Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình (BBC)

Ông Hoàng Cua, một trong những người bị bắt khi đang ngồi trong quán cà phê ở Phường Bến Thành, Quận 1, nói với BBC vào chiều 17/6 vì không mang theo chứng minh thư nên ông đã bị bắt đưa về Nhà văn hóa Tao Đàn, nơi ông thấy "có khoảng chừng 150 đến 200 người, gồm cả người già, con nít, đàn ông, đàn bà, bị bắt đưa vào đó".




Tình trạng bắt giữ người được cho là gia tăng tại Việt Nam mấy ngày qua, trong lúc giới chức thắt chặt an ninh tại nhiều nơi.

Theo tin từ Facebook Võ Hồng Ly, sáng 17/6, một bạn trẻ tên Trương Thị Hà cùng hai bạn trẻ khác (chưa rõ tên) bị bắt ngay tại trung tâm Sài Gòn. 

Được biết Trương Thị Hà từng tham gia một số cuộc biểu tình mấy ngày qua ở Sài Gòn.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cho BBC biết Nguyễn Tín, một bạn trẻ ở Sài Gòn bị bắt vào khoảng 22:30 ngày 15/6. 

"Tín đang ở phòng trọ của mình thì bị công an phường 13 quận Tân Bình đến 'mời đi', đến nay vẫn không thể liên lạc được," ông Lâm nói.

Nhà hoạt động Lê Hoàng Tân cũng bị công an "mời" vào làm việc tại phường Hiệp Phú (Quận 9, Sài Gòn) ngày 16/6.

"Ban đầu là do em trai anh Tân, tên là Tiến, bị công an mời lên phường làm việc," ông Dương Đại Triều Lâm cho BBC hay từ Sài Gòn ngày 17/6. "Tuy nhiên, do anh Tân mới là người trực tiếp tham gia đấu tranh, cầm biểu ngữ, nên anh lên phường để gặp công an thì bị bắt luôn. Đến nay anh Tân vẫn bị câu lưu."

"Nhiều người ngồi tập trung trong các quán cà phê ven Hồ Con Rùa đều bị công an bắt. Một số người chạy xe qua khu vực này cũng bị giữ lại kiểm tra. Nếu đủ giấy tờ tùy thân và không mang theo biểu ngữ thì được cho đi, ngược lại thì bị bắt," ông Lâm nói. 

Ông Hoàng Cua, một trong những người bị bắt khi đang ngồi trong quán cà phê ở Phường Bến Thành, Quận 1, nói với BBC vào chiều 17/6 vì không mang theo chứng minh thư nên ông đã bị bắt đưa về Nhà văn hóa Tao Đàn, nơi ông thấy "có khoảng chừng 150 đến 200 người, gồm cả người già, con nít, đàn ông, đàn bà, bị bắt đưa vào đó".

Do tình cờ gặp công an khu vực phụ trách nơi ông sinh sống, ông đã được xác nhận là người địa phương và cho ra về đầu tiên, ông cho biết thêm. 

"Tôi là người được ra đầu tiên, ra trước tất cả số khoảng hơn 100, gần 200 người bị gom vào trong đó."

'Lý do mơ hồ'

Trên Facebook cá nhân, ông Phạm Lê Vương Các cũng cho biết bị cơ quan an ninh Bộ Công an cưỡng bức rời Hà Nội "với một lý do mơ hồ nhằm bảo vệ an ninh cho thủ đô trong những ngày tới".

Theo đó, trưa 15/6, ông Các đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần môn Tư pháp Quốc tế sẽ diễn ra vào lúc 17h30 cùng ngày. Tuy nhiên, khi máy bay vừa đáp xuống Hà Nội ông "bị câu lưu và bị cưỡng bức quay trở lại Sài Gòn nên không thể đến được phòng thi".

"Diễn biến câu lưu tại sân bay nghiêm trọng đến mức như thể tôi là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm."

"Khi máy bay vừa đáp xuống, hàng chục nhân viên an ninh Bộ Công an đã đứng đợi sẵn, khi tôi vừa bước ra khỏi cửa máy bay thì họ xông tới, nắm lấy tay tôi rồi dẫn tôi xuống những chiếc xe đã đậu sẵn ngay trong bãi đỗ máy bay rồi chở thẳng về Đồn Công an Sân bay Nội Bài cách đó khoảng 1 km."

"Tại đồn công an, họ cho biết lý do đưa tôi về làm việc vì "Cơ quan An ninh Bộ Công an nhận được đơn tố cáo rằng tôi đã có hành vi kích động, xúi giục bạo loạn ở Bình Thuận và biểu tình ở TP.HCM trong những ngày vừa qua. Và bây giờ tôi ra Hà Nội để cùng với một số đối tượng tại đây tiếp tục kích động và tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm vào những ngày tới," ông Các viết trên Facebook cá nhân.

"Tôi bày tỏ thái độ phản đối hành vi cưỡng bức này và nói rõ với họ rằng, đây là một hành vi tùy tiện và lạm quyền của cơ quan an ninh khi không tuân thủ luật lệ về an ninh quốc gia vì họ đã áp đặt giới hạn ngăn chặn thiếu cơ sở và không có căn cứ, rồi tiến hành các biện pháp phòng ngừa một cách quá mức cần thiết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại và quyền học tập của một công dân."

Sau khoảng ba tiếng làm việc, ông Các bị buộc phải lên máy bay về lại Sài Gòn.