Làm sao để thuyết phục gia đình khi bạn trở thành "phản động"? (FB Nga Thi Bich Nguyen)

Có người vì mong muốn đất nước ngước mặt với năm châu, muốn đấu tranh để chống lại độc tài, độc quyền, tham nhũng...nhằm xây dựng một đất nước đa nguyên đa đảng, pháp luật được thượng tôn, giáo dục nhân bản, xã hội phát triển, có uy tín với bạn bè thế giới...ấy đích thị là “phản động.” 

Trước tiên, ta nói nguyên nhân vì sao mà một người lại trở thành “phản động.” 

Có người vì đọc và tìm hiểu nhiều tư liệu lịch sử, tin tức đa chiều nên biết được sự thật và từ đó nhận thức được tình hình xã hội, biết mình bị lừa mị, muốn giúp người khác cùng biết sự thật và không bị dối gạt lừa mị nữa nên phổ biến tư liệu bằng cách chia sẻ, viết bài, phản biện xã hội, phản đối các chính sách sai trái của chính phủ...thế là thành “phản động.”

Có người qua tìm hiểu thì nhận biết hoá ra mình cũng có quyền con người, mình muốn sống là một con người đúng nghĩa, thế là đòi làm người có quyền, vậy là thành “phản động.”

Có người vì bức xúc cá nhân vì quyền lợi bị tước đoạt như dân oan, thế là đi khiếu kiện lâu ngày, vác đơn đi từ địa phương tới trung ương kêu oan, tố cáo...liền bị coi là “phản động.” 

Có người vì mong muốn đất nước ngước mặt với năm châu, muốn đấu tranh để chống lại độc tài, độc quyền, tham nhũng...nhằm xây dựng một đất nước đa nguyên đa đảng, pháp luật được thượng tôn, giáo dục nhân bản, xã hội phát triển, có uy tín với bạn bè thế giới...ấy đích thị là “phản động.” 

Nhưng, cũng có những người vì bức xúc với một chính sách sai trái nào đó của chính phủ hoặc phản đối sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc nên xuống đường biểu tình, bị bắt thì khi sẽ bị coi là “phản động” rất đơn giản và nhanh chóng.
...
Với một hoặc nhiều nguyên nhân kể trên, một người bị coi là “phản động” trong mắt chính quyền và đã là “phản động” thì phải theo dõi, quản lý. Cái sự quản lý này không chỉ về mặt hành chính mà còn cả đòn tâm lý kèm theo. Một người trên 18 tuổi khi bị bắt, bị vô danh sách để ý, quản lý của chính quyền thì...gia đình, nhà trường, nơi làm việc, xóm làng, phường xã...biết hết chứ không chỉ riêng bản thân người đó tuy rằng họ đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hành vi.

Cái đòn quản lý kiêm đòn tâm lý này tạo ra nỗi sợ mơ hồ cho gia đình, người thân, bạn bè, nơi làm việc, nơi cư trú, nhà trường...của người bị coi là “phản động.” Và, người Việt mình, với tình yêu tử cung, luôn bảo bọc che chắn và sợ hãi tất cả những thứ mơ hồ thì ngay lập tức phản ứng với chính người bị coi là “phản động.” 

Họ sẽ dụ, khuyên. Khuyên, dụ không được thì to tiếng chửi mắng, hăm doạ, từ mặt, nghỉ chơi. Người bị coi là “phản động” sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn bực, thất vọng vì ngay chính người thân mình cũng không ủng hộ mình và quay lưng. Họ rơi vào trạng thái cô đơn. Sau đó, phần đông sẽ bỏ cuộc không còn “phản động” nữa. Số ít tiếp tục và chấp nhận. Nhưng rất đông người cảm thấy khó khăn, vướng mắc không biết xử trí thế nào để thuyết phục gia đình. Phần đa bật lại gia đình và từ đó tạo ra mâu thuẫn khó hàn gắn. Phần còn lại thì im lặng chịu đựng và không biết làm gì. Chỉ có rất ít người thuyết phục được gia đình ủng hộ mình.

Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của bạn bè trẻ sau khi đi biểu tình về kể lại chuyện về nhà xảy ra xung đột với gia đình. Các bạn buồn, tức giận, trách móc gia đình không hiểu mình và việc mình làm, thậm chí có những bạn cãi lại với tất cả sự cương quyết nên thành ra mâu thuẫn lớn đến mức phải cuốn gói ra khỏi nhà. Tôi khá bối rối vì lúc đầu tôi cũng rơi vào tình trạng lúng túng không biết xử lý thế nào.

Sau khi suy nghĩ, thực hành, trải nghiệm, đến nay tôi đủ tự tin viết bài này để nói với các bạn một điều rằng: nếu muốn gia đình ủng hộ quan điểm, niềm tin, hành động của mình và thay đổi thái độ từ phản đối sang ủng hộ (hoặc chí ít là không chửi mắng) thì các bạn phải thay đổi trước.

1. Trước tiên là thay đổi thái độ: hãy hết sức nhẹ nhàng, trìu mến, kiên nhẫn trong lắng nghe những lời khuyên hoặc chửi mắng của gia đình. Sau đó hãy nói cho họ biết lý do vì sao mình trở thành “phản động” và nói mình trân trọng ý kiến của gia đình đồng thời mong muốn được tôn trọng ý kiến. Nếu gia đình vẫn chửi mắng, hãy xin phép đi ra ngoài cà phê và tránh mặt. Hãy để cho họ có thời gian hấp thụ cái tin con em mình đã thành “phản động.” Cứ mỗi lần gia đình chửi mắng, khuyên nhủ...hãy cứ nghe cho hết, rồi lặp lại mình tôn trọng và muốn được tôn trọng. Làm căng quá thì mình xin phép ra ngoài. Lặp đi lặp lại, trong “trò đấu trí” này ai kiên nhẫn người đó thắng. Cãi, tranh luận này nọ vô ích.

2. Thay đổi hành vi từ những điều nhỏ nhất: hãy quan tâm gia đình nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, sống tốt hơn, giúp đỡ người xung quanh nhiều hơn.. Nếu lúc trước mình lười nhác, cả năm không phụ mẹ quét nhà rửa chén được đôi lần thì nay hãy làm thường xuyên hơn. Nếu lúc trước thất nghiệp xin tiền mẹ cà phê thì nay hãy cố mà kiếm một việc gì đó dù lương ít nhưng hãy tự lo được cho bản thân. 

3. Thay đổi thói xấu: nếu lúc trước hay rượu chè thì nay hãy bớt đi và về nhà sớm hơn. Nếu lúc trước thường tụ tập cờ bạc hoặc cà phê chém gió, bạn bè giao du thường có chuyện không vui thì nay hãy dành thời gian cho việc học thêm một cái gì đó, ngoại ngữ chẳng hạn và kết bạn với đứa bạn “phản động” tốt để học lẫn nhau. Gia đình thấy mình chơi với bạn được bạn thương yêu, học nhiều cái tốt, mà đứa đó là “phản động” thì gia đình sẽ có thêm chút niềm tin “à, hoá ra tụi phản động nó cũng tốt và hay ho đấy chứ không như người ta nói xấu..” 

Từ những thay đổi của bản thân, “phản động” gây dựng được hình ảnh cá nhân tích cực với gia đình, với cộng đồng thì sẽ làm cho cái nhìn và sự đánh giá tiêu cực ban đầu của mọi người thay đổi. Lâu, mất thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực nhưng xứng đáng bởi gia đình là chỗ dựa vững chắc cho mỗi con người, nhất là đứa “phản động.” Bên cạnh đó, đây cũng là trận chiến mà mỗi đứa “phản động” phải tự chiến đấu trong trò đấu tâm lý với bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền. 

“Phản động” tốt và dễ thương!

À quên, bạn nào có kinh nghiệm thuyết phục gia đình hay thì bổ sung vô hén.
 
FB Nga Thi Bich Nguyen