Truyền thông quốc tế bình luận về chuyến viếng thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm Mỹ (Tổng hợp)

Thiếu tướng Lê Văn Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an, cho biết : ‘Không ai tin người Trung Quốc. Nhưng mọi người đều cần tiền của họ’.
 
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Phó đô đốc Sawyer, Chuẩn đô đốc Fuller được chào đón tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng. Ảnh : Hải An
USS Carl Vinson ghé Đà Nẵng : lịch sử, thông điệp, và cân bằng (VNTB, 05/03/2018)
Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, lần đầu tiên - một tàu sân bay Mỹ ghé cảng tại Việt Nam, báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong tổng quan địa chính trị khu vực.
uss1
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson vừa neo đậu tại cảng Đà Nẵng sáng thứ hai - Ảnh United States Navy, via Getty Images
Tàu sân bay Carl Vinson, đang neo đậu tại Đà Nẵng, thành phố cảng trung tâm của Việt Nam, địa điểm từng đóng vai trò là cột mốc quan trọng trong chiến tranh của Washington trước đây.
Chuẩn đô đốc John V. Fuller - chỉ huy cụm tàu USS Carl Vinson nhận định, cha của ông là người Việt Nam : ‘Đây là một bước tiến khá lớn và mang tính lịch, vì một tàu sân bay đã không ở đây trong 40 năm nay’. ‘Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục tiến trình mà chúng tôi đã đạt được đó là thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực’..
Gần 6.000 thủy thủ đoàn của tàu sân bay Carl Vinson sẽ đánh dấu lần đầu tiên một đội ngũ quân nhân lớn của Mỹ sẽ đổ bộ lên đất Việt Nam kể từ khi quân đội nước này rút quân vào năm 1975.
Trong chuyến thăm này, nhóm thủy thủ đoàn sẽ đến thăm một trại trẻ mồ côi và một trung tâm dành cho nạn nhân Chất độc màu da cam.
Trước đó, USS Carl Vinson đã được triển khai ở Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Địa điểm này vẫn là khu vực tranh chấp của 6 nước - dựa trên các yêu sách khác nhau. Trong những năm gần đây, Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn trước một Trung Quốc đang gia tăng cải tạo các nhóm đá và rạn san hô thành các đảo nhân tạo - cơ sở làm căn cứ quân sự.
Chỉ riêng năm 2017, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các cơ sở thường trú trên các dãy đất khai hoang, ‘chiếm 290.000 m2’, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định : ‘Sự thỏa thuận của Hà Nội đối với chuyến thăm tàu sân bay chứng tỏ lo lắng sự lo lắng của Việt Nam về những gì Trung Quốc sẽ làm ở Biển Đông’. ‘Hoa Kỳ như là người cuối cùng mà Hà Nội có thể tìm kiếm sự hỗ trợ trong tranh chấp Biển Đông’.
Mặc dù Hoa Kỳ không phải là nguyên đơn trong tranh chấp hàng hải, nhưng nước này miêu tả các hoạt động của mình ở Biển Đông như là điều quan trọng để đảm bảo an ninh tự do hàng hải - điều kiện đã dẫn tới việc mở rộng kinh tế ở châu Á sau chiến tranh thế giới thứ II.
Đô đốc Fuller nói : ‘Đây là một môi trường ổn định, nơi bạn có khả năng thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. ‘Tôi nghĩ chúng tôi đã giúp tạo ra môi trường cho phép 70 năm tăng trưởng’.
Ông Đô đốc từ chối bình luận về cách xây dựng đảo của Trung Quốc – vốn đang thay đổi khu vực. Bắc Kinh phản đối Hoa Kỳ khi tiến hành tự do hoạt động hàng hải, trong đó có việc, các tàu Hải quân đi gần sát các hòn đảo tranh chấp do Trung Quốc kiểm soát.
Việt Nam có một cuộc chiến đẫm máu với Hoa Kỳ, nhưng sự thù địch của người Việt Nam đối với Trung Quốc thì sâu sắc hơn.
Mối quan hệ anh em giữa Bắc Kinh với Hà Nội đã không xóa bỏ được thực tế là Trung Quốc đã cai trị Việt Nam trong một 1000 năm. 
Bốn năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Sài Gòn, Việt Nam đã tiếp tục cầm súng trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc. Kể từ đó, quân đội Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục xung đột xoay quanh quyền sở hữu các hòn đảo ở Biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an, cho biết : ‘Không ai tin người Trung Quốc. Nhưng mọi người đều cần tiền của họ’.
Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines và đặt câu hỏi về các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông.Nhưng chiến thắng hợp pháp này đã chứng minh phần lớn không liên quan đến địa chính trị khu vực. Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, người sau đó lên nắm quyền, đã từ chối đẩy Bắc Kinh vào thế khó. Thay vào đó, ông chỉ trích Hoa Kỳ, một đồng minh lâu năm. Kết quả, Bắc Kinh hứa hẹn đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines.
Sự ra đi của ông Duterte đã để lại Việt Nam - đơn độc tố cáo các hành vi hung hăng của Bắc Kinh.
Vào năm 2014, Bắc Kinh đã dời một giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp. Người Việt Nam phản ứng bằng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đỉnh điểm là dẫn đến cái chết của hai công nhân Trung Quốc ở miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, chính trị học chỉ ra rằng Việt Nam không thể xa lánh hoàn toàn Trung Quốc.
Ông Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết : ‘Việt Nam phải làm nhiều để cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ’.
Khi Bắc Kinh một lần nữa dời giàn khoan vào vùng biển tranh chấp vào năm 2016, Hà Nội đã đảm bảo rằng sẽ không lặp lại những cuộc bạo loạn chống Trung Quốc.
Mặc dù Washington đã cố gắng lôi kéo Hà Nội mở rộng trao đổi hải quân với Hoa Kỳ, Việt Nam đã cố gắng giảm để ‘tránh gây khiêu khích với Trung Quốc’, ông Hiebert nói.
Hà Nội, dựa vào Nga cho hầu hết các thiết bị quân sự, cũng đã từ chối mua thêm vũ khí của Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí gây thương vong cho Việt Nam vào năm 2016.
Quyết định của Tổng thống Trump năm ngoái nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương gây phấn khích khích cho Hà Nội, với hy vọng rằng hiệp định thương mại do Mỹ dẫn đầu sẽ tạo ra một sự đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đang tăng lên của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam ca ngợi mối quan hệ đang ấm dần lên, một cuộc đàn áp dai dẳng đối với các nhà bất đồng chính kiến của nhà chức trách Việt Nam đã làm giảm hy vọng thay đổi chính trị. Sự kẹp chặt này phản ánh sự kìm kẹp tương tự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo tổ chức Human Rights Watch, có khoảng 130 tù nhân chính trị tại Việt Nam, bao gồm các nhà hoạt động vì môi trường, những người ủng hộ tôn giáo và blogger bị giam giữ.
Trong tháng vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố kêu gọi ‘Việt Nam cần phóng thích ngay tất cả tù nhân lương tâm và cho phép tất cả mọi người ở Việt Nam bày tỏ quan điểm ôn hòa của họ mà không sợ bị trừng phạt’.
Hannah Beech
Nguyên tác : U.S. Aircraft Carrier Arrives in Vietnam, With a Message for China, New York Times, 04/03/2018
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 05/03/2018
********************
Quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến thăm của USS Carl Vinson (RFI, 05/03/2018)
Từ ngày 5 đến 9/03/2018, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ, chiếc USS Carl Vinson, ghé thăm một cảng của Việt Nam, một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ giữa hai nước cựu thù tiếp tục được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
uss3
Chiến đấu cơ F-18 hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến tuần tra Biển Đông và ghé thăm cảng Philippines ngày 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Chuyến ghé cảng Đà Nẵng của chiếc USS Carl Visnon là một chuyến viếng thăm lịch sử, vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước khi thăm cảng Đà Nẵng, trong tháng 2, chiếc USS Carl Vinson đã ghé Vịnh Manila của Philippines trong 5 ngày. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên đến Philippines của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 2014, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại những khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này.
Việc triển khai chiếc USS Carl Vinson đến 2 quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc thể hiện những ưu tiên an ninh mới của chính quyền Donald Trump nhằm đối lại với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc và nhằm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông.
Nếu như chuyến viếng thăm của chiếc USS Carl Vinson đến Vịnh Manila được xem là một "biểu hiện bình thường" của liên minh quân sự Mỹ - Philippines, thì chuyến ghé cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm này là một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội tiếp tục được thắt chặt.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 26/02/2018, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nêu lên ý nghĩa chuyến viếng thăm này của chiếc Carl Vinson :
"Chuyến thăm Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một chỉ dấu nữa cho thấy quan hệ quốc phòng Việt Mỹ đang phát triển rất mạnh mẽ. Chuyến viếng thăm lần này có ý nghĩa biểu tượng rất là quan trọng, cho thấy có sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai bên trong lĩnh vực quốc phòng.
Vào năm 2009-2010, các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng đã neo ở ngoài khơi Việt Nam và các quan chức Việt Nam lúc đó đã phải đi trực thăng ra viếng thăm các tàu đó. Nhưng Carl Vinson lần này cập cảng Đà Nẵng và như vậy đúng theo nghĩa đen thì đã có sự xích gần lại nhau đáng kể giữa hai bên và cho thấy có sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai cựu thù trong chiến tranh lạnh.
Trong chuyến đi lần này, hai bên sẽ có những trao đổi khác nữa chứ không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, sẽ có những bước đi tiếp theo nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng giữa hai bên, trong đó có việc Việt Nam sẽ mua sắm các trang thiết bị quân sự, các vũ khí của Mỹ.
Một trong những động lực lớn nhất đã giúp thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai bên trong thời gian qua là mối quan tâm chung của hai nước về mặt chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và đe dọa các lợi ích của cả hai bên. Chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một biểu tượng cho thấy xu hướng đó ngày càng vững chắc".
Hiện giờ thì Việt Nam sẽ không đi đến việc thiết lập một liên minh quân sự với Mỹ giống như là Philippines, nhưng Hà Nội có thể trông chờ những gì từ việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington ? Ông Lê Hồng Hiệp trả lời :
"Trước tiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, Việt Nam luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc "ba không" : không có liên minh quân sự với nước khác, không có căn cứ quân sự của nước khác trên lãnh thổ Việt Nam, không lợi dụng quan hệ của Việt Nam với một nước khác để chống một nước thứ ba.
Trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc "ba không" này. Nếu không phải là liên minh quân sự với Mỹ, thì Việt Nam có thể mong đợi gì từ mối quan hệ này ?
Theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất là về mặt ngoại giao, chiến lược. Việc phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa biểu tượng hoặc có tiếng vang lớn, sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy thế, nâng cao vị thế đàm phán, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất đó đủ năng lực cũng như đủ ý chí nhất trên thế giới để mà có thể kềm chế tham vọng của Trung Quốc vê lãnh hải, về hải quân. Điều này rất phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Bên cạnh các lợi ích về mặt chiến lược như vậy, Việt Nam có thể trông chờ nhận được các sự hỗ trợ của của Hoa Kỳ. Ví dụ như Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam các trang thiết bị, như tàu tuần tra, để giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Việt Nam cũng có thể sẽ mua các trang thiết bị, vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực của hải quân, năng lực giám sát hàng hải của mình, để quản lý tốt hơn các vùng biển của mình, cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông".
Mặc dầu Việt Nam rất muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, nhưng Hà Nội vẫn không mấy vội vã trong việc mua vũ khí của Mỹ, mặc dù Washington đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam từ năm 2016. Hiện giờ Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mua vũ khí của Nga nhiều nhất thế giới, nhưng nay Hà Nội mua ngày càng nhiều vũ khí từ những nước khác như Israel hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của trang Sputnik vào tháng 2 vừa qua, thiếu tướng Lê Văn Cương, một chuyên gia quân sự Việt Nam, cho biết có nhiều lý do khiến Việt Nam chưa mua nhiều vũ khí của Mỹ. Thứ nhất, toàn bộ các binh chủng của quân đội Việt Nam hiện đang được trang bị các loại vũ khí của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay. Theo tướng Lê Văn Cương, trong quân đội Việt Nam, việc sử dụng vũ khí Nga đã là một truyền thống và không dễ gì một sớm một chiều bỏ đi truyền thống đó.
Thứ hai, tình hình kinh tế hiện nay không cho phép Việt Nam thay đổi triệt để trong việc mua sắm vũ khí và các thiết bị quốc phòng, nhất là vũ khí của Mỹ rất là đắt tiền. Tướng Cương dự báo rằng cho dù Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, nhưng vũ khí Nga vẫn là thành tố chủ chốt, vũ khí của Mỹ sẽ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.
Ông Lê Hồng Hiệp cũng có nhận định tương tự, nhưng theo ông thì trước mắt Việt Nam có thể mua một số trang thiết bị quân sự của Mỹ như máy bay không người lái :
"Việc mua sắm các trang thiết bị, vũ khí của Hoa Kỳ có thể là cột mốc tiếp theo mà hai bên có thể sẽ hướng tới trong thời gian tới. Việt Nam có nhu cầu mua một số trang thiết bị vũ khí của Hoa Kỳ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga, đặc biệt là trong bối cảnh mà Nga đang có quan hệ rất nồng ấm với Trung Quốc.
Mặt khác, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí sẽ là một động lực để thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ Việt-Mỹ và đặc biệt là để giành được thêm sự ủng hộ của chính quyền Mỹ và nhất là của tổng thống Donald Trump cho việc phát triển quan hệ Việt Mỹ, vì ông đã từng tuyên bố rằng hai bên cần giảm bớt thâm hụt thương mại và ông muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.
Bản thân Việt Nam cũng muốn sử dụng các thương vụ vũ khí này như một con bài mặc cả để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có những trở ngại cho ý định này. Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào các trang thiết bị vũ khí của Nga. Bây giờ nếu mua các trang thiết bị mới từ Hoa Kỳ, thì có thể gặp vấn đề về sự tương thích giữa các nền tảng công nghệ, các vũ khí với nhau.
Trở ngại thứ hai có lẽ là vấn đề ngân sách, vì Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về ngân sách, trong khi đó các trang thiết bị, vũ khí của Mỹ có giá đắt hơn là các vũ khí cùng loại từ Nga hoặc từ các nguồn khác.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể quan tâm đến một số trang thiết bị như máy bay không người lái phục vụ cho công tác giám sát, thu thập thông tin trên biển. Tôi nghĩ đó có thể là những trang thiết bị phù hợp với khả năng tài chính của Việt Nam, cũng như với nhu cầu hiện tại của Việt Nam, và cũng không gây ra những vấn đề về tương thích giữa các loại vũ khí.
Theo tôi hiểu thì Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận hoặc đã có những thỏa thuận ban đầu về việc Mỹ bán các máy bay không người lái như vậy. Trong thời gian tới khi mà nhu cầu của hai bên trở nên gần gũi hơn và năng lực tài chính của Việt Nam được cải thiện hơn, có thể sẽ có những thỏa thuận lớn hơn và có ý nghĩa thật sự đối với sức mạnh quốc phòng của Việt Nam hơn.
Nếu những thỏa thuận này được triển khai thì đó sẽ là một lực đẩy tốt cho quan hệ song phương nói chung và quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng".
Sau hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, cũng trong tháng 3, tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Hoa Kỳ sẽ cập cảng Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương 2018. Chương trình này đã được khởi động sau trận sóng thần năm 2004, tác động nặng nề đến nhiều nước vùng ven Thái Bình Dương.
Tàu bệnh viện Mercy lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2008, neo ở ngoài khơi Nha Trang. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tổ chức từ thiện Operation Smile đã phẫu thuật miễn phí trên tàu Mercy cho trẻ em bị hở môi, hàm ếch ở tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.
Thanh Phương
**********************
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam, thách thức Trung Quốc (RFA, 05/03/2018)
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ vừa đến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào chiều ngày hôm nay, 5/3, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày.
uss4
Tàu USS Carl Vinson đậu tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm thứ hai, ngày 5/3/2018. AP
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm cảng Việt Nam kể từ sau cuộc chiến giữa hai nước hơn 40 năm về trước.
Đi cùng tàu USS Carl Vinson là tàu tuần dương US Lake Champlain và khu trục USS Wayne E. Meyer, với hơn 5.000 thủy thủ.
Trong thời gian ở thăm, các thủy thủ của tàu Mỹ sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương bao gồm thăm quan, biểu diễn văn nghệ và trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về hỗ trợ ứng phó thảm họa, phòng cháy chữa cháy.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ra tuyên bố nói rằng chuyến thăm của tàu Carl Vison đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và mạnh mẽ.
Đây là chuyến thăm đã được Bộ trưởng quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 năm nay của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis.
Các hãng tin quốc tế hôm nay cũng đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Việt Nam.
Hãng tin Reuters đánh giá chuyến thăm đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, đồng thời cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Reuters trích nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết trước đó, những đặc phái viên của Việt Nam đã phải mất nhiều tháng trời thuyết phục người láng giềng Trung Quốc về chuyến thăm này và triển vọng quan hệ hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng chuyến thăm có thể làm Trung Quốc khó chịu nhưng Bắc Kinh sẽ không làm cho điều này thành quá nghiêm trọng. Ông nói Trung Quốc hiểu được mối quan hệ Mỹ Việt Nam do tác động của hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam không thể theo Mỹ mà thách thức Trung Quốc.
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam.
Việc Trung Quốc gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Tàu chiến của Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực như đi gần các đảo mà Trung Quốc xây lấp.
Một số các nhà bình luận Trung Quốc gần đây cũng lên tiếng về chuyến thăm của tàu Carl Vinson, coi sự hiện diện của tàu ở khu vực Biển Đông và nhất là đến thăm Việt Nam đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tỏ ra khá im lặng kể từ khi chuyến thăm được chính thức công bố vào tháng 1 vừa qua.

*********************

Đón hàng không mẫu hạm Mỹ, Việt Nam đi dây giữa Washington và Bắc Kinh (RFI, 05/03/2018)
Sự kiện Đà Nẵng đón hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson hôm nay, 05/03/2018 vừa được coi là một biểu tượng mạnh trong quan hệ chiến lược Việt-Mỹ, vừa cho thấy tính phức tạp trong quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
uss5
Tàu USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2018. Reuters/Kham
Hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hai tàu hộ tống với trên dưới 6.000 thủy thủ, phi công... "đổ bộ" vào Đà Nẵng, cảng nằm không xa đảo Cá Voi Xanh nơi tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ đang khai thác và nhất là sát cạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh chắc chắn là theo dõi sát các hoạt động của USS Carl Vinson trong 5 ngày chiếc tàu neo đậu tại Đà Nẵng.
Theo một số các nguồn tin thông thạo được hãng tin Reuters trích dẫn, để trấn an Trung Quốc, từ nhiều tháng qua Hà Nội đã điều các chuyên gia đến Bắc Kinh để giải thích với nước láng giềng phương Bắc về triển vọng tăng cường hợp tác Việt-Mỹ. Các giới chức ngoại giao và quân sự Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại độc lập của Hà Nội và mong muốn mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì mối bang giao ổn định với Bắc Kinh, bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông.
Cần nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ hiện diện trong vùng Biển Đông. Từ đầu năm 2018, trước khi ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiếc Carl Vinson đã ghé cảng Manila vào giữa tháng 2/2018. Phó đề đốc, chỉ huy hải đội tác chiến Carl Vinson John Fuller, trong cuộc họp báo tại Philippines khi đó, đã nhấn mạnh đến "một sự hiện diện có trọng lượng" của Hải Quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Đấy là những nơi đang có tranh chấp chủ quyền, mà Việt Nam là một trong những bên liên quan.
Tại Bắc Kinh, một số chuyên gia cho rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc là yếu tố để quốc gia Bắc Á này tăng tốc các chương trình xây dựng tại vùng biển mà Trung Quốc đã xem là ao nhà. Dù vậy, về mặt chính thức, từ khi hay tin chiếc USS Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng, Bắc Kinh tỏ ra chừng mực. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng giao lưu Mỹ-Việt "mang tính xây dựng".
Trên thực tế, theo như ghi nhận của một chuyên gia về an ninh quốc phòng tại đại học Lĩnh Nam - Hồng Kông, được Reuters trích dẫn, Bắc Kinh giờ đây hiểu rõ hơn chính sách của Hà Nội cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Vẫn theo chuyên gia này, "ngành ngoại giao của Việt Nam đã thành công trong mục đích trấn an Bắc Kinh". Trong mắt nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc việc Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, Trung Quốc biết chắc là Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng sẽ không dám thách thức Bắc Kinh.
Sau cùng, cũng có ý kiến cho rằng, thái độ chừng mực của Trung Quốc trước việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Đà Nẵng có thể cho thấy là Bắc Kinh chấp nhận việc Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, với điều kiện là sự hiện diện đó "góp phần xây dựng hòa bình và ổn định khu vực" như chính phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng tuyên bố.

Thanh Hà

**********************
Tàu sân bay Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng (BBC, 05/03/2018)
Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến VN kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, đánh dấu mối quan hệ chiến lược giữa hai nước từng là kẻ thù, vào thời điểm ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc đang gia tăng, theo Reuters.
uss6
Bản quyền hình ảnh Reuters/KHAMImage captionHàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào vịnh Đà Nẵng trưa 5/3
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được nhìn thấy vào sáng thứ Hai 5/3 tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Đà Nẵng, nơi tàu sân bay có lượng giãn nước 103.000 tấn và hai tàu khác của Hoa Kỳ bắt đầu chuyến thăm năm ngày..
'Chuyến thăm lịch sử'
Sự xuất hiện của USS Carl Vinson đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1975 - nhưng cũng minh hoạ cho mối quan hệ phức tạp và tiến triển của Hà Nội với Bắc Kinh đối với khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Việt Nam đã nỗ lực hàng tháng trời để làm dịu bớt mối lo ngại của người láng giềng Trung Quốc đối với chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson và triển vọng hợp tác an ninh tăng cường giữa Hà Nội và Washington.
Các tàu sân bay Hoa Kỳ thường xuyên qua lại trên Biển Đông trong một đợt triển khai hải quân tăng cường, và hiện nằm trong sự theo dõi của các tàu hải quân Trung Quốc, giới chức hải quân khu vực cho hay.
Việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng trong quần đảo Trường Sa khiến Việt Nam và chính phủ các nước trong khu vực lo ngại khi nước này tìm cách thực thi tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các khu vực đường thủy đang tranh chấp, nơi hàng trăm nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.
Mặc dù không có tàu sân bay Mỹ nào đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc nhưng các tàu chiến nhỏ khác của Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao khi mối quan hệ được cải thiện trong những năm gần đây.
Các chuyến thăm nói trên bao gồm chuyến thăm 2016 của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục USS John S. McCain tới vịnh Cam Ranh, một khu hậu cần quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.
Một ban nhạc hải quân Hoa Kỳ sẽ trình diễn hòa nhạc tại Đà Nẵng trong chuyến viếng thăm của tàu Vinson, và thuỷ thủ từ tàu sân bay dự kiến sẽ tới thăm một trung tâm điều trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson sẽ neo đậu tại thành phố cảng Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, khiến nơi đây trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng cao.
Cuộc viếng thăm này nhằm minh chứng cho mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Việt Nam và Hoa Kỳ.
'Thông điệp tới Trung Quốc'
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc này chắc chắn sẽ gửi một thông điệp tới Trung Quốc khi nước này tiếp tục bành trướng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Phóng viên BBC Jonathan Head hiện đang có mặt tại Đà Nẵng, cho biết mặc dù hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển nhưng vẫn còn hạn chế, và Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ thông điệp của chuyến thăm này.
Trung Quốc hiện là một siêu cường trong khu vực và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Vì vậy, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang rất thận trọng để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây bất lợi cho mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình, phóng viên Jonathan Head của BBC bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và hòn đảo mà một số quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoa Kỳ luôn tuyên bố không can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã liên tục có các hoạt động "tự do hàng hải" tại các vùng biển đang tranh chấp, một thách thức rõ ràng đối với các tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu USS Carl Vinson đã thực hiện nhiều chuyến đi đến khu vực rộng lớn hơn trong hàng thập niên qua.
Đà Nẵng là căn cứ quân sự chính của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Việc hàng không mẫu hạm Mỹ, có thể mang tới 90 máy bay, cập cảng Đà Nẵng, sẽ đại diện cho sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh và sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975.
Chiến tranh Việt Nam - cái mà Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ - kéo dài và đẫm máu. Chính phủ Việt Nam ước tính hàng triệu người, cả dân thường và lính Cộng sản, đều bị giết. Chỉ hơn 58.000 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến.