Chính phủ cùng các nhóm lợi ích xẻ thịt tài nguyên quốc gia (Mỹ Lan- RFA)
“Những tài nguyên thiên nhiên là những tài sản công mà tất cả mọi
người đều có thể được hưởng, được tiếp cận. Bây giờ họ bán cho tư nhân
và họ quây lại thành tài sản của riêng họ và như vậy là người dân bị từ
chối quyền được tiếp cận”
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương"
Đỉnh Fansipan từ lâu là đích đến cho những du khách ưa thích sự mạo
hiểm, muốn thử sức khám phá và chinh phục ngọn núi vốn được mệnh danh là
“nóc nhà Đông Dương”.
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn SunGroup xẻ núi xây dựng và khai thác
hệ thống cáp treo đưa du khách đi thẳng từ thị xã Sapa lên tận đỉnh
Fansipan vào tháng 02/2016 thì ngọn núi này đã trở thành tài sản kinh
doanh riêng của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Việt
Nam hiện nay.
Cũng tương tự đối với những bờ biển được cả thế giới công nhận là một
trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Bãi Dài,
Bãi Sao (Phú Quốc) hay Cửa Đại (Hội An) … nếu như trước đây người dân có
thể tự do đánh bắt hải sản hoặc thoải mái bơi lội trên những bãi biển
này thì giờ đây, phần lớn diện tích nói trên đã được dành cho các tập
đoàn lớn như VinGroup, FLC, SunGroup, Bim Group khai thác kinh doanh sân
golf, resort cao cấp...
Bình luận về điều này, từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đây
là một hiện trạng hết sức nhức nhối vì người ta đã biến cái công sản
vào tay tư nhân.
“Những tài nguyên thiên nhiên là những tài sản công mà tất cả mọi
người đều có thể được hưởng, được tiếp cận. Bây giờ họ bán cho tư nhân
và họ quây lại thành tài sản của riêng họ và như vậy là người dân bị từ
chối quyền được tiếp cận”
Cùng quan điểm trên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng việc kinh
doanh, khai thác những địa điểm nói trên còn phá nát cảnh quan cũng như
gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Nhà báo Huỳnh Ngọc
Chênh cho biết:
“Họ phá nát đi những nơi đó, họ đưa những công trình xây dựng vào
làm mất đi cái vẻ hoang sơ của Bà Nà hay Fansipan. Riêng cái Bà Nà ngày
trước chưa có cáp treo thì có con đường đi lên nhưng bây giờ, họ chiếm
và cấm không cho người dân đi qua con đường đó nữa. Còn đỉnh Fansipan
thì cái quan trọng là họ phá hư cái cảnh quan, cái đỉnh Fansipan bây giờ
mà đi lên được cái đỉnh đó thì không còn ý nghĩa nữa”
Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đã có rất nhiều dự án mà vì lợi ích
trước mắt mà các chủ đầu tư đã ra sức bào mòn, phá hoại tài nguyên quốc
gia bất chấp những hệ quả mà người dân phải gánh chịu. Dư luận đã từng
lên án dự án Quần thể công trình du lịch văn hoá dịch vụ cáp treo, vui
chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa phá nát sinh cảnh vườn quốc gia
Hoàng Liên, chiếm nơi ăn chốn ở của không biết bao nhiêu người dân, hay
như dự án Công viên đại dương Hạ Long xâm phạm, san lấp hàng trăm hecta
vùng biển thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Cũng tương tự SunGroup, tập đoàn FLC bị lên án ngang nhiên xóa sổ rừng
phòng hộ ven biển Sầm Sơn để xây dựng sân golf, resort 5 sao, xua đuổi
và cấm người dân xunh quanh nơi xây resort được cào ngao, đánh cá, cướp
đi kế sinh nhai của không biết bao nhiêu gia đình sống nhờ nghề bám biển
từ nhiều thế hệ…
Rất nhiều trong số những dự án này ban đầu được dựng lên với danh
nghĩa góp phần bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Tuy
nhiên trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển đổi mục đích sử dụng vào các dự
án bất động sản nhằm thu những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhà báo Huỳnh
Ngọc Chênh nói tiếp:
“Ví dụ như khu Hoà Quý, Hoà Xuân ở Đà Nẵng, họ gọi là khu du lịch
sinh thái nhưng thực chất nó là khu đô thị sinh thái, họ đuổi hết dân đi
rồi quy hoạch thành khu đô thị rồi bán nền lại với giá cao trong khi đó
đền bù lại cho người dân với mức giá nông nghiệp rất rẻ, khoảng 15 ngàn
đồng/m còn bây giờ họ bán lại với giá từ 50 cho đến cả trăm triệu đồng
mỗi mét vuông, thế là lời lắm rồi. Họ lấy hết đất đai, nhà thờ, chùa
chiền bao nhiêu đời để làm khu đô thị mới, người dân sống bằng nghề nông
nghiệp bây giờ không biết làm cái gì để người ta sinh sống”
Trước câu hỏi vì sao những vụ việc gây bức xúc và thách thức dư luận
như vậy lại không bị phanh phui và xử phạt theo qui định của luật pháp
Việt Nam, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng đã có âm mưu lợi ích nhóm
trong những dự án nói trên:
“Đã có sự lợi ích nhóm và cấu kết với nhau giữa các tập đoàn và
chính quyền. Điều đó là chuyện đương nhiên rồi, nếu không có sự cấu kết
đó thì doanh nghiệp nó cũng khó làm ăn được, khó mua được những dự án
với giá rẻ để sau này bán ra với giá cao. Và khi mà có sự cấu kết đó thì
lợi lộc vào tay những quan chức và các tập đoàn còn thiệt hại là thuộc
về người dân sống trên mảnh đất đó. Còn thiệt hại đối với xã hội đó là
một số những tài nguyên, cảnh quan như biển như rừng thì bị bán mất hết
đi”
Trước hiện tượng kinh doanh chộp giật, bất chấp những hậu quả có thể
gây ra đối với môi trường và phát triển bền vững như vậy của các doanh
nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Quang A đề xuất người dân bị ảnh hưởng cũng như
người dân ở khắp mọi nơi đều phải lên tiếng thì may ra chính quyền và
các doanh nghiệp mới có thể hạn chế được việc khai thác cạn kiệt nguồn
tài nguyên của đất nước. Ông cũng cho rằng việc một nhà nước được gọi là
“của dân, do dân và vì dân” nhưng lại sử dụng tài sản công để phục vụ
cho tầng lớp tư bản là một sự cấu kết lợi ích rõ ràng.