'Ham học' kiểu này, dân càng khổ! (Cao Trường - TTO)


Chuyện xài tiền ngân sách để đi du lịch dưới cái mác "học tập" là tràn lan. Muốn dứt điểm, có lẽ phải có quy định mọi chuyến đi học ở nước ngoài đều phải công khai. Còn không, quan càng... ham học, dân càng khổ!


Một anh bạn Hàn Quốc là giáo sư của một trường đại học danh tiếng bên ấy đã gửi cho tôi ba tấm hình chụp cảnh đón tiếp một đoàn cán bộ của Việt Nam sang học tập ngay tại trường.

Vị giáo sư người Hàn khoe: "Trường tôi ký được một hợp đồng với cơ quan X của VN về việc đào tạo. Mỗi năm cơ quan cấp bộ này cử sang hai đoàn. Thời gian học tập của mỗi đoàn kéo dài khoảng hai tuần.

Nhưng thường thì chỉ học vài ngày rồi mọi người đi chơi hết, chỉ trở lại trong buổi tổng kết để nhận chứng chỉ. Hầu hết các vị được cử sang học đều đã xấp xỉ tuổi hưu"!

Nhưng họ học gì? Vị giáo sư nói: "Tiếng Hàn!". Liệu có công khai những thông tin của việc này không? Vị giáo sư lắc đầu: "Nói chung chung thì được, chứ nêu cụ thể thì không. Vì đây là một hợp đồng hấp dẫn của trường tôi mà"!


Tôn trọng nguồn tin, tôi đành phải giấu tên vị giáo sư, tên trường của ông và tên của cơ quan đưa cán bộ đi học tiếng Hàn trong hai tuần.

Nói đến chuyện đi nước ngoài học tập, cách đây gần một năm, vào giữa tháng 7-2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra chuyện cử cán bộ công chức đi nước ngoài.

Cụ thể, danh sách được thanh tra gồm có 4 bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp.

Cách đây vài ngày, Thanh tra Chính phủ đã có thông tin ban đầu về vụ này và dư luận xã hội dậy sóng với việc năm 2014, cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn.

Năm 2015, cựu bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm...

Chỉ mới có 4 bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương thôi, nhưng con số chi tiêu cho việc đi nước ngoài của những nơi này đã lên đến con số ngàn tỉ đồng.

Bàn luận xung quanh chuyện các quan đi học, rất nhiều người bức xúc.

Ví dụ nhiều giáo viên đã bảo rằng: "Đề nghị Thanh tra Chính phủ làm luôn ngành giáo dục". Bởi năm nào hiệu trưởng của họ cũng đi nước ngoài với danh nghĩa là đi học tập. Ngày xưa thì đi các nước Đông Nam Á, rồi nâng lên châu Á và gần đây toàn châu Âu, Mỹ, Úc.

Họ đi bằng nguồn tiền nào? Một hiệu trưởng từng nhiều lần từ chối tham gia những chuyến đi như vậy đã cho biết: "50% chi phí được sở giáo dục - đào tạo chi, còn lại là lấy từ nguồn tiền của trường.

Tiền của trường là ở đâu? Từ quỹ phụ huynh đóng chứ ở đâu! Tôi có đi lần duy nhất nhưng thấy rõ đó chỉ là đi du lịch trá hình, nên các chuyến đi sau đã từ chối vì mình không thể lấy tiền không phải của mình để đi chơi được".

Tóm lại, chuyện xài tiền ngân sách để đi du lịch dưới cái mác "học tập" là tràn lan. Thế nên Chính phủ mới chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm điểm ở một vài nơi. Và chỉ một vài nơi thôi đã lòi ra quá nhiều chuyện gây bức xúc trong dư luận.

Được biết, Chính phủ đang siết lại chuyện này và trong năm 2017 mọi chuyện có đỡ hơn. Đỡ thôi chứ chưa thể dứt điểm.

Muốn dứt điểm, có lẽ phải có quy định mọi chuyến đi học ở nước ngoài đều phải công khai danh sách đoàn, thời gian đi, nơi đến, nội dung học tập... trên trang web của các bộ ngành, địa phương cho mọi người cùng theo dõi, giám sát!

Còn không, quan càng... ham học, dân càng khổ!


Cao Trường - TTO