Nước Pháp lạnh nhạt tiếp Nguyễn Phú Trọng (Xã luận-Nguyễn Gia Kiểng)

Tối hôm 26/03, vẫn chưa thấy thông báo một cuộc tiếp xúc quan trọng nào. Ngày mai ông sẽ rời Pháp để sang thăm Cuba. Điều đầu tiên đáng nói và đáng chú ý là cuộc thăm viếng này đã không gây được sự chú ý nào. Nó âm thầm và lặng lẽ một cách lạ thường.

 Xã luận
Hôm chủ nhật 25/03/2018, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã đến Paris cùng với một phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức ở mức độ quốc gia. Tối hôm 26/03, vẫn chưa thấy thông báo một cuộc tiếp xúc quan trọng nào. Ngày mai ông sẽ rời Pháp để sang thăm Cuba. Điều đầu tiên đáng nói và đáng chú ý là cuộc thăm viếng này đã không gây được sự chú ý nào. Nó âm thầm và lặng lẽ một cách lạ thường.
Không phải vì chính quyền Việt Nam có lý do gì để coi cuộc thăm viếng này là không quan trọng và muốn nó diễn ra một cách kín đáo. Ông Nguyễn Phú Trọng đã đem theo một phái đoàn rất hùng hậu, với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, bà Tòng Thị Phóng, phó chủ tịch thường trực quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung Ương Đảng, ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và ba bộ trưởng.
Báo chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã thông báo, đánh giá cuộc thăm viếng này là quan trọng, quan hệ Việt Pháp là tốt đẹp. Tuy vậy đã không có một cơ quan truyền thông Pháp nào -một đài truyền thanh, truyền hình hay một tờ báo, báo giấy hay báo mạng- nói tới cuộc thăm viếng này dù là một cách qua loa. Ngay trong ngày phái đoàn ông Trọng tới Paris tin duy nhất mà Thông Tấn Xã Pháp (AFP) thông báo liên quan tới Việt Nam là một đám cháy tại Sài Gòn làm 13 người thiệt mạng.
Một ngoại lệ là tờ báo L'Humanité của Đảng cộng sản Pháp. Tờ báo này có loan tin, nhưng chỉ có tác dụng làm cho chuyến thăm buồn hơn. L'Humanité là một tờ báo đang hấp hối của một Đảng cộng sản Pháp đang chết. Tờ báo chỉ còn sống thoi thóp nhờ tài trợ của chính quyền Pháp, còn Đảng cộng sản Pháp đã không dám có ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử gần đây nhất, sau khi chỉ được 1,2% trong cuộc bầu cử trước đó.
Ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn tới Paris vào ngày chủ nhật. Chắc chắn đây là một sự dàn xếp để khỏi phải giải thích tại sao không có nhân vật cao cấp nào của chính phủ Pháp ra đón tiếp cả. Phải nói sự rẻ rúng mà chính quyền, báo chí và dư luận Pháp dành cho ông Trọng đã vượt mọi giới hạn, nhất là khi chính quyền cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng chuyến công du chính thức này cũng là để long trọng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Không biết ông Trọng và các cộng sự viên đi cùng có ý thức được sự thực đáng buồn này và rút ra những suy nghĩ đúng đắn cho tương lai hay không.
Lý do đầu tiên của sự lạnh nhạt này là chính quyền Pháp không cần và cũng không muốn có cuộc thăm viếng này. Trái với điều nhiều người có thể nghĩ, quan hệ Việt Pháp không quan trọng. Trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ là 5 tỷ USD, sấp sỉ bằng 10% trao đổi của Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu, hay 1,2% ngoại thương của Việt Nam, và không có hy vọng cải tiến vì Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách và nợ nần một cách báo động. Ngân sách hợp tác văn hóa của Pháp dành cho Việt Nam cũng chỉ là con số khiêm tốn 6 triệu USD. Pháp lại càng không có lý do để hân hoan tiếp đón ông Trọng vì thành tích quá tồi tệ về nhân quyền ngay trong lúc này của chế độ cộng sản Việt Nam.
Mặc dù sự lạnh nhạt khinh bỉ này ông Trọng vẫn đến Paris vì chính quyền cộng sản Việt Nam cần Pháp. Họ rất cần hoàn tất thỏa ước thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) được dự trù trong năm nay và mong được Pháp yểm trợ. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay -hơi trội hơn cả Hoa Kỳ về tổng số xuất nhập khẩu- và còn nhiều tiềm năng. Không có gì là quá đáng nếu nói Châu Âu đang là phao cứu của kinh tế Việt Nam vào lúc Donald Trump đang đòi giảm bớt khối thâm thủng mậu dịch. Nhưng ông Trọng và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thất vọng lớn. Pháp không muốn và cũng không thể giúp họ.
Dĩ nhiên là Châu Âu muốn tăng cường sự hiện diện và trọng lượng kinh tế trong vùng Thái Bình Dương và Việt Nam, với dân số và vị trí chiến lược, có thể là một đầu cầu tốt, nhưng đây chưa phải là quan tâm lớn của Châu Âu trong lúc này. Quan tâm chính của Châu Âu trong lúc này là củng cố nội bộ để tồn tại sau khi nước Anh ly khai, kế đến là đương đầu với chế độ mafia của Putin tại Nga, rồi những bất ngờ từ Donald Trump.
Vả lại, điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được là Việt Nam không thể hợp tác một cách lành mạnh với Châu Âu, chưa nói tới khả năng làm đầu cầu cho Châu Âu tại khu vực Thái Bình Dương. Đức là nước có ảnh hưởng áp đảo trong Liên Hiệp Châu Âu -vừa do trọng lượng kinh tế vượt trội của chính mình vừa do sự hỗ trợ của nhiều nước khác- cũng chính là nước đang muốn trừng trị chế độ cộng sản Việt Nam. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi lại dùng ngôn ngữ lưỡi gỗ để nói rằng ông này đã tự nguyện về nước đầu thú, đã biến chế độ cộng sản Việt Nam thành một chế độ côn đồ trước mắt Liên Hiệp Châu Âu.
Trong cơn mê muội ông Trọng và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã không ý thức được rằng họ vừa gây ra một đổ vỡ không thể hàn gắn. Nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu là nhân quyền và nhà nước pháp trị, nếu coi thường những giá trị này thì Liên Hiệp Châu Âu không còn lý do tồn tại. Với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những vụ bắt giam và xử án thô bạo những người dân chủ gần đây chính quyền cộng sản Việt Nam đã khiến Châu Âu không thể hợp tác hữu nghị với Việt Nam ngay cả nếu muốn. Dưới mắt người Châu Âu -và mọi người văn minh- việc xử án 9 và 10 năm tù hai phụ nữ trẻ có con thơ chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình không chỉ thô bạo mà còn hèn hạ, dơ bẩn.
Tổng thống Macron không có lý do gì để giúp chính quyền cộng sản Việt Nam nhưng dù muốn ông cũng không thể làm gì khác ngoài hỏi ông Trọng có những cam kết nào về nhân quyền để ông thuật lại với Đức và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Trọng sẽ cần rất nhiều khả năng thuyết phục, một khả năng mà người ta có quyền ngờ vực nơi ông, nhất là khi ông lại đi thăm Cuba ngay khi rời Pháp, như để khẳng định với Pháp và Châu Âu sự ràng buộc thắm thiết của ông với những chế độ hung bạo. Có mọi triển vọng chuyến công du này sẽ không chỉ bẽ bàng mà còn vô ích.
Điều mà ông Trọng và ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần ý thức và quan tâm hơn cả thái độ lạnh nhạt của chính quyền Pháp là sự lãnh đạm rẻ rúng của báo chí và dư luận Pháp và Châu Âu. Không một người lãnh đạo quốc gia nào, dù chỉ công du với một đoàn tháp tùng nhỏ, bị coi thường như thế. Lý do là vì người ta không còn quan tâm tới nước ta nữa, và đây là điều đáng buồn cho mọi người Việt Nam.
Chúng ta không còn gì đáng để ý. Không một thành tựu khoa học kỹ thuật, không một công ty tầm vóc quốc tế, không một tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng không có ngay cả một thành tích thể thao được thế giới biết đến ; đã thế còn nghèo khổ, thiếu ngay cả những quyền làm người cơ bản, và vẫn còn phải chịu đựng một chính quyền hung bạo cố bám vào một chủ nghĩa đã bị thế giới văn minh đánh giá là ác độc để tiếp tục thống trị như một lực lượng chiếm đóng.
Chúng ta đã trở thành một dân tộc không đáng kể. Đó là thành tích chính của Đảng cộng sản Việt Nam, thành tích mà các thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi.
Nguyễn Gia Kiểng
(26/03/2018)