Áp thuế nhà trên 700 triệu VND 'đánh vào trung lưu'? (BBC)
"Mức chênh lệch
giữa giá đất nông nghiệp và đất thổ cư hiện nay rất lớn nên việc buộc
người dân phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất không khác gì buộc
người dân phải mua lại chính mảnh đất của họ một lần nữa."
Kiến
nghị về Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đang gây tranh cãi về phương
án đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng
trở lên.
Khoản bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng
hoặc trên 1 tỷ đồng với mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng
định là 0,4%.
'Gánh nặng tài chính'
Hôm
15/4, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật
Pháp, nói với BBC: "Tôi ủng hộ việc đánh thuế tài sản đối với nhà đất
nhưng với điều kiện là nhà nước phải:
- bỏ hết các loại thuế, phí liên quan đến nhà đất hiện nay
- chính sách thuế phải công bằng
- chính sách thuế phải hướng đến mục tiêu chống đầu cơ bất động sản, kéo giá bất động sản về đúng giá trị thực của nó để người thu nhập thấp gần hơn với cơ hội được sở hữu nhà
- phân phối lại của cải vật chất để giảm khoảng cách giàu nghèo
"Ở Việt Nam, người dân vốn dĩ đã gánh rất nhiều khoản thuế, phí
liên quan đến nhà đất như tiền chuyển mục đích sử dụng đất; phí trước bạ
(0,5%); thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà đất (2%); thuế nhà đất
hàng năm…"
"Trong đó, đặc biệt phi lý là tiền chuyển mục đích sử
dụng đất phải đóng cho nhà nước. Chỉ bằng một trang A4, quyết định cho
chuyển mục đích sử dụng đất, thì nhà nước có thể thu về hàng chục triệu
thậm chí hàng trăm tỷ đồng mà không phải làm gì."
"Mức chênh lệch
giữa giá đất nông nghiệp và đất thổ cư hiện nay rất lớn nên việc buộc
người dân phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất không khác gì buộc
người dân phải mua lại chính mảnh đất của họ một lần nữa."
"Do đó,
Bộ Tài chính không thể lấy lý do các nước khác đều đánh thuế tài sản
lên nhà đất thì việc đánh thuế tài sản lên nhà đất tại Việt Nam cũng
bình thường và hợp lý. Mọi so sánh đều khập khiễng nếu không đặt trong
cùng bối cảnh như: có bao nhiêu loại thuế, phí liên quan đến nhà đất mà
người dân ở các nước phải gánh chịu? thuế suất? thu nhập bình quân đầu
người?…"
Luật sư Sơn nói thêm: "Theo tôi, nếu đánh thuế tài sản
như đề xuất hiện nay thì mục tiêu giảm thiểu tình trạng đầu cơ bất động
sản, giảm khoảng cách giàu nghèo sẽ không đạt được vì không có sự phân
biệt giữa người sở hữu một bất động sản và nhiều bất động sản."
"Trái
lại, chính sách thuế này càng đem lại gánh nặng tài chính và làm bần
cùng hóa tầng lớp trung lưu và cả dân nghèo. Trên thực tế, tại các đô
thị, đặc biệt là các thành phố lớn, số lượng nhà dưới 1 tỷ đồng đếm trên
đầu ngón tay."
"Và không phải cứ thấy người ở nhà có giá trị cao
là người có thu nhập cao bởi vì có nhiều trường hợp nhà đất mà họ đang
sử dụng là được tặng cho, thừa kế từ ông bà, cha mẹ chứ không phải từ
thu nhập làm công ăn lương."
Ý kiến trên mạng xã hội
Chủ đề này thu hút nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi trên Facebook BBC Tiếng Việt.
Bạn Nguyễn Tiến Sang
bình luận: "90% nhà cửa là tiền vay của tư bản, nền kinh tế Việt Nam
chẳng làm ra được cái gì. Ngân hàng vay USD của tư bản 3% cho dân vay
lại đến 8%. (quá lời khi mà giá USD bị ghim trong nhiều năm thì ngân
hàng chỉ cần ngồi một chỗ mà ăn cũng không hết. "Quy trình" thổi giá bất
động sản sẽ có 2% giàu 90% ôm nợ. Thuế này là đánh vào lớp bần hàn đang
ôm đống nợ. Phải chăng chính phủ đã lãng quên rằng nhà ở đang là nỗi
bức xúc là nỗi khổ của toàn xã hội."
Bạn Tĩnh An
viết: "Giá nhà ở thường gắn liền với đất, cá nhân không được quyền sở
hữu đất, cái nhà đặt trên đất có thể bị bứng đi bất cứ lúc nào, trong
khi được có nhà ở là quyền tối thiểu của con người. Trong khi mua bất cứ
cái gì để tồn tại cũng phải trả tiền thuế VAT rồi. Còn mỗi cái nhà để ở
cũng phải đóng thuế nốt, vậy cái thuế này là cái thuế gì ta? Dân không
được giàu thì nước Việt sẽ như thế nào?"
Trả lời BBC, Luật sư Phùng Thanh Sơn nói thêm:
"Cũng không ít
những trường hợp gia đình nhiều thế hệ phải sống chen chúc nhau trong
căn nhà chật hẹp, dù căn nhà có giá trị hàng tỷ đồng."
"Thử làm
một phép tính, nếu với một người có thu nhập trung bình một năm 50 triệu
đồng nhưng bắt họ phải bỏ ra một năm từ 5-10 triệu đồng (chiếm từ
10-20% thu nhập) để đóng thuế tài sản nữa thì cả một vấn đề."
"Chưa
kể ngoài thuế tài sản, họ còn phải đóng nhiều khoản thuế, phí và lệ phí
khác như: thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng khi mua hàng
hoá, dịch vụ; phí bảo trì đường bộ; phí môi trường đối với xăng dầu;
thuế tài nguyên nước khi sử dụng nước sinh hoạt; phí môi trường đối với
nước thải sinh hoạt, và các khoản quyên góp không tên của chính quyền
địa phương…"
"Chính vì vậy, dù thu nhập bình quân đầu người của
Việt Nam năm là 53,5 triều đồng/năm nhưng thu nhập khả dụng của tầng lớp
trung lưu còn lại rất ít."
"Theo tôi, nếu đề xuất của Bộ Tài
chính được thông qua thì vô tình làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày một
tăng và bần cùng hoá tầng lớp trung lưu và người nghèo."
"Chi
phí dành cho y tế, giáo dục, giải trí của tầng lớp trung lưu và người
nghèo sẽ giảm đi. Từ đó kéo theo một thế hệ trẻ em kém chất lượng. Và
đương nhiên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước và kéo
đất nước thụt lùi."
Giải pháp là gì?
Luật sư Sơn đề xuất:
"Việc
đánh thuế tài sản đối với nhà nên căn cứ vào diện tích bình quân trên
đầu người. Nhà nước sẽ đưa ra diện tích bình quân đầu người không chịu
thuế cho từng khu vực khác nhau. Chỉ phần diện tích vượt diện tích bình
quân đầu người thì mới chịu thuế. Và để tránh đầu cơ nhà đất thì nhà
nước nên áp dụng mức thuế lũy tiến cho phần diện tích vượt diện tích
bình quân đầu người."
"Hiện tại Việt Nam đang cho xây dựng cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu đất đai trên toàn quốc nên chỉ cần
đánh số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân thì hoàn toàn có
thể biết được người đó sở hữu bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu thửa đất, ở
đâu, diện tích bao nhiêu… nên việc xác định nghĩa vụ thuế không quá
khó."
"Vấn đề khó ở đây là liệu các quan chức Việt Nam có chịu
"tự mua dây để buộc mình" hay không mà thôi. Bởi đại đa số các đại biểu
Quốc hội là các quan chức từ cấp tỉnh trở lên. Mà một khi là quan chức
cấp tỉnh trở lên thì chuyện gia đình, người thân họ có một, hai căn nhà,
một, hai thửa đất là chuyện không hiếm trong khi họ bị hạn chế việc
sinh con nên nếu thông qua chính sách thuế như tôi đề xuất thì nhiều khi
họ là người bị "thiệt hại" đầu tiên và nhiều nhất."
"Việc đánh
thuế nhà đất lên bất động sản thứ hai hoặc trên diện tích vượt mức bình
quân đầu người sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; trong ngắn hạn
có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhưng trong dài hạn thì nó
sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững. Không còn
tình trạng đầu cơ bất động sản, thổi giá bất động sản cao bất hợp lý,
kéo giá nhà đất xuống với giá trị thực của nó và giúp người nghèo dễ
dàng sở hữu được nhà ở hơn từ đó giúp nhà nước dễ dàng đạt được mục tiêu
xã hội về nhà ở cho người dân."
Hồi tháng 5/2017, khi người đứng
đầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ủng hộ việc tăng thuế môi trường với mặt
hàng xăng dầu, có ý kiến đăng trên Diễn đàn BBC Tiếng Việt cảnh báo
giới chức Việt Nam cần đổi 'tư duy lo sợ hội nhập và tận thu thuế'.