Làm chính trị, quan tâm đến chính trị và thể hiện thái độ chính trị (Việt Văn)

"Chính trị" là công việc chung của đất nước, "tranh giành" quyền lực là để thực thi một dự án chính trị chứ không phải để tham nhũng, "vinh thân phì gia". Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác. Làm chính trị là để phục vụ xã hội, để cống hiến chứ không phải chia chác bổng lộc.
 
 Đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ. Ảnh minh họa Tổng thống Obama.
"Politics is too important to be left to the politicians"
(Chính trị quá quan trọng để không thể phó mặc cho chính trị gia)
John F. Kennedy, Jr.
Tại sao nhiều người Việt Nam không dám quan tâm đến chính trị ?
Vì họ cho rằng 'làm chính trị' là một công việc quá ư nguy hiểm. Vì không hiểu chính trị là gì, hiểu sai lệch nên rất nhiều người Việt cho rằng chính trị là thủ đoạn, mưu mô, tranh đoạt, chẳng có gì hay ho. Họ sai.
'Làm chính trị' là nghề của một số người (ví dụ như 'làm báo') mà công việc chính của họ là cạnh tranh quyền lực để chấp chính. "Chính trị" là công việc chung của đất nước, "tranh giành" quyền lực là để thực thi một dự án chính trị chứ không phải để tham nhũng, "vinh thân phì gia". Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác. Làm chính trị là để phục vụ xã hội, để cống hiến chứ không phải chia chác bổng lộc.
Những người trăn trở và ưu tư với đất nước có thể thành lập tổ chức, tham gia tổ chức, đưa ra các dự án chính trị tốt hơn so với kế hoạch chính trị hiện hành của chính phủ để cạnh tranh và vận động người dân ủng hộ nhằm tạo sức ép buộc chính phủ phải thay đổi từ chính sách cho đến nhượng hoặc từ bỏ quyền chấp chính hoặc bầu cử tự do.
'Quan tâm đến chính trị’ là trách nhiệm của mỗi công dân có ý thức xã hội. Chính trị gắn liền với đời sống từ chén cơm, manh áo đến triết lý giáo dục, các giá trị đạo đức, văn hóa và phương cách quản trị xã hội. Mọi chính sách của chính phủ đều liên quan đến đời sống người dân, chúng quá quan trọng nên người dân không thể "để cho đảng và nhà nước lo".
Đảng cộng sản Việt Nam cố tình dùng chính sách ngu dân, làm cho dân xa lánh chính trị và xem đó là một lãnh vực nguy hiểm. Kèm theo đó là một chính sách mị dân : "để cho đảng và nhà nước lo" quá lâu nên đa số người dân hiện nay thờ ơ, vô cảm với chính trị, nghĩa là thờ ơ, vô cảm với đời sống của chính mình, họ không biết rằng quan tâm đến chính trị là một trách nhiệm công dân. Khi có quan tâm đến chính trị thì người dân mới có thể "thể hiện thái độ chính trị".
Như trên đã viết, chính trị là đời sống, mỗi chính sách của chính phủ đều rất quan trọng với người dân nên khi chính sách đó sai lầm, chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm cầm quyền và sân sau, thì người dân phải thể hiện thái độ chính trị bằng cách phản đối thông qua lá phiếu, biểu tình, phát ngôn đòi thay đổi chính sách, đòi quan chức từ chức, bãi bỏ quốc hội, chính phủ, thay đổi chính quyền..
Nếu người dân không quan tâm đến chính trị thì sẽ không biết các chính sách của chính phủ đúng hay sai và không biết mình có quyền và trách nhiệm thể hiện thái độ chính trị.
Khi người dân biết quan tâm đến chính trị và thể hiện thái độ chính trị thì chính quyền khó có thể làm sai vì luôn bị giám sát. Với một nhà nước độc tài toàn trị như Việt Nam thì chính quyền rất sợ hãi khi người dân quan tâm đến chính trị.
Lý do là vì một khi người ta thực sự quan tâm đến chính trị thì bộ mặt thật của chế độ sẽ hiện ra : bất tài, gian trá, tham lam vô độ, hèn nhát với giặc và tàn ác với dân.
Một khi người dân thấy được bộ mặt thật của chế độ độc tài cộng sản thì một số có thể sẽ đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ.
Quan tâm đến chính trị, như vậy, không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa.
Việt Văn
(7/5/2018)