đông hành xử có
văn hóa, sợ những đám đông hiểu biết, sợ những cuộc hội tụ không tạp
nhạp và không có biểu hiện bản năng.
Ở
một đất nước mà các đám đông tạp nhạp, biểu hiện bản năng và suồng sả
thì được hoạt động thoải mái nhưng bất kì một nhóm nhỏ nào có biểu hiện
văn minh hay một chút gì đó thuộc về văn hóa, nghệ thuật thì bị chặn
đứng bởi một nỗi sợ hãi nào đó từ sâu thẳm nhà cầm quyền thì có vẻ như
cái lổ hổng đạo đức, tư duy và văn háo đã không còn chỗ vá.
Bởi
nó cho thấy nỗi bất an đã xâm chiếm mọi ngõ ngách tâm hồn, và chính
những kẻ cấm đoán lại là kẻ bất an nặng nề nhất. Sự giải tỏa bất an bằng
những hành vi dần rời xa tính người là một biểu hiện suy thoái tinh
thần đến đỉnh điểm trong cái phép thắng lợi tinh thần của kẻ bất an !
Và
người tỉnh thức, người sở cầu văn minh, nhân bản, nhân văn bao giờ cũng
là người phải đeo vòng gai và vác thánh giá trên sa mạc cô đơn này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/07/2018 (VietTuSaiGon's blog)