Đặc khu kinh tế: 'Chỉ chỉnh thời gian thuê đất, chưa đủ' (BBC)

Tiến sỹ Hiếu lý giải rằng dù có nhiều mô hình ĐKKT thành công trên thế giới, nhưng mô hình nào cũng có mặt lợi, mặt hại và "ĐKKT không chỉ đơn thuần liên quan đến kinh tế, kinh doanh, xuất nhập khẩu, mà còn đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của 99 triệu người dân Việt Nam."








Ý kiến chuyên gia kinh tế rằng nếu chỉ giảm thời gian cho thuê đất xuống dưới mức 99 năm không đủ để Quốc Hội kỳ này thông qua luật về đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Nhận định nói trên của tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từ Hà Nội, xuất phát từ tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Quốc Hội sáng cùng ngày. 

Theo đó, phát biểu trước các phóng viên, ông Phúc nói: "Chúng tôi phải điều chỉnh thời gian thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh."

Ông Phúc cũng nói dự án luật đặc khu kinh tế nhận được nhiều ý kiến của người dân, và "Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước." 

Theo tiến sỹ Hiếu "Nói 99 năm có thể về mặt tâm lý nghe nhẹ nhàng, như một món hàng 99 cent thay vì 1 đô la, nhưng kỳ thực đó là cả một thế kỷ, dài hơn cả một đời người. Đặc biệt nó còn liên quan đến nước ngoài." 

"Một khi đối tác nước ngoài khi họ đã ký kết thực hiện dự án ở ĐKKT của ta thì họ ít nhất sẽ ở đó một thế kỷ, sau đó có thể gia hạn. Do đó tầm mức ảnh hưởng rất lớn lao. Vì thế, cần có sự nghiên cứu, giải trình trên tất cả mọi phương diện." 

"Việc giảm 99 năm xuống 75 năm hay 50 năm không quan trọng lắm. Tôi lấy ví dụ nếu thời hạn cho thuê đất là 50 năm, thì vẫn có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Điều cần bàn là nếu tổ chức một ĐKKT, dùng rất nhiều nguồn lực và điều kiện thuận lợi của quốc gia đổ vào đó thì kết quả sẽ như thế nào," tiến sỹ Hiếu nói với BBC Bangkok qua điện thoại từ Hà Nội.

Trong bài viết về dự án ĐKKT của Việt Nam đăng trên The Strait Times ngày 6/6, tác giả Võ Trí Thành cũng không đưa yếu tố thời gian thuê đất vào 'các vấn đề cần xem xét' khi mở ĐKKT.

Theo phân tích của ông Thành, có "ba vấn đề quan trọng nhất cần xem xét khi phát triển một ĐKKT", bao gồm "sự cởi mở, cơ cấu thể chế và các ưu đãi được thiết kế cho các đơn vị kinh tế đặc biệt này."
Bài viết cũng đề cập đến việc Trung Quốc, một nước được coi là thành công nhất trong việc vận hành các ĐKKT, cũng 'không thành công trong mọi dự án'.

Tác giả bài báo cho rằng có nhiều yếu tố làm nên thành công của các ĐKKT, nhưng quan trọng nhất là nguồn lực con người.

'Chính phủ cần giải trình chi tiết'

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói điều quan trọng là chính phủ Việt Nam cần có một giải trình chi tiết hơn, sâu sát hơn về vấn đề ĐKKT. 

Tiến sỹ Hiếu lý giải rằng dù có nhiều mô hình ĐKKT thành công trên thế giới, nhưng mô hình nào cũng có mặt lợi, mặt hại và "ĐKKT không chỉ đơn thuần liên quan đến kinh tế, kinh doanh, xuất nhập khẩu, mà còn đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của 99 triệu người dân Việt Nam."

"Điều tích cực là Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng ba ĐKKT trong điều kiện chúng ta đang cần đầu tư nước ngoài, phát triển xuất khẩu và hội nhập quốc tế. Nhưng cần giải trình rõ ràng mặt lợi, mặt hại. Các phân tích đó không chỉ trình đại biểu Quốc Hội mà còn cần gửi đến mọi người dân Việt Nam để họ có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu để đóng góp ý kiến gửi đến các ĐBQH. Cuối cùng, đại biểu Quốc Hội sẽ dùng quyền phán quyết của mình để quyết định." 

"Cần làm rõ tác động của nó đến chính trị, an ninh quốc phòng, người lao động..., cũng như sự lan tỏa ảnh hưởng đến các vùng xung quanh như thế nào? Có thể lấy một mô hình ĐKKT rồi phân tích nó trong bối cảnh, điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này." 

'Không áp dụng máy móc ĐKKT TQ'

Về ý kiến học theo mô hình ĐKKT tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, ông Trí Hiếu thừa nhận đây là mô hình thành công, đáng học hỏi với "Thẩm Quyến trở thành trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc và thế giới" sau 50 năm vận hành ĐKKT. 

Nhưng ông Hiếu nói cần lưu ý Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc về mọi mặt, đặc biệt về con người, năng lực, bối cảnh chính trị. Hơn thế, ĐKKT tại Thẩm Quyến được xây dựng cách đây 50, lúc đó hoàn cảnh kinh tế và môi trường kinh doanh trên thế giới khác bây giờ. 

"Cách đây 50 năm, Trung Quốc vẫn được coi là bị cô lập bởi thế giới Tây phương. Do đó ĐKKT như thế mang lại hiệu ứng là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, với những lợi thế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư kinh tế vào khu vực này."

"Ngày hôm nay, Việt Nam đã hội nhập rất mạnh và rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Việc mời gọi một nhà đầu tư nước ngoài vào một ĐKKT nào đó và cung cấp cho họ những lợi thế, ưu đãi, có lẽ không còn sức mạnh như ngày xưa nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ đầu tư rất lớn vào các thành phố lớn của Việt Nam như Long Thành, Bình Dương, v.v... Nên những ĐKKT phải mang một ‎ý nghĩa khác, chứ không phải chỉ là đưa ra những lợi ích đặc biệt cho nhà đầu tư."

"Tôi đồng ý lấy mô hình nào đó, xem xét, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và điều kiện Việt Nam để xây dựng một ĐKKT dựa trên cơ sở đó thì cần thiết. Còn áp dụng máy móc thì có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại."

'Bấm nút thông qua là vội vàng'

Khi được hỏi nếu được lựa chọn 'bấm nút' thông không luật về ĐKKT hay không, chuyên gia kinh tế nói:

"Nếu tôi phải quyết định tại thời điểm này thì tôi không bấm nút. Như tôi đã nói, chính phủ cần phải có giải trình chi tiết về mô hình ĐKKT của Việt Nam dựa trên điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này."

Về phản ứng của dư luận xoanh quay ảnh hưởng của Trung Quốc và thời hạn thuê đất, ông Hiếu cho rằng đó là điều hiển nhiên, và đồng tình với một cuộc trưng cầu dân ý. 

Trong trường hợp Quốc Hội bấm nút thông qua, ông Hiếu cho rằng như vậy là 'vội vàng'. 

"Tại thời điểm này chúng ta đứng trước một tương lai xa cả trăm năm, có lẽ chưa thể phán đoán rõ ràng mở ra ba ĐKKT là lợi hay hại cho vận mệnh dân tộc như lo ngại của dư luận. Nhưng nếu quyết định vội vã thì chúng ta chỉ có lợi nếu chúng ta ăn may, nhưng không may thì nó trở thành thiệt hại cho đất nước."

"Như tôi làm trong ngành ngân hàng, đứng trước một quyết định quan trọng như thế thì phải đo lường rủi ro, không thể dựa vào ăn may, để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát rủi ro, từ đó kiểm soát được thiệt hại."

"Đến giờ phút này, tôi không biết Quốc Hội đã có những cơ chế kiểm soát rủi ro như thế nào nhưng với những thông tin hiện tại mà tôi có thì tôi chưa thể biểu quyết được vào thời điểm này," tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.